“Chủ nghĩa sinh tồn” của giới siêu giàu và phong trào chuẩn bị cho ngày tận thế

Hương Giang |

Có thể bạn đã nghe loáng thoáng hoặc chưa từng biết tới tin tức này: Nhiều người giàu nhất ở nước Mỹ, cả trong giới công nghệ tại Thung lũng Silicone lẫn nơi tập trung đông giới thượng lưu như New York và những chốn khác nữa, đang âm thầm đầu tư nguồn lực để đối phó với kịch bản nền văn minh của con người bất ngờ sụp đổ.
Tích trữ lương thực, súng đạn đề phòng thảm họa
Steve Huffman, 30 tuổi, đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành (CEO) mạng xã hội Reddit, đang sở hữu khối tài sản trị giá 600 triệu USD. Huffman bị cận thị cho tới tận tháng 11.2015, thời điểm anh quyết định đi mổ mắt bằng laser để thay đổi tình hình.
Huffman làm thế không phải vì muốn được thoát khỏi đôi kính cận hay cải thiện diện mạo mà vì một lý do rất khác. Anh muốn sống sót trong tình xuống xảy ra thảm họa nghiêm trọng. “Nếu thế giới diệt vong hoặc đơn giản là nếu chúng tôi gặp rắc rối, việc phải xoay sở với đôi kính cận hoặc kính áp tròng sẽ mang tới bất lợi khủng khiếp. Nếu không có chúng, tôi sẽ toi đời”, anh chia sẻ với phóng viên New Yorker trong cuộc trò chuyện gần đây.
Đồ chuẩn bị cho tình huống xảy ra thảm họa của một người theo phong trào sinh tồn.

Huffman ít quan tâm tới các mối đe dọa cụ thể, kiểu như một trận động đất khủng khiếp, một đại dịch, một vụ tấn công bom bẩn sẽ giết gần hết người Mỹ. Cái anh quan tâm là những gì sẽ diễn ra sau thảm họa, khi chính quyền và cấu trúc xã hội truyền thống tạm thời sụp đổ. “Tôi sở hữu vài chiếc xe máy. Tôi lưu trữ mấy khẩu súng và để đầy đạn dược trong kho. Cùng với lượng thực phẩm cần thiết, tôi có thể cố thủ trong nhà mình được một thời gian dài”, anh nói.

Qua những lời này, Huffman gián tiếp thừa nhận anh đang là thành viên của “chủ nghĩa sinh tồn”, một phong trào chuẩn bị cho ngày diệt vong hoặc đại thảm họa đang thịnh ở Mỹ. Với một số người, kịch bản tận thế và chuẩn bị đối phó nó chỉ giống như một dạng trò chơi giải trí. Nhưng với các cá nhân như Huffman thì đây thực sự là điều gây quan ngại trong suốt nhiều năm. Anh bị ám ảnh với ý tưởng thận thế sau một lần xem phim “Deep Impact”, nói về việc sao chổi lao xuống Đại Tây Dương tạo ra một cơn sóng thần hủy diệt mọi thứ. “Tôi vẫn nhớ cảnh mọi người cố chạy trốn và bị kẹt lại trong dòng xe quá đông. Cảnh phim đó được quay trên một con đường rất gần trường tôi. Mỗi lần đi qua đó, tôi đều nghĩ rằng mình nên sắm một chiếc xe máy và như thế tôi sẽ thoát nạn, trong khi mọi người tiêu đời”, anh chia sẻ.
Huffman dĩ nhiên không phải là người giàu duy nhất chuẩn bị cho kịch bản tận thế. Mùa xuân năm ngoái, khi cuộc bầu cử Mỹ bắt đầu khiến xã hội chia thành hai nửa đối nghịch nhau, Antonio García Martínez, 40 tuổi, một cựu giám đốc quản lý sản phẩm ở công ty Facebook, đã mua một khoảnh rừng rộng 2ha trên một hòn đảo ở vùng Pacific Northwest tại Tây Bắc Mỹ. Anh mang tới đây các máy phát điện, các hệ thống pin quang điện và hàng ngàn viên đạn, để chuẩn bị cho tình huống trật tự xã hội sụp đổ. García Martínez muốn xây dựng một điểm lánh nạn cách xa khỏi các đô thị, nhưng không hoàn toàn biệt lập. “Mọi người đều nghĩ rằng một mình họ rồi có thể chống lại đám đông điên cuồng. Đó là điều không thể. Bạn sẽ cần phải thành lập một đạo quân nhỏ ở địa phương. Bạn sẽ cần tới rất nhiều thứ để vượt qua cơn sóng tận thế”, anh nói, đồng thời cho biết thêm rằng có nhiều người chia sẻ quan điểm với mình và họ cũng đang âm thầm chuẩn bị nhằm đảm bảo bản thân cùng gia đình có thể sống sót trong tình huống xấu nhất.

Thực vậy, trong nhiều nhóm kín trên Facebook, những người tham gia phong trào sinh tồn có nhiều tiền của đang chia sẻ nhau vô số kinh nghiệm về việc họ nên chọn địa điểm lánh nạn nào là lý tưởng, tích trữ những loại đồ ăn gì, mua súng đạn loại nào, mua mặt nạ phòng độc ra sao. Một thành viên giấu tên, hiện đang lãnh đạo một công ty đầu tư thành công, tiết lộ với phóng viên New Yorker: “Tôi luôn đổ đầy xăng cho chiếc trực thăng của mình và đã cho xây một hầm lánh nạn với hệ thống lọc khí. Có thể tôi hơi cực đoan, nhưng rất nhiều bạn bè tôi hiện đang tích trữ xe máy, súng đạn, các đồng tiền xu bằng vàng. Thế nên đây không còn là một hiện tượng hiếm hoi nữa”. Tương tự, Tim Chang, một giám đốc quản lý 40 tuổi ở quỹ đầu tư Mayfield Fund nói rằng anh và vợ đã chuẩn bị sẵn các túi sinh tồn với đầy đủ trang thiết bị bên trong, để có thể đi lánh nạn bất kỳ khi nào thảm họa xảy ra. Marvin Liao, một cựu quản trị viên ở công ty Yahoo thì chia sẻ rằng anh đã sắm đầy đủ nước, thực phẩm và thậm chí còn tham gia một khóa huấn luyện dùng cung tên để bảo vệ gia đình.

Nỗi lo tăng cao khi có bất ổn về xã hội, chính trị
Trước đây, cụm từ “chủ nghĩa sinh tồn” thường khiến người ta nhớ tới những kẻ thích chui vào lều sống một mình ở giữa rừng hoang hoặc các tà giáo. Nhưng trong mấy năm gần đây, nó đã gây ảnh hưởng sâu rộng ra xã hội. Năm 2012, kênh truyền hình National Geographic phát sóng chương trình thực tế “Doomsday Preppers” (Những người chuẩn bị cho tận thế,) xoay quanh một số người Mỹ đang chuẩn bị đối phó với tình huống đại thảm họa xảy ra. Ngay từ kỳ đầu tiên, đây đã là chương trình ăn khách nhất trong lịch sử phát sóng của National Geographics. Một cuộc thăm dò sau đó do kênh này tiến hành cho thấy 40% người Mỹ tin việc đổ tiền mua đồ dự trữ hay xây hầm tránh nạn là sự đầu tư thông minh hơn việc đóng tiền để nhận lương hưu cho tới hết đời.
Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao người Mỹ đột nhiên lại lo lắng tới khả năng xảy ra đại thảm họa như thế? Xét theo chiều dài lịch sử, mối quan tâm của công chúng với ngày tận thế và sự hỗn loạn thường nở rộ vào thời điểm có bất ổn về xã hội, chính trị, hoặc có sự thay đổi nhanh về công nghệ. Đó dường như là những gì đang diễn ra ở nước Mỹ.
Bên trong một căn phòng tại tổ hợp hầm ngầm tận thế cao cấp, với các cửa sổ đèn LED chiếu lại hình ảnh thực ở phía trên hầm ngầm

Năm 2008, chính quyền Tổng thống George W.Bush đã gây sốc khi xử lý quá vụng về thảm họa bão Katrina. Neil Strauss, một cựu phóng viên tờ New York Times, chỉ ra rằng người dân Mỹ đều chứng kiến tình cảnh bi đát của khu vực New Orleans sau thảm họa và sự bất lực của chính quyền trong công tác quản lý thảm họa. Sự kiện đã gây ra tác động mạnh mẽ, khiến những người như Strauss đột nhiên quan tâm tới việc bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình nếu họ lâm phải tình cảnh tương tự. Strass chia sẻ rằng anh đã xin quốc tịch thứ hai ở đảo quốc St. Kitts, chuyển phần lớn tài sản ra nước ngoài và tham gia các khóa huấn luyện để có thể sinh tồn chỉ với một con dao cùng bộ quần áo trên người.

Năm 2012, ngành công nghiệp chuẩn bị cho thảm họa lại thu lợi lớn khi Tổng thống Barack Obama tái đắc cử. Những kẻ theo đường lối bảo thủ cáo buộc ông Obama làm tăng căng thẳng xã hội, hạn chế quyền sở hữu súng đạn và làm nợ công phình to ra. Nỗi lo bất ổn khiến người ta thi nhau mua sắm súng đạn, tích trữ lương thức và tham gia các chương trình huấn luyện sinh tồn, học hỏi những kỹ năng mà bình thường chẳng mấy khi họ sử dụng như làm khô phô mai để bảo quản lâu dài. Vô số các chương trình truyền hình dạy cách sinh tồn đã thu hút đông đảo người xem, bởi họ muốn tìm kinh nghiệm sống sót cho bản thân mình từ đây. Sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử, nỗi lo vẫn không hề biến mất. Một chủ quỹ đầu tư trong độ tuổi 40 đề nghị giấu tên nhận định với New Yorker rằng nước Mỹ sẽ phải đối mặt với ít nhất là một thập kỷ bất ổn về chính trị, gồm căng thẳng sắc tộc, phân cực hóa và quy mô dân số già hóa nhanh. Ông còn lo sợ rằng nền kinh tế sẽ chịu tổn thương nếu Washington dùng ngân sách chi cho các dự án an sinh xã hội và bảo hiểm y tế cho người nghèo.
Ở Thung lũng Silicone, nỗi sợ hơi khác một chút. Sự trỗi dậy của công nghệ và trí tuệ nhân tạo đã khiến nhiều người lao động thất nghiệp. Giới công nghệ, được hưởng lợi và trở nên giàu có nhờ xu thế mới, rất lo rằng ngày nào đó họ sẽ trở thành mục tiêu bị tấn công trả thù, khi trật tự xã hội sụp đổ. Justin Kan, đồng sáng lập mạng xã hội Twitch về sau được bán cho Amazon với giá gần 1 tỷ USD, cho biết: “Một số bạn bè tôi nói rằng sự đổ vỡ của xã hội là khó tránh khỏi và chúng tôi nên tích trữ thực phẩm. Nhưng những gì họ mang về nhà chỉ là vài túi gạo, vài hộp cà chua. Thực sự thì họ sẽ bỏ mạng rất nhanh nếu hỗn loạn xảy ra”. Khi được hỏi phương án của bản thân để đối phó thảm họa tận thế là gì, Kann trả lời: “Rất nhiều tiền bạc và nguồn lực. Giống như một dạng bảo hiểm chắc chắn”.
Tổ hợp hầm ngầm này được các bảo vệ có vũ trang canh gác chặt chẽ.

Yishan Wong, người là CEO của Reddit từ năm 2012 tới 2014, cũng đã phẫu thuật mắt để chuẩn bị cho tình huống tận thế. Trong thư điện tử gửi tới New Yorker, anh chia sẻ rằng những người trong giới công nghệ không tin rằng đại thảm họa có thể xảy ra trong nay mai. Nhưng nếu tình huống xấu xuất hiện, họ muốn được chuẩn bị tốt nhất. “Bởi đã có rất nhiều tiền, họ sẵn lòng bỏ ra một phần nhỏ trong đó để phục vụ cho hoạt động chuẩn bị và đó là điều rất hợp logic, theo ý tôi”, anh nói.

Hiện có bao nhiêu người Mỹ giàu có đang chuẩn bị cho kịch bản đại thảm họa thế là câu hỏi khó mang lại đáp án, bởi rất nhiều người không muốn nói về chuyện này. Nhưng Reid Hoffman, đồng sáng lập mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn, chia sẻ rằng bạn anh đã thực hiện một khoản “bảo hiểm chống tận thế” bằng cách mua nhà ở New Zealand. Hoffman cũng phỏng đoán rằng có tới 55% tỉ phú ở Thung lũng Silicon đã đầu tư vào bảo hiểm tận thế, bằng cách mua nhà ở nước ngoài hoặc xây dựng hầm ngầm lánh nạn trên đất Mỹ.
Hầm ngầm lánh nạn và “thiên đường” chống thảm họa
Nói về xây dựng hầm ngầm lánh nạn, ít người có thể qua mặt Larry Hall, CEO của công ty Survival Condo Project. Công trình đỉnh cao của Hall là một hầm ngầm sinh tồn khổng lồ, chứa trong nó một công trình giống tòa chung cư xa xỉ cao tới 15 tầng. Hầm ngầm này được xây dựng dựa trên một hầm (silo) phóng tên lửa Atlas mang đầu đạn hạt nhân, từng được sử dụng trong giai đoạn 1961 - 1965 nhưng nay đã bỏ hoang.
Hall đã có ý tưởng xây dựng hầm ngầm lánh nạn cao cấp từ cách nay một thập kỷ, khi ông nghe tin chính quyền liên bang đang tái đầu tư vào các kế hoạch chống đại thảm họa, vốn đã bị bỏ rơi sau Chiến tranh Lạnh. Nghi ngờ rằng chính quyền đã biết điều gì đó về khả năng xảy ra thảm họa trong tương lai gần, Hall bèn bỏ ra 300.000 USD để mua hầm phóng tên lửa vào năm 2008. Sau đó ông chi thêm gần 20 triệu USD nữa để xây dựng hầm lánh nạn và hoàn tất công trình xây dựng trong tháng 12.2012. Tổng cộng ông tạo ra 12 căn hộ lánh nạn hạng sang, với mỗi căn có giá 3 triệu USD. Hiện ông đã bán gần như toàn bộ các căn hộ, ngoại trừ một căn dành riêng cho bản thân.
Cần biết rằng hầm lánh nạn là món đồ chơi chỉ thuộc về giới lắm tiền nhiều của ở Mỹ, bởi phần lớn những người có ý định chuẩn bị cho tận thế không hề xây các căn hầm như thế. Nguyên nhân bởi việc xây hầm ngầm lánh nạn rất đắt đỏ và phức tạp. Hall biết rõ về các thách thức nên đã mua lại hầm phóng tên lửa nêu trên - công trình được công binh Lục quân Mỹ xây dựng rất kiên cố, đủ sức chống chọi lại một cuộc tấn công hạt nhân.
Thiết kế ban đầu cho phép hầm ngầm này chứa được tổng cộng 70 người và tích trữ lượng thực phẩm, nhiên liệu đủ lớn để hoạt động liên tục trong 5 năm mà không cần tiếp tế. Sau khi trở thành chủ nhân mới, Hall đã bổ sung các hệ thống sản xuất năng lượng sạch, trồng rau hydroponic, nuôi cá thông minh. Nhờ đó, hầm ngầm lánh nạn của Hal có thể hoạt động vĩnh viễn mà không cần tiếp tế từ bên ngoài. Dưới hầm ngầm có một sảnh tiếp đón rộng lớn, trong từng căn hộ có các khu bếp, khu làm việc, tiếp khách sang trọng, bên cạnh nội thất cao cấp như bàn ghế da, lò sưởi thông minh, sàn lát đá đắt tiền.
Không gian dưới hầm ngầm không hề tù túng mà ngược lại, đem tới cảm giác của một khu nghỉ dưỡng cao cấp, chỉ thiếu các cửa sổ đón ánh sáng tự nhiên. Hall cho biết phần khó nhất của dự án chỉ là làm sao để nuôi dưỡng sự sống dưới lòng đất. Ông đã nghiên cứu cách thức làm giảm căng thẳng của người sống ở đây bằng những cách như thêm ánh sáng nhân tạo và giả lập cuộc sống trên mặt đất. Ví dụ, các bức tường của hầm ngầm này được gắn đầy những “ô cửa sổ” làm từ màn hình LED, cho thấy khung cảnh của thảo nguyên ở phía bên trên hầm ngầm. Nếu chủ nhân một căn hộ không thích khung cảnh như vậy, họ có thể chọn hình ảnh của cánh rừng thông hoặc bất kỳ hình ảnh nào họ muốn. Hall cho biết một vị khách giàu có từ New York thậm chí đã muốn “cửa sổ” của vị này chiếu cảnh Công viên Trung tâm cả ngày lẫn đêm, suốt 4 mùa trong năm. “Bà ấy còn muốn nghe thấy cả các tiếng động quen thuộc của thành phố, tiếng taxi và còi xe nữa”, ông cho biết.
Trong tình huống xảy ra khủng hoảng, các xe tải Pit Bull VX của Hall, với lớp giáp đủ sức chống lại đạn súng 12,7mm, sẽ lao đi đón chủ nhân các căn hộ cùng gia đình họ trong bán kính 600km. Những người có máy bay tư nhân có thể tự di tản và hạ cánh xuống Salina, nằm cách hầm ngầm chừng 45km, trước khi được chuyển tới đây. Một số người theo chủ nghĩa sinh tồn đã tỏ ý ganh tị với hầm ngầm của Hall. Họ lên tiếng dọa dẫm rằng sẽ chiếm hầm ngầm này trong tình huống xảy ra thảm họa. Tuy nhiên Hall cười nhạt trước các ý tưởng như vậy. “Những kẻ đó có thể vãi hết số đạn chúng có cũng không vấn đề gì”, anh nói, cho biết thêm rằng các bảo vệ có vũ trang của hầm ngầm sẽ chẳng ngồi yên khi bị tấn công. “Chúng tôi có cả chốt dành cho lính bắn tỉa đó”.
Ngoài hầm ngầm kể trên, Hall còn đang xây một tổ hợp hầm ngầm thứ hai nằm cách đó chỉ 35km. Tổ hợp này, cũng được xây dựng dựa trên một hầm phóng tên lửa hạt nhân đã bị bỏ hoang, với không gian rộng gấp 3 lần công trình trước đây. Nơi này sẽ có những đặc điểm khác biệt như một sân chơi bowling và các căn phòng sẽ được trang bị cửa sổ LED còn lớn hơn nhiều so với hầm ngầm đầu tiên, để tạo cảm giác rộng rãi thoải mái. Hall tiếp lộ thêm rằng anh cũng đang xây các hầm ngầm thuộc sở hữu của nhiều khách hàng lắm tiền nhiều của tại Idaho và Texas. Ngoài ra, hai công ty công nghệ đang thuê anh chế hầm ngầm chứa trung tâm dữ liệu và là nơi ở của các nhân vật chủ chốt quan trọng, đề phòng tình huống xấu xảy ra. Để đáp ứng tất cả các yêu cầu đó, anh đã có kế hoạch mua thêm 4 hầm phóng tên lửa cũ nữa từ chính quyền.
Nếu ai đó cảm thấy các hầm phóng tên lửa hạt nhân ở Kansas chưa đủ lớn và thoải mái thì họ luôn có cơ hội thực hiện một lựa chọn khác: Di cư tới mảnh đất “thiên đường” New Zealand. Trong vòng 7 ngày đầu tiên sau khi tin tức Tổng thống Donald Trump đắc cử xuất hiện, 13.401 người Mỹ đã đăng ký di cư sang New Zealand. Đây là bước đi đầu tiên để được sang đây sống hợp pháp. Con số này cao hơn 17 lần mức bình thường và khi đưa tin về sự kiện, tờ New Zealand Herald đã giật tít “Thảm họa tận thế dưới thời Trump”.
Thực tế thì làn sóng di cư đã bắt đầu từ trước chiến thắng của ông Trump. Trong 10 tháng đầu 2016, người nước ngoài đã mua gần 2.000 km2 đất ở New Zealand và công dân Mỹ nằm trong nhóm đầu bảng. Trong 6 năm qua, gần 1.000 người nước ngoài đã định cư ở quốc gia này dưới một chương trình thu hút đầu tư đặc biệt.
Jack Matthews, một người Mỹ hiện là chủ tịch công ty truyền thông MediaWorks ở New Zealand, cho biết: “Tôi nghĩ rằng trong tâm trí của nhiều người, nếu thế giới này trở nên tệ hại tới mức không thể chịu nổi nữa, New Zealand sẽ là quốc gia hàng đầu để họ tới. Đất nước này hoàn toàn có thể tự lo được mọi thứ, kể từ năng lượng, nước sạch cho tới lương thực. Cuộc sống ở đây sẽ tồi tệ đi trong tình huống xảy ra thảm họa, nhưng chắc chắn nó sẽ không sụp đổ”, ông nói.
Hương Giang
TIN LIÊN QUAN

Đức cảnh báo khủng hoảng Qatar leo thang thành chiến tranh vùng Vịnh

V.A |

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và những nước Arab lớn nhất nghiêm trọng đến mức có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh vùng Vịnh - Ngoại trưởng Đức cảnh báo.

Tổng thống Putin: Không ai sống sót nếu Nga-Mỹ xảy ra chiến tranh hạt nhân

V.A |

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, nếu Mỹ và Nga quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc chiến có thể xảy ra, thì không ai sẽ sống sót để mà tuyên bố chiến thắng.

'Bộ trưởng chiến tranh' IS có thể đã bị tiêu diệt nóng nhất hôm nay

Nguyễn Hà - Phạm Dung |

Philippines nói đã cô lập phiến quân ở Marawi, Triều Tiên bác cử chỉ hòa giải của Mỹ, thề phát triển hạt nhân, Vì sao bà Melania Trump trùm đầu khi gặp Giáo hoàng?, 'Bộ trưởng chiến tranh' IS có thể đã bị tiêu diệt... là những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 25.5.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Đức cảnh báo khủng hoảng Qatar leo thang thành chiến tranh vùng Vịnh

V.A |

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và những nước Arab lớn nhất nghiêm trọng đến mức có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh vùng Vịnh - Ngoại trưởng Đức cảnh báo.

Tổng thống Putin: Không ai sống sót nếu Nga-Mỹ xảy ra chiến tranh hạt nhân

V.A |

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, nếu Mỹ và Nga quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc chiến có thể xảy ra, thì không ai sẽ sống sót để mà tuyên bố chiến thắng.

'Bộ trưởng chiến tranh' IS có thể đã bị tiêu diệt nóng nhất hôm nay

Nguyễn Hà - Phạm Dung |

Philippines nói đã cô lập phiến quân ở Marawi, Triều Tiên bác cử chỉ hòa giải của Mỹ, thề phát triển hạt nhân, Vì sao bà Melania Trump trùm đầu khi gặp Giáo hoàng?, 'Bộ trưởng chiến tranh' IS có thể đã bị tiêu diệt... là những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 25.5.