Chủ quan với cúm A/H1N1 đã có ca tử vong, bệnh có thể lan rộng

lệ hà |

Đã có ca tử vong vì cúm A/H1N1. Không những vậy, cúm A/H1N1 đang lan nhanh ra nhiều tỉnh, thành phía Nam như TPHCM, Cần Thơ, Tiền Giang... Nhiều người nhiễm cúm A/H1N1 do đi khám bệnh, do tiếp xúc với người bệnh, nhân viên y tế cũng nhiễm cúm A/H1N1. Virus cúm A/H1N1 không mới nhưng nhiều người chủ quan.

Cúm A/H1N1 lan nhanh ở các tỉnh phía Nam

Đầu tháng 6, tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) đã xuất hiện “ổ” dịch cúm A/H1N1 khiến gần 30 người mắc, trong đó có nhiều nhân viên y tế. Ngành y tế đã khống chế ổ dịch.

Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã xác nhận một phụ nữ 26 tuổi tử vong do cúm A/H1N1. Sau khi có các triệu chứng cảm cúm, bệnh nhân tự điều trị tại nhà. Sau 5 ngày, chị được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện quận Thủ Đức trong tình trạng nguy kịch vì viêm phổi nặng, suy hô hấp. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và đã tử vong vào ngày 30.5. Kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM xác định bệnh nhân nữ này mắc virus cúm A/H1N1.

Bên cạnh ca tử vong, nhiều ca bệnh nhiễm cúm A/H1N1 biến chứng cũng xuất hiện trong thời điểm này. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy còn điều trị một số ca biến chứng do cúm A/H1N1. Một bệnh nhân nam 49 tuổi ở tỉnh Bình Thuận được chẩn đoán nhiễm cúm A/H1N1 trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp, viêm phổi nặng.

Theo lời kể của người nhà, trước đó vài ngày, bệnh nhân hành nghề lái xe đã chở một đoàn khách du lịch đi Đà Nẵng. Trên chuyến xe có một hành khách bị cảm cúm. Sau khi về nhà thì bệnh nhân bị sốt cao, đau nhức mỏi cơ thể và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, diễn tiến bệnh ngày càng nặng, ngày càng khó thở nên được chuyển vào TPHCM.

Tại Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ, 3 nhân viên của bệnh viện có biểu hiện của cúm A/H1N1. Nhân viên y tế nhiễm cúm A/H1N1 từ người bệnh đã mắc cúm A/H1N1.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết: Cúm A/H1N1 đang chiếm khoảng 40% trong nhóm các chủng virus cúm mùa thông thường lưu hành hàng năm và gây bệnh ở người. Từ đầu năm 2018 đến nay, kết quả giám sát cúm từ hệ thống giám sát quốc gia ghi nhận virus cúm A/H1N1 chiếm tỉ lệ cao hơn so với các chủng virus cúm mùa khác. Hơn 40% còn lại là cúm B và cúm A/H3N2.

Cũng theo GS.TS Đặng Đức Anh, hiện cúm A/H1N1 đang lây lan ở nhiều tỉnh, thành miền Nam, nơi có khí hậu nắng nóng. Virus cúm lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Do đó, nếu một người mang mầm bệnh từ vùng có dịch thì bệnh sẽ lây lan rất nhanh. Ngoài ra, cũng không loại trừ việc đi lại, giao lưu đi lại giữa các vùng miền cũng thuận tiện hơn nên nếu người chưa có miễn dịch hoặc cơ thể dễ cảm nhiễm thì dễ dàng mắc bệnh.

Về ổ dịch cúm A/H1N1 tại các tỉnh phía Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: Ở đây, dịch cúm A/H1N1 đã được khống chế, nhưng cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1 vẫn cần được nâng cao.

Nhận diện cúm A/H1N1

Cúm A/H1N1 tuy không nguy hiểm, nếu kịp thời phát hiện và điều trị người bệnh có thể phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, cúm A/H1N1 cũng có những biến chứng gây nguy hiểm cho người bệnh. Những người nhiễm cúm A/H1N1 có thể bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy đa tạng, một số trường hợp tử vong.

Cúm A/H1N1 từng gây đại dịch tại Việt Nam vào năm 2009 khiến hơn 10.000 mắc và 22 người tử vong. Cúm A/H1N1 dễ lây lan và có thể gây tử vong ở những bệnh nhân sức đề kháng yếu, có bệnh mãn tính, người già, phụ nữ mang thai.

Cũng theo Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), virus gây cúm A/H1N1 được phát hiện vào năm 2009. Khi đó, loại cúm này còn được gọi là “cúm lợn” vì có nguồn gốc lây truyền từ lợn. Khi đó, cúm A/H1N1 đã xảy ra tại 90 nước với hàng trăm nghìn người mắc. Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên ghi nhận ngày 26.5.2009 và bùng phát mạnh vào những tháng cuối năm 2009. Tính đến hết tháng 9.2009, Việt Nam đã có hơn 10.000 mắc cúm A/H1N1 và 22 người tử vong. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp dập dịch cấp tập, Việt Nam đã đẩy lùi dịch vào đầu năm 2010.

Đến nay, cúm A/H1N1 đã được coi là cúm mùa thông thường, xếp ngang với các chủng cúm khác như cúm A/H3N2, cúm B. Thi thoảng vẫn xuất hiện các ổ dịch, do tốc độ lây lan nhanh nên khi có ổ dịch, ngành y tế thường phải khoanh vùng, cách ly bệnh nhân và tiệt trùng môi trường xung quanh.

Theo Cục Y tế dự phòng, cúm A/H1N1 là một trong các bệnh cúm mùa hiện nay. Virus cúm A/H1N1 có thể dễ dàng lây từ người sang người, giống như cách lây lan của cúm thường qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện.

Bệnh cũng có thể lây do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm virus, chạm vào khăn giấy đã dùng có nhiễm virus sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. Dùng chung đồ dùng, ly uống nước hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm virus cúm A/H1N1.

Loại virus này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C. Do đó, các hồ bơi trong các khách sạn cũng có thể tạo ra môi trường cho virus phát triển, nhất là vào tiết trời mưa dầm, thiếu ánh nắng để diệt virus.

Tỉ lệ mắc cúm A/H1N1 thường cao, dễ lây lan và có thể mau chóng gây đại dịch. Tỉ lệ tử vong thấp, khoảng 1 - 4%. Những người mắc cúm A/H1N1 có thể lây lan bệnh một ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài 7 ngày sau khi khởi bệnh. Virus bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 70 độ C.

Nhiều người bị cúm cho rằng đó là bệnh xoàng chỉ nhức đầu, sổ mũi vài ngày, uống vài viên thuốc cảm cúm là khỏi. Thông thường bệnh cũng khá lành tính, bệnh nhân có thể tự khỏi sau vài ngày đến 1 tuần. Tuy nhiên, không ít bệnh nhân tiến triển nặng, đến mức suy hô hấp mới nhập viện thì đã quá muộn. Cúm có thể gây biến chứng nặng đối với những người có bệnh mãn tính về hô hấp, tim mạch, cao huyết áp, phổi, thận, thiếu máu, người suy giảm miễn dịch, người già và phụ nữ có thai.

lệ hà
TIN LIÊN QUAN

Cứu thành công cháu bé 9 tuổi bị mắc kẹt ở khe hẹp giữa 2 nhà

Văn Đức |

Lào Cai - Lực lượng cứu hộ đã giải cứu thành công cháu bé bị mắc kẹt giữa 2 tường nhà sau 30 phút.

Bình Dương: 1 giám đốc trung tâm đăng kiểm làm việc với cơ quan điều tra

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Ngày 13.1, trên mạng xôn xao tin đồn giám đốc một trung tâm đăng kiểm ở Bình Dương bị khởi tố, bắt giam để điều tra vi phạm liên quan đến vụ án đưa và nhận hối lộ ở các trung tâm đăng kiểm ở nhiều tỉnh, thành phố.

Khánh thành cầu trị giá hơn 2 tỉ do Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng Lao Động tài trợ

NHÓM PV |

Cần Thơ - Chiều 13.1, cầu kênh A7 ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, do Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm Lòng Vàng Lao Động tài trợ xây dựng đã chính thức được khánh thành.

Nghề làm bánh phồng tôm truyền thống 3 đời tất bật sản xuất bán Tết

TẠ QUANG |

Vào những ngày cận Tết, cơ sở bánh gia truyền 3 đời nức tiếng tại TP. Cần Thơ “bánh phồng tôm Dương gia” lại tất bật sản xuất bánh bán Tết và kiếm thu nhập tiền triệu mỗi ngày.

Thang máy chung cư rơi ở Nha Trang: Yêu cầu công khai chất lượng kiểm định

Hữu Long |

Khánh Hòa - Sau khi mời chủ đầu tư lên làm việc, Sở Xây dựng Khánh Hòa đã yêu cầu có báo cáo khắc phục sự cố thang máy rơi. Trước mắt, Sở yêu cầu chủ đầu tư công khai thông tin kiểm định các tháng máy để người dân giám sát.

Madam Pang: Sau trận đấu chúng ta sẽ có tình bạn, tình hữu nghị

AN NGUYÊN |

Trưởng đoàn bóng đá Thái Lan Madam Pang cho biết, bà luôn muốn bóng đá Thái Lan giữ vị thế tại Đông Nam Á, nhưng hiện tại bóng đá Việt Nam đang phát triển rất tốt và xếp hạng cao hơn đội bóng xứ Chùa vàng.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng: Tín dụng không gây bong bóng bất động sản

Đức Mạnh |

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng vốn tín dụng bình quân hằng năm có con số rất rõ. Xảy ra bong bóng bất động sản là do hiện tượng mua nhà không phải để ở.

Dự báo mới nhất thời tiết Tết ông Công, ông Táo năm nay trên cả nước

AN AN - MINH HÀ |

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia thời tiết Tết ông Công, ông Táo sẽ có sự phân hoá rõ nét giữa 3 miền.