Chuyện làng văn nghệ: Kiều Hưng - Giọng ca vàng và giai điệu tím

NGUYỄN THỤY KHA |

Mùa đông 1973, từ chiến trường, tôi đưa một nhóm văn nghệ ra Hà Nội tham gia hội diễn Binh chủng Thông tin. Sau hội diễn, được nghỉ mấy ngày phép, tôi về thăm nhà ở Hải Phòng. Chính thời gian đó, lần đầu tiên tôi được nghe và nhìn Kiều Hưng hát trong chương trình ca nhạc của Đoàn văn công nhân dân Trung ương biểu diễn tại Nhà hát tháng Tám.

Khi ông hát “Thành phố hoa phượng đỏ” (Lương Vĩnh phỏng thơ Hải Như), tôi có cảm giác như ông đang hát lên chính nỗi lòng tôi: “Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt chưa trọn nghĩa Sài Gòn, Đà Nẵng/ Ta lại tạm xa nhau/ Chào phố biển thân yêu…”. Đúng thế. Nghe ông hát xong, sau buổi diễn, tôi lại tạm biệt Hải Phòng vào chiến trường. Cái giọng hát da diết cứ lấp lánh trong tôi những âm điệu vừa nồng nàn vừa sâu lắng. Tôi chú ý, khi hát, Kiều Hưng luôn nhả âm bằng một nụ cười. Và đặc biệt, ông hát không hề nhắm mắt như nhiều ca sĩ. Mắt cũng cười cùng đôi môi.

Kiều Hưng hát trong chương trình "Giai điệu tự hào".

Thế hệ chúng tôi biết đến Kiều Hưng và yêu quý ông khi ông thể hiện “Bài ca trên núi” của Nguyễn Văn Thương (lời Tô Hoài) trong phim “Vợ chồng A Phủ”, rồi sau đó phát trên làn sóng phát thanh. Có người còn mê giọng vàng của ông từ khi ông hát “Đỉnh núi Lê Nin”, một bài hát Nga rất thịnh hành thời ấy. Bước vào chống Mỹ, lại Kiều Hưng mang đến cho tâm hồn thanh xuân chúng tôi một tượng đài âm thanh về “Em bé Bảo Ninh” (nhạc Trần Hữu Pháp - thơ Nguyễn Văn Dinh) và bao giai điệu thời chiến tranh nữa. Nhưng bẵng đi một dạo, lại không nghe ông hát thêm những bài hát mới. Hóa ra ông đi tu nghiệp thanh nhạc ở Ukraina (Nhạc viện Kiev). Lần đầu tôi nghe ông hát ở Hải Phòng, ông mới về nước được hơn một năm.

Vào lại Trường Sơn, mùa mưa 1974, giữa những cơn mưa rừng xối xả, tôi lại nghe qua đài bán dẫn, bài hát “Rặng trâm bầu” qua giọng hát Kiều Hưng và Thanh Huyền. Nhạc sĩ Thái Cơ viết đã độc đáo, qua sự thể hiện của hai giọng ca vàng Kiều Hưng và Thanh Huyền, bài hát càng độc đáo hơn. Nó gây một ấn tượng lan tỏa thật mạnh mẽ. Tôi và một nữ chiến sĩ thông tin của đơn vị đã nghe và thuộc bài hát, để rồi chính chúng tôi thể hiện bài hát này trong những đêm liên hoan của lính. Sau ngày thống nhất, Kiều Hưng lại chinh phục thính giả bằng những “Gửi em chiếc nón bài thơ” của Lê Việt Hòa (thơ Sơn Tùng), “Tình em biển cả” của Nguyễn Đức Toàn và đặc biệt là “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của Nguyễn Văn Tý, khi ông song ca cùng Thu Hiền. Nghe Kiều Hưng hát, người ta luôn luôn có cảm giác bay bổng như được chắp cánh. Nghe Kiều Hưng hát, người ta thấy ham sống hơn, tin yêu nhau hơn. Vậy mà cuộc đời của chính giọng ca này lại gặp quá nhiều trắc ẩn, quá nhiều éo le. Không ai nghĩ một tài năng ca hát như ông lại phải về hưu ở tuổi 50. Những ngày đầu đổi mới mang lại hy vọng rất nhiều cho đất nước, nhưng những quyết định quá khích lại mang đến cho nhiều số phận những thiệt thòi không nói thành lời, nhất là cho những tài năng như Kiều Hưng, Bích Liên, Đinh Thìn, Hữu Xuân, Xuân Nhung, Mạnh Hùng… Họ đã bị “Cào bằng” với rất nhiều nghệ sĩ “èng èng” khác - những nghệ sĩ cho về hưu sau 30 năm công tác là rất xứng đáng. Bi kịch và rạn vỡ bắt đầu từ đó. Họ đều phải bươn chải cùng nhau để kiếm sống. Riêng Kiều Hưng, nhờ gặp bạn cũ là nghệ sĩ múa Ca Lê Hồng, bà đã giúp đỡ cho ông công việc giảng dạy lớp Đại học Thanh nhạc Dân tộc, rồi lớp cải lương… và được phân một căn buồng chật hẹp giữa Sài Gòn rộng lớn. Đành tạm vừa lòng với sự mỉm cười của số phận. Những tưởng đã “qua cơn bĩ cực” nhưng một lối rẽ bất ngờ đã đưa đẩy Kiều Hưng đến một bi kịch lớn hơn đón đợi phía trước mà ông không hề hay biết. Năm 1991, khi vợ ông trúng tuyển đi nghiên cứu sinh ở Nga, trong lần cùng hai con sang thăm bà, nhờ sự giới thiệu của cô giáo cũ, Kiều Hưng đã được nhận vào trường Đại học Văn hóa tổng hợp Moskva. Được ưu ái nhỏ như vậy, cũng có thể coi như số phận đã an bài. Kiều Hưng tính là học xong, nếu không hát được thì sẽ về nước đi dạy. Nhưng ưu ái nhỏ làm sao đỡ nổi tan vỡ lớn. Khi Liên Xô tan rã, chi phí học tập đành phải tự trang trải. Kiều Hưng cùng vợ chồng nghệ sĩ Tôn Thất Triêm - Xuân Thanh nhận thêm hợp đồng đi biểu diễn cho nhiều vùng có cộng đồng người Việt ở khắp Châu Âu. Với Kiều Hưng, ông chỉ biết hát, hát để truyền lửa vào tâm hồn con người. Ông đâu biết trong những lần hát đó, ai là người trả thù lao. Vậy nên, đã có lúc ông bị mang tiếng là hát cho tổ chức này, nhóm chính trị kia. Mang tiếng gì thì Kiều Hưng vẫn chỉ là Kiều Hưng đắm đuối với nghề hát mà ông đã theo đuổi từ nhỏ. Bởi thế, dần dà cuộc đời càng hiểu về sự chân thành của ông hơn. Năm 2005, Kiều Hưng đã về hát trong một đêm nhạc ở khách sạn Hilton.

Gần đây, chương trình “Giai điệu tự hào” đã mời Kiều Hưng tham gia hát cùng thế hệ trẻ. Lúc thì ông hát song ca cùng Anh Thơ “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của Nguyễn Văn Tý, lúc thì ông hát “Tình em biển cả” của Nguyễn Đức Toàn cùng nhóm hát trẻ “Dòng thời gian”. Tuy sức khỏe đã yếu, nhưng khi Kiều Hưng cất giọng, vẫn thấy một Kiều Hưng thanh xuân thuở nào. Cùng làm chương trình nên anh em ngồi cùng nhau hàn huyên bao chuyện cũ mới. Kiều Hưng đưa tôi một tập gồm những ca khúc do ông sáng tác và những ca khúc nổi tiếng do ông đặt lời. Hóa ra cũng như Quốc Hương, Trần Khánh, Kiều Hưng không chỉ là một giọng hát vàng mà còn có cả những giai điệu tím của mình. Có những ca khúc, Kiều Hưng viết cả nhạc và lời như “Về thăm Pác Bó”, “Em lấy chồng anh tiếc lắm thay” và đặc biệt là “Đêm xa quê” mà phần nhạc có sự tham gia của ca sĩ Trung Đức. Chắc lúc đó Trung Đức sang Châu Âu biểu diễn dịp Tết gặp Kiều Hưng.

Phần phổ thơ, đáng chú ý nhất là chùm phổ thơ Nguyễn Văn Thạc - người sinh viên liệt sĩ thành cổ Quảng Trị - như “Màu tím hoa mua”, “Lá quê hương” và “Đêm trắng”. Thấy ông có bài thơ cuối cùng này của Nguyễn Văn Thạc mà tôi cũng phổ, tôi hát tặng ông trên chiếc xe từ trường quay “Giai điệu tự hào” về khách sạn. Rồi ông lại hát tôi nghe. Rồi chúng tôi cùng hát giai điệu của riêng mình để hòa thành một phức điệu, để “Đêm trắng Quảng Trị” hằn lên một ám ảnh bi tráng. Ông rất chăm phổ thơ: “Đi chùa” phỏng thơ Hữu Việt, “Trong sương sớm” thơ Trần Đăng Khoa, “Sống” thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát… lại cả “ghen” của Nguyễn Bính nữa. Phần đặt lời những ca khúc nổi tiếng thế giới cũng là phần rất dễ thương trong sáng tạo Kiều Hưng. Bài “The Wedding” (Ngày tân hôn) đã được nhiều người Việt Nam biết đến qua bản đặt lời của Phạm Duy: “Em bên mình anh ngồi yên dưới bàn thờ…” còn ở Kiều Hưng là: “Tay trong vòng tay cùng nhau hé môi cười…”. Bài “Jingle Bells” nổi tiếng trong lễ Noel: “Mừng ngày chúa sinh ra đời…” thì Kiều Hưng lại hát: “Nhìn Giáng sinh đang về/ Ngợp trời tuyết rơi bốn bề…”. Bài “Điệu nhảy trên trống” lời Việt chính là của Kiều Hưng: “Bản nhạc vui hôm nay đang vang lên rộn ràng/ Người gõ trống mê say với đôi tay nhịp nhàng vang trống lên…”. Bài “Happy New Year” của nhóm ABBA qua lời Kiều Hưng cũng khác lạ: “Ôi phút giao thừa/ Rộn vang lên trong tiếng cười/ Trong tiếng nhạc…”. Trong 3 lời của “Bài ca trên núi” (nhạc Nguyễn Văn Thương) thì lời đầu của Tô Hoài. Hai lời sau là của Kiều Hưng: “Rừng chiều có tiếng khèn ai đó/ Khèn hát lên những lời mong chờ/ Đường đi về rừng đường đi xuống núi/Người yêu hỡi! Em có, em có thấy chăng?/ Núi chỉ có hai người chúng mình bên nhau/ Rừng chiều gió thu về xao xuyến/ Này gió ơi cho gửi đôi lời/ Từ khi cuộc đời vượt qua bóng tối/ Trời chỉ có, chỉ có hai đứa bên nhau/ Núi chỉ có chúng mình hai người đắm say”.

Lại một mùa xuân đắm say đang về. Lại mong gặp Kiều Hưng nghe ông cất lên giọng vàng xuyên thế kỷ giai điệu mùa xuân của chính ông: “Xuân về khắp nơi nơi/ Hàng cây như đang đâm chồi/ Hồ nước long lanh ánh mặt trời/ Phố phường rộn ràng bài ca…”.

NGUYỄN THỤY KHA
TIN LIÊN QUAN

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Khách Trung Quốc đổ xô đặt tour nước ngoài dịp Tết Nguyên đán

Thúy Ngọc |

Dịp Tết Nguyên đán, yêu cầu đặt tour dịch vụ du lịch của khách Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á tăng 1026% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biếu Tết nhà nội, nhà ngoại bao nhiêu là đủ?

ANH THƯ |

Dịp cuối năm, nhiều gia đình lại "đau đầu" suy nghĩ biếu Tết bên nội, bên ngoại ra sao cho phù hợp, tỏ lòng hiếu thảo với bậc sinh thành.