Chùa Vạn Triều, đệ nhất danh lam phủ Hải Đông xưa

Bài và ảnh Nguyễn Hữu Mạnh |

Theo sử sách, chùa Vạn Triều là một trong các chùa được xây dựng sớm nhất ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Cùng với chùa Sùng Đức, chùa Lôi Âm ở phường Đại Yên, thành phố Hạ Long là những đại danh lam của phủ Hải Đông xưa.

Địa thế tọa lạc xưa nay hiếm

Chùa Vạn Triều nằm trên núi Hoa Khai (hoa nở), thuộc khu Yên Lập, phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Chùa Vạn Triều có tên chữ là "Hoa Khai Sơn Vạn Triều Tự” vì chùa nằm ở trên núi Hoa Khai (Hoa nở).

Theo tư liệu lịch sử, khi nhà sư hiệu là Pháp Từ Chân Ý và nhà sư pháp tính là Lâm Tế Tông Truyền Liễu Đạt Chân Không đến vùng đất Vạn Triều, thấy địa thế giống như nhị một bông hoa cúc, xung quanh muôn dãy núi ôm vào như những cánh hoa cúc, nên đặt tên núi là Hoa Khai Sơn (núi hoa nở). Hai bên có hai dãy núi Thanh Long và Bạch Hổ chầu vào, nhìn ra trước mặt thấy làng Yên Lập như một hương án tiền, khi nước triều lên, thấy muôn con nước triều chầu vào, sơn thủy hữu tình đẹp như một bức tranh, bèn xây dựng chùa đặt tên là Vạn Triều.

Tương truyền, chùa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16 (1450 - 1550) nằm trong hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử Quán triều Nguyễn ghi “Chùa Vạn Triều, ở núi Vạn Triều, huyện Yên Hưng, thể chế cổ kính, mộc mạc, phong cảnh khá đẹp, trai gái thường đến ngoạn thưởng, cũng là một danh lam”.

Tháp Thanh Quang, chứng nhân của lịch sử lâu dài chùa Vạn Triều.
Tháp Thanh Quang, chứng nhân của lịch sử lâu dài chùa Vạn Triều.

Danh lam phủ Hải Đông

Trong khuôn viên chùa duy nhất một tấm bia đá Thiên Đài Thạch Trụ và một tháp Tổ xây bằng đá. Bia Thiên Đài Thạch Trụ của chùa Vạn Triều, soạn năm Ất Dậu, năm Vĩnh Thịnh nguyên niên (năm 1705) bởi Thiền sư Hương Hải cho biết: Chùa Vạn Triều sáng lập từ lâu, trải qua mưa gió đến nay bị hư hỏng. Một số người trong xã đứng ra hưng công làm mới điện vũ. Nhà sư tên là Chân Ý cùng đệ tử quê ở Nam Sách, tỉnh Hải Dương đi vân du, thấy chùa Vạn Triều là nơi đẹp đẽ bèn ở lại trụ trì chùa này. Năm Ất Dậu (1645) thiền sư đã cùng các quan viên, hương lão, thiện nam, tín nữ hưng công làm tiền đường, tượng Phật. Năm Canh Dần (1650) đúc chuông. Năm Đinh Dậu (1657) tu sửa điện vũ 3 gian 2 chái. Năm Bính Ngọ (năm 1666) làm hậu đường. Nay lập bia ghi họ và tên những người đóng góp như: nhà sư trụ trì Chân Ý, tín thí Nguyễn Thị Uyên...

Ngoài ra, trên Thiên Đài Thạch Trụ còn có bài minh nói về vẻ đẹp của chùa Vạn Triều:
“Vạn Triều đất tốt
Cửu phẩm ngút trời
Thôn Yên cảnh đẹp
Đời có nổi chìm
Phàm người cúng tiến
Đều đến tòa sen
Long hoa hải hội
Lại mong tương phùng”.

Thiền sư Hương Hải (1628 - 1715), tục gọi là Tổ Cầu, là một cao tăng, có tầm ảnh hưởng rộng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam ở thời Hậu Lê. Giáo sư Lê Mạnh Thát trong Toàn tập Minh Châu Hương Hải nhận xét: Trong cuộc đời 88 năm của mình, Minh Châu Hương Hải đã có những đóng góp cho dân, cho nước qua thời gian mấy năm làm quan khi còn tuổi thanh niên. Rồi đến lúc xuất gia, Minh Châu Hương Hải vẫn còn đóng góp sức mình bằng mối quan hệ chặt chẽ với những nhà lãnh đạo chính trị quân sự đương thời mình. Minh Châu Hương Hải đã có quan hệ chặt chẽ với họ Nguyễn đàng trong, đặc biệt với Hiền vương Nguyễn Phúc Tần, rồi sau đó với vua Lê Hy Tông (1676 - 1704) và Lê Dụ Tông (1705 - 1728) cùng các chúa Trịnh Tạc (1653 - 1682), Trịnh Căn (1683 - 1709) và Trịnh Cương (1709 - 1729) với các quan lại cao cấp của triều đình như Ứng quận công Đặng Đình Tướng (1659 - 1735), Tước quận công Lê Đình Kiên (1623 - 1704) v.v... và đã có ảnh hưởng nhất định với những vị này. Nhờ đó, Thiền sư Hương Hải là người đã góp phần trong công cuộc phục hưng thiền phái Trúc Lâm đã có từ thời nhà Trần. Chùa Vạn Triều được Thiền sư Hương Hải hưng công, trùng tu, cho thầy tầm quan trọng của di tích trong hệ thống chùa phật giáo ở khu vực này.

Đường đi khó khăn lên chùa Vạn Triều nhưng phong cảnh tuyệt đẹp.
Đường đi khó khăn lên chùa Vạn Triều nhưng phong cảnh tuyệt đẹp.

Trải qua bao thời gian thăng trầm, chùa Vạn Triều bị hư hỏng chỉ còn nền móng. Tuy nhiên, theo ghi chép của người Pháp đã điều tra năm 1935 cho biết: Sau một tiếng trèo bộ, đoàn điều tra đã tới chùa Vạn Triều, ngoài Thiên Đài Thạch Trụ được chúng tôi đề cập ở trên, họ còn phát hiện hai ngôi tháp, một bằng gạch không có văn khắc và một bằng đá có dòng chữ mang tên Thanh Quang tháp. Hiện nay, tháp Thanh Quang vẫn hiện tồn khi chúng tôi tới thăm viếng chùa Vạn Triều.

Theo thông tin từ đoàn điều tra của người Pháp vào năm 1935 thì người dân tên là Nguyễn Lương Tri cho đoàn hay: “Ngôi chùa Vạn Triều này bị đốt cháy bởi cướp biển khoảng 50 năm trước (khoảng năm 1885, so với mốc năm 1935 khi đoàn điều tra tới), bởi vì chính ông đã đến chùa khi ông khoảng mười tuổi”.

Chùa được xây dựng lại vào năm 2000, lưng tựa vào núi, phía trước hướng ra hồ Yên Lập nhấp nhô núi, quanh năm nước xanh ngắt; xa hơn nữa là Vịnh Hạ Long. Xung quanh chùa được trồng nhiều hoa, cây ăn quả, mùa nào quả ấy sai trĩu trịt. Để đến chùa Vạn Triều, từ đường 18 cũ, đoạn qua rừng thông Yên Lập, du khách tiếp tục đi xuyên rừng chừng 2km, sẽ thấy ngôi chùa nằm lưng chừng núi Hoa Khai.

Từ nhiều thập niên qua, mặc dù đường sá đi lại khó khăn nhưng chùa Vạn Triều là nơi sinh hoạt tâm linh của phật tử và nhân dân quanh vùng, của các nam thanh, nữ tú đến vãn cảnh chùa. Chùa không chỉ là điểm đến hành hương kính Phật, mà còn là nơi du ngoạn thưởng cảnh thiên nhiên thanh tịnh. Nếu cần một nơi để tĩnh tâm, tìm kiếm sự yên ổn, xa hẳn chốn náo nhiệt thị thành, chỉ để ngắm cảnh mây trời, sông nước, thì chùa Vạn Triều là điểm đến khá lý tưởng cho du khách.

Bài và ảnh Nguyễn Hữu Mạnh
TIN LIÊN QUAN

Chùa cổ Trà Phương và hai pho tượng bảo vật quốc gia thời Mạc

Nguyễn Hữu Mạnh |

Chùa thuộc làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Chùa có tên chữ là Thiên Phúc tự. Trải suốt hơn 400 năm tồn tại, chùa Trà Phương nhiều lần trùng tu, tôn tạo theo những thăng trầm của lịch sử dân tộc và sự thịnh suy của đạo Phật Việt Nam.

Ngôi chùa cổ thờ vị vua sáng lập nhà Mạc

Nguyễn Hữu Mạnh |

Chùa Nhân Trai tên chữ là Phúc Linh tự, tên cũ là Nhân Thọ cung. Tên chùa được gọi theo tên của làng, làng Nhân Trai thuộc tổng Cổ Trai cũ, nay là xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Ngôi chùa tọa lạc bãi đất bồi ở lưu vực sông Văn Úc, gọi là cánh đồng Ếch, mênh mông, thoáng mát, cách xa khu dân cư; chỉ cách Khu tưởng niệm nhà Mạc mấy trăm mét.

Chùa Trầm, chốn bồng lai tiên cảnh trên đất Long Châu

Nguyễn Hữu Mạnh |

Quần thể di tích và danh thắng chùa Trầm nằm ở khu vực núi Trầm, thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa là một trong "tứ đại danh thắng của xứ Đoài". Nơi đây gồm nhiều địa điểm lịch sử, văn, kiến trúc và danh lam thắng cảnh, tựa như “chốn bồng lai tiên cảnh”: Chùa Trầm, Chùa Vô Vi, Chùa Hang, Chùa Ba Làng, Chùa Cao...

Nhà trong ngõ Hà Nội bất ngờ rao bán 9-10 tỉ đồng/căn

Thu Giang |

Nhiều căn nhà trong ngõ nằm ở trung tâm TP Hà Nội gần đây đang liên tục tăng giá, được chủ nhà rao bán 9-10 tỉ đồng/căn trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Sau 20 năm thành lập tỉnh, thu nhập của người dân Đắk Nông tăng hơn 12 lần

Phan Tuấn |

Năm 2004, khi tỉnh Đắk Nông mới thành lập, thu nhập bình quân đầu người ở tỉnh là 4,46 triệu/người/năm. Từ xuất phát điểm khó khăn, sau 20 năm, tỉnh Đắk Nông đã chú trọng nâng cao đời sống cho nhân dân, hiện thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 12 lần, đạt trên 60 triệu đồng.

Đà Nẵng đón hàng nghìn lượt khách bay ngày đầu năm 2024

THÙY TRANG |

Trong ngày đầu tiên của năm mới 2024, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ đón 112 chuyến bay nội địa và quốc tế với hơn 15.500 lượt khách, trong đó số chuyến bay quốc tế dự kiến 50 chuyến với khoảng 7.500 lượt khách.

Chào đón những công dân nhí 2024 vào đúng thời khắc chuyển giao năm mới

NGUYỄN LY |

TPHCM - Trong thời khắc chuyển giao sang năm mới 2024, tại Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) đã đón nhiều em bé chào đời. Gia đình sản phụ và các y bác sĩ đều vỡ òa cảm xúc khi gặp được những thiên thần nhỏ.

Chính sách bảo hiểm xã hội, nghỉ hưu có hiệu lực từ 1.1.2024

Hà Anh |

Theo Bộ luật Lao động 2019, từ 1.1.2024, tuổi nghỉ hưu năm 2024 của người lao động nam trong điều kiện bình thường là 61 tuổi; đối với lao động nữ trong điều kiện bình thường là 56 tuổi 4 tháng.

Chùa cổ Trà Phương và hai pho tượng bảo vật quốc gia thời Mạc

Nguyễn Hữu Mạnh |

Chùa thuộc làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Chùa có tên chữ là Thiên Phúc tự. Trải suốt hơn 400 năm tồn tại, chùa Trà Phương nhiều lần trùng tu, tôn tạo theo những thăng trầm của lịch sử dân tộc và sự thịnh suy của đạo Phật Việt Nam.

Ngôi chùa cổ thờ vị vua sáng lập nhà Mạc

Nguyễn Hữu Mạnh |

Chùa Nhân Trai tên chữ là Phúc Linh tự, tên cũ là Nhân Thọ cung. Tên chùa được gọi theo tên của làng, làng Nhân Trai thuộc tổng Cổ Trai cũ, nay là xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Ngôi chùa tọa lạc bãi đất bồi ở lưu vực sông Văn Úc, gọi là cánh đồng Ếch, mênh mông, thoáng mát, cách xa khu dân cư; chỉ cách Khu tưởng niệm nhà Mạc mấy trăm mét.

Chùa Trầm, chốn bồng lai tiên cảnh trên đất Long Châu

Nguyễn Hữu Mạnh |

Quần thể di tích và danh thắng chùa Trầm nằm ở khu vực núi Trầm, thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa là một trong "tứ đại danh thắng của xứ Đoài". Nơi đây gồm nhiều địa điểm lịch sử, văn, kiến trúc và danh lam thắng cảnh, tựa như “chốn bồng lai tiên cảnh”: Chùa Trầm, Chùa Vô Vi, Chùa Hang, Chùa Ba Làng, Chùa Cao...