Chuyện thống kê hộ khẩu thời xưa

lê tiên long |

Theo sử sách của triều đình nhà Nguyễn, năm 1820, dân số nước ta thống kê trong “sổ đinh” là 620 nghìn người, năm 1826 là 719,5 nghìn người. Do thời phong kiến, chỉ thống kê dân số theo sổ đinh, tức ghi những người từ 18 đến 59 tuổi, nên qua sử sách, đời sau cũng chỉ nắm được đại khái về số đinh được ghi nhận qua các thời kỳ, chứ không nắm rõ tổng dân số nước ta thời đó chính xác là bao nhiêu.

Phép tuyển duyệt dân số thời Lê trung hưng

Theo bộ “Sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, phép tuyển duyệt dân số đời Lê Sơ, từ đời vua Lê Thánh Tông đến thời Lê Thần Tông đều liên liếp làm sổ hộ, ba năm một lần tiểu tạo, sáu năm một lần đại tu. Theo cách làm này, triều đình phái quan đi duyệt tuyển dân đinh, hạ lệnh cho các xã thôn kê khai hộ chính đinh và hộ trú ngụ.

Dân đinh thời xưa được chia thành các hạng như sau: Hạng tráng (khỏe mạnh), hạng quân (tham gia quân đội), hạng lão (trên 60 tuổi), hạng cố (người không có sản nghiệp, phải đi làm thuê), hạng cùng (đàn ông không có vợ, đàn bà góa chồng, trẻ mồ côi, người trơ trọi một mình, những người này không nương tựa vào đâu được). Các hạng lão nhiêu, đốc tật, biệt tinh (người được miễn trừ giao dịch) và phiêu lưu thì để ngoài sổ; dân đinh đến tuổi trưởng thành thì biên tên vào sổ; người ngụ cư thì biên vào sổ phụ.

Triều đình quy định mỗi xã phải làm bốn bản sổ đinh; một bản dâng lên triều đình, một bản nộp bộ Hộ, một bản đệ ti Thừa chính ở trấn và một bản để nộp ở huyện. Phàm những việc đánh thuế, tuyển lính đều căn cứ vào sổ này mà thực hiện. Đến những năm niên hiệu Cảnh Trị (thời vua Lê Huyền Tông), triều đình thấy việc duyệt tuyển phiền phức, có ý chán nản, mới sai các quan chia nhau đi khám thực, thông tính nhân đinh điền sản các xã rồi liệu lượng quân bổ suất số, lập làm phép “bình lệ”, từ sau người sinh ra không tính, người chết đi không trừ.

Chúa Trịnh Sâm (1739 - 1782) nhận thấy trong nước đã đi đến thái bình, số hộ khẩu ngày thêm nảy nở, muốn xét thực số đinh để sửa đổi lại ngạch đinh trong sổ. Ý kiến của chúa được Lê Quý Đôn, khi đó là Bồi tụng (phó Tể tướng), ra sức tán thành. Do đó, tháng 5.1773, Chúa Trịnh Sâm hạ lệnh các đại thần bàn định phép làm sổ. Chúa nói với triều thần: “Nhà nước lúc bắt đầu trung hưng, chiếu theo phép cũ, ba năm một lần làm sổ hộ; năm Cảnh Trị, mới lập ra phép bình lệ không tính số đinh tăng lên hay sút đi, phép ấy thi hành hơn 50 năm, phần nhiều sai suyễn; năm Bảo Thái (đời vua Lê Dụ Tông) tiếp tục làm sổ cũng chỉ dựa theo ngạch cũ, rồi sau không kế tiếp sửa lại, đến nay lại đã hơn 50 năm rồi. Bây giờ nên cân nhắc phép đời trước, châm chước việc ngày nay, tham khảo mọi mặt định thành điều lệ, xét thực số nhân đinh, sửa đổi lại sổ hộ, cho phép dân được tự liệu lượng nhân khẩu mà chịu số hộ, để cho đủ ngạch trong sổ”.

Chúa Trịnh Sâm hạ lệnh cho Tể tướng Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Phương Đĩnh và Lê Quý Đôn giữ công việc này. Nhưng Nguyễn Nghiễm và Phương Đĩnh chỉ làm cho đủ chức vị mà thôi, mọi công việc đều do Quý Đôn chủ trương hết. Quý Đôn kê cứu tra xét quá nghiêm khắc, nhân dân đều nghiến răng căm hờn, họ làm thư nặc danh dán ở cửa phủ chúa Trịnh xin bãi bỏ Quý Đôn đi mà dùng Hoàng Ngũ Phúc, lời lẽ trong thư rất là tha thiết. Do đó, chúa Trịnh Sâm thay đổi mệnh lệnh, cho Ngũ Phúc cùng Quý Đôn đều giữ công việc đôn đốc làm sổ. Ngũ Phúc xin thi hành theo điều lệ đời Cảnh Trị, đại để có nơi tăng, có nơi giảm, có nơi bình bổ vẫn như cũ. Số dân đinh hơi kém với ngạch đinh năm Bảo Thái, dân cũng cho là thuận tiện.

Tuy nhiên sử sách thời Lê không ghi rõ số dân trong hộ khẩu của nước ta lúc đó là bao nhiêu.

Số dân đinh thời Nguyễn

Đến thời nhà Nguyễn, việc thống kê hộ khẩu đã được ghi chép chu đáo. Theo bộ quốc sử của triều Nguyễn Đại Nam thực lục chính biên, số đinh năm Minh Mạng thứ nhất (1820) là 620.240 người, cùng với những con số thống kê quan trọng khác như “ruộng 3.076.300 mẫu và 26.750 khoảnh, tiền 1.925.920 quan, thóc 2.266.650 hộc, vàng hơn 580 lạng, bạc hơn 12.400 lạng”.

Đến năm Minh Mạng thứ 7 (1826), dân số nước ta là 719.510 người có trong sổ hộ khẩu, so với năm Gia Long thứ 18 (1819), đã tăng thêm 106.589 người.

Thống kê của bộ Binh, cuối thời vua Minh Mạng, toàn bộ lực lượng quân đội và quan lại của triều đình là 204.220 người.

Nhiều sự kiện khác liên quan đến dân số cũng đã được ghi lại trong sử triều Nguyễn. Như năm Minh Mạng thứ nhất (1820), bệnh dịch phát từ mùa thu sang mùa đông, bắt đầu từ Hà Tiên, sau rốt lan ra đến Bắc Thành, làm cả nước chết 206.835 người, chưa kể số không được thống kê trong hộ tịch. Để chẩn cấp cho nhân dân trong đợt dịch này, triều đình đã chi ra tất cả 73 vạn quan tiền.

Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), trong cuộc thống kê hộ khẩu, số người thọ trên 100 tuổi của cả nước như sau: Quảng Trị: 9 nam, 24 nữ; Gia Định: 5 nam, 2 nữ. Quảng Nam: 27 nam, 10 nữ; Nghệ An: 6 nam, 4 nữ, kinh thành: 6 nữ. Bắc Thành: 5 năm, 9 nữ. Thanh Hóa: 1 nữ.

Năm 1837, thống kê số đinh của tỉnh Hà Nội là 51.877 người và tỉnh Sơn Tây là 29.551 người. Có thể thấy mức độ tăng số đinh của tỉnh Hà Nội là không cao, khi sang năm 1840, tỉnh này cũng mới có 52.335 người.

Đến năm Minh Mạng năm cuối (1841), khi Bộ Hộ dâng danh sách tổng kê nhân đinh ruộng đất, thuế lệ về năm ấy, thì về nhân đinh, cả nước lúc đó có 970.516 người. Về ruộng đất, có 4.063.892 mẫu, thóc thuế là 2.804.744 hộc. Về tiền thuế, cả nước thu được 2.852.462 quan tiền, 1.471 lạng vàng có lẻ và 121.114 lạng bạc.

lê tiên long
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.