Chúng ta học được gì từ những xã hội truyền thống?

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp) |

Jared Diamond (10.09.1937) là nhà khoa học - tác giả nổi tiếng trên Thế giới và cả Việt Nam trong nhiều năm qua. Ông từng đoạt giải Pulizer với các tác phẩm mang tầm tri thức đặc biệt mà bất cứ ai quan tâm tới tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, muốn nhìn thấu suốt bản thân cũng như nhìn rõ hành tinh mà tại đó, ta có quyền sinh sống, đều cần đọc.

“Thế giới cho đến ngày hôm qua” tiếp tục phát triển các lý thuyết và nghiên cứu của ông về vận mệnh các xã hội loài người. Cuốn sách cung cấp một bức tranh trực diện đầy mê hoặc về quá khứ nhân loại tồn tại hàng triệu năm, một quá khứ hầu như đã biến mất, và xem xét những khác biệt giữa quá khứ và hiện tại... Để trả lời câu hỏi: Chúng ta có thể học được gì từ các xã hội truyền thống, để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả?

Xin giới thiệu một số trích đoạn trong cuốn sách này tới bạn đọc.

NHỮNG TÀN NHẪN TỪNG ĐƯỢC GHI CHÉP LẠI

Khi ghé thăm một ngôi làng trên đảo Fiji thuộc Viti Levu, tôi đã bắt chuyện với một người đàn ông địa phương từng đến Mỹ. Cuộc sống ở Mỹ có một vài đặc trưng khiến ông ngưỡng mộ cũng như ghen tị, tuy nhiên cũng có những điểm làm ông kinh sợ. Tệ nhất là cách chúng ta đối xử với người già. Ở vùng nông thôn Fiji, người già tiếp tục sống trong ngôi làng nơi họ đã sinh ra và lớn lên, quây quần bên người thân và bạn bè lâu năm. Họ thường cư trú trong ngôi nhà của con cái họ, con cái chăm sóc họ ân cần đến mức thậm chí còn nhai trước và làm mềm thức ăn cho cha mẹ già đã rụng răng. Tuy nhiên ở Hoa Kỳ, người Fiji mà tôi quen đã bị sốc khi biết nhiều người già được gửi đến viện dưỡng lão, nơi con cái họ chỉ thỉnh thoảng ghé thăm. Ông bất ngờ la lên lời buộc tội với tôi: “Các ông vứt bỏ người già và cha mẹ của chính các ông!”.

Không có định nghĩa chung nào về độ tuổi mà một người trở nên “già. Tại Hoa Kỳ, chính phủ liên bang xác định tuổi già bắt đầu từ tuổi 65, khi một người có đủ điều kiện hưởng phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn New Guinea, có tương đối ít người sống được đến 60 tuổi, thậm chí 50 tuổi đã được coi là già. Tôi nhớ khi tới một ngôi làng Indonesia New Guinea, khi người dân địa phương biết rằng tôi 46 tuổi, họ thốt lên “setengah mati!”, nghĩa là “gần chết” và họ chỉ định một cậu thiếu niên liên tục đi bên cạnh tôi để đảm bảo tôi không bị ngã.

Những người già từng bị ruồng bỏ ở khắp nơi như thế nào? Thứ nhất là bỏ bê người già cho đến khi họ chết: Không quan tâm đến họ, cho họ ít thức ăn, để họ chết đói, để họ đi lang thang, hoặc để họ chết trong chất thải của chính họ. Điều này đã được áp dụng ở người Inuit Bắc Cực, người Hopi ở các sa mạc Bắc Mỹ, người Witoto của vùng nhiệt đới Nam Mỹ. Tiếp theo, là cố ý bỏ rơi một người già hoặc người bệnh khi những người còn lại trong nhóm chuyển trại, được thực hiện dưới các hình thức khác nhau bởi người Lapp (Saami) ở phía bắc Scandinavia, người San ở Sa mạc Kalahari, thổ dân da đỏ Omaha và Kutenai ở Bắc Mỹ và thổ dân da đỏ Ache ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ. Một biến thể của phương pháp này được áp dụng trong cộng đồng người Ache, với đàn ông cao tuổi (nhưng không phải với phụ nữ lớn tuổi: họ sẽ bị giết tức thì), là mang những người đàn ông đó ra khỏi rừng tới “đường của người da trắng” và bỏ rơi họ ở đó rồi không bao giờ nghe nhắc đến họ nữa.

Nhà nhân học Allan Holmberg đã tình cờ được ở với một nhóm thổ dân da đỏ Siriono của Bolivia và ghi chép lại: “Nhóm quyết định di chuyển theo chỉ đạo của Rio Blanco. Trong khi họ đang chuẩn bị cho cuộc hành trình, tôi đã chú ý đến một phụ nữ trung niên đang nằm trên võng, bệnh quá nặng nên không thể nói được. Tôi hỏi người thủ lĩnh họ dự định làm gì với cô ấy. Ông giới thiệu tôi với chồng cô ấy. Ông ấy nói với tôi rằng cô ấy sẽ bị bỏ lại và chết vì đã quá yếu nên không thể đi bộ, bởi đằng nào cô ấy cũng sẽ chết. Việc khởi hành được dự kiến vào sáng hôm sau. Tôi đã có mặt để chứng kiến sự kiện này. Toàn bộ nhóm người bước ra khỏi trại mà không mấy ai, thậm chí cả chồng cô, nói lời chia tay với người phụ nữ đang hấp hối. Cô ấy bị bỏ lại với chỉ một bình nước và đồ dùng cá nhân. Cô ấy quá yếu để có thể phản kháng”. Chính Holmberg cũng bị bệnh và đã đi đến một trạm điều trị y tế. Ba tuần sau đó, ông trở lại khu trại, người phụ nữ không có ở đó, vì vậy ông đã lần theo đường mòn đến khu trại tiếp theo của nhóm, nơi ông tìm thấy thi thể của người phụ nữ nọ bị kiến và kền kền ăn đến tận xương. “Cô ấy đã cố gắng hết sức mình để theo kịp nhóm, nhưng không thành và đã chịu chung một số phận dành cho những người Siriono không còn có ích khác”.

Theo ghi nhận từ các tộc Chukchi và Yakut ở Siberia, thổ dân da đỏ Crow ở Bắc Mỹ, người Inuit và người Norse, là những cá nhân cao tuổi sẽ chọn hoặc được khuyến khích tự tử bằng cách nhảy xuống vách đá, đi ra biển hoặc tìm kiếm cái chết trong chiến trận. Vị bác sĩ kiêm thủy thủ người New Zealand, David Lewis, kể lại trường hợp người bạn già của ông, hoa tiêu Tevake từ quần đảo San hô ở phía Tây Nam Thái Bình Dương, đã chính thức chia tay, tự ra biển rồi từ đó ông không trở lại và rõ ràng cũng không có ý định trở lại. Đây được xem là tự tử không có sự hỗ trợ.

Tiếp đó là tự tử với sự trợ giúp hoặc giết người với sự hợp tác của nạn nhân, ví dụ bằng cách bóp cổ, đâm hoặc chôn sống. Những người Chukchi già khi chấp nhận tự nguyện chết sẽ được ca ngợi và đảm bảo rằng họ sẽ nhận được một trong những nơi trú ngụ tốt nhất ở thế giới bên kia. Vợ của nạn nhân ôm đầu ông trên đầu gối của bà, trong khi hai người đàn ông ở phía đối diện kéo chặt một sợi dây thừng quanh cổ ông. Trong số các tộc người Kaulong ở phía tây nam New Britain, việc người anh em hay con trai một goá phụ bóp cổ bà ngay sau cái chết của chồng bà là thông lệ cho đến tận những năm 1950. Hành động này, mặc dù sẽ gây ra sự đau khổ cho người thực thi, nhưng lại là một nghĩa vụ bị xem là đáng xấu hổ nếu né tránh. Người ốm và người già ở quần đảo Banks xin bạn bè của họ chấm dứt nỗi khổ đau bằng cách chôn sống họ và những người bạn đã làm vậy như một hành động tử tế.

Cuối cùng là giết chết nạn nhân một cách bạo lực mà không có sự hợp tác hoặc đồng ý của nạn nhân, bằng cách bóp cổ hoặc chôn sống, hoặc gây ngạt, đâm, đập mạnh rìu vào đầu hoặc đập gẫy cổ hay lưng. Một người đàn ông thổ dân da đỏ Ache được Kim Hill và A. Magdalena Hurtado phỏng vấn đã mô tả: “Tôi giết phụ nữ lớn tuổi theo phong tục. Tôi đã từng giết những bà dì của tôi khi họ vẫn còn có thể đi lại (còn sống)... Tôi sẽ dẫm lên họ, sau đó, tất cả họ đều chết, ở đó cạnh con sông lớn... Tôi không chờ cho đến khi họ chết hẳn rồi mới chôn. Khi họ vẫn còn di chuyển được, tôi sẽ đập vào [lưng hoặc cổ họ]... Tôi không quan tâm những người phụ nữ lớn tuổi; tôi sẽ tự mình bắn họ [bằng cây cung của tôi]”.

Kinh hãi thường là phản ứng của chúng ta với những câu chuyện về người vợ hoặc chồng, con cái, anh chị em hay người cùng tộc giết hoặc ruồng bỏ người già hoặc người bệnh. Chúng ta may mắn vì không phải đối mặt với thử thách tương tự, không phải trở thành nạn nhân hoặc người hỗ trợ việc tự tử hoặc trở thành kẻ giết người, vì chúng ta có may mắn được sống trong xã hội với thực phẩm dư thừa và được chăm sóc y tế.

SỰ HỮU ÍCH CỦA NGƯỜI GIÀ

Trong số những người phụ nữ săn bắt-hái lượm Hadza ở Tanzania, nhóm tuổi làm việc chăm chỉ nhất gồm những người bà đã gần cuối độ tuổi trung niên, những người này dành trung bình 7 giờ/ngày để kiếm củi và trái cây dù họ không còn phải nuôi nấng con cái. Dù vậy, họ có những đứa cháu bị thiếu ăn và người bà Hadza càng dành nhiều thời gian tìm kiếm thức ăn, cháu của bà nhờ đó sẽ càng tăng cân nhanh hơn. Những lợi ích tương tự đã được mô tả ở những người nông dân Phần Lan và Canada thế kỷ XVIII và XIX: Phân tích của nhà thờ và hồ sơ gia phả cho thấy rằng nếu người bà còn sống, số lượng trẻ em sống sót đến tuổi trưởng thành sẽ nhiều hơn trường hợp cả hai người bà của chúng đều qua đời và rằng ở mọi thập niên, một người phụ nữ sống qua tuổi 50 đồng nghĩa với việc con bà sinh thêm trung bình hai đứa con.

Những người ông bà !Kung thường chăm sóc cháu trong nhiều ngày liền, nhờ đó cho phép con cái họ thực hiện các chuyến săn bắt và hái lượm qua đêm mà không phải lo lắng về con cái. Một lý do chính mà các cụ già Samoa hiện nay di cư đến Hoa Kỳ là để chăm sóc cho cháu họ, nhờ đó cho phép con cái của họ làm những công việc bên ngoài và ít phải gánh vác việc trong nhà hơn. Người già có thể làm ra nhiều thứ để con cái trưởng thành sử dụng, chẳng hạn như công cụ, vũ khí, giỏ, bình, chậu và vải dệt. Ví dụ, những người săn bắt-hái lượm Semang cao tuổi ở Bán đảo Mã Lai được biết đến với việc làm ống phóng tên. Đây là nơi người già không chỉ duy trì những khả năng đã có mà còn trở nên xuất sắc hơn: Những thợ làm giỏ và thợ gốm tốt nhất thường là người cao tuổi.

Các lĩnh vực khác mà năng lực con người phát triển theo độ tuổi bao gồm y học, tôn giáo, giải trí, mối quan hệ và chính trị. Bà đỡ và thầy mo truyền thống cũng như các thầy cúng và linh mục, các tiên tri và phù thủy, những người chỉ huy hát, trò chơi, múa và nghi thức thường là những người có tuổi. Người già được hưởng một lợi thế xã hội lớn đến mức họ đã dành cả đời xây dựng mạng lưới quan hệ để sau đó truyền cho con cái của họ. Các nhà lãnh đạo chính trị thường là những người lớn tuổi, phổ biến đến nỗi cụm từ “người già bộ lạc” đã trở thành gần như đồng nghĩa với từ lãnh đạo bộ lạc. Điều đó thường đúng ngay cả trong các xã hội nhà nước hiện đại: Ví dụ, độ tuổi trung bình để nhậm chức Tổng thống Mỹ là 54 và thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ là 53.

Người già biết các huyền thoại và bài hát của bộ lạc, ai có liên quan đến ai, ai đã làm những gì với ai vào lúc nào, tên gọi, thói quen và cách sử dụng hàng trăm loài thực vật và động vật địa phương, cũng như đi đâu để tìm thức ăn khi tình thế trở nên khó khăn. Do đó, việc chăm sóc người già trở thành vấn đề sống còn, tương tự như việc bảo vệ các hải đồ của các thuyền trưởng ngày nay. Những câu chuyện về tầm quan trọng của những ký ức của người già đối với sự sống còn của người thân như vậy còn rất nhiều ở các xã hội thời kì tiền văn tự.

CÁC GIÁ TRỊ CỦA XÃ HỘI

Phần lớn lý do xã hội chăm sóc hoặc không chăm sóc người già phụ thuộc vào độ hữu dụng của họ. Một phần lý do khác phụ thuộc vào các giá trị của xã hội: Người già được tôn trọng hay khinh miệt. Rõ ràng, hai lý do này có liên quan với nhau: Người già càng hữu ích, họ càng có nhiều khả năng được tôn trọng. Sự tôn trọng người già còn thể hiện rõ hơn ở người !Kung, một phần vì tỉ lệ người già ở người !Kung ít hơn người già ở Mỹ: Chỉ 20% người !Kung được sinh ra sống đến độ tuổi 60, họ xứng đáng được tôn trọng vì đã sống sót sau khi đối mặt với những con sư tử, tai nạn, bệnh tật, các cuộc tấn công và các mối nguy hiểm khác vốn có trong lối sống của người !Kung.

Một hình thức đặc biệt cao của lòng tôn trọng là học thuyết về lòng hiếu thảo trong Nho Giáo, được thịnh hành từ lâu đời ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, đồng thời thực sự được viết thành luật cho đến khi pháp luật được thay đổi bởi Hiến pháp Nhật năm 1948 và Luật Hôn nhân của Trung Quốc năm 1950. Theo học thuyết Nho giáo, con cái phải tuyệt đối vâng lời cha mẹ và việc không vâng lời hoặc thiếu tôn trọng được coi là một điều cực kỳ tồi tệ. Cụ thể, con cái (đặc biệt là con trai trưởng) có nghĩa vụ thiêng liêng là chăm sóc các bậc cha mẹ về già. Thậm chí ngày nay, lòng hiếu thảo vẫn còn tồn tại một cách mạnh mẽ ở Đông Á, nơi (ít nhất là cho đến gần đây) hầu như những người già Trung Quốc và 3/4 người già Nhật Bản sống với con cái hoặc gia đình của họ. Một hình thức cao khác của lòng tôn trọng là sự đề cao gia đình ở miền nam nước Ý, Mexico và nhiều xã hội khác. Như mô tả của Donald Cowgill: “Các gia đình được khắc họa như là cốt lõi của cấu trúc xã hội và là ngọn nguồn sức ảnh hưởng rộng khắp đến các thành viên trong gia đình... Danh dự của gia đình rất quan trọng và cá nhân các thành viên được trông đợi sẽ ủng hộ quyền lực của nam giới, hy sinh cho gia đình, kính trọng cha mẹ và tránh gây xấu hổ cho gia đình... [Người đàn ông lớn tuổi nhất của gia đình đảm nhận hình ảnh của người đỡ đầu, có vai trò như] một quyền lực thống trị, quyền lực này đảm bảo phải thống nhất với mục tiêu của gia đình... Trong khuôn khổ này, có rất ít quyền tự do để thể hiện và dù trong trường hợp nào cũng đều phải phục tùng lợi ích gia đình... Con cái ở độ tuổi trung niên xem cha mẹ già như một phần trong các hoạt động của gia đình và đại đa số bác bỏ quan niệm bắt cha mẹ ở trong nhà dưỡng lão”. Những người Trung Quốc, người miền nam nước Ý và các hộ gia đình Mexico đưa ra các ví dụ về một hiện tượng phổ biến được gọi là gia đình “gia trưởng”, ở đó thẩm quyền chính được trao cho người đàn ông sống lâu năm nhất trong gia đình. Những ví dụ quen thuộc khác bao gồm nhiều hoặc hầu hết các xã hội chăn nuôi và các xã hội nông thôn khác (trong quá khứ là người La Mã cổ đại và người Do Thái).

Trong xã hội hiện đại, cũng giống như trong nhiều xã hội truyền thống, hầu hết người già từ bỏ quyền sở hữu tài sản của họ duy nhất thông qua việc thừa kế khi họ chết. Ví dụ, Kinh Cựu Ước mô tả Abraham và những người Do Thái khác sở hữu nhiều gia súc khi họ già đi. Các cụ già tộc Chukchi sở hữu tuần lộc; cụ già người Mông Cổ sở hữu ngựa; cụ già người Navajo sở hữu ngựa, cừu, gia súc, dê; và các cụ già người Kazakh sở hữu bốn loài vật nuôi trên cộng thêm lạc đà. Bằng cách kiểm soát gia súc, đất nông nghiệp, và (ngày nay) tài sản khác cũng như các tài sản tài chính, những người lớn tuổi có lợi thế hơn thế hệ trẻ. Trong nhiều xã hội, sức mạnh mà thế hệ già có trong tay mạnh đến nỗi chính phủ của xã hội đó được mô tả như một “gerontocracy” - tức là, chế độ độc tài của người lớn tuổi.

Trong bất kỳ xã hội nào, đó cũng là một quá trình dài và khó khăn để thay đổi các quy tắc cơ bản, người già có rất nhiều lợi thế khi phản đối sự thay đổi các quy tắc và việc chiều theo ý muốn cũng như lòng tôn trọng đối với người già được dạy dỗ từ nhỏ không thể biến mất chỉ sau một đêm.

PHẢI LÀM GÌ VỚI NGƯỜI GIÀ?

Ngày nay, con người sống lâu hơn, người già được có sức khỏe thể chất tốt hơn và phần còn lại của xã hội có thể có đủ khả năng để chăm sóc cho họ tốt hơn so với bất kỳ thời đại nào khác trong lịch sử nhân loại. Mặt khác, người già đã mất đi hầu hết sự hữu ích truyền thống mà họ từng cung cấp cho xã hội, và rốt cuộc, họ thường đau khổ về tinh thần khi không còn hữu ích cho xã hội hơn là về thể chất. Chúng ta sẽ phải đối mặt hoặc đã phải đối mặt với những vấn đề này, đó là khi bạn phải nghĩ xem cần làm gì với cha mẹ già của mình, hoặc khi chính ta trở nên già đi. Chúng ta có thể làm những gì?

Đề nghị đầu tiên của tôi là hãy làm mới tầm quan trọng trong vai trò truyền thống của ông bà. Ông bà có lợi thế khi giải quyết vấn đề giữ trẻ cho các cặp vợ chồng hiện đại phải làm việc. Ông bà có động lực cao để chăm sóc cho cháu của họ, có kinh nghiệm từ việc nuôi dạy các con, có thể tập trung hoàn toàn vào một đứa trẻ, sẵn sàng làm việc không lương và không phàn nàn về vấn đề lương thưởng. Bạn bè của tôi là những người ông, người bà đã về hưu có nhiều chuyên môn đa dạng trong công việc - bác sĩ, luật sư, giáo sư, giám đốc doanh nghiệp, kỹ sư và những nghề khác - đều thích chăm sóc các cháu thường xuyên khi các con của họ bận đi làm. Những người bạn già của tôi đã đóng vai trò tương tự với những người ông bà người !Kung chăm lo cháu trong trại, để con cái của họ đi săn linh dương và thu lượm các loại hạt mongongo. Đây là một trường hợp mà cho ông bà, cha mẹ đứa trẻ và cả đứa trẻ đều có lợi.

Đề nghị thứ hai liên quan đến mặt tích cực của sự thay đổi nhanh chóng trong công nghệ và xã hội. Trong khi sự thay đổi đó có xu hướng khiến những kỹ năng của người già lỗi thời, nó cũng làm cho kinh nghiệm của họ có giá trị theo nghĩa rộng hơn vì những kinh nghiệm đó bao gồm cả những điều kiện không phổ biến ngày nay. Nếu những điều kiện tương tự tái diễn trong tương lai, thanh niên ngày nay sẽ thiếu kiến thức cá nhân để đối phó với chúng. Thay vào đó, những người có kinh nghiệm phù hợp nhất có thể là người già. Đề nghị còn lại của tôi là hãy hiểu và tận dụng những thay đổi trong điểm mạnh và điểm yếu của người già.

Người ta có thể nói rằng các đặc tính hữu ích có xu hướng suy giảm theo tuổi tác bao gồm tham vọng, mong muốn cạnh tranh, sức mạnh và độ bền thể chất, khả năng tập trung tinh thần và năng lực đưa ra những lý luận mới để giải quyết vấn đề chuyên sâu. Ngược lại, những đặc tính hữu ích có xu hướng tăng theo tuổi tác bao gồm kinh nghiệm về một lĩnh vực, sự am tường về con người và các mối quan hệ, khả năng giúp đỡ người khác và bỏ qua cái tôi của mình, cùng những năng lực tư duy đa lĩnh vực tổng hợp để giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến thông tin đa diện (chẳng hạn như nguồn gốc của các loài, phân bố địa sinh học, lịch sử so sánh). Những thay đổi về điểm mạnh dẫn đến nhiều người đi làm lớn tuổi lựa chọn cống hiến nỗ lực của họ nhiều hơn nữa để giám sát, quản lý, tư vấn, giảng dạy, vạch ra chiến lược và tổng hợp.

Vấn đề đối với xã hội nói chung là phải sử dụng người lớn tuổi vào những việc họ giỏi và thích làm, thay vì yêu cầu họ tiếp tục làm việc 60 giờ một tuần như một người làm công trẻ đầy tham vọng, hoặc làm theo thái cực ngược lại là áp đặt chính sách nghỉ hưu bắt buộc đầy ngớ ngẩn ở một độ tuổi tùy ý (như vẫn phổ biến một cách đáng tiếc ở Châu Âu). Thách thức đối với chính người già là phải suy nghĩ một cách hướng nội, chú ý đến những thay đổi trong chính mình và tìm công việc nào có thể tận dụng những năng lực mà họ có hiện tại. Việc tạo các điều kiện sống mới cho người già của chúng ta, để phù hợp với thế giới hiện đại đang thay đổi, vẫn còn là một thách thức lớn đối với xã hội. Nhiều xã hội xưa đã tận dụng người già tốt hơn và cho họ cuộc sống tốt hơn chúng ta ngày nay. Chúng ta hãy cùng nỗ lực, chắc chắn rồi chúng ta có thể tìm ra những giải pháp tốt hơn hiện tại.

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Hé lộ cách người tiền sử chinh phục bóng tối để tạo tác phẩm nghệ thuật

Nguyễn Hạnh |

Các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã tạo ra những ngọn đuốc và đèn thời tiền sử để xem chúng sẽ hoạt động như thế nào trong các hang động chật hẹp - nơi xuất hiện những tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất thế giới.

Có gì ở 5 tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi "Săn tìm đạo diễn phim kinh dị"?

Thanh Hương |

5 phim ngắn kinh dị xuất sắc nhất cuộc thi "Săn tìm đạo diễn phim kinh dị" sẽ giới thiệu đến khán giả trên nền tảng Youtube bắt đầu từ ngày 28.5.

Đấu giá tác phẩm “Châu chấu” của hoạ sĩ Tạ Huy Long

M.K |

Ngày 23.5, phiên đấu giá online tác phẩm “Châu chấu” diễn ra tại fanpage Đông A Gallery.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát: “Mỗi tác phẩm sơn mài đều có những câu chuyện riêng…”

THANH HƯƠNG (thực hiện) |

Dành tình yêu sâu đậm với nghệ thuật sơn mài, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sáng tạo nhiều sản phẩm gắn liền hình tượng con trâu. Đây cũng là cách mà anh muốn giới thiệu và đưa văn hoá dân gian Việt Nam đến gần hơn với công chúng và bạn bè quốc tế.

Đối thoại với tác phẩm mỹ thuật

Việt Văn |

Có lẽ chưa năm nào các triển lãm mỹ thuật (hội họa, điêu khắc, đồ họa…) bùng nổ như thế. Riêng tuần này, khi triển lãm mỹ thuật toàn quốc vừa khép lại (10.12) để chuẩn bị du Nam thì một loạt triển lãm khác lại mở cửa. Hữu Khoa - biệt danh họa sĩ “Còm” bảo: Thời COVID-19, tưởng họa sĩ hết đất sống nào ngờ triển lãm tơi tới như mùa cưới và hầu như triển lãm nào cũng có họa sĩ bán được nhiều tranh.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Hé lộ cách người tiền sử chinh phục bóng tối để tạo tác phẩm nghệ thuật

Nguyễn Hạnh |

Các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã tạo ra những ngọn đuốc và đèn thời tiền sử để xem chúng sẽ hoạt động như thế nào trong các hang động chật hẹp - nơi xuất hiện những tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất thế giới.

Có gì ở 5 tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi "Săn tìm đạo diễn phim kinh dị"?

Thanh Hương |

5 phim ngắn kinh dị xuất sắc nhất cuộc thi "Săn tìm đạo diễn phim kinh dị" sẽ giới thiệu đến khán giả trên nền tảng Youtube bắt đầu từ ngày 28.5.

Đấu giá tác phẩm “Châu chấu” của hoạ sĩ Tạ Huy Long

M.K |

Ngày 23.5, phiên đấu giá online tác phẩm “Châu chấu” diễn ra tại fanpage Đông A Gallery.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát: “Mỗi tác phẩm sơn mài đều có những câu chuyện riêng…”

THANH HƯƠNG (thực hiện) |

Dành tình yêu sâu đậm với nghệ thuật sơn mài, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sáng tạo nhiều sản phẩm gắn liền hình tượng con trâu. Đây cũng là cách mà anh muốn giới thiệu và đưa văn hoá dân gian Việt Nam đến gần hơn với công chúng và bạn bè quốc tế.

Đối thoại với tác phẩm mỹ thuật

Việt Văn |

Có lẽ chưa năm nào các triển lãm mỹ thuật (hội họa, điêu khắc, đồ họa…) bùng nổ như thế. Riêng tuần này, khi triển lãm mỹ thuật toàn quốc vừa khép lại (10.12) để chuẩn bị du Nam thì một loạt triển lãm khác lại mở cửa. Hữu Khoa - biệt danh họa sĩ “Còm” bảo: Thời COVID-19, tưởng họa sĩ hết đất sống nào ngờ triển lãm tơi tới như mùa cưới và hầu như triển lãm nào cũng có họa sĩ bán được nhiều tranh.