Cuốn sách dành cho tầng lớp ưu tú 2.500 năm qua

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp) |

“Đạo đức kinh” là một trong những tác phẩm cổ điển quan trọng nhất lịch sử văn hóa nhân loại. Hàng nghìn năm qua, đã có rất nhiều học giả nghiên cứu, viết sách bình luận về quyển sách nhỏ này. Hiện nay đã có hơn 60 bản dịch Anh ngữ, hơn 50 bản dịch Pháp ngữ và nhiều bản dịch ra các ngôn ngữ khác.

Ở Việt Nam hiện nay cũng có đến 4, 5 bản dịch Việt ngữ. Tuy nhiên, phần lớn độc giả không được đọc thẳng vào văn bản mà chỉ đọc lời bàn của các dịch giả. Có lẽ vì thế nên nhiều người hiểu sai về “Đạo đức kinh”. “Đạo đức kinh” là một thi phẩm với các câu thơ ngắn gọn, thường có vần và nhịp điệu để tạo hứng thú cho người đọc. Quyển sách bao gồm 81 chương được chia thành hai phần chính: Đạo kinh và Đức kinh, chứa đựng những kinh nghiệm của cổ nhân mà người đọc đã quen thuộc qua những câu thành ngữ, tục ngữ thường ngày. Độc giả sẽ tìm lại được phần cơ sở tư tưởng mà mình từng được học qua thơ văn, sách vở Việt Nam một cách sâu sắc nhất.

Tư tưởng “Đạo đức kinh” thật đơn giản nhưng thâm sâu vi tế. Vì thế, người xưa thường dùng cụm từ “ngoại vương nội thánh” để kết luận về nội dung của “Đạo đức kinh”: Đó là cái học của vương hầu, quân tử khi ra ngoài và cũng là cái học của bậc thánh nhân khi lui về.

Phiên bản “Đạo đức kinh” này được trình bày bằng 3 thứ tiếng: Hán, Việt, Anh; dịch dựa trên văn bản cổ nhất hiện nay được khai quật vào cuối năm 1973, trong ngôi cổ mộ của viên thái thú Trường Sa thời nhà Hán được chôn vào năm 168 TCN ở thôn Mã Vương Đôi, Hà Nam, Trung Quốc.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc chia sẻ của dịch giả Vũ Thế Ngọc.

TÁC GIẢ VÀ VĂN BẢN MÃ VƯƠNG ĐÔI

Triết lý tam giáo Khổng - Lão - Phật đã tạo nên lối sống của con người Á Đông - một lối sống hài hòa, đơn giản và từ ái. Con người Á Đông không cuồng tín. Họ chấp nhận mâu thuẫn và kết hợp hài hòa các luồng tư tưởng triết lý. Tuy sống trong trật tự xã hội và tuân theo những luân lý của Nho gia, nhưng họ cũng có thể dễ dàng thản nhiên rũ bỏ tất cả những thứ bậc, lề lối này để sống đơn giản, tự do, tiêu dao cùng đất trời theo Lão giáo. Và dù sống trong hoàn cảnh nào, họ vẫn tin vào nghiệp báo luân hồi của nhà Phật, nên luôn chứa chan lòng từ bi với từng nhành cây, cọng cỏ.

Tinh thần tổng hợp tam giáo càng đi về phương Nam càng nảy nở và phát triển. Phần vì phương Nam ấm áp, tính khí người phương Nam cũng nồng nhiệt hơn người phương Bắc vốn quen sống cô độc trên thảo nguyên, lạnh lùng giữa băng tuyết. Phương Nam là vùng đất nhiều sông ngòi nên con người cũng uyển chuyển, mềm mại hơn. Đây cũng là nơi có nhiều chủng tộc, sắc thái văn hóa nên cuộc sống cũng bắt buộc phải linh động và hài hòa. Vì thế, nếu tinh thần tam giáo phát triển thành lối sống của người Đông Á trải dài từ miền Bắc Trung Quốc qua Triều Tiên đến tận hải đảo Nhật Bản thì khi xuôi xuống Việt Nam, tinh thần này không chỉ là một lối sống mà còn trở thành quốc giáo, là lý thuyết chính trị một thời của đất nước. Cho nên, trải qua muôn ngàn thiên tai, địch họa, người Việt Nam vẫn tha thiết yêu đời, yêu người, sống hài hòa, không hận thù, không cuồng tín.

Tại Trung Quốc, từ lâu, tuyệt đại đa số các triều đại vẫn tôn sùng Nho giáo. Nho giáo luôn được coi là chính thống. Kinh sách Phật, Lão luôn luôn chỉ là ngoại thư. Các trường lớp chính thức chỉ dạy các tư tưởng Nho gia và các cuộc thi đều chỉ dựa trên kinh sách Nho giáo. Trái lại, các khoa thi đầu tiên của Việt Nam thời tự chủ sau hơn ngàn năm Bắc thuộc là các khoa thi tam giáo. Các vị vua đầu tiên và các đại thần trong triều cũng thường trưởng thành từ cửa Phật. Một thiền sư Việt Nam đã từng khẳng định tinh thần “vô vi” trong lý thuyết chính trị riêng biệt của Việt Nam, đối lập với “hữu vi” nhân trị của Nho giáo phương Bắc: “Quốc tộ như đằng lạc/ Nam thiên lý thái bình/ Vô vi cư điện các/ Xứ xứ tức đao binh”. Cho đến nhà Trần, vua Trần Thái Tông (1218-1277), vị vua sáng lập triều Trần cũng đưa ra một lý thuyết tổng hợp: “Phật - Thánh phân công” để xây dựng đất nước và phát triển xã hội. Vì vậy, nói tinh thần tam giáo được tổng hợp toàn diện ở Việt Nam thì không hề vu khoát và càng không phải là nhận định chủ quan của tinh thần tự hào dân tộc hẹp hòi. Triết lý tam giáo không chỉ tạo thành một lý thuyết chính trị mà còn là nền tảng tâm linh của người Việt.

Vì đặc thù lịch sử và vị trí địa lý đặc biệt, Việt Nam đã là chiến trường của nhiều cuộc chiến. Nhưng sau chiến tranh, người dân Việt Nam rất chóng quên đi thù hận và kỳ thị để tiếp tục cuộc sống hiếu hòa muôn thuở. Có lẽ trừ Việt Nam, chưa nơi nào trên thế giới chỉ vài năm sau các cuộc chiến chống xâm lược mà một người lính cựu thù có thể đi lại an toàn và sinh sống tự do ở đất nước mà họ vừa bị đánh đuổi. Truyền thống hiếu hòa từ ái và dễ thông cảm của người Việt chúng ta rất đáng được trân trọng, duy trì và hãnh diện. Đặc biệt là trước tình trạng các xung đột chủng tộc, tôn giáo đang bùng nổ trên toàn cầu. Truyền thống này còn là một gương sáng cho nhiều quốc gia, dân tộc khác.

Trong tương lai, Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải. Con người và trái đất đang bị hủy hoại. Đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà là vấn đề chung của toàn thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Ngày nay, trên thế giới đang có rất nhiều người bị cuốn vào guồng máy thị trường và bị ám ảnh bởi nền văn hóa tiêu thụ. Mặc dù mọi người đã có ý thức ít nhiều về thực trạng nhiễm độc của đồng ruộng, núi sông và khủng hoảng tài nguyên thiên nhiên, nhưng rất ít người thấy rằng chính bản chất con người đang bị “phá sản”. Cá nhân người viết, là một người làm công tác khoa học, sau những năm làm việc và học hỏi về các sách lược phát triển khoa học tiên tiến, nhưng cuối cùng không thể bỏ qua “Đạo đức kinh”, một tác phẩm huyền học cổ điển quen thuộc, dường như đã chứa đựng sẵn câu trả lời cho các vấn nạn của thời đại.

Hơn 2.500 năm trước, khi thế giới còn rộng lớn, khi con người còn chất phác, Lão Tử đã kêu gọi mọi người trở về với lối sống đơn giản mộc mạc, hài hòa với thiên nhiên. Trước thực tế ngày nay, những lời kêu gọi này càng có ý nghĩa và thêm phần khẩn thiết. Chính vì thế, “Đạo đức kinh” càng ngày càng được nhiều độc giả trên khắp thế giới Âu - Mỹ tìm đọc.

Nhiều người có thái độ sai lầm về “Đạo đức kinh”, cho rằng đây là loại sách của một ông đạo lỡ thời hay của bọn làm nghề bói toán nhảm nhí. Trái với cao trào trí thức Âu - Mỹ đang tìm về phương Đông, hiện nay có rất ít trí thức trẻ Việt Nam tìm đọc “Đạo đức kinh”. Đây cũng là một trong những lý do khiến chúng ta than vãn về một nền giáo dục chỉ đào tạo chuyên viên mà thiếu vắng trí thức ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia Đông phương khác. Sự thực, “Đạo đức kinh” phải là cuốn sách gối đầu giường của các nhà lãnh đạo mọi cấp, mọi ngành. Nếu thấm nhuần tư tưởng của “Đạo đức kinh”, người lãnh đạo quốc gia hay công ty, doanh nghiệp sẽ hiểu mình, hiểu người, thoải mái và yêu đời hơn. Tri thức nội tại của Đạo đức kinh sẽ giúp họ nhìn rõ bản sắc của nền văn hóa truyền thống trước trào lưu Tây phương hóa. Vì thế, họ sẽ nhìn nhận sự việc rõ ràng hơn, làm được nhiều điều ơn ích hơn nữa. Và quan trọng nhất là đối trị được căn bệnh trầm kha của thời đại: Vong bản và tha hóa.

Tác giả viết “Đạo đức kinh” chủ yếu để dành cho giới ưu tú đọc (vương hầu, quân tử, thánh nhân). “Đạo đức kinh” là sách dạy lối sống cao thượng và thuật quản trị cho tầng lớp lãnh đạo ngày xưa. “Đạo đức kinh” muốn giúp người lãnh đạo trở thành một kiến trúc sư tài năng, một người lãnh đạo đúng nghĩa. Thay vì phải chạy theo hoàn cảnh và làm việc theo quán tính, cần phải có thị kiến sâu xa để xây dựng được các kiến trúc phản ánh được chiều kích tâm linh, hài hòa với không gian và vạn vật, phù hợp với nhu cầu con người và xã hội trong hiện tại và cả trong tương lai.

“Đạo đức kinh” rất ngắn gọn, chỉ chừng 5.000 chữ, là một tác phẩm góp phần xây dựng một lối sống hiền hòa đơn giản, một truyền thống đạo lý từ ái và một nhân cách cao thượng. Đó là những di sản cao quý mà chúng ta đang mất dần.

Theo Tư Mã Thiên trong sách “Sử Ký”, tác giả “Đạo đức kinh” là người nước Sở, sống cùng thời nhưng lớn tuổi hơn Khổng Tử (551 - 479 TCN). Tiểu sử của tác giả cho đến nay vẫn chưa ai biết rõ. Sau hơn 2.000 năm tranh luận, các nhà nghiên cứu cũng không đưa ra kết luận nào có tính thuyết phục. Người viết ở đây gọi ông là Lão Tử (vị thầy già) là theo thói quen ngàn xưa. Lão Tử sống trong thời Chiến Quốc. Đây là giai đoạn chiến tranh kéo dài hàng trăm năm giữa nhiều thế lực cổ đại Trung Hoa. Cõ lẽ các tư tưởng từ chối bạo lực, không can thiệp, vô tranh, vô vi, bất thượng hiền, trở về với thiên nhiên, với đời sống đơn giản... chính là những gì ông chiêm nghiệm, đề giải sau khi chứng kiến biết bao những cảnh hỗn loạn, khủng bố, trá ngụy, biến động của xã hội bấy giờ.

Từ cả ngàn năm nay, có nhiều văn bản “Đạo đức kinh” khác nhau. Tuyệt đại các chú giải “Đạo đức kinh” thường dựa theo bản Vương Bật có kèm theo lời chú giải của Vương Bật (sống vào khoảng năm 226-249). Tuy nhiên, bản Vương Bật hiện có chỉ là bản chép lại của nhiều thế kỷ sau. Đó cũng là trường hợp của bản Hồ Thượng Công - theo truyền thuyết, Hồ Thượng Công sống vào thời Hán Văn Đế (180-157 TCN). Trước khi có văn bản Mã Vương Đôi, văn bản “Đạo đức kinh” cổ nhất ta có là bản khắc trên núi đá vào năm Cảnh Long thứ hai đời vua Đường Trung Tôn (năm 708). Tới đầu thế kỷ XX, khi khám phá ra kho tàng thư tịch ở Đôn Hoàng, người ta cũng chỉ tìm được một vài đoạn văn “Đạo đức kinh” viết vào khoảng năm 279.

Cuối năm 1973, người ta tìm ra ngôi cổ mộ của viên thái thú Trường Sa thời nhà Hán được chôn vào ngày 4 tháng Tư năm 168 TCN ở thôn Mã Vương Đôi, Hà Nam. Ngôi cổ mộ còn giữ gần như nguyên trạng 51 tài liệu cổ vô cùng quý giá viết trên lụa và thẻ tre. Trong số này có đến hai bộ “Đạo đức kinh”. Giới nghiên cứu gọi là Giáp bản (bản A) và Ất bản (bản B). Cũng theo giới chuyên môn, bản A có lẽ được chép thời Lưu Bang ở ngôi vua (206- 195 TCN). Bản B được chép sau vì có vài chữ kiêng húy các ông vua đầu đời Hán. Tuy nhiên, hai bản văn không khác nhau nhiều. Vào năm 1981, tôi đã dịch và giới thiệu một phần. Trong sách này, tôi dùng cả hai văn bản: Một văn bản làm nền và một văn bản để điểm khuyết các chữ thiếu hay mất. Trừ một vài trường hợp đặc biệt khi cả hai văn bản đều mất chữ, tôi bắt buộc phải dùng những chữ trong văn bản Vương Bật để thay thế. Như thế, văn bản được in theo sách này là nguyên văn bản Mã Vương Đôi cùng với tất cả những kỳ tự (chữ lạ) hay cổ tự (chữ cổ) của nó. Tuy nhiên, phần phiên âm Hán - Việt tôi đã chỉnh lý dựa theo văn bản của Giáo sư D.C. Lau (The Chinese University, Hong Kong, 1982). Như vậy, người đọc theo phần phiên âm Hán Việt sẽ biết được các kỳ tự đó phải viết lại như thế nào.

MỘT SỐ KHÁI NIỆM CĂN BẢN TRONG “ĐẠO ĐỨC KINH”

Đạo và Đức

Trong Hán Ngữ Đại Từ Điển, chữ Đạo có 45 nghĩa và có đến 1.291 từ kép. Nghĩa gốc của nó là “đường, lộ”. Khi dùng như động từ, Đạo còn có nghĩa là nói. Và cũng vì thế có luôn nghĩa là tuyên bố hay chỉ bảo. Đạo còn có 17 nghĩa là học thuyết, phương pháp. Là một chuyên từ tôn giáo học, Đạo cũng có nghĩa là phương pháp nghệ thuật hay sức mạnh để thiết lập sự thông linh giữa trời với đất, thần với người. Trong suy tưởng triết học và tôn giáo, Đạo là nguyên tắc trật tự có thể thể nhập hay hiện hữu trong nhiều trường hợp hay sinh hoạt thực tế. Trong “Đạo đức kinh”, chữ Đạo được nhắc đến 76 lần. Xưa nay các nhà phê bình và dịch giả đã tốn nhiều công phu chú thích và giải thích ý nghĩa của chữ Đạo.

Riêng tôi, lần đầu tiên đọc “Đạo đức kinh” đã thấy chính tác giả giải thích rõ ràng khái niệm này. Mặc dù ngay từ dòng đầu tiên, Lão Tử phủ nhận mọi định nghĩa về Đạo (Đạo khả Đạo dã, phi hằng Đạo dã). Bởi vì Đạo là bản thể của vạn vật, vốn vĩnh cửu thường hằng nên không thể đặt tên, định nghĩa, giới hạn. Nhưng tiếp theo, tác giả đã bàn về nó đến 75 lần. Việc này không có gì là mâu thuẫn mà còn chỉ ra một nguyên lý cơ bản: Đạo là bản thể của vũ trụ, của vạn vật nên không thể lấy thời gian và không gian để giới hạn (chương 4), có trước cả Thượng đế (chương 25), sáng tạo vạn vật (chương 21, 25), tác thành vạn vật (chương 41), dung chứa mọi điều tốt xấu (chương 62) nên không thể giới hạn (chương 1, 14), không thể định nghĩa đặt tên mà chỉ tạm gọi là “Đạo” (chương 25). Nhưng cái dụng của nó thì không cùng không cạn (chương 4). Nó hiện diện khắp nơi khắp chốn (chương 34), mặc dù vì giới hạn của tri thức và của chính cơ thể vật chất, người ta chỉ thấy và cảm nhận một cách mờ mờ thấp thoáng (chương 14, 21). Tóm lại, “Đạo đức kinh” nói về Đạo đến 76 lần. Không mâu thuẫn hay trùng lặp, mỗi lần bàn đến chữ Đạo, độc giả lại hiểu thêm về Đạo. Rõ ràng, Đạo là một lý nhất quán xuyên thấu tác phẩm. Đúng như Lão Tử nói “lời ta rất dễ hiểu” (chương 70), học giả phải đọc vào chính văn thay vì ỷ lại vào các thầy bàn thường đi ra ngoài nội dung “Đạo đức kinh”, chưa nói đến việc các thầy bàn chỉ quen lặp lại những điều trong sách cũ.

Phần hai của sách Đạo đức kinh (từ chương 38 đến chương 81) thường được gọi là Đức Kinh vì bắt đầu từ chữ “thượng Đức” khác với phần đầu là Đạo Kinh (vì bắt đầu từ chữ "Đạo khả Đạo”). Tuy nhiên Đạo và Đức đều được nói đến trong cả hai phần. “Đạo đức kinh” nói về Đức tất cả 44 lần. Theo nghĩa phổ thông ở Á Đông, Đức là một đặc tính của con người sống trong một tương quan có văn hóa. Thánh nhân, danh từ thường gặp trong “Đạo đức kinh”, là một người mà đời sống của họ đã trở thành một mẫu mực đạo đức lý tưởng cho những người chung quanh. Tuy nhiên, trong “Đạo đức kinh”, chữ Đức có ý nghĩa cao hơn nghĩa phổ thông này. Trước hết, Đức luôn luôn tương quan với Đạo: “Đạo sinh vạn vật, Đức bao bọc nuôi dưỡng che chở muôn vật” (chương 51). Lão Tử cũng nói đến “Đức lớn” (Huyền Đức): “Sinh mà không chiếm giữ, nuôi mà không cậy công mới là Đức lớn” (chương 10, 51). Trong tương quan Đạo - Đức, Đạo là nguyên tố căn bản của vạn vật cho nên “mất Đạo rồi thì mới có Đức, mất Đức thì sau mới có Nhân, mất Nhân sau mới có Lễ...” (chương 38).

Phản phục và Vô vi

Lão Tử luôn nói đến nguyên lý động của vạn vật. Bản tính của chuyển động là tự nhiên, không cưỡng ép và theo chiều hướng trở về (phản phục). Ông cho rằng, dùng sức mạnh (kể cả sức mạnh vũ lực lẫn trí xảo tính toán) để chinh phục hay chiếm hữu chỉ dễ dẫn đến khủng hoảng và hỗn loạn. Để tìm được an lạc cho tâm hồn và đời sống thanh bình, người ta phải trở về với thiên nhiên cùng đời sống đơn giản tố phác “phục quy ư phác” (chương 28). Đè nén dục vọng bằng cái đơn giản vô danh “vô danh chi phác” (chương 37). "Tố", "phác" là hai hình ảnh đơn giản và thơ mộng: "Tố" là mảnh lụa chưa nhuộm, "phác" là khúc gỗ chưa đẽo gọt. Một vị đạo sĩ rất nổi tiếng trong Lão giáo đặt hiệu là Bảo Phác Tử cũng bởi vì lẽ này. Người quen sống trong thế giới nhị nguyên thường hiểu lầm nguyên lý “phản phục” như ý tưởng trở về thời hồng hoang thái cổ. Mặc dù Lão Tử có phác họa hình ảnh đời sống lý tưởng không cần đến máy móc ngựa xe... nhưng đó chỉ là hình ảnh tượng trưng. Căn nguyên của vấn đề là phải biết sống một cách hồn nhiên “quy ư anh nhi” (chương 28), vô tâm “thánh nhân hằng vô tâm” (chương 49), không áp đặt khiên cưỡng (chương 37, 48), không can thiệp (chương 57). Theo Lão Tử, trở về với thiên nhiên thuần phác còn chính là cái động của Đạo “phản giả Đạo chi động” (chương 40). Trở lại cội nguồn còn là trở về cái mệnh (phục mệnh), suối nguồn của Đạo, nơi ta tìm được thanh bình, an tĩnh (chương 16).

Vô vi là một chủ đề lớn trong “Đạo đức kinh” và là một từ bị lạm dụng nhiều nhất. Trước hết, “vô vi” không có nghĩa là “không” theo nghĩa Thiền học. Không (shunyata) trong Thiền học là sự vượt trên mọi mâu thuẫn nhị nguyên. Vô vi cũng không có nghĩa là “không làm” (do nothing, inaction). Lão Tử nói rõ “vô vi nhưng không gì mà không làm” (vô vi nhi vô bất vi - chương 48). Vô vi là hành động, là làm mà không có tâm tư riêng “thánh nhân hằng vô tâm, dĩ bách tính chi tâm vi tâm” (chương 49), làm mà không can thiệp “cư vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo...” (chương 2), làm mà không khiên cưỡng quá khích (chương 29), làm mà không tranh chấp, không kể công, không khoe, không chiếm giữ (chương 22).

Lão Tử viết “Đạo đức kinh” để hướng đến giới trí thức lãnh đạo ở thời ông. Trải dài 25 thế kỷ, mặc dù tư tưởng “Đạo đức kinh” trái ngược hẳn với mực thước Nho gia nhưng nó đã tạo ảnh hưởng lớn lao đến mọi mặt của tri thức phương Đông. Hầu như tất cả các đại danh Nho học đều viết sách bàn luận về “Đạo đức kinh”. Nhiều vị hoàng đế (Lương Vũ Đế, Đường Huyền Tông) và cao tăng (Thiền sư Hám Sơn) cũng viết sách chú giải “Đạo đức kinh”. Ngày nay, “Đạo đức kinh” còn được các nhà trí thức hàng đầu của Âu - Mỹ say mê. Riêng Anh ngữ, dù đã có 60 bản dịch nhưng hầu như mỗi năm đều có thêm bản dịch mới. Người ta dường như phát hiện trong tác phẩm kỳ diệu này những dưỡng chất trị liệu cho các cơn khủng hoảng hiện tại: Từ khủng hoảng tâm hồn của con người trong cuộc sống phù phiếm, trong guồng máy xã hội đang vật hóa con người thành một vật thuần kinh tế; đến các cuộc khủng hoảng có tính chất toàn cầu về ô nhiễm môi sinh, tàn phá môi trường, các tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, chiến tranh tôn giáo, chủng tộc...

Người viết mong rằng các độc giả Việt Nam, đặc biệt là giới trí thức trẻ, khi đọc tác phẩm này sẽ tìm được niềm thích thú như các độc giả Âu - Mỹ hiện nay.

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Top 5 cuốn sách giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo tại nhà

Thanh Hương |

5 cuốn sách được giới thiệu dưới đây là gợi ý hay cho các cha mẹ khi lựa chọn nhằm tăng cường, phát triển tư duy sáng tạo cho các con.

Phát hành cuốn sách “Những lá thư gửi tân Bộ trưởng Giáo dục”

Trần Thế Vinh |

Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, ETS và NXB Dân Trí vừa ra mắt độc giả cuốn “Những lá thư gửi Tân Bộ trưởng giáo dục”, tập hợp 18 lá thư của các nhà lãnh đạo giáo dục cao cấp (nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cố vấn cấp cao...) của 18 quốc gia gửi tới những người kế nhiệm.

Cuốn sách tranh minh hoạ hài hước về nghề giáo chinh phục độc giả

Đ.DY |

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam giới thiệu sách tranh “Đời giáo dở khóc dở cười” của tác giả Colm Cuffe, Ngô Thu Hà dịch.

Cuốn sách “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng”: Tô đẹp hình ảnh người thầy giáo làng

Mai Hương |

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, cuốn sách “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” của thầy giáo, thương binh Đinh Đức Lâm như một món quà tinh thần ý nghĩa, giúp bạn đọc hiểu hơn về người thầy giáo, người chiến sĩ trên chiến trường với nhiệm vụ bảo vệ đất nước và cả nhiệm vụ trồng người.

Những cuốn sách hay về chủ đề phù thủy đáng đọc

Tuấn Đạt |

Sách hay về chủ đề phép thuật, phù thủy luôn mang đến cho người đọc một trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Top 5 cuốn sách giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo tại nhà

Thanh Hương |

5 cuốn sách được giới thiệu dưới đây là gợi ý hay cho các cha mẹ khi lựa chọn nhằm tăng cường, phát triển tư duy sáng tạo cho các con.

Phát hành cuốn sách “Những lá thư gửi tân Bộ trưởng Giáo dục”

Trần Thế Vinh |

Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, ETS và NXB Dân Trí vừa ra mắt độc giả cuốn “Những lá thư gửi Tân Bộ trưởng giáo dục”, tập hợp 18 lá thư của các nhà lãnh đạo giáo dục cao cấp (nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cố vấn cấp cao...) của 18 quốc gia gửi tới những người kế nhiệm.

Cuốn sách tranh minh hoạ hài hước về nghề giáo chinh phục độc giả

Đ.DY |

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam giới thiệu sách tranh “Đời giáo dở khóc dở cười” của tác giả Colm Cuffe, Ngô Thu Hà dịch.

Cuốn sách “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng”: Tô đẹp hình ảnh người thầy giáo làng

Mai Hương |

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, cuốn sách “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” của thầy giáo, thương binh Đinh Đức Lâm như một món quà tinh thần ý nghĩa, giúp bạn đọc hiểu hơn về người thầy giáo, người chiến sĩ trên chiến trường với nhiệm vụ bảo vệ đất nước và cả nhiệm vụ trồng người.

Những cuốn sách hay về chủ đề phù thủy đáng đọc

Tuấn Đạt |

Sách hay về chủ đề phép thuật, phù thủy luôn mang đến cho người đọc một trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn.