Chuột túi Châu Phi - những "chiến binh" dò mìn

Huyền Anh (tổng hợp) |

Magawa - một con chuột túi khổng lồ Châu Phi - vừa được Tổ chức cứu trợ động vật PDSA của Anh trao tặng huy chương vàng vì lập nhiều chiến công khi dò mìn ở Campuchia. Từ đó, người ta biết đến nhiều hơn về đội ngũ những "chiến binh" chuột được huấn luyện đặc biệt để dò mìn.

Thành tích đáng nể

Tổ chức cứu trợ động vật PDSA của Anh đã quyết định trao huy chương vàng có khắc dòng chữ "Vì sự dũng cảm và tận tâm với nghĩa vụ" cho Magawa - một chú chuột Châu Phi làm công việc dò mìn, theo Chanel News Asia. Huy chương vàng chính là một sự ghi nhận của tổ chức đối với chú chuột đặc biệt này vì "cống hiến tận tụy cho sự nghiệp cứu người với nhiệm vụ xác định vị trí và rà phá bom mìn ở Campuchia".

Trong suốt 7 năm "sự nghiệp" của mình, Magawa đã dò qua hơn 141.000m2 đất, phát hiện ra 39 quả mìn và 28 vật phẩm chưa nổ, loại bỏ nguy cơ tử vong hoặc bị thương nặng ở nhiều địa điểm tại Campuchia. Trong số 30 động vật nhận giải thưởng, Magawa là con chuột đầu tiên, những con còn lại là chó.

Chú chuột 7 tuổi này được huấn luyện bởi tổ chức từ thiện APOPO (thành lập năm 1997, đăng ký tại Bỉ, có trụ sở tại Tanzania). Họ đã nuôi loài vật này - được gọi là HeroRAT (chuột anh hùng) - để phát hiện bom mìn và bệnh lao từ những năm 1990. Chúng sẽ được chứng nhận sau khoảng một năm huấn luyện.

"Được trao huy chương này thực sự là một vinh dự đối với chúng tôi" - ông Christophe Cox, Giám đốc điều hành APOPO, nói. "Điều đó cũng rất lớn lao đối với người dân Campuchia và những người trên thế giới đang phải hứng chịu hậu quả của bom mìn".

APOPO cho biết, Magawa sinh ra và lớn lên ở Tanzania, nặng 1,2kg và dài 70cm. Mặc dù lớn hơn nhiều so với các loài chuột khác, Magawa vẫn đủ nhỏ và nhẹ để không kích nổ mìn nếu đi qua chúng.

Những con chuột được huấn luyện để phát hiện một hợp chất hóa học trong thuốc nổ. Chúng có thể bỏ qua sắt vụn và dò mìn nhanh hơn. Khi tìm thấy chất nổ, chúng báo hiệu cho một người lính đang quan sát gần đó. Với Magawa, nó có khả năng tìm kiếm hết cánh đồng có kích thước bằng một sân tennis chỉ trong 20 phút, việc mà APOPO cho rằng, sẽ mất 1-4 ngày đối với một người có máy dò kim loại.

Magawa nay chỉ làm việc nửa tiếng mỗi ngày vào buổi sáng và sắp... đến tuổi nghỉ hưu. Tổng Giám đốc PDSA Jan McLoughlin rất tự hào về công việc của Magawa đối với APOPO, gọi những đóng góp của nó là "thực sự độc đáo và xuất sắc". "Công việc của Magawa đã trực tiếp cứu giúp và thay đổi cuộc sống của những đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi bom mìn. Mỗi thành tích của chú chuột làm giảm nguy cơ sát thương hoặc tử vong do bom mìn cho người dân địa phương" - McLoughlin phát biểu.

Magawa - con chuột dò mìn ở Campuchia - đã nhận được huy chương danh giá trong thế giới động vật. Ảnh: PDSA/ AFP
Magawa - con chuột dò mìn ở Campuchia - đã nhận được huy chương danh giá trong thế giới động vật. Ảnh: PDSA/ AFP

Magawa khiến thế giới chú ý đến vấn đề bom mìn

PDSA ước tính, có khoảng 80 triệu quả mìn đặt khắp nơi thế giới. Riêng tại Campuchia, kể từ cuộc chiến vào những năm 1970, khoảng 4-6 triệu quả mìn được rải tại đây và vẫn còn khoảng 3 triệu quả chưa được phát hiện. Campuchia hiện có số người bị di chứng do tai nạn bom mìn trên đầu người cao nhất thế giới. Theo tổ chức phi chính phủ rà phá bom mìn HALO Trust, Campuchia đã ghi nhận hơn 64.000 người thương vong và khoảng 25.000 người bị khuyết tật các chi do bom mìn kể từ năm 1979.

PDSA cho hay, những quả mìn này đôi khi nằm ở các vị trí rất khó xác định. Việc sử dụng động vật được huấn luyện để dò mìn mang lại hiệu quả cao và giảm tối đa thương vong không đáng có.

PDSA bắt đầu như một phòng khám thú y miễn phí từ năm 1917 và đã công nhận những động vật anh hùng từ năm 1943. Chuột Magawa được tổ chức APOPO dạy cách dò tìm mìn. Với kinh nghiệm dạy chuột dò tìm mìn trong hơn 20 năm, APOPO đã làm việc với các chương trình ở Campuchia, Angola, Zimbabwe và Mozambique... để rà phá hàng triệu quả mìn sót lại sau chiến tranh và xung đột. APOPO đã gặt hái được nhiều thành công ở một số nước Châu Phi. Năm 2014, APOPO đã được Bộ Ngoại giao Đức chỉ định thay thế SODI-Berlin để tiếp tục dự án rà phá bom mìn nhân đạo năm 2013 do Đức tài trợ ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam.

Ông Christophe Cox cho rằng, giải thưởng huy chương vàng PDSA cho Magawa đưa vấn đề bom mìn trở thành sự chú ý của toàn cầu.

Huấn luyện những "chiến binh" chuột

Nhiều động vật thuộc loài gặm nhấm có thể được huấn luyện cho các công việc đánh hơi, phát hiện nhưng APOPO nhận thấy, loài chuột túi khổng lồ Châu Phi thích hợp nhất để rà phá bom mìn bởi chúng có tuổi thọ lên đến 8 năm. Kích thước của chuột túi khổng lồ Châu Phi cũng cho phép chúng đi qua các bãi mìn mà không dẫn tới kích hoạt chất nổ. Chuột túi khổng lồ Châu Phi hay chuột túi Gambia là loại chuột lớn nhất trong tự nhiên từng được biết tới. Loài chuột này hoạt động về đêm, có thể dài tới 92cm (cả đuôi) và nặng hơn 4kg, tương đương với một con mèo nhà, có con có chiếc răng cửa dài gần 3cm. Chúng có thể sinh sản rất nhanh (khoảng 50 con/năm) và chuột con có thể sinh đẻ ngay khi chúng được 5 tháng tuổi. Loài chuột này ăn tạp, cả thực và động vật.

Loài gặm nhấm khổng lồ này có thị lực kém nhưng khứu giác rất đặc biệt. Điều này khiến chúng trở thành ứng cử viên hoàn hảo để dò mìn bằng cách đánh hơi thuốc nổ TNT, National Geographic cho hay. Việc tìm kiếm chất nổ này là một thách thức và nguy hiểm. Con người thực hiện công việc dò tìm này không chỉ phải liều mạng mà còn chậm chạm hơn vì phải dừng lại để điều tra kỹ mọi tiếng ping khả nghi báo hiệu có kim loại bên dưới. Những con chó đã qua huấn luyện, mặc dù phổ biến, song lại đắt và khó vận chuyển hơn.

Huấn luyện chuột đang được quân đội quan tâm do chi phí để làm việc này không tốn kém. Trong thực tế "công tác", chuột túi Gambia rất nhạy bén, làm việc rất trật tự. Hai con chuột túi Gambia, trong vòng 1 giờ, có thể dò hết một bãi mìn có bán kính rộng tới 200m2. Trong khi đó, cùng một diện tích, con người phải cần đến 2 giờ. Hơn nữa, trong lượng của các chú chuột "công binh" này lại nhẹ nên mìn không bị kích nổ.

Tuy nhiên, huấn luyện đội ngũ gặm nhấm này để biết cách đánh hơi bom mìn không hề đơn giản. Vì thứ nhất, chúng cần học những kỹ năng giống như con người từ khi mới 5-6 tuần tuổi. Với những con vật khác, chúng phản ứng khi nghe mệnh lệnh của con người, còn với chuột, người huấn luyện phải dạy chúng rằng khi nghe thấy tiếng "tách" nghĩa là chúng sẽ nhận được phần thưởng là thức ăn. Bước cuối cùng là tròng chúng vào dây đeo cổ nối với dây dẫn và dạy chúng cách đi theo mạng lưới dây thừng dẫn được chăng trên cánh đồng cần dò mìn.

Để duy trì phản xạ có điều kiện cho chuột túi Gambia, các chuyên viên dò, gỡ mìn phải thường xuyên huấn luyện phản xạ cho chúng, thời gian huấn luyện trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6 và chỉ cho ăn các thức ăn được chọn lọc kỹ lưỡng. Sau đó, chúng được tung ra để quét một khu vực được cho là có nguy hiểm và sẽ đào bới trầy xước mặt đất đánh dấu vị trí khi chúng gửi thấy mùi thuốc nổ để báo hiệu cho "đồng nghiệp" con người. Toàn bộ quá trình huấn luyện trên mất khoảng 9 tháng đối với mỗi con chuột.

Sau khi được huấn luyện, một con chuột có thể hoạt động trong khoảng 4-5 năm trước khi "nghỉ hưu". Tất cả chuột đều được nhân giống và huấn luyện tại trung tâm huấn luyện và nhân giống Morogoro ở Tanzania. Chi phí huấn luyện một con chuột khoảng 6.000 Euro.

11 con chuột đầu tiên được công nhận theo Các Tiêu chuẩn Hành động Bom mìn Quốc tế (IMAS) vào năm 2004. Tính đến tháng 6.2016, APOPO đã tuyển dụng hơn 190 nhân viên trong các hoạt động ở Tanzania, 14 nhân viên quốc tế và có 260 con chuột trong các giai đoạn nhân giống, huấn luyện phát hiện, nghiên cứu hoặc hoạt động khác nhau.

"Giờ người ta có thể đi lại thoải mái và không phải sợ hãi (bom mìn) nữa. Đó là một sự nhẹ lòng tuyệt vời đối với tất cả những người mà tôi đã gặp" - Abdullah Ramadhan, quản lý đào tạo của APOPO, cho biết.

Ngoài ra, chuột cũng có thể được sử dụng để tìm kiếm người bị nạn dưới các đống đổ nát của các tòa nhà và thậm chí cả cho việc chẩn đoán các bệnh khác nhau, bao gồm cả bệnh lao bằng cách cho ngửi mùi. Hiện APOPO là tổ chức duy nhất trên thế giới sử dụng chuột khổng lồ.

Huyền Anh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Pháp sẽ cấm sử dụng động vật hoang dã trong rạp xiếc, công viên biển

Bảo Châu |

Pháp tuyên bố sẽ cấm dần việc sử dụng động vật hoang dã trong rạp xiếc và công viên biển trong những năm tới.

Chuột dò mìn ở Campuchia được trao huy chương dũng cảm

Thanh Hà |

Một con chuột dò mìn đầu tiên giành được giải thưởng cho sự dũng cảm của động vật nhờ dò bom mìn chưa nổ ở Campuchia.

Thế giới động vật: Ninja phiên bản rùa con leo tường thoăn thoắt

Phương Linh |

Một chú rùa con cho thấy khả năng leo trèo như ninja khi leo tường thẳng đứng nhanh thoăn thoắt.

Dự báo thời tiết đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng nhận định ít có khả năng xuất hiện thời tiết cực đoan trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Pháp sẽ cấm sử dụng động vật hoang dã trong rạp xiếc, công viên biển

Bảo Châu |

Pháp tuyên bố sẽ cấm dần việc sử dụng động vật hoang dã trong rạp xiếc và công viên biển trong những năm tới.

Chuột dò mìn ở Campuchia được trao huy chương dũng cảm

Thanh Hà |

Một con chuột dò mìn đầu tiên giành được giải thưởng cho sự dũng cảm của động vật nhờ dò bom mìn chưa nổ ở Campuchia.

Thế giới động vật: Ninja phiên bản rùa con leo tường thoăn thoắt

Phương Linh |

Một chú rùa con cho thấy khả năng leo trèo như ninja khi leo tường thẳng đứng nhanh thoăn thoắt.