Cõng nông sản vượt dịch

SỞ HẠ |

Khi dịch COVID-19 xuất hiện, nông sản của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long bị ách tắc ở đầu ra, nhiều vùng cây trái phải cần đến sự giải cứu. Thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường... khiến sản vật nơi vùng đất một nắng hai sương này mãi đánh đu với sự khắc nghiệt. Chúng tôi đã tìm đến nhiều vùng cây trái, hy vọng tìm được lời giải cho bài toán số phận đè nặng lên nỗi khát khao làm giàu của những nông dân chân chất ở miệt châu thổ này.

Nhưng không! Đến đây, chúng tôi tiếp cận với một sự thật hoàn toàn bất ngờ: Cũng từ mảnh vườn của nhà mình, những Hai Lúa nơi đây đang tạo ra một cuộc bứt phá mới và họ đã tự giải cứu cho sản vật do mình làm ra...

Thời của Độc - Lạ

Xoài cát hồng xuất hiện ở thị trường cây trái Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như sự tuyên chiến hùng hồn và tự tin với các loại xoài từng nổi danh hàng thế kỷ ở châu thổ Cửu Long. Chúng tôi tìm đến nơi xuất xứ của giống xoài này (xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, Hậu Giang), với những ưu điểm vượt trội: Xoài có thân cây khỏe chắc, khi trồng phát triển nhanh và mạnh. Cây có thể cho quả sau 24 tháng trồng và trồng được ở bất cứ thời gian nào trong năm. Cây ghép chỉ 1 năm là cho quả, năng suất quả từ nhánh ghép còn cao hơn cây trồng trực tiếp ở lứa đầu tiên khoảng 3 lần. Trọng lượng trung bình của quả nhỏ nhất cũng đạt từ 700gram, còn quả to hơn từ 2kg/quả.

Anh Nhàn đang chăm sóc trái xoài trong vườn. Ảnh: S.H
Anh Nhàn đang chăm sóc trái xoài trong vườn. Ảnh: S.H

Loại xoài này khi xanh, ruột có màu vàng, đến lúc chín chuyển sang màu hồng; vị ngọt thanh, ít xơ nhiều nước, da dày, quả để lâu không úng. Giá bán gần như nhỉnh hơn xoài cát Hoà Lộc và cao gấp gần hai lần xoài Đài Loan... Nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, các loại trái cây bị ách tắc ở đầu ra và tụt giá thảm hại thì xoài cát hồng vẫn duy trì giá ở mức cao trên 45.000 đồng/kg tùy kích cỡ, nhưng vẫn không đủ hàng để bán...

Nhiều chủ vườn ở đây nói: Xoài cát hồng không phải là tên chính thức mà do người dân bản địa tạm đặt tên để gọi vì nó được cấy ghép từ xoài cát Hoà Lộc và xoài hồng.

Chúng tôi gặp ông Tống Bữu Sơn - Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) - cho biết: Trạm đang lập kế hoạch cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh tới đây sẽ có buổi làm việc với hộ gia đình để thực hiện quy trình hỗ trợ dán tem nguồn gốc xuất xứ trên quả xoài cát hồng của anh Nhàn đang trồng. Đây cũng là cách giúp người tiêu dùng an tâm hơn về nguồn gốc xuất xứ của trái xoài. Khi giống xoài cát hồng chạy mạnh trên thị trường, đã có lâm râm lời ra tiếng vào về quyền tác giả. Đó cũng là sự chuẩn bị hỗ trợ pháp lý cho sản phẩm làm ra từ nông dân bản địa...

Nhà ở xã Vĩnh Trung (huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang), có đất vườn rộng lớn, lâu nay, anh Nguyễn Thanh Nhàn chỉ trồng xoài, lúc thì cát chu, khi thì cát Hoà Lộc. Nhưng giá cả cứ trồi sụt do lúc thì dội chợ, khi đụng hàng... kinh tế gia đình không khá hơn được. Anh Nhàn được người dân nơi đây ngưỡng mộ vì không chỉ có công cấy ghép giống xoài cát hồng mà còn là chủ vườn thành công nhất từ giống xoài do mình làm tác giả. Chúng tôi đến thăm vườn lúc anh đang lui cui với mấy cây cảnh trước sân, anh xởi lởi chào khách: Mua gì? Cây cảnh này chỉ trồng chơi chứ không bán, còn xoài đã hết...

Khi biết chúng tôi không phải là thương lái đi thu gom trái tại xã này, anh Nhàn cũng sốt sắng kể: Tôi chỉ ăn may thôi. Hồi đó đến giờ, vườn nhà chỉ duy trì cây xoài. Đất vườn mênh mông vậy đó nhưng không khá hơn được. Nếu không thay đổi thì cũng vậy hoài, phải có hàng độc, hàng lạ mới mong... Tôi cố công tìm cây gì đó thay thế nhưng cây gì rồi cũng gặp nạn đụng hàng, dội chợ. Thời may, lục lọi trên mạng, tôi biết ở An Giang có xoài màu hồng. Thấy lạ, tôi tìm mua về trồng thử, rồi ăn thấy ngon miệng, vị thơm hơn xoài bình thường, nhiều quả nhưng nhỏ. Với lại, giống xoài này người ta cũng trồng nhiều rồi. Phải độc - lạ riêng của mình...

Và anh Nhàn đã rước thợ về ghép giống xoài hồng này với cây xoài cát Hoà Lộc ở vườn nhà mình. Khi xoài chín, anh  mang cho nhiều người dùng thử, thấy thịt xoài có màu vàng tươi, ít xơ, nhiều nước, mùi vị ngọt, thơm, da dày. Quả để lâu không ủng. Giá bán cao hơn so với xoài cát Hoà Lộc và gấp gần 2 lần xoài Đài Loan (TQ)... Ngay trong bữa họp mặt thưởng thức xoài giống mới, bà con trong xóm này ai cũng phấn chấn, khen ngon.

Còn đặc điểm về cây trồng, anh không kể ra. Nhưng ở trên Trạm Khuyến nông, chúng tôi cũng được giới thiệu: Ưu điểm của giống xoài này là thân cây khỏe tốt, khi trồng phát triển nhanh và mạnh. Cây có thể cho quả sau 24 tháng và trồng được ở bất cứ thời gian nào trong năm. Đặc biệt là không kén chọn thổ nhưỡng, chỉ cần đất có độ tơi xốp, không bị ngập úng và nhiễm mặn. Sau một năm cấy ghép, năng suất từ nhánh cấy ghép cao gấp 3 lần cây trồng trực tiếp.

Từ vài trăm cây xoài giống ban đầu trồng thử nghiệm, giờ vườn xoài cát hồng của gia đình anh Nhàn phủ kín diện tích hơn 2ha. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh nên giá xoài có phần giảm. Tuy lợi nhuận ít hơn những năm trước nhưng số lượng quả bán ra vẫn cao, lợi nhuận vì thế mà ổn định hơn trăm triệu đồng/năm. Mỗi công, anh thu lợi nhuận gần 20 triệu đồng.

Mít đỏ

Cũng ở huyện Vị Thuỷ, lão nông Hai Trắng (Nguyễn Minh Trắng, ở xã Vị Đông), tập trung đầu tư phát triển cây mít trên 16 công vườn của nhà mình. Ban đầu cứ tưởng là ông cuốn theo dòng chảy lập vườn trồng mít Thái, như cơn sốt trồng mít Thái tràn lan của các nhà vườn ở khu vực tây sông Hậu... Tuy nhiên, ông gạt phắt: Nuôi trồng mà đổ xô chạy theo phong trào là không tránh khỏi vòng lẩn quẩn trồng - chặt. Nông dân xứ mình lâu nay cứ lao đao hoài. Hai Trắng chỉ trồng mít đỏ thôi, còn mít Thái thì "bái-bai". Nhờ vậy, khi mít Thái tụt giá thảm hại thì mít ruột đỏ của ông Hai Trắng giá cứ leo lên cao, mà chợ vẫn "ăn hàng" ào ào. Ngay cả khi dịch COVID-19 hoành hành, mít đỏ của Hai Trắng vẫn không đủ hàng bán. Có cây mít ruột đỏ trong tay, từ một nông dân có thu nhập thấp, lão nông Hai Trắng giờ đã có nguồn thu nhập tiền tỉ mỗi năm.

Mít ruột đỏ khi chín màu như gạch nung, ăn giòn thơm và rất ngọt. Ảnh: S.H
Mít ruột đỏ khi chín màu như gạch nung, ăn giòn thơm và rất ngọt. Ảnh: S.H

Ông  Hai Trắng cho biết: “Đất  này trước đây trồng lúa, sau đó lên liếp lập vườn trồng cây xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, măng cụt... Những mặt hàng nông sản này thường lên xuống thất thường, thu nhập không mấy khả quan”.

17 năm về trước, tình cờ trong lần đi hội chợ ở Cần Thơ, ông được người bán cây giống tại hội chợ giới thiệu giống mít ruột đỏ là giống mít “siêu sớm”. Khi mít chín, ruột có màu đỏ như màu gạch nung, cơm dày, mùi vị ngọt giòn, thơm dịu... Lão nông Hai Trắng nghe xuôi tai, ôm liền 50 gốc về trồng thử quanh nhà và bỏ công theo dõi xuyên suốt. Cây mít lớn nhanh không sâu bệnh và ra quả trong thời gian ngắn. Nhưng chỉ duy nhất có 1 cây sai quả và to đến lạ. Khi chín, ruột đều có màu đỏ sậm. Ông chọn cây này làm giống và trồng nhân ra khắp vườn. Tiếng đồn lan xa, mít ruột đỏ của Hai Trắng không chỉ bán được quả mà còn bán được cả cây giống, thương lái tìm đến nườm nượp...

Phấn khích với thành công ban đầu, ông cho hạ hết những cây đang có trong vườn, cải tạo và trồng xuống giống mít mới. Dân trong xã ai cũng bảo ông liều mạng. Mặc! Ông vẫn quyết chí theo hướng nghĩ của mình: "Chỉ có ngon, lạ và độc nhất mới thắng được thị trường khắc nghiệt đầy may rủi này”. Chiết cành rồi giâm giống mít xuống vườn, từ vài trăm gốc ban đầu, chẳng mấy chốc 16 công vườn của ông phủ kín cây mít ruột đỏ, 1.000 cây mít cho quả quanh năm. Nhu cầu tiêu dùng lớn, số lượng không nhiều, nên quả mít đỏ giá luôn vượt lên cao ngất ngưỡng. Cộng với bán cây giống từ nguồn chiết cành, Hai Trắng bỗng chốc trở thành chủ vườn tỉ phú của miệt sông Hậu.

Chúng tôi đi tìm những thương lái chuyên thu gom và tiêu thụ trái cây ở các vườn cây nơi cuối nhánh sông Hậu, hầu hết ai cũng khẳng định dịch COVID-19 đã đẩy cây trái nơi đây vào ngõ cụt. Nếu tình trạng ế ẩm, không có đầu ra kéo dài không biết có trụ được qua mùa dịch bệnh không? Duy chỉ có quả mít đỏ và xoài ruột hồng có quanh năm, không lệ thuộc thị trường xuất khẩu hay nội địa.

Đi trong mùa dịch COVID-19, nghĩ về cuộc vượt thoát ngọan mục từ việc 2 nông dân ở miệt sông Hậu mở hướng thoát hiểm cho trái cây: Ngon - lạ và độc nhất, hình như không chỉ đối với riêng mùa dịch này...

SỞ HẠ
TIN LIÊN QUAN

Những góc quán cafe ngắm pháo hoa lý tưởng ở TPHCM

Quỳnh Nga |

Đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, TPHCM dự kiến bắn pháo hoa ở 6 điểm. Đừng bỏ qua những địa điểm ngắm pháo hoa ở TPHCM cực “chill” dưới đây.

Bộ Tài chính nói gì về gói lãi suất 2% chậm giải ngân

Trà My |

Việc giải ngân gói 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 2% đến nay kết quả chưa được như kì vọng. Bộ Tài chính nói gì về đề xuất điều chuyển nguồn gói vay hỗ trợ lãi suất này sang chương trình cho vay giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội?

Giờ thứ 9: Giả điên - Phần 1

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Dường như mối tình đầu luôn là mối tình đẹp nhất, để lại nhiều dư vị ngọt ngào nhất của tuổi trẻ. Nhưng mối tình đầu cũng luôn buồn nhất và nhiều chia ly nhất. Chắc hẳn, đó sẽ là mối tình không bao giờ quên được vì nó chính là những rung động đầu tiên đối với mỗi người. Và sẽ chẳng có ai tin rằng, có những người chia tay mối tình đầu sau vài chục năm xa cách, lại có thể quay trở về chung sống với nhau thật hạnh phúc.

Tài chính thông minh: Đầu tư gì với 30 triệu đồng tiết kiệm mỗi tháng?

Nhóm PV |

Trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) lần này, Ths Ngô Thành Huấn - Giám đốc Khối tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về câu hỏi tiết kiệm từ 10 - 30 triệu đồng/tháng thì nên đầu tư vào đâu.

Tân huấn luyện viên tuyển Việt Nam và sứ mệnh kế thừa di sản của ông Park

AN NGUYÊN |

Sau khi chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo, VFF sẽ tiến hành công bố tân thuyền trưởng cho đội tuyển Việt Nam. Áp lực và sứ mệnh đặt lên vai người kế nhiệm ông Park rất lớn, vừa đảm bảo duy trì thành công, vừa hướng đến một hoài bão lớn đó là giấc mơ World Cup.

Người trẻ mang mùa xuân đến với người vô gia cư

THUỲ DƯƠNG - THIỆN NHÂN |

Đêm muộn cuối năm, trong cái lạnh tê tái của mùa đông khi đa số mọi người đang trở về quê ăn tết, sum vầy với gia đình thì các đoàn thiện nguyện cũng bắt đầu hành trình mang tết đến cho những cụ ông cụ bà vô gia cư.

Cảnh màn trời chiếu đất của tiểu thương vượt hàng trăm km lên TPHCM bán hoa

Chân Phúc |

Mang cây kiểng, hoa các loại từ mọi miền đất nước vào TPHCM để bán trong dịp Tết, khi màn đêm xuống, khách không còn, những tiểu thương phải nghỉ tạm trên những chiếc võng, lều dựng tạm, mong chờ sớm ngày bán hết hoa Tết để về quê sum họp cùng gia đình.

Thủ tướng phê chuẩn kết quả miễn nhiệm 3 Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

PHẠM ĐÔNG |

Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với các ông: Hồ Phước Thành; Đỗ Tiến Đông; KPă Thuyên.