Có loại bỏ được nạn tiêm thuốc an thần cho heo?

BS Bình Nguyên |

Đêm ngày 28 đến rạng sáng 29.9, đoàn công tác liên ngành phát hiện cơ sở giết mổ Xuyên Á, ở Củ Chi, TPHCM tiêm thuốc an thần vào 4.626 con lợn, còn lại 587 con chưa kịp tiêm! 

Cơ quan chức năng cho biết, gần 5.000 con lợn ngủ la liệt trong lò mổ lớn nhất TPHCM là do bị tiêm thuốc Combistress loại thuốc chứa Acepromazin với tác dụng an thần kinh. Từ thông tin điều tra, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, bộ phận phía Nam, Bộ CA phối hợp với các cơ quan kiểm tra cơ sở giết mổ Xuyên Á, nằm trên đường số 50, ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi gồm 21 lò mổ.

Bắt quả tang Vũ Văn V, SN 1989, quê Nam Định, đang lần lượt tiêm thuốc AT cho lợn, còn Nguyễn Văn D, SN 1976, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM, dùng sơn đánh dấu lợn đã tiêm; có 13/21 lò mổ tiêm thuốc an thần (AT) vào 4.626 con lợn (đang ngủ li bì) trong tổng 5.231 con hiện có...; trong số này nhiều heo bị lở mồm long móng...

Bước đầu xác định, thuốc tiêm là Combistress 50ml và dịch truyền Lactated Ringers 500ml đã pha thuốc AT. Ngày 29, 30.9, hầu hết các chợ trên địa bàn TPHCM đều khan hiếm thịt heo, nhiều thương lái lao đao, vì cơ sở này cung cấp hơn 50% thịt heo cho TP.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT, cho biết, kiểm định thấy hơn 100/144 mẫu nước tiểu trong số heo nói trên chứa tồn dư thuốc AT và 4/4 mẫu dung dịch pha sẵn chứa thuốc AT. Số heo dương tính với thuốc AT được xác định là 3.750 con, số còn lại tiếp tục xét nghiệm.

Chiều 2.10, bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM cho biết, theo đề nghị của ban này, UBND TPHCM có công văn yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với đoàn thanh tra khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số heo tiêm thuốc AT. 13 chủ lò mổ bị áp mức phạt 30 - 35 triệu đồng/người, tổng số 427,5 triệu đồng, cơ sở Xuyên Á bị đình chỉ hoạt động 3 tháng.

Bà Lan cho rằng đây là vi phạm cố tình và các chủ lò chỉ khai báo khi bị bắt quả tang, có hai chủ lò còn ngoan cố không khai báo. Ngày 2 và 3.10, đã tiêu hủy 1.995 heo trong số trên bằng đốt nhiệt độ cao, kinh phí tiêu hủy 3.750 con ước khoảng 11 tỉ đồng, 13 chủ lò phải chi trả! Chiều 2.10, khoảng 40 người tụ tập gây rối, cản trở việc tiêu hủy heo đã bị CA huyện Củ Chi giải tán!?

Đây không phải lần đầu phát hiện việc tiêm thuốc an thần cho lợn. Việc tiêm thuốc AT nhằm chống heo sốc, cắn nhau, giãy giụa, kêu, ói mửa khi vận chuyển, hạn chế hao thịt, bầm tím hay heo chết; nhưng thuốc AT tiêm vào heo trước khi giết mổ làm thịt đỏ tươi như thịt bò, bắt mắt, miếng thịt luôn ướt, tươi, dẻo, mà người mua nào cũng thích… mới là thực chất “chiêu trò”.

Trước đây, thương lái tiêm vào heo thuốc Combistress fort (do Việt Nam sản xuất), làm heo lờ đờ, có vận động bất thường như nằm ngửa, bốn chân quờ quạng, dễ bị cán bộ thú y phát hiện. Gần đây họ dùng Combistress của Bỉ, Đức, pha với dịch truyền nên heo chỉ ngủ, không có những biểu hiện bất thường... Hay mỗi lọ thuốc AT Prozil 20ml, giá 15 ngàn đồng, các chủ lò thường tiêm khoảng 2ml cho một heo trước ngày giết thịt, chỉ tốn 1.500đ có thể đảm bảo thịt luôn tươi, dẻo, đỏ, bán chạy như tôm tươi.

Thực chất về những thuốc an thần tiêm cho heo

Combistress và Prozil đều chứa thành phần chính là Acepromazin, có tác dụng AT kinh (neuroleptique) mạnh và tác dụng phụ là gây ngủ, hạ huyết áp, giãn mạch ngoại vi, giảm đau..., có thêm Atropin để hạn chế heo tiết dịch, ói mửa. Acepromazin bị cấm dùng cho người nhưng lại được dùng trong Thú y, để AT chó mèo làm giảm hung dữ, dễ huấn luyện; dùng khi thú đẻ, mổ, thiến, chống nôn cho lợn, chó, mèo; chống lợn nái cắn con khi bú... TS dược khoa Nguyễn Hữu Đức, ĐH Y - Dược TPHCM nói Acepromazin gây tụt huyết áp trầm trọng và giãn mạch ngoại biên khi dùng liều cao hay quá liều. Thực tế thì liều lượng các lò mổ tiêm cho heo không kiểm soát được!

Các chuyên gia chống độc nói dư lượng thuốc trong thịt gây rối loạn tiêu hóa, người liên tục ăn phải sẽ mắc bệnh thận và thần kinh. Do hấp thu nhanh nên trẻ ăn phải sẽ rối loạn giấc ngủ, quấy khóc, ăn nhiều sẽ đần độn…

BS thú y Nguyễn Thị Lương, phụ trách phòng khám thú y Bích Lương, đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội trả lời báo chí: Loại thuốc AT tiêm vào lợn trước khi mổ này, nếu tích tụ trong người sẽ làm hại thận, thần kinh, mệt mỏi, gây đãng trí, run tay chân, trầm uất, lờ đờ, mất ngủ, thậm chí có thể bị tổn thương xương. BS Nguyễn Thị Thủy, BV Thủ Đức, TPHCM nói, thuốc tồn đọng làm hỏng xương, gây ung thư tủy, giảm hồng cầu. Với người già và trẻ em triệu chứng càng nghiêm trọng.

Lời qua tiếng lại và có vi phạm không?

Năm 2015, kênh truyền hình VTC1 có phóng sự về chuyện tiêm thuốc an thần cho lợn. Theo phóng sự này thì ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai (tỉnh được xem là “thủ phủ” nuôi heo) nói rằng hầu hết thương lái thu mua heo tại các trại đều tiêm thuốc AT để vận chuyển heo an toàn và liều lượng chỉ là “4 phần ngàn (đơn vị gì?) theo quy định của chai thuốc”! PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải, Khoa chăn nuôi - thú y, Đại học Nông - Lâm, TPHCM nói rằng ở Việt Nam chưa có quy định, nhưng thế giới không quy định ngưỡng tồn dư Acepromazin trong thực phẩm là bao nhiêu, nói cách khác là họ cấm chất này đối với thú giết mổ lấy thịt.

Đại diện ngành thú y, Bộ NN&PTNT nói rằng Việt Nam chưa có khảo nghiệm lượng thuốc Acepromazin tồn dư bao nhiêu thì ảnh hưởng đến sức khỏe con người và ảnh hưởng như thế nào, nhưng tồn dư là ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sử dụng là sai quy định. Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai thì cho rằng chưa có cơ sở để cho rằng tiêm thuốc AT vào heo ảnh hưởng đến sức khỏe con người!

Không khó để làm rõ việc này! Hướng dẫn sử dụng thuốc Prozil và Combistress ghi rõ phải mổ thịt heo sau khi ngừng dùng thuốc 7 ngày, nghĩa là thuốc này thải chậm và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe vì vậy cần đủ thời gian để thải hết, bởi nếu không gây hại thì quy định này là thừa!

Thế nhưng đã xác định được khi heo tiêm thuốc AT vận chuyển từ vài tỉnh lân cận về TPHCM thường giết mổ sau tiêm chỉ khoảng 8 - 10 giờ, nghĩa là lượng thuốc trong heo gần như cao nhất. Căn cứ vào chỉ định của thuốc Prozil thì việc tiêm thuốc cho heo là hợp pháp nhưng mổ heo trong thời gian không cho phép là bất hợp pháp, cho nên “cãi” như Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai là né cái sai đã rành rành...

Bởi khoản 10, điều 20, mục 3 (Vi phạm về kiểm soát giết mổ động vật trên cạn...), Chương II, Nghị định 90/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, có hiệu lực từ ngày 15.9.2017, quy định: “Phạt tiền từ 30.000.000đ đến 35.000.000đ đối với hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm nếu động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền”.

Ngoài ra, điểm c, khoản 13, điều 20 còn quy định: “đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 3 - 6 tháng đối với hành vi vi phạm tại khoản 10...”

Acepromazin từ lâu không dùng cho người nhưng một hướng dẫn sử dụng trên mạng xã hội lại có khuyến cáo với người, chuyện đúng sai không bàn, nhưng phải suy nghĩ. Chẳng hạn muốn dùng thuốc Combistress phải báo cho bác sĩ đang dùng những loại thuốc không kê đơn như vitamin, thảo dược; cơ địa dị ứng và các bệnh đang có; tình trạng sức khỏe hiện tại (mang thai, sắp phải phẫu thuật...); khi đang mang thai, cho con bú hoặc dự định mang thai phải được bác sĩ tư vấn.

Thuốc không được dùng khi lái xe, vận hành máy móc nặng vì gây buồn ngủ, chóng mặt, hạ huyết áp đáng kể; không được dùng cùng rượu, bia vì làm tăng mạnh buồn ngủ... Nếu dùng thuốc phải báo cho BS khi tình trạng sức khỏe xấu đi...

Không rõ cơ sở Xuyên Á tiêm thuốc AT vào heo từ bao giờ, nhưng với quy mô cung cấp hơn 50% lượng thịt heo cho TPHCM (mỗi ngày mổ khoảng 5.000 heo) thì khẳng định được đã có rất nhiều người ăn phải thịt heo tồn dư thuốc AT và trong số đó cũng rất nhiều người đã tích tụ Acepromazin lâu dài trong cơ thể! Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc sở NN&PTNT, TPHCM cho rằng phải xem việc tiêm thuốc AT vào heo là tội ác!

Từ 2012, khi có “chiêu” tiêm thuốc AT vào heo đến nay, các chủ lò ngày càng “làm” với quy mô lớn hơn. Liệu cao trào nói không với thực phẩm bẩn có dẹp được “vụ” này?

BS Bình Nguyên
TIN LIÊN QUAN

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Ngắm nhìn những chậu lan hồ điệp trị giá vài chục triệu đồng tại Hải Phòng

Lương Hà |

Hải Phòng - Những chậu lan hồ điệp, có kích thước lớn, được sắp xếp khéo léo, có giá trị vài chục triệu đồng được người dân Hải Phòng đặc biệt chú ý và quan tâm trong dịp Tết Nguyên đán này.

Duy trì bay đêm đảm bảo nhu cầu đi lại của khách dịp Tết Nguyên đán

Minh Hạnh |

Cục Hàng không Việt Nam vừa có Công điện gửi các đơn vị có liên quan về tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông hàng không trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân Quý Mão năm 2023, yêu cầu các cảng hàng không duy trì hoạt động bay đêm 24/24h theo nhu cầu vận tải của các hãng hàng không.

Hàng loạt sự kiện mừng Tết Quý Mão 2023 ở TPHCM

MINH QUÂN |

TPHCM - Đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách, bắn pháo hoa, hội hoa xuân, chợ hoa Tết, ngày hội bánh tét... là những sự kiện được TPHCM tổ chức mừng Tết Quý Mão 2023.