Chúng ta từ đâu đến?

nguyễn huy minh |

Khoa học đã chứng minh rằng, cách đây chưa đến 10 triệu năm, những sinh vật đầu tiên khá giống với loài người phát triển, kèm theo sự tăng kích thước bộ não một cách ngoạn mục. 

Thế rồi chỉ vài triệu năm trước, con người đích thực đầu tiên xuất hiện. 40.000 thế hệ đàn ông đàn bà biết suy tư từng sống trước chúng ta, những người đã đặt nền móng cho nền văn minh của chúng ta, vậy nhưng chúng ta gần như không biết gì về họ.

Gần đây tôi có dịp được đọc một số cuốn của các nhà nghiên cứu: GS Lê Bá Thảo (1923 – 2000); GS Nguyễn Đổng Chi (1915 – 1984); nhà nghiên cứu thiên văn Carl Sagan (1934 – 1996). Dù đều đã rời xa trần thế, nhưng những bước đi bền bỉ của họ khi còn sống trong nghiên cứu khoa học có thể sưởi ấm trái tim người đọc. Nhờ có họ nói riêng và giới khoa học nói chung, bức tranh toàn cảnh ngày càng trở nên rộng mở và cụ thể tới từng chi tiết nhỏ.

Người Sử Lộc

Trong Lời nói đầu cho chuyên khảo “Đời sống con sông” (Những công trình khoa học Địa lý tiêu biểu, NXB Giáo dục, tháng 10.2007), GS Lê Bá Thảo viết:

“Trong đời sống chúng ta ai mà chưa từng đi ngang con sông một lần? Dòng sông dù rộng hay hẹp, nước sông dù chảy xiết hay êm đềm, sông bao giờ cũng để lại cho chúng ta một cảm giác sâu sắc về sự vận động cụ thể của vật chất, về sự đổi thay trong thiên nhiên. Từ miền xuôi lên miền ngược, những thành phố lớn, những làng mạc trù phú thường nằm ở ven sông, ven suối. Sông suối bao giờ cũng gắn với hoạt động kinh tế của xã hội loài người.

Điều đó cũng dễ hiểu: Người ta dùng nước sông để ăn, để tưới ruộng, để cung cấp cho các thành phố, công xưởng. Sông lại còn là những “con đường biết đi”: Người ta chở thuyền đi lại trên sông, thả bè nứa, bè gỗ trôi theo dòng sông. Trong nhiều trường hợp, sông lại còn là biên giới thiên nhiên giữa hai nước, ngăn chặn được bước tiến của quân thù.

Cũng không phải là sự ngẫu nhiên mà phần nhiều các thành quách cổ đều nằm ở trong khúc uốn của con sông: Thành Cổ Loa nằm trong khúc uốn của sông Tập (nhánh của sông Cà Lồ), thành Thăng Long nằm trong khúc uốn của sông Tô Lịch và sông Hồng (Theo tài liệu của Nhiệm Mỹ Ngạc viết trong quyển “Tổ quốc đích địa hình” xuất bản tại Trung Quốc, sông Dương Tử ngày xưa không chảy ra miền Hoa Trung (Trung Quốc) mà chảy về phía hồ Đại Lý, nối liền với sông Hồng của ta. Về sau sông Dương Tử mới bị cướp dòng chảy về phía hiện nay, sông Hồng trở thành sông độc lập)...

Sông có nhiều lợi ích như vậy nên được người ta coi trọng. Nhưng đồng thời sông cũng gây nhiều tai họa làm người ta không phải không lo lắng về tác hại của sông. Trình độ của sức sản xuất càng thấp kém chừng nào thì mối lo lắng càng lớn chừng đó. Vì vậy mà từ xưa người ta đã nghĩ cách để chinh phục các dòng sông, bắt sông phải phục vụ cho lợi ích của con người.

Cách đây khoảng 5.000 năm, người Babylon, người Trung Hoa, người Ai Cập, người La Mã đã đào kênh khơi ngòi, lấy nước sông để tưới ruộng, để cung cấp nước ăn cho các thành phố, để làm đường vận chuyển.

Tổ tiên ta ngày xưa cũng đã nghĩ đến cách tận dụng năng lực tiềm tàng của các dòng sông. Sách Lĩnh nam di thư còn chép rằng: “Người Sử Lộc, tổ tiên là người Việt, đã lấy dòng bắc sông Tương đưa vào sông Sở Dong cho dòng nam chảy ra biển.

Việc vận lương khó khăn, y bèn liệu thế làm bè để dẫn nước chảy ngược ở giữa đám sỏi cát, xếp đá làm máng rồi bắt nước sông Tương chảy rót vào, đi ngược 60 dặm, Sử Lộc đặt 36 cửa ngăn, khi thuyền vào ngăn nào thì đóng cửa cống ngăn ấy, để cho nước chứa đầy dần dần, cho nên thuyền có thể lên được ghềnh cao, xuống được thác dốc. Kênh này để cho thuyền bè qua lại và còn dùng vào việc tưới ruộng, tên gọi là Linh Cừ”...

Viết đến đây, ông bày tỏ thái độ thận trọng với ghi chú: “Sông Tương là một sông phụ của sông Dương Tử chảy qua hồ Động Đình. Sông Sở Dong hiện là sông Ly chảy vào sông Tây Giang ở miền nam Trung Quốc hiện nay. Về vấn đề Sử Lộc, cần phải nghiên cứu thêm về mặt lịch sử.

Sử Lộc sống vào khoảng năm 214 trước Công nguyên. Vào thời kỳ đó, từ núi Ngũ Lĩnh trở lên phía bắc thuộc về nhà Tần, từ núi Ngũ Lĩnh trở về phía nam thuộc về các bộ tộc Việt trong đó có người Lạc Việt là tổ tiên ta. Lúc đó chưa có nước Việt Nam mà chỉ có bộ tộc Việt sống ở miền nam Trung Quốc hiện nay. Các bộ tộc này vào thời kỳ đó chưa được kể là người Hán, phong kiến người Hán coi họ là những dân tộc “mọi rợ” ở phương nam.

Về sau khi người Hán tràn xuống phía nam, nhiều bộ tộc Việt bị Hán hóa, còn người Việt ta ngày nay do người Lạc Việt di cư xuống châu thổ sông Hồng mà thành (xem Việt sử thông giám cương mục tiền biên, tập I). Sử Lộc là người Việt, có thể coi như thuộc về tổ tiên ta vậy”.

Ông cũng viết thêm về nguồn gốc người Việt: “Nhiều dân tộc khi di cư từ địa phương này đến địa phương khác cũng sử dụng đường sông là con đường thuận tiện nhất. Chắc chắn là dân tộc Thái vào thế kỷ XII khi di cư vào Việt Nam cũng đã sử dụng các đường giao thông tự nhiên như sông Hồng, sông Lô, sông Chảy”.

Người Giao Chỉ

Khi viết cuốn “Việt Nam cổ văn học sử” (NXB Hàn Thuyên, 1942, tái bản năm 1970, năm 1993), GS Nguyễn Đổng Chi đã trân trọng ghi lên trang đầu tiên câu ngạn ngữ Latin: “Verba Volant, scripta manent” (Lời nói bay đi, chữ viết còn lại), đồng thời trân trọng dẫn Luận ngữ: “Ôn cũ mà biết mới”. Trong phần “Gốc gác người Việt Nam”, GS viết:

“Dọc theo một dải đất làm góc cho phía đông và phía nam Châu Á, hai mặt giáp biển, hai mặt giáp núi rừng: Ấy là địa thế nước Việt Nam.

Nước Việt Nam từ dưới lên trên quăn co như một con rồng cuộn khúc. Đầu là xứ Bắc Kỳ, đuôi là chót mũi Cà Mau. Mấy dãy núi ở thượng du Bắc Kỳ là lông tóc và sừng, còn dãy Trường Sơn là một chuỗi kỳ trên lưng. Người ta còn ví với một đòn gánh gánh hai thúng lúa là vì miền bắc và nam, nhất là miền nam, đất bằng phì nhiêu, dân cư trù phú, còn miền giữa toàn là núi rừng trùng điệp kéo dài, trừ ra dọc men bờ biển thì lại đất xấu dân nghèo.

Dải đất ấy hiện nay người Việt Nam đang làm chủ nhân. Nhưng hàng thế kỷ trước Jesus Christ giáng sinh từng có nhiều dân tộc nối nhau mà sinh tụ ở đấy rồi.

Về vấn đề này có nhiều nhà nhân chủng học, khảo cổ học chủ trương nhiều thuyết khác nhau. Dầu vậy ta có thể dựa theo một ít thuyết chính, đủ hiểu biết đại khái gốc gác của giống người mình.

Kỳ thủy chừng là một giống người ở quần đảo Nam Dương vượt biển tràn đến một số rất ít ở khoảng miền Nam. Đó là một chủng loại rất cổ, người thấp đen, là giống Négritos, từng làm gốc cho loại da đen ở Châu Phi, Châu Úc và Ấn Độ. Nhưng liền đó giống Mélanésien (Mã Lai) bành trướng ở quần đảo Nam Dương và vùng lân cận qua diệt giống người trên, chiếm lấy lãnh thổ và dần dần vượt lên phía bắc.

Chưa được bao lâu có một giống người khác là Indonésien, một chủng loại xa xưa ở Ấn Độ bị dân Aryen đánh đuổi phải tràn qua Viễn Đông. Họ dừng chân ở bờ biển Nam Hải, cho một phần trong bọn vượt biển đi luôn sang tận các miền hải đảo ở nam Thái Bình Dương, còn một phần ở lại dần dần bị tiêu diệt hoặc đồng hóa giống Mélanésien.

Tiến lên phía bắc, họ phải tranh cạnh với giống Thái, một giống người khởi nguyên ở Tây Tạng theo sông Hoàng Hà và Cửu Long tràn xuống làm gốc cho người Xiêm, Lào (Thuyết của B.Maybon và H.Russier cho là “gốc tích người An Nam khi xưa hẳn ở tại những rặng núi nay còn làm địa giới cho nước Tàu và xứ Tây Tạng). Trước khi hai giống đang giao tiếp nhau thì trung bộ Châu Á có giống Mông Cổ làm gốc cho loại da vàng ở Đông Á.

Sau khi tràn xuống phía đông dựng nên nước Tàu họ bèn đi dần xuống miền nam (Thuyết của Léonard Aurosseau thì cho người mình là người nước Việt ở miền hạ lưu sông Dương Tử, sau bị nước Sở đời Xuân Thu đánh đuổi phải chạy xuống nam là Quảng Đông, Quảng Tây bây giờ, rồi lần lần đến Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ), hỗn hợp với hai giống người trên mà thành ra một giống lai.

Giống người sau đây nhờ được bẩm thụ được cái tinh thần mạnh mẽ của người phương bắc, không bao lâu tự lập thành quốc gia riêng rồi chừng mươi thế kỷ gần đây lần lần tiến vào nam diệt được người Indonésien lai mà ở cho đến bây giờ. Ấy là người Việt Nam ta vậy.

(Trong bài Người Việt Nam, Đông Thanh số 4, Nguyễn Trọng Thuật có nói: Người Việt Nam cũng là giống pha chứ không phải thuần túy hẳn. Trong có giống Hồng Lạc là chủ nhân ông, rồi đến giống Thổ, giống Tàu, giống Chiêm, giống Mên mà đều bị giống Hồng Lạc hấp hóa đi mà làm thành một giống Việt Nam duy nhất cả. Giống Thổ, giống Chiêm và giống Mên là dân hèn kém, bị chinh phục thì bị hấp hóa đã cố nhiên.

Đến như giống Tàu là giống ưu thắng lại truyền thụ giáo hóa cho người Việt Nam, thế mà không những không còn chút gì là di phong cố quốc, mà lại nhận nước Nam làm tổ quốc, lấy người Việt làm đồng bào tỏ ra tình ruột thịt thân yêu, chứ không những hóa theo một ngôn ngữ phong tục mà thôi. Xem người Âu Châu bao đời mà không hóa tán được người Do Thái, nước Ý đại lợi không hấp hóa được hai tỉnh giáp nước Pháp thì biết cái tinh thần hấp hóa về chủng tộc của người Việt Nam là thế nào).

Hơn 2.000 năm trước kỷ nguyên, ở phương nam nước Tàu đã có một dân tộc tự gọi là Việt Thường từng cho sứ đi giao thiệp với nhà Đường – Nghiêu. Xuống đến đời nhà Chu (hơn 1.000 năm trước kỷ nguyên) lại có tên là Giao Chỉ sang đi sứ. Gốc gác người Việt Nam xưa chắc là đó.

(Chữ Giao Chỉ có nhiều sách viết và giải nghĩa khác nhau. A – là giao bến, nghĩa là thổ dân con trai, con gái cùng tắm chung một bến. B – là giao chân, nghĩa là hai ngón chân cái hướng vào nhau, có nhà bác sĩ cho như thế là vì mắc bệnh phong cân, nước Việt Nam xưa đất đai có nhiều đồng lầy, là một nơi rất tốt cho vi trùng bệnh ấy sinh nở nên mắc phải nhiều. C – là ở đối nhau. Xưa loài người trong thế giới có hạng “đối trú” (bên nam bên bắc ở đối nhau), có hạng “lân trú” (bên đông bên tây ở liền nhau).

Cái tên Giao Chỉ là của dân tộc phương bắc gọi dân tộc phương nam, ý rằng một người bên nam một người bên bắc thì bàn chân giao nhau. D- là cõi nam giao. E – là đất có giao long, tức thuồng luồng. Trong sách Nghệ An Ký, Bùi Dương Lịch có đoạn: Cái tên Giao Chỉ thấy trong sử họ Cao Dương, cái tên Việt Thường thấy trong sử vua Đường – Nghiêu, chỉ có sách Thủy Kinh Chú chép rằng: Miền Chu Ngô trở về nam có người Văn Lang, sinh hoạt giữa đồng nội, không có nhà cửa, đêm tối nương cây mà ngủ, cá thịt ăn sống, làm nghề kiếm trầm hương đổi chác với người ta như dân đời thái cổ).

Cách sinh hoạt buổi thượng cổ có lẽ còn thô lỗ và đơn giản hơn dân Mường, Mọi bây giờ. Trên một mảnh đất chật mà núi rừng chiếm lấy phần nhiều (Theo sách Việt sử yếu, Hoàng Cao Khải lấy cớ: Bãi Tự Nhiên nay giáp huyện Thượng Phúc, huyện Đông Yên (Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung); Mã Viện kéo quân theo đường bờ biển đánh nhau với Trưng Trắc ở Lãng Bạc (tức Hồ Tây) là nơi rốn biển; Hưng Yên còn có tên là Cửa Cờn rồi kết luận rằng thuở xưa từ Sơn Tây trở lên là đất núi, từ Hà Nội trở xuống là bãi biển sau này bồi dần ra), dân Việt Nam đã dùng cung tên săn bắn và đồ đánh cá, dần dần biết làm ruộng bằng cuốc đá trau và lợi dụng nước sông để cho lúa tốt.

Họ còn dệt vải quấn vào người thay cho quần áo và vẽ mình, ăn trầu... Hình thức gia đình là chế độ mẫu hệ, đàn bà góa không con được phép lấy anh hay em chồng.

Rồi khi chế độ mẫu hệ không đứng vững được nữa, phái đàn ông bèn tổ chức thành từng bộ lạc, mỗi bộ lạc thần phục một người đứng đầu là Lang (Theo ý tôi – Nguyễn Đổng Chi – thì Hùng Vương có lẽ là một Lang dòng dõi người Tàu, biết đem một ít văn minh của Tàu truyền bá cho bộ lạc mình nên được nổi tiếng hơn các Lang khác. Chữ Hùng, theo H. Maspéro thì là chữ Lạc.

Chính trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên cũng có chua: Lạc tướng sau lầm làm Hùng tướng. Còn vua Thục An Dương, theo Ngô Tất Tố thì không có trên lịch sử nước nhà – Tao Đàn số 3). Người này đối với dân có cái uy về thần quyền hơn là uy chánh trị. Về sau tiếp xúc văn hóa Trung Quốc nên mọi việc lần lần thay đổi.

Hiện nay ở lẫn lộn trong vài tỉnh phía bắc như Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình còn có giống dân Mường, Thổ: Ấy là di chủng Việt Nam xưa không hấp thụ văn hóa Tàu mà lại chịu ảnh hưởng sâu của giống Thái. Bọn họ còn giữ được nhiều tính tình, phong tục cổ.

Ở rải rác trên dãy Trường Sơn lại có những bộ lạc người Mọi (Xem sách Mọi Kontum, Mộng Thương thư trai xuất bản, có thuật nhiều điều gần gũi giữa người Việt Nam và người Mọi) như Bahnar, Xê Đăng, Ba nâm... Ấy là di tích giống Indonésien còn sót lại. Còn người Chàm cùng các bộ lạc Rhadé, Djarai... lại là giống Indonésien lai Mélanésien.

Ngoại giả có một ít giống Mán, Mèo ở miền rừng núi biên thùy phía Bắc lại khác, họ là giống người Tam Miêu bên Tàu (Trong sách Đông Dương sử yếu có nói: “Dân Giao Chỉ tức là gốc ở Tam Miêu Kinh Man sau bị dân Hán đánh đuổi mới dần dần dời về Nam”. Trong Việt Nam sử lược có đoạn: “Lại có nhiều người Tàu và người Việt Nam nói rằng nguyên khi xưa đất nước Tàu có giống Tam Miêu ở, sau giống Hán tộc (tức người Tàu bây giờ) ở phía tây bắc lại đánh đuổi người Tam Miêu đi, chiếm giữ lấy vùng sông Hoàng Hà lập ra nước Tàu, rồi dần dần xuống phía nam, người Tam Miêu phải lẩn núp vào rừng hay là xuống miền Việt Nam ta bây giờ”).

Một thế giới sục sôi sự sống

Thời gian vừa qua tôi cũng có dịp đọc Carl Sagan, người mà nói như Newsday thì: “Ông là nhà thiên văn mà một con mắt nhìn lên các vì sao, con mắt kia nhìn vào lịch sử, còn con mắt thứ ba – con mắt của trí tuệ ông – nhìn vào tình trạng của loài người...”. Ông viết, xin lọc lại vài ý:

“Trái đất chiếm cho mình một vị trí. Nhưng điều đó không có nghĩa vị trí đó là duy nhất. Thậm chí nó cũng chẳng phải là một vị trí điển hình. Không một hành tinh hoặc ngôi sao, hoặc thiên hà nào là điển hình cả, vì vũ trụ gần như trống rỗng. Cái vị trí điển hình duy nhất là chỗ trống rỗng nằm bên trong khoảng chân không bao la, lạnh lẽo, bao trùm khắp nơi, đêm trường của không gian giữa các thiên hà, một vị trí lạ lùng và heo hút đến nỗi nếu đem so sánh thì các hành tinh, ngôi sao và thiên hà dường như là của hiếm và thật đáng quý...

Người cổ đại biết rằng thế giới tồn tại từ rất lâu đời. Họ tìm cách đi vào quá khứ xa xôi. Giờ đây chúng ta biết rằng Vũ trụ còn già hơn rất nhiều so với hình dung của người xưa. Khi khảo sát vũ trụ về mặt không gian sẽ thấy rằng chúng ta đang sống trên một hạt bụi quay xung quanh một ngôi sao tầm thường trong một xó xỉnh hẻo lánh bậc nhất của một thiên hà mờ nhạt. Mà một khi chỉ là cái chấm nhỏ tí trong không gian mênh mông, thì chúng ta cũng chỉ chiếm một khoảnh khắc trong chiều thăm thẳm của thời gian.

Nếu chúng ta sống trên một hành tinh không thay đổi tí gì thì sẽ có rất ít việc để làm. Sẽ chẳng có cái gì để tìm hiểu khám phá cả. Sẽ chẳng có động lực kích thích khoa học. Còn nếu chúng ta sống trong một thế giới không thể đoán định được, nơi mà mọi thứ thay đổi một cách ngẫu nhiên hoặc rất phức tạp, thì chúng ta sẽ không có khả năng tìm hiểu khám phá sự vật. Lại sẽ chẳng có gì hình thành nên khoa học. Nhưng chúng ta đang sống trong một vũ trụ trung gian, nơi mọi thứ thay đổi, nhưng theo những phương thức, quy tắc, hay như chúng ta thường nói, theo các quy luật của tự nhiên.

Và cho đến khi nào chúng ta tìm được những sinh vật thông minh hơn trong Vũ trụ, bản thân chúng ta vẫn là kết quả biến đổi ngoạn mục nhất trong mọi biến đổi – là hậu duệ của Vụ Nổ Lớn, nhằm để hiểu biết và biến đổi tiếp chính cái Vũ trụ đã sinh ra chúng ta.

Trái đất là ngôi nhà của chúng ta, người người cha của chúng ta. Dạng thức sự sống của chúng ta đã sinh ra và tiến hóa tại đây. Chính tại thế giới này chúng ta nảy sinh niềm đam mê tìm hiểu vũ trụ, cũng chính tại nơi đây chúng ta đang tạo dựng số phận của mình, với bao vật vã nhọc nhằn và chẳng có sự đảm bảo nào. Xin chào hành tinh trái đất, nơi có những bầu trời nitơ màu xanh nhạt, những đại dương nước lỏng, những cánh rừng mát mẻ và những bãi cỏ mềm, một thế giới sục sôi sự sống. Trong bối cảnh vũ trụ, trái đất đẹp và hiếm đến nao lòng; và cho đến tận giờ phút này, nó vẫn là độc nhất vô nhị”.

“Chúng ta từ đâu đến?” là một câu hỏi kinh điển và lạ lùng, bởi mỗi khi tới gần thì câu trả lời lại lùi xa.

“Sự hiểu biết sẽ chỉ được mở ra dần dần qua nhiều thời đại dài lâu kế tiếp nhau. Sẽ đến cái thời mà con cháu chúng ta sẽ lấy làm ngạc nhiên rằng chúng ta không biết những điều rất bình thường đối với chúng” (Seneca, Các vấn đề tự nhiên, Quyển 1, thế kỷ 1).

nguyễn huy minh
TIN LIÊN QUAN

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Ngắm nhìn những chậu lan hồ điệp trị giá vài chục triệu đồng tại Hải Phòng

Lương Hà |

Hải Phòng - Những chậu lan hồ điệp, có kích thước lớn, được sắp xếp khéo léo, có giá trị vài chục triệu đồng được người dân Hải Phòng đặc biệt chú ý và quan tâm trong dịp Tết Nguyên đán này.