Chuyện của má

LÊ CHÍN |

Ông ngoại tôi có ba người con gái, Út Nhung coi bề kém phần nhan sắc nhất. Người ta bảo “tuổi dậy thì vứt đi cũng đẹp” nhưng Út vẫn lép kẹp khô quèo. Vốn dĩ hiền lành, Út chỉ lấy công việc làm vui. Mỗi tối ăn cơm xong, dọn dẹp tươm tất là lên giường nằm ngủ. Mặc cho thanh niên trong làng rủ nhau lên rừng dương liễu nghe hát bài chòi, hay tìm bạn tâm giao.

Ông bà ngoại đang lo sau này con gái sẽ đơn độc yếu hèn, khi các anh chị đã yên bề gia thất và cha mẹ lần lượt về trời. Rồi một hôm, có người mai mối cho dì một chàng trai. Anh không chỉ cuốc bẫm cày sâu mà còn thông thạo chữ quốc ngữ nữa. Cuộc gặp mặt ban đầu đã làm cho ông ngoại vô cùng thất vọng. Chàng trai họ Lê ấy đã nhất quyết đòi cưới cô chị. Hai bên mới té ngửa ra rằng, đôi bạn tình này đã quen biết nhau sau mấy lần đi nghe hát bài chòi trên rừng dương liễu. Đành lòng, hai họ tiến hành làm đám cưới. Ông ngoại không vui ra mặt. Năm ấy, má tôi tròn 18 tuổi.

1. Một năm sau, anh Hai tôi ra đời. Ba hay vắng nhà, theo bạn đi buôn. Có lần đi đâu cả tuần, má như ngồi trên đống lửa. Chỉ sợ ba buôn hàng quốc cấm bị sa bẫy. Má ôm anh Hai về bên ngoại. Từ ngày cưới hỏi, đổi chác con em thành con chị, không nói ra nhưng trong bụng ông ngoại vẫn không vui, càng thương cho số phận hẩm hiu của cô con gái út. Vì thế, ông hờ hững với sự có mặt của thằng cháu ngoại. Chỉ có bà là bao dung hơn cả. Biết con gái làm dâu nhà nghèo, nên lúc nào về bà cũng đùm túm đủ thứ để đỡ đần chút ít cho con. Lần này tiễn con ra cổng, bà nói chỉ đủ hai người nghe: “Út Nhung có nơi dạm hỏi rồi đó. Em con sẽ làm dâu làng chài. Nhà người ta không khá giả gì nhưng quý người lắm”.

Một buổi chiều má từ đồng về. Hai giỏ cỏ đè nặng trên vai, mồ hôi ướt sũng lưng áo. Chỉ chực đi nhanh vào nhà nghỉ ngơi cho con bú. Bỗng má sững lại. Trong sân đang lố nhố đầy người. Má chợt nhận ra ba, dáng đứng hiên ngang, đôi mắt sáng quắc, giọng nói oang oang: “Các ông bắt lầm người rồi! Tôi là kẻ vô tội”.

Từ phía chái nhà, nơi có để bồ thóc của ông bà nội, hai tên lính le te chạy ra, tay giơ cao những cuộn giấy,giọng hầm hè: “Oan này! Oan này!”. Rồi một trận mưa báng súng dội lên đầu, lên ngực ba tôi. Mấy lần ngã sấp, ba lại vùng dậy, máu mồm, máu mũi trào ra sặc sụa. Ông nội nhào tới cứu con, nhưng chúng đã xô ông ngã dúi dụi. Ba bị chúng trói hai tay, lấy súng đẩy ra phía cổng. Nhiều người nhìn qua hàng rào thảng thốt: “Thật tội nghiệp cậu Tư!”, rồi tản ra mỗi người một ngả. Trong sân chỉ còn những vũng máu và những tờ truyền đơn bay tứ tung theo gió.

Sáng sớm hôm sau, tên xã trưởng, quần gấm áo the, cầm batoon xuất hiện ngay trước cổng. Giọng gã gầm ghè như con hổ đói: “Nó là thằng giặc cỏ. Người ta gọi là thằng Tư quốc ngữ không sai. Biết cho lắm chữ vào rồi làm loạn. Viết truyền đơn kêu gọi biểu tình, đòi dân sinh dân chủ, đòi dân cày có ruộng. Đòi bình đẳng bác ái! Bác ái cái con c...tao!”. Nói một hồi nghe chừng thấm mệt, toan bỏ về, lão còn quay lại dứ dứ batoon vào nhà ông nội dọa: “À! Nhà này còn ba thằng con trai nữa. Cứ hội kín hội hở, có ngày rũ tù như anh nó đừng trách số nhé!”. Sau này các chú tôi đều trốn nhà đi theo Cách mạng, là những chiến sĩ du kích Ba tơ kiên cường, cả quê hương hừng hực khí thế chiến đấu. Chỉ tiếc tên xã trưởng bị ta “thịt” sớm quá, không kịp chứng kiến cảnh người người nhà nhà đi cướp chính quyền, đèn đuốc sáng rực cả đường làng.

2. Má lại bồng anh Hai về ngoại. Bà ngoại lật đật vào buồng lấy ra một vuông vải điều, trải lên bàn tay má, để lộ một đôi bông tai vàng mười mới cứng: “Mẹ định để dành cho Út Nhung khi về nhà chồng. Nhưng “môi hở răng lạnh, máu chảy ruột mềm”. Con đang lúc hoạn nạn thế này chắc nó cầm không đành. Con mang theo người, thân gái dặm trường mà con!”. Anh Hai ngủ ngon lành trên tay bà ngoại. Má gạt nước mắt ra đi như có tội với con,nó chưa tròn bảy tháng tuổi.

Với hai cái thúng trên vai, giả người đi buôn, má rời làng khi trời chưa sáng. Từ huyện Mộ Đức lên đến Tỉnh đường xa, vừa đi vừa dò la tin tức mất hết cả một ngày. Ngày hôm sau, ghé chân ăn bát bún, tình cờ nghe bà chủ quán kể: ”Không biết họ bắt đâu nhiều thanh niên thế! Tất cả đều bị xích,mặt mũi tím bầm. Chỉ độ mười tám đôi mươi thôi. Họ tống lên xe rồi dông thẳng lên miền ngược. Nghe thiên hạ đồn nhau đây là những người cộng sản nòi, muốn làm loạn”. Má mừng quýnh, bỏ dở bát bún,quảy gánh đi như bay về làng. Nghe xong lời con dâu kể qua hai hàng nước mắt, ông nội phán đoán luôn: “Thằng Tư chắc không bị nhốt ở Ba Tơ đâu. Có lẽ đã đưa lên Buôn Mê Thuột rồi. Ở trên đó có nhà tù kiên cố dành riêng cho những tù nhân chính trị đặc biệt. Con thử đi lên đó xem sao. Chắc phải cải trang, vì mật thám bây giờ đánh hơi dữ lắm”.

Ngay đêm hôm đó,má ngồi yên để ông nội cắt tóc cạo trọc đầu. Nhìn những sợi tóc rơi lã chã trên vai, má cố ghìm hai hàng nước mắt cứ chực trào ra. Mái tóc này đã bao lần ba từng vuốt ve âu yếm. Má âm thầm gói gọn những sợi tóc như một phần máu thịt của mình vào chiếc khăn tay. Rồi nhẹ nhàng cất vào cái rương nhỏ nhắn, tài sản quí giá ông bà ngoại cho khi về nhà chồng.

Má không dám nhìn mặt anh Hai đang ngủ yên lành trên võng cùng bà nội. Dưới sắc áo tu hành, má băng đồng chỉ sá ra đi tìm ba. Lòng cứ dặn lòng phải đi đứng nói năng sao cho giống kẻ chân tu. Tay lần tràng hạt,miệng lúc nào cũng niệm: “Nam mô a di đà Phật! Kẻ tu hành tôi...”.

Trưa đó trời nắng như đổ lửa, toan ghé vào quán bên đường xin chén nước. Vừa chắp tay: “Nam mô...” bỗng mấy thanh niên cùng phá lên cười, nhìn ngực má chằm chằm như xuyên thấu da thịt: “Tu gì mà tu! Cứ nhìn cặp vú căng phồng rớm sữa, cái cổ trắng ngần biết ngay là tu phá giới!”. Má thẹn đỏ mặt. Sực nhìn xuống ngực, sữa thấm ướt cả hai làn áo. Phải tấp vào bên đường nén đau, vắt kiệt sữa mới rảo chân đi tiếp, bỏ lại phía sau những lời đàm tiếu thô tục.

3. Cuộc hành trình tưởng dài vô tận. Lần đầu tiên đặt chân lên đất Tây nguyên của đồng bào Thượng, thấy cái gì cũng lạ. Đàn ông da đen nhẻm đóng khố, ở trần. Bắp thịt cuồn cuộn, săn chắc như cây gỗ mun. Tóc ai cũng xoăn tít, môi trề ra vì ngặm tẩu hút thuốc lá rê. Đàn bà vú vê thỗn thện, vai đeo gùi, trên những con đường dốc đỏ, họ bước đi thoăn thoắt. Má khó nhọc đi theo. Đã bao ngày rồi không tìm ra được manh mối gì về ba. Má buồn nẫu ruột, quá cô đơn nơi xứ lạ này. Đầu óc mung lung, không biết cái gì sẽ đến với mình.

Hình như trời đã động lòng thương một ni cô còn rất trẻ đã dãi nắng dầm mưa đi khắp các buôn làng của người Thượng để tìm chồng. Rồi một ngày, đang đi khất thực bỗng nhiên má gặp một toán lính. Họ bồng súng đi theo hàng rất nghiêm chỉnh. Hình như họ đi thay gác thì phải. Một chiếc xe nhà binh vụt qua. Trên xe  toàn lính Tây, béo phệ, hút thuốc phì phèo. Trong toán lính diễu qua, có một người cứ chăm chăm nhìn xuống đất. Hình như  đang tìm kiếm một cái gì đó. Bỗng anh ta sáng mắt lên, khi nhặt được mẩu thuốc lá thơm bên rìa đường từ trên xe ném xuống. Anh đưa lên mồm hút lấy hút để, trông thật tội nghiệp. Da xanh méc, môi thâm xì như người ngã nước. Má mạnh bạo tiến lại gần chắp tay thành khẩn: “Mô Phật, kẻ tu hành tôi mong được thí chủ giúp đỡ...”. Anh nhìn má với đôi mắt rất thiện cảm: “Xin ni cô nói nhanh, tôi không được phép dừng lâu”. Qua giọng nói, má nhận ngay anh lính này là ngươi đồng hương Quảng Ngãi, đang nơi đất khách quê người. “Đúng giờ đó, ni cô hãy đứng trước cổng trại, nhìn vào giữa sân có cái giếng... Nhớ phải thận trọng nghe!”. Anh nói trong hơi thở và chạy hòa vào tốp lính đã đi xa. Thế là má đã gặp được quí nhân phù trợ rồi.

Dưới nắng trưa, những người tù đang tụ tập bên giếng kỳ cọ cho nhau. Mấy người lính ôm súng, mặt nhăn nhó đứng canh gác ngay bên cạnh.Má nhận ra ba dễ dàng. Người cao gầy nhom, cái lưng hơi gù,đôi mắt sáng quắc. Chỉ khác cái đầu trọc lóc,nước da xanh bủng hình như vừa bị những cơn sốt rét hành hạ. Ba không thể ngờ có người vợ trẻ, trong sắc áo tu hành bên ngoài song sắt, đang ghìm tiếng nấc nghẹn ngào.

“Tôi đã nhận được quà của mình. Cố phụng dưỡng cha mẹ và nuôi con nên người. Ở đây cực mấy tôi cũng chịu đựng được.” Đó là bức thư của ba được anh lính đồng hương tốt bụng hôm nào đã trao lại cho má. Dưới cùng bức thư, có dòng chữ “C.S C.S”. Má luận mãi không ra. Có thể đây là biệt danh trong tù của các đồng chí đã đặt cho ba chăng?

Sau này, má có lên nhà tù Buôn Mê Thuột tiếp tế cho ba mấy lần nhưng không được. Nghe đâu người lính tốt bụng hôm nào đã bị tống vào biệt giam, vì thông đồng với tù Cộng sản. Ba cũng đã bị kết án chung thân. Đêm đêm má trằn trọc không sao chợp mắt được. Chẳng biết bao giờ chồng mới được gặp vợ, con mới được gặp cha. Lẽ nào con trai bé bỏng sớm chịu cảnh côi cút thế này.

4. Ngày tháng cứ thế trôi đi. Thế cuộc cũng thêm nhiều biến động. Má đã vững vàng hơn khi tham gia hoạt động đoàn thể. Có lần anh Hai tôi hỏi: “Sao ba đi đâu mà lâu về vậy má?”. Ôm con trai vào lòng, má nhỏ nhẹ: “Ba lên miền ngược làm ăn, bao giờ có nhiều tiền sẽ đem về để sắm sách vở quần áo cho con đi học”. Câu  nói ấy cốt để vui lòng con trẻ sớm bị thiệt thòi, ai dè lại thành sự thật.

Tháng mười là mùa mưa ở quê tôi. Nước ngập khắp vườn. Tiếng ếch nhái ễnh ương kêu đến nẫu lòng nẫu ruột. Má đang ngồi vá áo cho anh Hai dưới ánh đèn leo lét thì bỗng thấy có bóng người gánh đôi sọt vào sân. Má quá sợ hãi, tim đập thình thình. Chưa kịp định thần thì người lạ đã bước lẹ vào nhà. Má không kìm nén được, bỗng thảng thốt: “Mô Phật! Ba thằng Hai đã về đây thật rồi à!”.Ba đưa tay chốt cửa, kéo má ngồi xuống giường. Má mừng mừng tủi tủi ôm ghì lấy ba, hỏi trong tiếng nấc: “Mình trốn trại giam về phải không?”. ”Không phải vậy đâu! Chuyện dài lắm. Nhưng đại để nhờ Mặt trận Bình dân Pháp ra đời.H ọ đòi ân xá tù chính trị... Tôi đã ra tù nhưng phải sống xa nhà một thời gian nữa”.

Rồi ba quì xuống hôn lên khắp mặt anh Hai. Anh không hay biết gì. Cuốn sách đang đặt úp trên ngực, chân co chân duỗi như đang tung tăng tới trường. Ba chỉ ghé thăm nhà một lúc rồi phải đi ngay. Má không kịp hỏi bốn chữ “C.S .C.S” ở cuối thư của 9 năm về trước là gì. Sau này tham gia đoàn thể, được giác ngộ thêm má thấy mình thật khờ. Đó là “Chiến Sĩ Cộng Sản”. Niềm kiêu hãnh của bao thanh niên những năm ba mươi sớm giác ngộ Cách mạng.

Ngày ấy đã qua đi mấy chục năm rồi. Bây giờ ba đã yên nghỉ bên  những đồng chí, bạn tù kiên trinh năm xưa trong nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Ngãi rất uy nghiêm. Chúng tôi thường cùng má lên đó thắp hương cho ba. Bàn tay nhỏ nhắn của má chưa xóa hết những nét mềm mại của một thời xuân sắc. Má đứng đó như một tượng đài, thành kính chắp tay trước ngực. Thoảng bay trong gió là những sợi tóc óng bạc như mây và tiếng “Nam mô a di đà Phật” như ngày nào của người con gái đã từng xuống tóc khoác áo tu hành, lặn lội tìm chồng nơi rừng thiêng nước độc Tây Nguyên để tìm chồng.

LÊ CHÍN
TIN LIÊN QUAN

Thư gửi con trai là du học sinh Australia của người mẹ Việt

TUỆ NHI |

Yêu con theo một cách rất khác - đó là chia sẻ của bà mẹ Phạm Thái Lê (Hà Nội) gửi tới con trai là du học sinh Australia. Trong khi nhiều người mua vé máy bay cho con về nước hay gửi đồ cho con để phòng dịch COVID-19 thì bà mẹ này đã không làm như vậy.

Khoảnh khắc người mẹ gặp lại con gái nhỏ đã mất khiến nhiều người bật khóc

Hải Ngọc |

Chương trình Human Documentary đã thực hiện một dự án thực tế ảo để giúp người mẹ gặp được cô con gái đã mất.

Người mẹ Ê Đê

BẢO TRUNG |

Tuổi già, sức yếu nhưng bà H'Lil vẫn nhiệt huyết với công việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa di sản của người Ê đê. Bà mặc nhiên xem đó là trách nhiệm và nghĩa vụ mà mình cần làm trước lúc nhắm mắt xuôi tay.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023 (ngoài cùng, bên phải). Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Thư gửi con trai là du học sinh Australia của người mẹ Việt

TUỆ NHI |

Yêu con theo một cách rất khác - đó là chia sẻ của bà mẹ Phạm Thái Lê (Hà Nội) gửi tới con trai là du học sinh Australia. Trong khi nhiều người mua vé máy bay cho con về nước hay gửi đồ cho con để phòng dịch COVID-19 thì bà mẹ này đã không làm như vậy.

Khoảnh khắc người mẹ gặp lại con gái nhỏ đã mất khiến nhiều người bật khóc

Hải Ngọc |

Chương trình Human Documentary đã thực hiện một dự án thực tế ảo để giúp người mẹ gặp được cô con gái đã mất.

Người mẹ Ê Đê

BẢO TRUNG |

Tuổi già, sức yếu nhưng bà H'Lil vẫn nhiệt huyết với công việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa di sản của người Ê đê. Bà mặc nhiên xem đó là trách nhiệm và nghĩa vụ mà mình cần làm trước lúc nhắm mắt xuôi tay.