Chuyện làm báo ở “địa ngục” Sơn La

Lan Nhi - Phạm Đông |

“Cuộc đời làm báo của ông Xuân Thủy bắt đầu rất sớm. Nhưng có lẽ, dấu ấn sâu sắc của buổi đầu này là từ những năm tháng làm báo Suối Reo ở nhà tù Sơn La, do ông là người phụ trách” - đó là lời tâm sự của bà Nguyễn Ánh Tuyết (sinh năm 1940, con gái của nhà báo Xuân Thủy) mà tôi gặp gỡ nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2020).

Làm báo nơi tù đày

Gặp gỡ bà Nguyễn Ánh Tuyết tại nhà riêng, chúng tôi được bà chia sẻ những tư liệu, hình ảnh ghi lại cuộc đời và sự nghiệp của nhà hoạt động chính trị, nhà báo Xuân Thủy (1912-1985). Có được những tư liệu quý giá này, bà Tuyết đã phải bỏ nhiều tâm sức, thời gian nghiên cứu tài liệu của những người bạn hoạt động cùng thời với cha mình. Đó là những cuốn hồi ký lịch sử, những cuốn sách  đã phủ dày lớp bụi thời gian, vẫn còn nguyên giá trị như: “Suối Reo năm ấy”, tuyển tập Xuân Thủy...

Theo tìm hiểu của bà Tuyết, tháng 5.1941, Chi bộ nhà tù Sơn La đã quyết định lập ra tờ báo sinh hoạt nội bộ và lấy tên là Suối Reo và ông Xuân Thủy được giao nhiệm vụ phụ trách tờ báo này. Suối Reo là tờ báo viết tay của những người cách mạng ở nhà tù Sơn La, góp phần vào cuộc đấu tranh chính trị trong nhà tù mà theo như lời ông Xuân Thủy từng nói: “Nhằm đoàn kết, giáo dục, động viên các lực lượng trong nhà tù trên bước đường phấn đấu”.

Hồi ức “Suối Reo năm ấy” của ông Xuân Thủy có viết: Tờ báo có khổ 20x14cm, mỗi tháng xuất bản hai kỳ, mỗi kỳ nhiều nhất là hai số. Nơi cảnh tù đày, bút viết, giấy mực còn hiếm hoi nên không thể in ấn, vì thế tờ báo Suối Reo được viết tay trên nền giấy thường. Báo viết tay nên việc xuất bản về mặt số lượng còn hạn chế, quân cai ngục thì liên tục kiểm soát gắt gao. Do đó, việc đọc báo cũng phải bí mật, phải làm sao khéo léo chuyển qua các phòng giam. Báo được đọc vào buổi tối sau khi giám thị đã đi kiểm tra và khóa hết cửa phòng giam.

Bà Nguyễn Ánh Tuyết trong chuyến thăm nhà tù Sơn La - nơi cha bà từng bị bắt giam. Ảnh: Lan Nhi
Bà Nguyễn Ánh Tuyết trong chuyến thăm nhà tù Sơn La - nơi cha bà từng bị bắt giam. Ảnh: Lan Nhi

Đặc biệt, theo cách ông Xuân Thủy mô tả trong hồi ký, hoàn cảnh xuất bản tờ báo thật hiếm nơi đâu có được. Theo quy định của nhà tù Sơn La, 20 giờ là đèn điện các trại giam phải tắt hết, trừ đèn nhà xí và đèn ngoài trại giam. Chính vì vậy, đêm tối chính là thời gian làm báo Suối Reo. Những tay viết, tay vẽ, tay trình bày khẩn trương làm việc tới 3 giờ sáng dưới ánh sáng ngọn đèn được mắc vào xó tường đã bịt kín. Bên ngoài luôn có người canh cửa để báo động khi cần.

Ba lần vào tù và ba lần chết... hụt

Bà Ánh Tuyết tâm sự: “Cha tôi đi tù 3 lần và có 3 lần chết... hụt. Như trong bài thơ “Càng sống lâu” (năm 1943) mà ông Xuân Thủy đã sáng tác sau những lần chết hụt trở về quê hương:

“Pháp bắt 3 lần không chịu chết

Ba lần không chết nạn ôtô

Mới hay cái chết không hề dễ

Bởi vậy ta đây vẫn sống trơ...”.

Nhắc đến nhà tù Sơn La, bà Ánh Tuyết lại gợi nhớ đến những năm tháng đấu tranh gian khó, vô cùng khổ cực của cha mình. Ba lần ông Xuân Thủy vào tù rồi lại ra tù, bà Tuyết có thể nhớ và kể rõ từng chi tiết một cho tôi nghe.

Đầu tiên, vào năm 1938, ông bị quy vào tội cầm đầu biểu tình chống thu thuế, quấy rối trị an ở Phúc Yên rồi bị phạt 400 quan tiền và 4 tháng tù giam. Ông Xuân Thủy đã chống án lên tòa thượng thẩm Hà Nội, khiến bọn chúng phải giảm án, không bị phạt tiền nhưng vẫn phải chịu 4 tháng tù giam ở Hỏa Lò. Lần hai, sau khi mãn hạn tù 4 tháng, ông về quê hoạt động thì lại bị bắt về tội chứa chấp sách báo cộng sản ở Phương Canh, phạt tù 10 tháng và đẩy lên nhà tù Sơn La. Mặc dù đã mãn hạn tù 10 tháng, không có cớ gì bắt nữa nhưng chúng vẫn coi ông Xuân Thủy là một tù nhân nguy hiểm.

Do đó, ông Xuân Thủy lại tiếp tục đi tù lần 3. Từ Sơn La, ông bị chúng bắt đi “Căng” ở Bắc Mê của tỉnh Hà Giang (nghĩa là vẫn ở tù, nhưng không có án bao nhiêu năm, tháng, tù vô thời hạn). Ở đây, ông lại bàn với anh em tù chính trị vượt ngục để về hoạt động cách mạng. Vì thế, chúng lại đưa ông đi giam ở xà lim Hà Giang, sau đó đưa về Hỏa Lò, từ Hỏa Lò lại đưa tiếp lên “Căng” tại nhà tù Sơn La.

Hồi ức “Suối Reo năm ấy” là tuyển tập của những người tù chính trị tại Sơn La. Ảnh: Lan Nhi
Hồi ức “Suối Reo năm ấy” là tuyển tập của những người tù chính trị tại Sơn La. Ảnh: Lan Nhi

Ông trở lại nhà tù Sơn La vào tháng 11.1940. Sau đó, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương mà không qua thời kỳ dự bị, do đồng chí Tô Hiệu và Trần Huy Liệu giới thiệu. Ở đây, ông phụ trách tờ báo Suối Reo, phụ trách công tác binh vận nên có bài thơ “Suối Reo”, “Người lính Sơn La”. Không có cuộc đấu tranh trong nhà tù nào mà ông không được cử vào ban lãnh đạo. Ông căm ghét kẻ thù nên có bài thơ “Chửi Gabari” - một tên sếp ngục người Pháp tại tù Sơn La.

Ba lần chết hụt đến với ông Xuân Thủy mà theo lời bà Tuyết kể là ba câu chuyện với những tình tiết ly kỳ, hú vía, kinh hoàng. Lần thứ nhất, đoàn xe tải chở tù nhân lên Sơn La vào trung tuần tháng 1.1940 đi đến Lương Sơn (Hòa Bình). Do sáng sớm sương mù dày đặc, bà con dân tộc Mường đốt đuốc đi chợ sớm nên sự cố đã xảy ra. Họ đốt đuốc, xe chiếu đèn sáng, thành tranh tối, tranh sáng. Bỗng có người đàn ông chạy ngang qua đường, chiếc xe chồm lên để tránh người đàn ông đó. Ông Xuân Thủy và ông Trần Huy Liệu ngồi phía xe đổ. Nên khi xe đổ xuống, những người khác dẫm lên người hai ông để thoát ra ngoài. Nước tràn vào xe gần ngập cả người. Hai ông nằm bẹp dưới cùng, hai tay và hai chân bị xích cùm với nhau. Rất may, ông Xuân Thủy chỉ bị bóc một móng chân.

Lần thứ hai, cuối năm 1940, ông Xuân Thủy bị thực dân Pháp giải tù từ Hà Giang về nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) bằng ôtô tải. Ôtô xuống dốc, mất phanh, cứ thế trôi tuột xuống dốc. Toàn thể người ngồi trong ôtô đều tưởng mình sắp chết đến nơi. Nhưng xuống hết dốc, ôtô không bị đổ nhào nên mọi người thoát chết, hú vía.

Lần ba, vào cuối năm 1943, khi ông Xuân Thủy đã bị đi “Căng” cả ở Bắc Mê và Sơn La đã 4 năm rồi. Tình hình Pháp và Nhật ở Việt Nam đang căng thẳng. Pháp phải giảm bớt lượng tù nhân, do đó tù nhân không thời hạn và không án như ông Xuân Thủy được bọn chúng thả về địa phương để quản thúc. Đoạn đường từ Sơn La về Hà Nội thời đó rất hiểm trở. Ôtô đi đến Mộc Châu thì bị lăn từ sườn núi xuống thung lũng.

Mỗi lần ôtô lăn lại văng ra một vài người. Người đập dầu vào đá, người mất, người bị thương nặng. Ông Xuân Thủy cũng bị văng ra, nhưng không văng vào đá như những người khác mà rơi vào đám cỏ lau hai bên đường. Nhờ cỏ lau đỡ, ông chỉ ngất rồi tỉnh. May mắn là ông vẫn có thể trở về an toàn gặp được vợ con. Ông về trong không khí hân hoan, chen lẫn tiếng khóc của người con gái út - đó là bà Ánh Tuyết - khi lần đầu tiên hai cha con được gặp nhau và biết mặt nhau.

“Nhà tù Sơn La là nơi đầy ải khốc liệt, nhưng nơi ấy đã tôi luyện cho ông Xuân Thủy thành một người cách mạng chân chính, rèn luyện được một đội ngũ cán bộ cách mạng tuyệt vời. Trong 4 năm bị tù ở Sơn La, ông đã học được nhiều lý luận cách mạng chân chính mà người thầy của ông đó là cụ Tô Hiệu. Ông học cách làm binh vận, dân vận, làm báo lão luyện hơn. Nhà tù Sơn La chính là trường “đại học” của ông, là nền tảng để ông vận dụng vào công tác mặt trận, Quốc hội, đối ngoại, ngoại giao toàn diện mà ông phải trải qua những năm tháng công tác cho đất nước sau này” - bà Tuyết cho hay.

Lan Nhi - Phạm Đông
TIN LIÊN QUAN

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Khách Trung Quốc đổ xô đặt tour nước ngoài dịp Tết Nguyên đán

Thúy Ngọc |

Dịp Tết Nguyên đán, yêu cầu đặt tour dịch vụ du lịch của khách Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á tăng 1026% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biếu Tết nhà nội, nhà ngoại bao nhiêu là đủ?

ANH THƯ |

Dịp cuối năm, nhiều gia đình lại "đau đầu" suy nghĩ biếu Tết bên nội, bên ngoại ra sao cho phù hợp, tỏ lòng hiếu thảo với bậc sinh thành.