Chuyện về người ước mơ lưu giữ ký ức của cả thế giới

hương giang (tổng hợp) |

Nếu một ngày nào đó tận thế xảy ra trên Trái đất này, những người sống sót hoặc sinh vật ngoài hành tinh tìm tới đây sau cả triệu năm hẳn sẽ cảm thấy biết ơn khi họ tìm thấy chiếc "hộp thời gian" mà một người đàn ông đã cần mẫn tạo ra, để lưu giữ toàn bộ ký ức về thế giới.

Chiếc vỏ chai và cú điện thoại sau 30 năm

Năm 13 tuổi, Martin Kunze đi nghỉ tại Tây Ban Nha cùng cha mẹ. Trên một bãi biển ở đây, ông đã làm việc mà nhiều đứa trẻ vẫn làm khi chẳng có gì vui: Đào một cái lỗ trên cát. Được một lúc thì ông nảy ra một ý định nghịch ngợm. Ông lấy một mảnh giấy báo, viết tên, số điện thoại và địa chỉ nhà ở Áo, bằng tiếng Đức, kèm theo tin nhắn có nội dung "nếu bạn tìm thấy thứ này, làm ơn liên hệ với tôi”. Tiếp đó ông bỏ mảnh giấy vào một vỏ chai nhựa đựng nước rồi chôn xuống cát, với hy vọng một cô gái xinh đẹp nào đó sẽ tìm thấy tin nhắn của mình vào năm sau.

Ông về nhà và chờ đợi. "Tôi chưa từng quên tin nhắn trong cái vỏ chai nhựa đó”, ông chia sẻ với phóng viên GQ. Nhiều năm rồi nhiều chục năm dần trôi qua. Chẳng có cô gái xinh đẹp nào liên lạc với Martin. Thế rồi một điều kỳ lạ xuất hiện.

Cách nay 3 năm, tức khoảng hơn 30 năm kể từ khi Martin chôn cái chai nhựa, một người về hưu dắt chó dạo bộ trên bãi biển ở Tây Ban Nha, đã tình cờ nhìn thấy nó lộ ra dưới lớp cát. Sau khi nhờ phiên dịch dòng chữ bên trong, người này đã liên lạc với cha mẹ của Martin, khi ấy vẫn sống tại địa chỉ mà ông ghi trên mảnh giấy báo.

Martin, giờ đã 50 tuổi, tin rằng có thể hình dáng cổ lỗ của cái chai nhựa là lý do khiến nó thu hút sự chú ý. Nhưng ông kinh ngạc hơn trước việc có ai đó đã bỏ ra nhiều nỗ lực và công sức đến thế để liên lạc với mình sau nhiều năm, chỉ vì vài chữ viết vội lên một mảnh giấy báo "vớ vẩn" nằm trong một cái vỏ chai nhựa.

Nhưng chính từ trải nghiệm thú vị này mà một ý tưởng tham vọng hơn đã hình thành trong đầu Martin: ông muốn chế tạo một "hộp thời gian" quy mô, có thể tồn tại sau hàng ngàn hoặc hàng triệu năm. Chiếc hộp thời gian này sẽ lưu trữ ký ức của thế giới, đồng thời là công cụ để ông giao tiếp với các sinh vật sống ở nhiều thế hệ sau này hoặc thậm chí là với sinh vật ngoài hành tinh. "Đây sẽ là một dạng giao tiếp xuyên thời gian”, Martin nói.

Ngay lập tức ý tưởng ấy đã vấp phải nhiều câu hỏi. Khi chế tạo một chiếc hộp thời gian, anh muốn người thế hệ sau (hoặc sinh vật ngoài hành tinh), sống cách ta hàng ngàn hoặc hàng triệu năm, hiểu biết điều gì về mình? Rằng con người là một giống loài biết yêu thương hay chỉ thích đánh lộn? Rằng chúng ta từng bay tới Mặt trăng và tạo ra các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, hay chỉ biết gây ra các tội ác khủng khiếp? Làm sao để anh có thể kể lại câu chuyện về cả thế giới, về một hành tinh đã có gần 8 tỷ con người sinh sống? Và ai cho anh quyền kể lại tất cả những chuyện này?

Sau những câu hỏi khó ở trên, còn nhiều câu khác liên quan tới vấn đề kỹ thuật và xây dựng. Cứ cho là hộp thời gian được tìm thấy, người ta sẽ dịch ngôn ngữ của các tài liệu ở trong đó ra ngôn ngữ tương lai như thế nào? Ngôn ngữ tương lai sẽ là gì? Vật liệu nào có đủ độ bền để giúp hộp thời gian và các thông tin trong nó tồn tại lâu tới vậy? Anh sẽ dùng cách gì để giống loài tương lai có thể tìm thấy hộp thời gian, giả dụ rằng hành tinh của chúng ta có thể bị chôn vùi dưới các núi băng hoặc các biển cát sau hàng triệu năm nữa.

Chính việc đi tìm đáp án cho những câu hỏi này và hình dung viễn cảnh của Trái đất sau 1 triệu năm kể từ thời điểm hiện nay đã thay đổi cuộc đời Martin mãi mãi. Cách nay 10 năm, ông có đọc một cuốn sách mang tên The World Without Us (Thế giới không có chúng ta) viết về viễn cảnh Trái đất bị hủy diệt do những thí nghiệm nguy hiểm. Trong cuốn sách đó, tác giả chỉ ra rằng các loại đồ gốm sứ có thể là thứ duy nhất còn tồn tại sau hàng triệu năm kể từ khi con người bị diệt vong.

Khi Martin đọc cuốn sách, ông cảm thấy như được khai sáng. Gốm chính là câu trả lời ông cần. Ông sẽ dùng gốm để giao tiếp xuyên thời gian với người tương lai. Bởi theo Martin gốm có khả năng trường tồn, trái với đặc tính mong manh của một thời đại công nghệ, với sự phổ biến của Internet và điện toán đám mây, mà chúng ta đang sống trong đó.

"Chẳng sớm thì muộn, chúng ta sẽ phải xóa một lượng lớn dữ liệu trên Internet. Ta làm điều đó chỉ vì những lý do kinh tế và sinh thái. Hoạt động xóa dữ liệu sẽ diễn ra vô tổ chức và không hề cân nhắc những gì ta muốn giữ lại”, ông chia sẻ.

Ngay từ thời kỳ trước khi cánh hacker mũ đen và khủng bố mạng gây chú ý qua việc đe dọa xóa bỏ các dữ liệu quan trọng, Martin đã hình dung ra một ngày các máy chủ chứa dữ liệu sẽ đầy tràn và các công ty Internet lớn sẽ buộc phải xóa bớt dữ liệu.

Nay thì viễn cảnh này đã trở nên gần thực tế hơn. Cisco, Google và nhiều công ty khác đang tìm kiếm những công nghệ lưu trữ đám mây mới. Các nhà nghiên cứu ở Google đã chỉ vào trường hợp của YouTube, nơi mỗi phút lại có lượng video dài hàng trăm giờ được tải lên.

Trong quan điểm của Martin, khi các kho dữ liệu đầy tràn, hoạt động xóa bớt dữ liệu sẽ giống như những cuộc phẫu thuật cắt cụt các phần cơ thể. Dần dần chúng ta sẽ xóa sạch lịch sử của mình, để có chỗ lưu trữ những gì đang diễn ra trong thực tại. Từ đây một câu hỏi được ông đặt ra: Liệu nhân loại có thể xây dựng được một chiếc thuyền vĩ đại sẽ cứu rỗi toàn bộ tài sản trí tuệ của chúng ta, vào cái ngày trận đại hồng thủy gây thảm họa diệt vong xuất hiện?

Nội dung một tài liệu xử lý rác thải hạt nhân được in trên tấm gốm của Martin.
Nội dung một tài liệu xử lý rác thải hạt nhân được in trên tấm gốm của Martin.

Thông điệp gửi tới các sinh vật của 1 triệu năm sau

Ý tưởng tạo ra một chiếc hộp thời gian hình thành một cách khá mơ hồ trong đầu Martin. Ông chỉ biết sẽ lưu trữ thông tin trên gốm nên từ năm 2012 đã bắt đầu một dự án mang tên Ký ức về nhân loại (MOM). Tại đó, Martin đã làm ra một tấm gốm đầu tiên, trên đó khắc lời chào mừng gửi tới những người tìm được chiếc hộp thời gian của ông trong tương lai.

Martin cho biết tấm gốm đầu tiên, có kích cỡ 20x20cm, được làm ra để đối thoại với các sinh vật tương lai sẽ sống cách chúng ta 1 triệu năm. Tấm gốm giải thích rằng nó nằm trong một "dự án bảo tồn", nhằm bảo vệ kiến thức về "nền văn minh hiện đại khỏi sự lãng quên".

Tấm gốm được ghi lại mốc thời gian thông qua ý nghĩa của các hiện tượng vũ trụ, bởi Martin không rõ các sinh vật tương lai có sử dụng con số như chúng ta hay không. Ngoài ra ông còn tạo ra một từ điển hình ảnh nhỏ, để họ có thể hiểu câu chữ nằm trong tấm gốm.

Martin chia sẻ rằng ông khá thoải mái và tự do khi viết nội dung cho tấm gốm đầu tiên. Tuy nhiên các tấm gốm tiếp theo dần phản ánh 3 dòng thông tin độc lập, hoặc cũng có thể nói là 3 dạng nội dung riêng rẽ.

Đầu tiên là các nội dung tin tức, gồm thông tin tổng hợp về các sự kiện đáng chú ý nhất của thế giới, thu lại từ báo chí thế giới, với những góc nhìn chính trị và địa lý đa dạng. Martin đã ký thỏa thuận với vài công ty truyền thông để các bài báo của họ sẽ chảy thẳng vào kho thông tin của ông. Qua đó, Martin hy vọng có thể giúp các sinh vật thế hệ sau biết được những chuyện gì đã từng diễn ra và thu hút sự quan tâm của thế giới hiện nay.

Thứ hai là các nội dung mang tính học thuật. Đây có thể là các bài viết, nghiên cứu khoa học, luận án giá trị hoặc các dự án nghệ thuật, các cuối tiểu thuyết hoặc các ca khúc ăn khách... bên cạnh nhiều nội dung khác được lấy ra từ nhiều công ty, trường đại học, hội đồng trao giải. Martin nói rằng trong này có cả những thông tin do nhiều công ty xử lý chất thải hạt nhân cung cấp, về vị trí các điểm chứa rác thải hạt nhân, để cảnh báo về những nguy cơ mà chúng có thể gây ra cho giống loài tương lai.

Cuối cùng là các nội dung cá nhân. Đây là những câu chuyện riêng tư, các bài viết nói về cảm xúc, đam mê cá nhân hoặc dùng để tôn vinh ai đó. Bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể lên trang web của MOM và gửi vào đó những suy nghĩ sâu thẳm nhất trong tâm hồn, rồi để chúng được in trên những tấm gốm của Martin.

Ông còn hướng dẫn người ta cách thức thiết kế nội dung của riêng mình - kể cả những nội dung mang tính lưu niệm như kỷ niệm sinh nhật, kỷ niệm đám cưới - và sẽ in chúng với một mức phí nhất định. Để khuyến khích nhiều người từ nhiều châu lục tham gia, Martin đưa ra các mức phí khác nhau, tùy thuộc vào khu vực địa lý. Ví dụ nếu bạn tới từ Malawi, sẽ chỉ mất có 2 Euro để sản phẩm thiết kế của bạn được in trên một tấm gốm. Trong khi đó nếu tới từ Thụy Sĩ, bạn sẽ phải bỏ ra 600 Euro.

Vì lẽ đó, trong hộp thời gian của Martin có không ít những tấm gốm chứa thông tin về các lễ mừng sinh nhật hoặc mừng cưới. Nhưng ngoài chúng, có rất nhiều nội dung khiến người đọc chạy từ cung bậc cảm xúc này sang cung bậc khác. Ví dụ một người phụ nữ đã viết một đoạn hồi ký ngắn về việc trò chơi điện tử Undertale đã giúp cô thoát khỏi việc tự sát như thế nào. Trong khi đó một cậu bé 17 tuổi ở Brazil lại viết về tham vọng trở thành phi hành gia Brazil đầu tiên đặt chân lên Trạm vũ trụ quốc tế.

Tiến trình tạo ra một tấm gốm thực ra khá đơn giản. Martin sẽ nạp tệp chứa nội dung vào một thiết bị khắc laser lên gốm. Nội dung sau đó sẽ được lưu giữ vĩnh viễn lên tấm gốm bằng một loại mực đặc biệt. Nhưng cách này chỉ dùng để in các hình ảnh.

Để in những khối chữ nhỏ li ti, ví dụ nội dung của các cuốn sách, Martin đã sáng tạo ra thứ được ông gọi là vi phim gốm. Phương pháp này cho phép nhét nội dung của 5 cuốn sách dày 400 trang lên một tấm gốm duy nhất. Sản phẩm cuối sẽ trông như một tác phẩm nghệ thuật trừu tượng, với các hàng chữ chen kín, uốn lượn bên nhau rất ấn tượng.

Martin luôn dành rất nhiều thời gian để tạo ra các tấm gốm. Chỉ khi làm xong một số lượng lớn, từ 10 tới 20 tấm, ông mới đưa chúng vào hộp thời gian, nằm trong một mỏ muối tại Hallstatt, Áo. Lối vào của mỏ muối này cao gần 1m nhưng chạy sâu hơn 1km vào trong lòng núi, dẫn tới một cái hang cao 4,5 mét.

Martin có giải thích vì sao đưa hộp thời gian vào mỏ muối là sự lựa chọn tối ưu. Thứ nhất, cửa vào mỏ muối này sẽ dần đóng lại theo các biến động địa chất. Hiện tốc độ đóng lại của nó bằng tốc độ móng tay mọc dài trên cơ thể người, có nghĩa sau 40 năm nữa, lối vào sẽ đóng hoàn toàn. Thứ hai, do đây là một mỏ muối nên không gian bên trong sẽ luôn khô ráo, giúp bảo quản tốt cho các tấm gốm. Thứ ba, theo thời gian, biến động địa chất sẽ dần đẩy các tấm gốm lên bề mặt, giống cách thức đã khiến cái chai nhựa được ông chôn ở bãi biển Tây Ban Nha bị đẩy lên vậy. Những yếu tố này sẽ giúp hộp thời gian của ông được bảo vệ tốt và sẽ được các sinh vật tương lai tìm thấy.

50 thùng chứa 500 tấm gốm của Martin nằm trong mỏ muối.
50 thùng chứa 500 tấm gốm của Martin nằm trong mỏ muối.

Một dự án lai giữa khoa học và nghệ thuật

Khi Martin trình bày ý tưởng tạo ra một hộp thời gian trong lòng mỏ muối, các chủ nhân của nó đã rất ủng hộ ông. Nhưng họ không phải là những người duy nhất thích ý tưởng của ông. Thomas Grill, một nghệ sĩ âm thanh người Áo, đã gặp Martin để tìm cách tái hiện lại một ca khúc trên bề mặt một tấm gốm.

Bản thân Martin cũng chủ động tiếp cận với các nhà ngôn ngữ học, nhân chủng học, chuyên gia không gian và cả những người làm việc trong ngành xử lý chất thải hạt nhân, để mở rộng kho tàng kiến thức nằm trong hộp thời gian của ông và làm tăng cơ hội thành công. Dần dần ông gây nhiều sự chú ý, được mời tới nhiều cuộc hội thảo và thậm chí đã xuất hiện trong chương trình TED Talk nổi tiếng.

Tháng 6 năm nay, dự án MOM đã nhận được một khoản tiền tài trợ ở Hội thảo Future Fest diễn ra tại Anh. Số tiền lớn tương đương những gì mà dự án Svalbard Global Seed nhận được. Đây là một chương trình được chính phủ Na Uy cấp vốn, để bảo tồn tất cả các hạt giống của nhân loại trong một nhà kho nằm ở đảo Spitsbergen.

Trong khi thế giới đã có nhiều dự án hộp thời gian tham vọng giống MOM, gồm dự án mang tên KEO do một nhà khoa học Pháp thực hiện với tham vọng phóng một giọt máu được bao bọc trong một viên kim cương nhân tạo vào không gian - MOM vẫn thu hút được nhiều người tham gia hơn do tính chất mở của nó.

Nhằm giúp các sinh vật tương lai dễ dàng định vị hộp thời gian của mình hơn, Martin đã tạo ra những bản đồ chỉ dẫn nhỏ, dưới dạng các viên gốm chỉ lớn hơn đồng xu bình thường một chút. Trên xu gốm ấy có in hình bản đồ châu Âu trong hình dạng của năm 2018. Đồng xu có vẽ hai đường giao nhau, với tâm điểm chính là mỏ muối. Rìa của đồng xu là đường nét của một cái hồ mà mỏ muối nằm ngay bên cạnh. Martin hy vọng xu gốm này sẽ giúp chỉ dẫn thế hệ tương lai tìm tới kho tàng thông tin mà ông đã dày công xây dựng, và ông luôn phân phát rộng rãi các xu gốm này, cho du khách và những ai quan tâm tới MOM.

Ông thậm chí có ý định đưa xu gốm lên không gian, rải chúng trong Thái dương hệ, với hy vọng ngày nào đó sẽ có sinh vật ngoài hành tinh "nhặt" được chúng và tìm ra MOM. Nếu các sinh vật này may mắn, họ có thể thấy được chúng ta đã từng thích thú theo dõi tin tức về nhà cô KimKardashian "siêu vòng ba" như thế nào hay các thuyết âm mưu khiến thế giới điên đảo ra sao. Họ cũng sẽ biết chúng ta đã từng thử nghiệm những gì, thành công và thất bại ra sao, chúng ta yêu thương và đau khổ như thế nào...

Hiện một trong những điều mà Martin quan ngại nhất là MOM có thể bị người khác xem như "ý tưởng điên rồ" từ một tay "nghệ sĩ kỳ quái" thay vì nhìn nhận nó dưới góc độ nghiêm túc. Ông luôn lắng nghe những lời chỉ trích và thay đổi dự án, cố gắng cân bằng ba dòng thông tin đang được lưu trữ.

“Nghệ sĩ và nhà khoa học giỏi hẳn phải có những cảm nhận giống nhau khi làm việc. Họ phải đi một con đường khác hẳn lộ trình bình thường mà mọi người vẫn đi. Họ phải thấy những mối quan hệ mới, phát triển các lý thuyết mới. Tôi nghĩ nghệ sĩ và nhà khoa học là các cá nhân rất giống nhau. Bạn sẽ nhìn thấy những thái cực giống nhau ở cả hai nhóm này. Và tôi cho rằng MOM là một dự án lai giữa khoa học với nghệ thuật".

Thẳng thắn mà nói thì quy mô dự án của Martin rất lớn về ý tưởng và hy vọng. Nhưng khi nhìn vào thực tế rằng tới nay ông mới chỉ có 500 tấm gốm chứa đầy các nội dung ngẫu nhiên sau 3 năm làm việc cật lực và chúng được đặt trong một cái hang rộng chỉ bằng 3 gara chứa xe hơi, người ta hẳn sẽ đặt ra nhiều câu hỏi. Rằng liệu sinh vật đời sau có thể tìm ra MOM? Và nếu họ tìm ra thì MOM có ý nghĩa gì không? Rõ ràng đây không phải là một kho tàng chứa toàn bộ thông tin và kiến thức của nhân loại mà giống một dự án nghệ thuật cá nhân hơn.

Nhưng nỗ lực của Martin rất đáng ghi nhận. Sau rốt thì mục tiêu và sản phẩm của ông đâu có khác gì "bản ghi âm vàng" của NASA - chiếc đĩa ghi lại các hình ảnh và âm thanh của Trái đất được gắn lên tàu thăm dò Voyager để gửi tới những sinh vật ngoài hành tinh (nếu họ có tồn tại). Nó cũng giống như một chiếc đĩa khác làm từ nickel được gắn trên tàu thăm dò Rosetta - hiện đang ở cách Trái đất hàng triệu km - với chữ viết thuộc cả ngàn ngôn ngữ khác nhau được in trên đó. Chiếc đĩa có sứ mạng chuyển thông điệp của nhân loại tới các sinh vật ngoài hành tinh.

Với Martin, một trong những giá trị lớn nhất của MOM chính là những ký ức cá nhân quý đã được lưu giữ lại mãi mãi. Trong các tấm gốm nằm trong kho của ông có một tấm dành riêng cho bé gái người Áo tên Fanny. Tấm gốm đầu tiên do cô bé tạo ra cách nay 4 năm chứa đầy các bức ảnh gia đình và nhóm nhạc cô bé chơi cùng.

Khi Fanny qua đời sau một tai nạn xe hơi, dì của cô bé đã tới gặp Martin báo tin và nhờ ông làm một tấm gốm thứ hai để tưởng nhớ đứa cháu xấu số. Và như thế, những ký ức còn lại về Fanny chỉ còn bao gồm những tấm gốm của Martin, với tấm đầu tiên chứa đầy sự lạc quan của cô bé, thể hiện qua những con chữ tươi vui: "Tôi mong ước tất cả mọi người trong tương lai sẽ luôn có được những điều tốt lành nhất".

Để dự án có thể tồn tại lâu dài, Martin đã phải làm việc rất lâu với Saltzwelten để đi đến thỏa thuận rằng ngay cả khi công ty này bán mỏ muối, chủ mới vẫn phải giữ MOM ở bên trong vĩnh viễn. Và theo luật Áo, hộp thời gian của Martin được xem là không thể sở hữu. "Về lý thuyết, không ai có thể lấy những thứ ở đây đi”, ông nói. "Những sinh vật tương lai sẽ là các chủ nhân mới của chúng”.

Martin nói rằng đoạn video gốc ghi lại sứ mạng đổ bộ lên Mặt trăng của phi hành đoàn tàu Apollo 11 có độ nét cao hơn nhiều đoạn video được phát trên TV mà chúng ta vẫn thấy. Thực tế thì hình ảnh đã được giảm độ phân giải để phù hợp với việc phát trên TV. Nhưng sau này khi NASA tìm lại các đoạn video cũ thì họ tá hỏa khi biết chúng đã biến mất, đơn giản bởi người ta đã xóa chúng đi. Và như thế, chúng ta đã mất đi một trong những hình ảnh đẹp đẽ, quan trọng, tuyệt vời nhất của nhân loại.

Ông vẽ ra viễn cảnh điện toán đám mây có thể bị đe dọa dễ dàng bởi một cơn bão mặt trời mạnh, hoặc do lỗi hệ thống điện trong tương lai. Khi ấy, thông tin về toàn bộ những sự sáng tạo và tàn phá mà nhân loại đã trải qua đều sẽ đổ hết xuống cống. Vì thế ông mới nghĩ tới một cách thức để lưu trữ thông tin thật lâu dài.

hương giang (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Bưu điện Hà Nội và ký ức về "những dòng thư tay viết vội"

Thảo Anh - TAN |

Hình ảnh quen thuộc của tòa nhà mang tên Bưu điện Hà Nội đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của thủ đô. Trước lùm xùm "thay tên, đổi họ", nhiều người dân Hà thành cảm thấy bâng khuâng, nuối tiếc ký ức về những cuộc điện tín đường xa, những dòng thư tay viết vội gắn liền với Bưu điện Hà Nội.

Mặt mình, ký ức của ai?

HOÀNG VĂN MINH |

Hôm nọ, đúng nghĩa của việc đi lạc vào một ngôi nhà cổ - kiến trúc Pháp hai tầng trong khuôn viên di tích Dinh Độc Lập. Hóa ra đây là một phòng trưng bày chủ đề “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập” vừa mới mở cửa rất thú vị, đến một lần còn muốn đến nữa.

Ký ức Khe Sanh

TRẦN ĐỨC CHÍNH |

Cách đây 50 năm có lẻ, tôi là phóng viên đầu tiên của báo Lao Động đạp xe từ Hà Nội vào Vĩ tuyến 17. Một mình lẽo đẽo trên con đường số 1 nắng chang chang. Đi đường gặp gì ăn nấy tới chỗ hoang vắng thì tự nấu cơm bằng hộp đựng sữa Liên Xô, hái nắm lá rau tàu bay nấu canh, xong bữa. Gặp nhà dân ngủ nhờ, nằm đâu cũng ngủ được.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan chung kết AFF Cup 2022

Bảo Bình - Dương Anh |

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan AFF Cup 2022. Với lợi thế sân nhà, có 44,51% lượt bình chọn trên sofascore tin rằng Thái Lan giành chiến thắng, 28,38% dự đoán kết quả hoà và 27,11% nhận định đoàn quân của HLV Park Hang-seo sẽ nâng cao chức vô địch.

Bưu điện Hà Nội và ký ức về "những dòng thư tay viết vội"

Thảo Anh - TAN |

Hình ảnh quen thuộc của tòa nhà mang tên Bưu điện Hà Nội đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của thủ đô. Trước lùm xùm "thay tên, đổi họ", nhiều người dân Hà thành cảm thấy bâng khuâng, nuối tiếc ký ức về những cuộc điện tín đường xa, những dòng thư tay viết vội gắn liền với Bưu điện Hà Nội.

Mặt mình, ký ức của ai?

HOÀNG VĂN MINH |

Hôm nọ, đúng nghĩa của việc đi lạc vào một ngôi nhà cổ - kiến trúc Pháp hai tầng trong khuôn viên di tích Dinh Độc Lập. Hóa ra đây là một phòng trưng bày chủ đề “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập” vừa mới mở cửa rất thú vị, đến một lần còn muốn đến nữa.

Ký ức Khe Sanh

TRẦN ĐỨC CHÍNH |

Cách đây 50 năm có lẻ, tôi là phóng viên đầu tiên của báo Lao Động đạp xe từ Hà Nội vào Vĩ tuyến 17. Một mình lẽo đẽo trên con đường số 1 nắng chang chang. Đi đường gặp gì ăn nấy tới chỗ hoang vắng thì tự nấu cơm bằng hộp đựng sữa Liên Xô, hái nắm lá rau tàu bay nấu canh, xong bữa. Gặp nhà dân ngủ nhờ, nằm đâu cũng ngủ được.