Đại dịch chưa qua, lại lo thiên tai mưa bão

mai hoàng |

Chỉ sau 4 tháng tính từ ngày đầu tiên của năm 2020 cho đến ngày cuối cùng của tháng 4.2020, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 3 triệu người nhiễm bệnh. Cơn bão dịch bệnh chưa qua thì người dân cả nước lại không khỏi lo lắng trước những diễn biến bất thường của thời tiết khí hậu với những dấu hiệu dường như đang báo hiệu một mùa mưa - bão - lũ đầy khốc liệt và phức tạp.

1. Ngay trong thời điểm đại dịch COVID-19 đang hoành hành ở khắp các châu lục, ngày 1.4.2020, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã có Công hàm gửi tới tất cả quốc gia thành viên. Trong đó, công hàm nhấn mạnh về tình hình khủng hoảng y tế do dịch bệnh COVID-19 gây ra trên toàn cầu và các nước cần đặc biệt cảnh giác với các nguy cơ khí tượng thủy văn như mưa, lũ, bão, áp thấp; các thảm họa liên quan tới biến đổi khí hậu và thời tiết tiếp tục diễn ra. Điều này có thể làm gia tăng nguy nhiều thiên tai xảy ra ở cùng một nước... đồng thời đề nghị Chính phủ các nước cần quan tâm đến năng lực quan sát dự báo thời tiết và cảnh báo sớm, bên cạnh việc ứng phó với khủng hoảng COVID-19. Theo báo cáo của WMO, nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức kỷ lục cao nhất trong giai đoạn 2010-2019. Đây là năm thứ 5 liên tiếp thế giới có nền nhiệt cao nhất trong 140 năm qua.

Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office), năm 2020 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu tăng có thể tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, kéo dài số năm ấm nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa (từ năm 2015), kèm theo đó là tính bất ổn định cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu, khu vực. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai năm 2020 sẽ khốc liệt, khó lường.

Thực tế ở Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường như mưa to kèm dông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh phía Bắc vào các thời điểm rất hiếm khi, thậm chí chưa từng xảy ra; hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở Nam Bộ, Trung Bộ... Điều này đã thể hiện tính chất phức tạp của thiên tai khí tượng thủy văn (KTTV). Các dấu hiệu về hoạt động của ENSO và dự báo hạn dài về hoàn lưu khí quyển khí quyển cho thấy khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện nhiều cơn bão rất mạnh trong năm 2020 này.

Giáo sư Trần Hồng Thái - Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV - cho biết: “Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu nên thiên tai có diễn biến bất thường, không chỉ xảy ra trong mùa mưa bão và còn diễn ra quanh năm, ngay cả trong những tháng được xem là hiếm có thiên tai như trước đây. Chính vì vậy, toàn ngành KTTV cũng phải chuyển đổi, công tác chuẩn bị và triển khai hệ thống dự báo KTTV quốc gia phải thường xuyên, liên tục, không chỉ chờ đến mùa mưa bão mới chuẩn bị”.

2. Với bối cảnh nóng lên toàn cầu như đang xảy ra, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cũng đã có những nhận định xa về dự báo từ nay đến hết năm 2020: Nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc từ đầu năm đến nay đều cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 1-2.5 độ C, có nơi cao hơn đến 3 độ C. Dự báo: Nhiệt độ trung bình từ tháng 5-10.2020 trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0 độ C.

Dự báo các đợt nắng nóng có khả năng tập trung từ tháng 5-6 ở Bắc Bộ, từ tháng 5-8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ. Nhận định các đợt nắng nóng năm nay vẫn có khả năng xảy ra có cường độ gay gắt. Mùa bão năm 2020 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với TBNN.

Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2020 có khả năng ở mức xấp xỉ so với TBNN. Cụ thể, sẽ có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông và khoảng 5-6 cơn trong số đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cao điểm của mùa bão năm 2020...

Các dấu hiệu về hoạt động của ENSO (từ ghép của El Nino - hiện tượng nóng lên không bình thường của lớp nước mặt vùng biển phía đông xích đạo Thái Bình Dương; La Nina - hiện tượng lạnh đi không bình thường của lớp nước mặt vùng biển phía đông xích đạo Thái Bình Dương) và dự báo hạn dài về hoàn lưu khí quyển khí quyển cho thấy khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện nhiều cơn bão rất mạnh trong năm 2020 này.

3. Cũng theo Giáo sư Trần Hồng Thái, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, toàn ngành KTTV đã chuyển sang hình thức tác nghiệp từ xa ngay từ đầu năm 2020 để chủ động ứng phó với đại dịch COVID-19.

Các hoạt động nào đó có thể tạm dừng nhưng Hệ thống dự báo KTTV quốc gia thì không, cho dù triển khai dưới hình thức nào thì vẫn phải đảm bảo thực hiện bản tin thời tiết hàng ngày, cảnh báo sớm thiên tai phục vụ công tác phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội. Không những thế, ngành KTTV còn bổ sung, tăng cường các dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn, các bản tin chuyên đề theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương.

Tổng cục KTTV đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo tất cả đơn vị trong hệ thống dự báo quốc gia thực hiện đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm công tác dự báo phòng, chống thiên tai năm 2019, rà soát hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, các quy định, quy trình kỹ thuật dự báo... trên cơ sở đó  cập nhật, bổ sung phương án tác nghiệp trong năm 2020 sát với tình hình thực tế, có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu...

Hiện nay đã bước vào tháng 5, mùa mưa bão năm 2020 với những dự báo thời tiết có nhiều diễn biến bất thường nên cần đặc biệt đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, nắng nóng gay gắt, bão mạnh; mưa lớn tập trung với cường độ mạnh trong thời gian ngắn gây ngập úng cục bộ tại các đô thị, vùng trũng thấp; lũ lớn, lũ muộn... Đặc biệt, dưới tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí hậu và KTTV không còn tuân theo qui luật, có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi.

Ngoài sự chủ động của hệ thống dự báo KTTV quốc gia nhằm đảm bảo theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến về KTTV, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý về thiên tai và người dân trên mọi miền tổ quốc thì các cơ quan quản lý và người dân cần thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan KTTV.

Mặt khác, do thiên tai có xu hướng không chỉ gia tăng về tần suất, phạm vi ảnh hưởng, mà còn cả về cường độ. Nên các cơ quan quản lý và phòng, chống thiên tai cũng cần rà soát, đánh giá và điều chỉnh lại các phương án phòng, chống để có thể ứng phó kịp thời trước diễn biến bất thường của các thiên tai có nguồn gốc KTTV. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đi cùng giải pháp phòng tránh.

Điều đáng lo ngại là mùa mưa bão đang đến gần khi mà đại dịch COVID-19 vẫn còn là nguy đối với chúng ta. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần sẵn sàng phương án xấu nhất, vừa chống lại dịch bệnh vừa đảm bảo an toàn cho người dân khi có bão, lũ. Cần phải tính đến phương án phải sơ tán dân tập trung đến nơi an toàn khi có bão đồng thời tránh được nguy cơ lây lan của đại dịch.

Để có thể làm tốt công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh ứng phó với đại dịch và biến đổi khí hậu, cần sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền, các ngành đoàn thể và chính mỗi người dân ở từng địa bàn dân cư, xóm, bản ở khắp đất nước. Hơn lúc nào hết, tinh thần chống “giặc dịch bệnh” hay “giặc thiên tai” cần được kích hoạt trong cả hệ thống mọi lúc, mọi nơi. Với tinh thần chủ động như vậy, hy vọng cả đất nước lại tiếp tục chung sức vượt qua mọi thách thức của giai đoạn khó khăn này.

Cần đặc biệt đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, nắng nóng gay gắt, bão mạnh; mưa lớn tập trung với cường độ mạnh trong thời gian ngắn gây ngập úng cục bộ tại các đô thị, vùng trũng thấp; lũ lớn, lũ muộn... Đặc biệt, dưới tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí hậu và KTTV không còn tuân theo qui luật, có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi.

mai hoàng
TIN LIÊN QUAN

Chuyện dở khóc, dở cười của những người chăm sóc thú cưng ngày Tết

PHẠM ĐÔNG - THU HIỀN |

Khi Tết đến xuân về, mọi người được quây quần bên gia đình thì những người chăm sóc thú cưng vẫn phải làm luôn chân, quanh quẩn bên những chú chó, mèo. Cũng từ đây đã xuất hiện những câu chuyện thú vị, hài hước và cảm động.

VPF lên tiếng về tranh cãi quảng bá tài trợ của Hoàng Anh Gia Lai

AN NGUYÊN |

Ông Nguyễn Minh Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có những chia sẻ xoay quanh tranh cãi về việc quảng bá cho tài nhà trợ của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai tại V.League 2023.

Ngư dân Quảng Nam đón giao thừa trên biển: Nhớ nhà, nhớ con lắm chứ

Nguyễn Linh |

Những ngày cận tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các ngư dân Quảng Nam hối hả chuyển lương thực, nước uống xuống tàu để chuẩn bị một chuyến vươn khơi xuyên Tết.

Kỳ vọng về những thay đổi trong chính sách bán lẻ xăng dầu

Anh Tuấn |

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dự báo 2023 sẽ là năm tiếp tục khó khăn với thị trường xăng dầu nên chúng ta cần có giải pháp ứng phó mang tính dài hạn và bền vững để tránh những cú sốc cho nền kinh tế. Trong đó, mấu chốt là cần phải thay đổi những chính sách bán lẻ xăng dầu.

Đề xuất sửa đổi một số thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip

Việt Dũng |

Trong dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Công an đã đề xuất thay đổi một số thông tin trên mặt trước và mặt sau của thẻ căn cước.

Dàn sao Việt trải lòng trước thềm năm mới Quý Mão 2023

DI PY |

Chỉ còn một ngày nữa là bước sang năm Quý Mão 2023. Trong không khí rộn ràng của những ngày Tết đến Xuân về, dàn sao Việt đã tạm gác lại những công việc bận rộn để về với tổ ấm gia đình và có những trải lòng về một năm qua.

Loạt cửa hàng ăn uống tại TPHCM phục vụ xuyên Tết

NGỌC LÊ |

TPHCM - Thời điểm này, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ tại TPHCM đã bắt đầu nghỉ bán. Tuy nhiên, một số quán cà phê, quán kinh doanh đồ ăn thức uống ở thành phố vẫn mở bán xuyên Tết để phục vụ khách du xuân.

Nhìn lại một số phóng sự điều tra đa phương tiện trên Lao Động năm 2022

BÙI THƠM - TÙNG GIANG |

Năm 2022, sau hơn 3 năm Báo Lao Động đẩy mạnh phát triển các sản phẩm báo chí đa phương tiện, nhiều loạt phóng sự điều tra hoàn toàn bằng video đã để lại dấu ấn đáng nhớ. PV Lao Động đã nhập vai thành nhiều nhân vật, thâm nhập và phanh phui những câu chuyện mặt trái của xã hội. Sau mỗi loạt bài lên trang, nhiều Bộ ngành đã vào cuộc xử lý, tạo hiệu ứng xã hội tốt.