Chuyện làng văn nghệ: “Trường Sa hành” tròn 40 tuổi

NGUYỄN THỤY KHA |

“Trường Sa hành” là bài thơ dài 64 câu thơ thất ngôn với thể hành của nhà thơ Tô Thùy Yên, được viết vào tháng 3.1974, khi tác giả có 3 tuần ở Trường Sa sau sự kiện lịch sử bi tráng 74 sĩ quan và binh sĩ Việt Nam Cộng hòa hy sinh ở Hoàng Sa tháng 1.1974 trong cuộc chiến đấu dũng cảm không cân sức với lực lượng Hải quân Trung Quốc. Với “Trường Sa hành” qua tiếng thét nội tâm của tác giả, đại diện cho tất cả dân tộc Việt Nam, đã ngay lập tức khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của tổ quốc ở vùng biển đảo này.

Làm về Trường Sa, nhưng “Trường Sa hành” vẫn mang trong đó hơi thở bi tráng mà sự kiện Hoàng Sa còn đang ám ảnh lớn ở tâm hồn, “Trường Sa hành” là một thi phẩm đặc sắc mở đầu một thời đại thi ca hướng về biển đảo trong suốt 40 năm qua. Nhiều người, nhất là anh em trong nghề đều đã biết đến “Trường Sa hành” từ lâu, nhưng đến hôm nay, “Trường Sa hành” mới chính thức được công bố từ đầu năm qua chân dung nhà thơ Tô Thùy Yên in trong tập sách “Mặc khách Sài Gòn” của tác giả Tô Kiều Ngân và sau đó đã được giới thiệu trên Tạp Chí Thơ số 5.2014 của Hội nhà Văn Việt Nam qua hai trang giới thiệu đầy thiện chí của tác giả Nhất Lãm với cả lời đề từ là câu thơ của Saint John Perse: “Lúc nào cũng tiếng ồn ã ấy/ Lúc nào cũng nỗi hãi hùng ấy…” (Toujours il y eut cette clameur, toujours il y eut cette fureur…). “Trường Sa hành” gởi lại trong tôi một chiều gặp gỡ và trò chuyện với nhà thơ Tô Thùy Yên tại thành phố Houston - bang Texas (Hoa Kỳ) vào cuối tháng 7.2007.

Chân dung Tô Thùy Yên của Đinh Cường.

Thực ra, ngay sau ngày thống nhất đất nước, qua những sách in cũ ở Sài Gòn, tôi đã rất có cảm tình với giọng điệu thơ của Nguyễn Bắc Sơn và Tô Thùy Yên. Ở thơ họ, có chứa đựng rõ nét chất dân tộc và hiện đại. Nhưng hai hành trình khác nhau. Nguyễn Bắc Sơn thì đi thẳng tới giọng điệu này. Còn ở Tô Thùy Yên lại là một hành trình đi từ những cách tân mang ám ảnh siêu hình khi ông là một thành viên trẻ nhất trong nhóm Sáng Tạo, đến việc trở lại với bút pháp phương Đông và truyền thống.

Tác giả Tô Kiều Ngân đã nói rõ điều đó trong chân dung Tô Thùy Yên với tít bài “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu”. Đó là bài thơ cùng tên in trên tạp chí Sáng Tạo 4.1956. Bài thơ mô tả cuộc chạy đua giữa con tàu và con ngựa nhưng mang ý tưởng khái quát là cuộc đua tốc độ giữa văn minh và hoang dã. Cuối bài thơ là hình ảnh con ngựa chết, để lại một dấu chấm đẹp: “Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ/ Chấm giữa nền nhung một chấm nâu”. Khi ấy, Tô Thùy Yên mới 18 tuổi (ông sinh tại Gò Vấp năm 1938). Ở chân dung, tác giả “Mặc khách Sài Gòn” còn mô tả lại cuộc nhậu thời trai trẻ với Tô Thùy Yên, Cung Tiến, Trịnh Công Sơn… Tô Thùy Yên dần dà hành trình về với Đường thi, rũ bỏ những cách tân hơi chút ngộ nhận của tuổi trẻ: “Với thân thể lân tinh, em sáng lên trong bóng tôi, hạt kim cương rạng ngời trong mỏ than đêm, anh trông thấy em không nhầm lẫn được/ Với thịt da gỗ quý, giọt mật tinh khôi nằm giữa đài hoa thơm nức/ Em dâng hương anh, gã du mục lạc loài trong nhớp nhúa…”. Một giũ bỏ đáng khâm phục để đi tới những câu thơ giản dị đến chóng mặt: “Tôi vùi mình xuống cô đơn như quả mìn nổ chậm” và nhất là đi tới “Trường Sa hành” 3.1974 - một thi phẩm để đời.

Đầu thu 2007, tôi cùng nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến và nhà thơ Hoàng Trần Cương sang Đại học Dallas (bang Texas) theo lời mời của nhà thơ - Giám đốc Đại học Dallas - Frederick Turner để trao đổi về “Chủ nghĩa cổ điển tự nhiên” (một trào lưu mới trong văn nghệ Hoa Kỳ hiện nay sau “Chủ nghĩa hậu hiện đại). Sau trao đổi, chúng tôi về Houston thăm trường Nghệ thuật Mecca ở Houston. Ở trường nghệ thuật này, có một nghệ sĩ Việt Nam duy nhất làm giáo viên. Đó là nghệ sĩ guitar Nguyễn Quang Bình mà chúng tôi quen gọi là “Bình mù” (kính cận của Bình dày như đáy chai thủy tinh). Không ngờ, ở Mỹ, cuối cùng Tô Thùy Yên và “Bình mù” lại ở cùng thành phố. Qua điện thoại, “Bình mù” thông báo với Tô Thùy Yên là sẽ đưa chúng tôi tới thăm ông.

Vợ chồng nhà thơ ở một căn nhà gỗ mới cất ít lâu. Hình như đến tuổi “thất thập cổ lai hy”, sóng gió cuộc đời mới tạm buông tha cho Tô Thùy Yên, mới để cho ông có chút bình yên. Nhưng lại bình yên ở một xứ sở mà có lẽ Tô Thùy Yên không bao giờ thấy thân quen được: “Nước Mỹ này quá rộng và quá buồn/ Anh không còn muốn tự định liệu… Và trong những khoảnh đèn khoét đọng lẻ quạnh/ Nhìn chút đỉnh những con người/ Nhìn cuộc sống còn nửa thức, nửa ngủ/ Hỏi lại mình: Lòng ngất tạnh khuya/ Tìm đâu một chốn ấm hơi đời…”. Thời gian đã ép mỏng dần nỗi u uẩn. Một nhà thơ khí phách như ông, đủ sức mạnh đứng lên trên đau khổ, chọn dân tộc làm điểm tựa của mình: “Ta về như lá rơi về cội/ Bếp lửa nhân quần ấm tối nay/ Chút rượu hồng đây xin rưới xuống/ Giải oan cho cuộc bể dâu này…”. Tôi đã nghĩ về ông như thế và rất may, khi hiện diện gặp gỡ, ông chính là như tôi nghĩ. Trong câu chuyện, thấy Tô Thùy Yên rất chăm chú. Chắc ông cũng bất ngờ là tôi hiểu về thơ ông nhiều hơn là ông nghĩ. Thỉnh thoảng, ông Hoàng Ngọc Hiến lại đưa ra những nhận định trong đó có nhận định về nhóm Sáng Tạo. Khi Tô Thùy Yên muốn nghe thơ “Bắc kỳ” (vì Tô Thùy Yên là nhà thơ đậm chất Nam Bộ) một chút vì lâu quá không nghe, thì Hoàng Trần Cương “xổ” ngay ra “Trầm tích”: “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/ Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam…”. Giọng đọc và cách đọc “lên đồng” kiểu thơ trình diễn của Hoàng Trần Cương, khiến Tô Thùy Yên khá ngạc nhiên. Chắc cộng hưởng được rồi. Hăng hái lên, Hoàng Trần Cương còn cao giọng ngất ngưởng: “Chiều mang màu giẻ lau/ Mặt đàn ông buồn héo/ Mắt em chạy rông...”. Bỗng liên tưởng câu thơ Tô Thùy Yên: “Khuôn mặt em thì để khóc/ Khóc đi em”. Tô Thùy Yên tâm sự là có sang hội thảo thơ Việt Nam ở Đức. Trong nước có nhà thơ trẻ Nguyễn Hữu Hồng Minh tham dự. Nhưng vì nghe thơ trẻ thấy táo bạo, tìm tòi nhưng vẫn ít trải nghiệm. Nghe thơ như chiều hôm nay thấy sướng, thấy đồng cảm. Vợ ông - bà Bích thì từ khi nhận tấm khăn lụa Hà Đông mỏng mảnh - quà tặng của chúng tôi - thấy bà như trẻ lại, mềm đi bởi choàng lên vai là hơi ấm quê hương.

Chúng tôi cùng nhau đến một quán ăn Việt Nam. “Kiểu gì thì cũng rất nên lai rai, sau quá lâu rồi…”. Tô Thùy Yên nói vậy rồi kéo chúng tôi vào bàn. Rượu vào, mới nghe Tô Thùy Yên kể về “Trường Sa hành”. Một thời khắc lịch sử không thể quên được, nhưng thực ra chúng ta mới bắt đầu thực sự nhớ đến sau sự kiện Gạc Ma 3.1988, trong khi đó, nhà thơ đã thông báo ở “Trường Sa hành” từ 14 năm trước. Một giọng đọc âm vang. Âm vang tới mức dù ông không đọc hết, mỗi khi tôi đọc lại “Trường Sa hành” bằng mắt, vẫn nghe âm vang giọng Tô Thùy Yên: "Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!/ Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề/ Lính thú mươi người lạ sóng nước/ Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi".

Đọc những câu thơ này, liên tưởng ngay tới những người lính thú xưa vất vả và cô đơn bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa đến thế nào. Vất vả và cô đơn, nhưng thừa gan góc. Mới thấy ngày nay, đất nước đã phải góp sức, góp công lớn đến chừng nào để tạo ra một Trường Sa vững vàng của thời đại hôm nay: "Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi/ Khiến cả lòng ta cũng rách tưa/ Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn/ Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ".

Khi ấy, tôi lại quên không hỏi Tô Thùy Yên “Hiu Quạnh Lớn” là nỗi hiu quạnh lớn viết hoa hay là tên ông đặt cho “Trường Sa lớn”. Có lẽ, câu trả lời là ý thứ hai. Và nếu đúng thế, thì càng thấy từ một Trường Sa Lớn hiu quạnh đến một Trường Sa Lớn hôm nay sau 40 năm, quả là một công việc xây dựng và cải tạo vượt qua cả sức tưởng tượng: "Đảo hoang vắng cả hồn ma quỷ/ Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên/ Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh/ Lên xác thân người mãi đứng yên".

Cũng lại là một chặng dài của thời gian 40 năm. Chữ “hoang” đã mãi mãi được xóa đi trong tâm thức thế hệ hôm nay. Còn “hồn ma quỷ” rờn rợn tâm linh có thể được ghi nhận là “hồn lính đảo” và không hề “vắng”. Riêng Gạc Ma đã 64 liệt sĩ rồi. Mới thấy câu thơ khắc họa hiện thực 40 năm trước của Tô Thùy Yên giá trị đến nhường bao. Những khổ thơ 4 câu cứ thế nối tiếp nhau, xây chắc chắn cấu trúc “Trường Sa hành” bởi giọng thơ bi tráng đến tột độ. Bi tráng nhưng vẫn đầy chất lính bất cần, lạc quan: "Chú em hãy hát, hát thật lớn/ Những điệu vui, bất kể điệu nào/ Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ/ Cho mái đầu ta chớ cúi sâu".

Không thể "cúi sâu" được, không gì có thể khuất phục được ý chí của dân tộc bé nhỏ này. Trước đã thế, thì bây giờ càng thế. Và mãi mãi thế. "Ngày ngày trắng chói chang như giũa/ Ánh sáng vang lừng điệu múa điên/ Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ/ Kêu dòn như tiếng nứt hoa niên".

Đây là khổ thơ rất đáng kính nể, khổ thơ được làm bằng một năng lực lớn. Chỉ cần một dấu chấm giữa hai chữ "ngày" thì giai điệu của bài hành này đã khác lắm rồi. Câu thơ không mô tả thời gian trôi "ngày ngày" mà mô tả từng ngày ám ảnh của Trường Sa. "Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa". Một so sánh cực bất ngờ. Một không gian như một thỏi tháp bị giũa trắng thì là một không gian kiểu gì đây. Ám ảnh không chịu nổi. Đến câu "Ánh sáng vang lừng điệu múa điên" thì thực sự bảy chữ trong câu thơ đã làm dồn tụ vào biết bao thủ pháp thơ. Giai điệu thơ nghe rất "thể hành". Từng chữ rời ra thì cũ rích. Sao khi gắn vào bên nhau "trắc trắc bằng bằng trắc trắc bằng" thì nó lại vượt qua Đường thi quá xa bởi những ấn tượng, chất siêu thực. Không biết là ánh sáng phát ra âm thanh "vang lừng" hay ánh sáng là những vũ công đó hát vang lừng âm nhạc. Chỉ thấy bảy chữ cứ quánh vào nhau, sánh đặc cảm xúc.

Từ sau chiều đó, chúng tôi chưa gặp lại Tô Thùy Yên. Ông Hoàng Ngọc Hiến đã mất. Chúng tôi chưa có dịp sang lại Houston. Nghe nói cuối xuân mới rồi, Tô Thùy Yên về Việt Nam và có ra Hà Nội gặp gỡ anh em làm thơ thân quen. Nhưng có lẽ lúc ấy, tôi đang đi đâu đó. Vả lại, có thể ấn tượng của tôi trong ông chưa đủ để ông nhớ. Nhưng tôi thì luôn nhớ ông, nhất là khi tới năm nay, xảy ra bao chuyện biển đảo căng thẳng. Càng thấy quý "Trường Sa hành", bài thơ đã vào tuổi 40.

NGUYỄN THỤY KHA
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.