Chuyện về các sát thủ trong lực lượng cảnh sát Mỹ

Tường Linh (theo NBC) |

Phần lớn các viên cảnh sát ở Mỹ gần như chưa từng phải nổ súng trong suốt sự nghiệp. Ở chiều ngược lại, một số cảnh sát lại giết rất nhiều người và điều kinh ngạc là họ vẫn tiếp tục được ở trong ngành, thậm chí còn thăng tiến.

Một cảnh sát, 4 vụ nổ súng, 3 mạng người

Đoạn video, được ghi hình tại thành phố Seattle của Mỹ, có thời lượng không dài nhưng nội dung đủ độ sốc để khiến người xem rùng mình. Chỉ một khoảnh khắc ngắn sau khi hai viên cảnh sát đạp tung cửa trước của một căn hộ, một người đàn ông cởi trần đã xuất hiện trên khung hình, từ từ tiến về phía họ với một con dao dài trên tay.

Bên trong căn phòng tắm gần đó là bạn gái của người đàn ông. Cô đã chốt cửa phòng tắm và gọi theo số 911 khẩn cấp để báo rằng bạn trai đã đe dọa mạng sống của cô. Chỉ trong vòng 6 giây kể từ khi nhìn thấy người đàn ông cầm dao, hai viên cảnh sát đã nổ súng. Nạn nhân Ryan Smith, một người Mỹ da đen lai Latin 31 tuổi, lãnh tổng cộng 10 viên đạn vào người trong vụ việc xảy ra ngày 8.5.2019 và thiệt mạng.

Viên cảnh sát xiết cò trước, và bắn tổng cộng 8 viên đạn vào người Smith, là Christopher Myers, 54 tuổi. Điều đáng chú ý là Mayer đã được khen thưởng nhiều lần trong sự nghiệp kéo dài 3 thập kỷ tại Sở cảnh sát Seattle, gồm danh hiệu Cảnh sát của năm và Huân chương danh dự lực lượng chấp pháp của bang Washington. Thậm chí Myers từng được ca ngợi là một sĩ quan cảnh sát có “tính kiên nhẫn không thể tin nổi”, người luôn "quan tâm sâu sắc tới kẻ khác".

Nhưng theo phóng viên trang tin NBC, Myers - một nhân viên thực thi pháp luật da trắng - thực tế thuộc về một nhóm nhỏ cảnh sát Mỹ không giống như số đông, nhưng lại có tác động rất lớn: Ông ta sử dụng vũ lực chết người rất nhiều lần suốt chiều dài sự nghiệp.

Cụ thể trong 11 năm qua, Myers đã nổ súng 4 lần. Có tổng cộng 3 người bị giết trong 4 vụ đó và 1 người bị thương nặng. Gần như tất cả những người lãnh đạn của Myers đều không phải dân da trắng. Sở cảnh sát Seattle từ chối bình luận về việc liệu Myers đã hành động không phù hợp trong các vụ nổ súng hay không. Nhưng tại một cuộc phỏng vấn riêng với NBC, Myers lý giải việc ông ta thường xuyên sử dụng vũ lực chết người là do nhiều nguyên nhân khác nhau, gồm bị nghi phạm có vũ trang đe dọa, vì bản thân luôn sẵn lòng lao tới nơi nguy hiểm và sự tự tin vào năng lực xử lý tình huống thông qua nhiều năm kinh nghiệm làm cảnh sát, cũng như được huấn luyện về chiến thuật.

Myers khẳng định không có yếu tố định kiến chủng tộc nằm sau các vụ nổ súng của ông ta. “Tôi đâu có mong các cuộc gọi mình tham gia làm nhiệm vụ sẽ leo thang thành nổ súng”, ông ta lý giải. “Thật không may, một số người không chấp nhận lý lẽ và đôi khi họ khiến tình huống (nổ súng) buộc phải xảy ra”.

Nhưng không phải ai cũng tin những giải thích của Myers. Cách thức hành xử khi làm nhiệm vụ của ông ta đã nhận sự chất vấn từ một số thẩm phán, luật sư, quan chức Mỹ và cả thân nhân những người đã bỏ mạng. Với mẹ của Smith, bà Rose Johnson, Myers dường như quá dễ dãi trong việc nổ súng. Vụ bắn chết con trai, người được Rose giải thích là đang vướng vào một cuộc khủng hoảng tinh thần, khiến bà càng muốn tìm đáp án cho câu hỏi: Một cảnh sát có thể giết bao nhiêu người thì mới phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình?

Trong bối cảnh nhiều thành phố ở Mỹ đã vướng vào các vụ cảnh sát bắn chết người tai tiếng như thế, với không ít vụ khiến dân xuống đường biểu tình đòi công lý, đây cũng là câu hỏi mà một số tổ chức đòi cảnh cách lực lượng cảnh sát muốn có câu trả lời.

Vấn đề càng trở nên nóng bỏng tại những khu vực như Vallejo, tiểu bang California, nơi ít nhất 14 cảnh sát bị cáo buộc đã bẻ cong phần mũi trên các phù hiệu cảnh sát hình ngôi sao của họ, để đánh dấu mỗi vụ nổ súng khiến đối tượng thiệt mạng. Cùng nhau, những viên cảnh sát này được cho là đã tham gia vào 30 vụ nổ súng gây chết người trong 2 thập kỷ qua (2000-2020).

Andre Taylor là một nhà hoạt động đã thành lập tổ chức thiện nguyện “Not This Time!” sau khi em trai bị một cảnh sát Seattle bắn chết hồi năm 2016. Anh cho rằng bất kỳ cảnh sát nào có hành vi nổ súng nhiều lần cũng cần phải được đánh giá bởi một tổ chức y khoa độc lập. Các bác sĩ này sẽ kết luận rằng liệu việc nổ súng thường xuyên có phải là “vấn đề” không và liệu viên cảnh sát có nên được tiếp tục làm việc hay không.

Taylor cũng chỉ ra rằng văn hóa cảnh sát hiện nay đang tưởng thưởng cho những cảnh sát như Myers – các cá nhân luôn thích dùng súng để giải quyết nhanh vấn đề trước mắt. “Khi thường xuyên chứng kiến cảnh sát quanh đất Mỹ dùng vũ lực chết người mà không chịu hậu quả gì, bạn sẽ có cảm giác họ đang sở hữu quyền lực mà không bị ràng buộc gì”, Taylor đánh giá.

Không lo chịu trách nhiệm dù bắn chết người

Theo NBC, phần lớn cảnh sát Mỹ gần như chưa từng phải sử dụng tới vũ khí của họ trong suốt chiều dài sự nghiệp. Một nghiên cứu do tổ chức phi lợi nhuận National Police Foundation (Quỹ cảnh sát quốc gia - NPF) công bố hồi năm 2019, sau khi xem xét hơn 1.000 vụ nổ súng của cảnh sát tại 47 sở cảnh sát khác nhau trong vòng 2 năm, cũng cho thấy những phát hiện đặc sắc. Theo đó, 4/5 cảnh sát tham gia vào một vụ nổ súng trước đó chưa phải dùng súng lần nào khi làm nhiệm vụ.

Chỉ một lượng nhỏ cảnh sát nổ súng hơn một lần và điều đáng chú ý là họ gần như không bị hạn chế gì trong khoảng thời gian giữa những lần bắn chết người. Ví dụ một viên cảnh sát tuần tra ở vùng ngoại ô Auburn của Seattle đã bắn chết 2 người trong các năm 2011 và 2017. Tuy nhiên viên cảnh sát này không bị kỷ luật gì cho tới tận năm ngoái, thời điểm anh ta nổ súng bắn chết một người thứ ba trong lúc làm nhiệm vụ. Chỉ sau vụ này, anh ta mới bị khởi tố với tội danh giết người cấp độ 2.

Cảnh sát Vallejo bị cáo buộc đã bẻ cong mũi ngôi sao trên phù hiệu như một dạng ghi chiến tích đánh dấu các vụ nổ súng gây chết người. Ảnh AFP
Cảnh sát Vallejo bị cáo buộc đã bẻ cong mũi ngôi sao trên phù hiệu như một dạng ghi chiến tích đánh dấu các vụ nổ súng gây chết người. Ảnh AFP

Tương tự, ở Wisconsin, một viên cảnh sát bắn chết 3 người trong khoảng thời gian 5 năm làm nhiệm vụ. Anh ta chỉ thôi việc vào tháng 11 năm ngoái, sau khi bị đình chỉ công tác vì liên quan tới vụ nổ súng thứ ba làm một nam thiếu niên 17 tuổi thiệt mạng. Nhưng điều đáng nói là viên cảnh sát này không bị khởi tố gì, và rất nhanh anh ta đã được một văn phòng cảnh sát địa phương thuê trở lại.

Còn ở Minneapolis, cựu cảnh sát Derek Chauvin đã bị khởi tố với tội danh giết người sau màn trấn áp bạo lực khiến nạn nhân da đen George Floyd thiệt mạng hồi năm 2020. Trước đó, Chauvin từng bắn một người đàn ông tên Ira Toles hồi năm 2008. Chauvin khai rằng Toles đã cố cướp súng của mình nên mới nổ súng. Tuy nhiên Toles cho báo chí địa phương biết rằng anh lấy súng của Chauvin chỉ để tự vệ, sau khi bị viên cảnh sát này đánh đập dữ dội. Chauvin không hề bị khởi tố trong vụ nổ súng 2008.

Ngoài vài vụ nổi tiếng đã lên báo như của Chauvin, các nhà nghiên cứu không có nhiều dữ liệu để trả lời cho các câu hỏi quan trọng, như tại sao một số cảnh sát lại sử dụng vũ lực chết người nhiều hơn kẻ khác? Hay có bao nhiêu người trong lực lượng cảnh sát thích nổ súng khi làm nhiệm vụ?

NBC News đã đề nghị hàng chục cơ quan bảo vệ pháp luật trên đất Mỹ, tại các khu vực có tỷ lệ cảnh sát nổ súng bắn chết người cao hơn mặt bằng chung, cung cấp hồ sơ về hoạt động của ngành. Dữ liệu thu được từ 8 cơ quan và từ các kho dữ liệu công chính thức cho thấy đã có hơn 150 cảnh sát nổ súng trong 2 vụ việc trở lên, tại 8 thành phố gồm Columbus, Dallas, Mesa, Oklahoma, Orlando, Seattle, Spokane và Stockton.

Tại 3 thành phố Mesa, Stockton và Spokane, các viên cảnh sát này đã liên quan tới hơn nửa vụ nổ súng gây chết người của lực lượng bảo vệ pháp luật trong giai đoạn từ năm 2008 tới 2018. Tại Mesa, chỉ 5 viên cảnh sát nổ súng nhiều lần. Tuy nhiên họ đã gây ra tới 23 vụ bắn chết người trong khoảng thời gian nêu trên. Tại Colombus, các cảnh sát liên quan tới nhiều vụ nổ súng đã sử dụng vũ khí nóng trong tổng cộng 74 lần. Còn ở Seattle, nhóm này có liên quan tới 1/3 vụ nổ súng của cảnh sát Mỹ trong giai đoạn từ năm 2014 tới 2021. Tổng cộng các vụ nổ súng đã làm hơn 100 người chết tại 8 thành phố Mỹ. Dữ liệu từ NPF cho thấy 96% người bị bắn có cầm một loại vũ khí gì đó. Trong 63% trường hợp, đó là một khẩu súng.

Philip Stinson, một cựu cảnh sát và là chuyên gia chống hành vi sai trái của lực lượng chấp pháp tại Đại học Ohio, nói rằng thật đáng quan ngại khi tồn tại những sở cảnh sát có quá nhiều nhân viên đã nổ súng trong một khoảng thời gian ngắn tới vậy.

James Burch, giám đốc chính sách tại Dự án chống lại bạo lực do cảnh sát gây ra, nói rằng dữ liệu cho thấy nhiều thành phố Mỹ dường như cho phép cùng một dạng vũ lực chết người "mất kiểm soát" xảy ra, giống như câu chuyện ở Vallejo. Ông gọi việc một nhóm nhỏ cảnh sát thích nổ súng là "một vấn đề quy mô toàn quốc".

Tuy nhiên David Klinger, một chuyên gia tội phạm học tại Đại học Missouri St. Louis cảnh báo rằng bất kỳ ý định tìm hiểu vì sao có những cảnh sát hay nổ súng cần phải loại bỏ ngay các định kiến liên quan tới đối tượng nghiên cứu.

"Một số cảnh sát đơn giản là thường xuyên rơi vào các tình huống trong sự nghiệp ở đó nghi phạm tìm cách giết họ hoặc người vô tội khác”, ông lý giải. Klinger cũng đã phỏng vấn 36 cảnh sát nổ súng nhiều lần và thấy rằng họ thường là thành viên của các đơn vị SWAT hoặc trong lực lượng bắt giữ tội phạm. Cũng có thể họ là các cảnh sát tuần tra phải làm việc ở những khu vực nhiều tội phạm.

Nhưng dù động cơ và lý do là gì, rất ít cảnh sát phải chịu trách nhiệm cho việc đã nổ súng. NBC thấy rằng trong hàng loạt vụ nổ súng nêu trên, chỉ có 4 vụ cảnh sát bị khởi tố hình sự. Đa phần các vụ khác cảnh sát gần như không bị xử lý gì. Đơn cử như ở Dallas, một viên cảnh sát chỉ bị xử án treo dù bắn chết người. Ở Orlando, một cảnh sát bị buộc tội, nhưng rồi lại được tuyên trắng án. Ở Columbus, một cảnh sát chỉ bị tạm đình chỉ công tác trong 16 giờ sau khi tham gia vào vụ nổ súng bắn chết người thứ hai trong vòng 2 năm.

Bi kịch khi người cần giúp đỡ bị cảnh sát giết

Myers đã làm việc ở Sở cảnh sát Seattle trong hơn 20 năm trước khi ông dính vào vụ nổ súng đầu tiên cách đây một thập kỷ. Sự kiện lần đó xảy ra vào tháng 12.2010, do nhìn nhầm và tưởng nghi phạm Jose Cardenas-Muralta đang cầm súng nên Myers đã bắn anh ta trước.

Muralta suýt chết sau màn chạm trán này và sự cố đã khiến Myers bị thương tổn tinh thần nghiêm trọng, do hối hận bởi hành vi của mình. Thậm chí Myers đã có thời gian phải đi điều trị tâm lý trước khi có thể trở lại làm việc.

Tuy nhiên vụ nổ súng tiếp theo của Myers, diễn ra vào ngày 30.8.2014, ông ta đã là con người khác. Lần ấy đối tượng Stephen Johnston, 57 tuổi, cố thủ trong nhà và nổ súng bắn về phía cảnh sát. Trong số các cảnh sát tới hiện trường, chỉ có một người duy nhất bắn một viên về phía Johnson. Về phần mình Myers mang theo súng trường và nã tới 10 phát đạn, hạ sát Johnston. Sau cuộc đụng độ này, Myers khai với cơ quan điều tra rằng ông ta đã "kích hoạt" chế độ chiến đấu có sử dụng chiến thuật để bảo vệ tính mạng của các cảnh sát khác. "Tôi không còn thấy nghi ngờ bản thân nữa”, Myers nói.

Ngày 20.4.2017, Myers tiếp tục nổ súng và bắn chết Damarius Butts, một thanh niên da đen 19 tuổi. Butts và chị gái đã ăn cắp vài chiếc bánh, một lốc bia 12 lon và vài món đồ khác từ một cửa hàng tiện lợi, không quên rút súng dọa người thu ngân khi bỏ chạy. Sau khi được an toàn, người thu ngân gọi cảnh sát. Cuộc đấu súng tiếp theo giữa toán cảnh sát truy đuổi, có Myers, đã khiến Butts bị bắn chết. Tuy nhiên do có hành động dũng cảm trong vụ này nên Myers và 6 cảnh sát khác được tặng thưởng Huân chương danh dự cảnh sát của bang Washington.

Sau vụ này, Myers đã định rời khỏi công việc tuần tra đường phố để xử lý các vấn đề bàn giấy, chờ ngày về hưu. Thế rồi cuộc gọi 911 định mệnh liên quan tới Ryan Smith xuất hiện vào tháng 5.2019 và Myers một lần nữa lại nổ súng giết người.

Ủy ban cảnh sát cộng đồng Seattle, tổ chức giám sát dân sự đang cổ súy cho việc cải cách cảnh sát, nói rằng Smith chỉ là một người đang chịu áp lực tinh thần và "cần được giúp đỡ", nhưng cuối cùng lại bị giết chết. "Bởi những con người như Smith cầm dao nên họ đã bị đáp trả bằng vũ lực chết người”, ủy ban nói. Ủy ban cũng cho biết Sở cảnh sát Seattle cần phải huấn luyện để nhân viên đảm bảo các cảnh sát trong lực lượng phải tiến hành các hoạt động như "giữ khoảng cách" và tạo không gian với nghi phạm, bên cạnh nhiều kỹ thuật làm giảm căng thẳng khác.

Trong một cuộc phỏng vấn, Myers nói rằng thông tin mà ông ta nhận được ban đầu về Smith khá manh mún và rời rạc. Ông ta chỉ biết nghi phạm là đàn ông, cầm dao, một phụ nữ báo nghi phạm đang tìm cách giết cô ta và "máu vương khắp nơi" tại nhà nghi phạm.

Khi nhận tin, Myers vội lao tới hiện trường và quyết định xử lý nhanh gọn để bảo vệ người phụ nữ. "Tôi đã ước mình là siêu nhân. Tôi chỉ cố làm tất cả những gì tốt nhất để bảo vệ các nạn nhân mà thôi", ông ta nói.

Với Johnson, bà luôn thấy đáng tiếc khi nhà chức trách đã điều một viên cảnh sát không phù hợp tới nhà con bà. Đó là các cá nhân "vì những lý do nào đó đã nổ súng chỉ vài giây kể từ khi có mặt ở hiện trường."

"Tôi không có nghi ngờ gì về việc nếu Myers không tới hiện trường khi nghe cuộc gọi báo về con tôi, hẳn nó vẫn còn sống tới giờ này. Thật không may khi viên cảnh sát đó đã xuất hiện," bà nói.

Tường Linh (theo NBC)
TIN LIÊN QUAN

Nhầm lẫn tai hại khiến cảnh sát Mỹ bắn chết thanh niên da màu Minnesota

Bảo Châu |

Cảnh sát Mỹ tiết lộ vụ bắn chết thanh niên da màu ở Minnesota bắt nguồn từ nhầm lẫn của nữ sĩ quan.

Cảnh sát Mỹ bắn chết người da màu ở Minneapolis, châm ngòi biểu tình mới

Bảo Châu |

Các cuộc biểu tình đã nổ ra vào đêm 11.4 sau khi cảnh sát Mỹ bắn chết một thanh niên da màu ở Minneapolis - gần nơi xét xử vụ George Floyd.

Vụ cảnh sát Mỹ ghì chết George Floyd: Tình tiết quan trọng bị thay đổi

Hải Anh |

Cảnh sát Mỹ ghì chết George Floyd trong 9 phút 29 giây, không phải 8 phút 46 giây như thông tin từ trước tới nay.

Cảnh sát Mỹ bật khóc tiễn đưa đồng đội thiệt mạng ở điện Capitol

Cát Tường - Linh Chi |

Nhiều cảnh sát Mỹ đã không kìm được nước mắt khi xe chở thi hài sĩ quan Brian Sicknick di chuyển qua trước khuôn viên điện Capitol.

Bắt sĩ quan cảnh sát Mỹ nghi làm gián điệp cho Trung Quốc

Song Minh |

Với cáo buộc làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc, một sĩ quan cảnh sát New York, Mỹ, phải đối diện nhiều tội danh.

24 giờ nhớ đời của khách Tây đi xe giường nằm từ Việt Nam sang Lào

Thúy Ngọc |

Thay vì bay một tiếng từ Việt Nam sang Lào, Hannah đi xe giường nằm với hành trình kéo dài 24 tiếng. Dẫu có những thời điểm lo sợ thót tim, nhưng cô không hối hận với lựa chọn của mình.

Chủ tịch TPHCM báo cáo Thủ tướng về giải ngân thấp, xin hạ một bậc thi đua

MINH QUÂN |

Trước việc TPHCM giải ngân đầu tư công chỉ đạt 71,3% trong năm 2022, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và đề xuất hạ một bậc thi đua.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu cán bộ không đi lễ hội trong giờ hành chính

PHẠM ĐÔNG |

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.

Nhầm lẫn tai hại khiến cảnh sát Mỹ bắn chết thanh niên da màu Minnesota

Bảo Châu |

Cảnh sát Mỹ tiết lộ vụ bắn chết thanh niên da màu ở Minnesota bắt nguồn từ nhầm lẫn của nữ sĩ quan.

Cảnh sát Mỹ bắn chết người da màu ở Minneapolis, châm ngòi biểu tình mới

Bảo Châu |

Các cuộc biểu tình đã nổ ra vào đêm 11.4 sau khi cảnh sát Mỹ bắn chết một thanh niên da màu ở Minneapolis - gần nơi xét xử vụ George Floyd.

Vụ cảnh sát Mỹ ghì chết George Floyd: Tình tiết quan trọng bị thay đổi

Hải Anh |

Cảnh sát Mỹ ghì chết George Floyd trong 9 phút 29 giây, không phải 8 phút 46 giây như thông tin từ trước tới nay.

Cảnh sát Mỹ bật khóc tiễn đưa đồng đội thiệt mạng ở điện Capitol

Cát Tường - Linh Chi |

Nhiều cảnh sát Mỹ đã không kìm được nước mắt khi xe chở thi hài sĩ quan Brian Sicknick di chuyển qua trước khuôn viên điện Capitol.

Bắt sĩ quan cảnh sát Mỹ nghi làm gián điệp cho Trung Quốc

Song Minh |

Với cáo buộc làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc, một sĩ quan cảnh sát New York, Mỹ, phải đối diện nhiều tội danh.