Chống thảm họa khí hậu - lời kêu gọi từ tỉ phú Bill Gates

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp) |

Không chỉ chống chọi với đại dịch COVID-19, chúng ta cũng đang tiếp tục phải hứng chịu những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu như cháy rừng, lũ lụt cùng bão tố dữ dội. Với những mùa hè thiêu đốt và nước biển dâng, sự tồn tại của con người đang thực sự bị đe dọa. Một “Thảm họa khí hậu” sẽ không còn xa... nếu chúng ta không làm được những điều cần thiết.

Cuốn sách mới nhất của Bill Gates “Thảm họa khí hậu: Chúng ta đã có gì và chúng ta phải làm gì để đối phó?” được phát hành nhân Ngày Môi trường Thế giới thường niên 5.6.2021 - một trong những ngày lễ quan trọng hàng đầu của Liên Hợp Quốc để thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường trên toàn thế giới.

Bill Gates đã dành một thập kỷ để điều tra nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu lên hành tinh. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học, kỹ thuật, khoa học chính trị và tài chính, ông tập trung vào những gì phải làm để ngăn chặn sự trượt dốc của hành tinh đối với thảm họa môi trường.

Mở đầu cuốn sách, Bill Gates đã đề cập đến một vấn đề luôn nhức nhối: “Có hai con số bạn cần biết về biến đổi khí hậu. Con số đầu tiên là 51.000.000.000. Con số còn lại là 0. 51.000.000.000 là số tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà thế giới trút vào bầu khí quyển mỗi năm. Mặc dù con số này có thể tăng hoặc giảm một chút qua các năm, nhưng nhìn chung, nó đang tăng lên. Còn 0 chính là mục tiêu chúng ta cần hướng tới vào năm 2050. Để ngăn chặn tình trạng gia tăng nhiệt độ và tránh những tác động tồi tệ nhất, thực sự tồi tệ, của biến đổi khí hậu, con người cần ngừng trút thêm khí nhà kính vào bầu khí quyển.

Phát thải khí nhà kính chính là nguyên nhân gây ra sự nóng lên toàn cầu, và nếu chúng ta không làm gì, một Thảm Họa Khí Hậu sẽ là điều không-thể-tránh-khỏi.

Tác giả đã đưa ra một kế hoạch lớn, thực tế và chi tiết về cách toàn cầu giảm thiểu khí thải nhà kính, tránh thảm họa khí hậu. Ông tập trung mạnh vào các giải pháp năng lượng để đưa lượng phát thải khí nhà kính “về 0” càng sớm càng tốt, đó là “khiến năng lượng sạch có giá thấp đến mức mọi quốc gia sẽ chọn nó thay vì nhiên liệu hóa thạch”. Bill Gates phân tích các biện pháp kỹ thuật để làm giảm lượng phát thải, và thúc đẩy việc đưa các biện pháp này vào thực tiễn bằng cách làm giảm Chi phí Xanh - một thuật ngữ mà tác giả nhắc đến rất nhiều lần trong cuốn sách, nghĩa là chi phí chênh lệch giữa việc sử dụng phương thức cũ (ví dụ như sử dụng ô tô chạy xăng) với phương thức mới (ôtô chạy điện). Đây chính là giải pháp căn cơ để nhân loại chuyển đổi mô hình phát triển từ ‘nâu’ sang ‘xanh’, qua đó giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Các nhà tiên phong khí hậu cấp cao Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi các ngành kinh tế, thành phố, doanh nghiệp, nhà đầu tư sớm công bố kế hoạch để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Cuốn sách này là lời giải thích toàn diện nhất về những động lực đang thúc đẩy chúng ta, những con người đang sống trên một hành tinh đang ấm dần; cách đo lường tác động của vô số nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh hoàng và khôn lường này; và cuối cùng là cách tìm kiếm những phương thức tiếp cận hiệu quả hơn để giải quyết từng nguyên nhân. Cuốn sách này chính là thứ gần nhất với cái có thể được gọi là một bản hướng dẫn cách xử trí với cuộc khủng hoảng về khí hậu” - Clinton Leaf, Fortune nhận xét.

“Xét cho cùng, cuốn sách này có tác dụng như một phần dẫn nhập về cách tái tổ chức nền kinh tế toàn cầu, nhằm tập trung sự đổi mới vào các vấn đề nguy cấp nhất của thế giới. Nó là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng nếu loài người muốn thực sự nghiêm túc với việc giải quyết vấn đề, chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để vận dụng một nguồn lực vô tận - đó chính là trí tuệ của chúng ta” - The Economist nhận định.

“Bill Gates có kế hoạch để cứu lấy thế giới... Dù nhận thức được rằng thử thách này khó khăn, và rằng tất cả các cách mà chúng ta sản xuất, nuôi trồng, di chuyển, làm mát và giữ ấm đều cần phải thay đổi từ tận gốc rễ, ông vẫn lập luận rằng sự biến chuyển toàn diện này là khả thi, trong khi chúng ta vẫn có thể giữ lối sống ở các nước có thu nhập cao và tiếp tục đưa hàng tỉ người thoát khỏi nghèo đói” - Greg Williams, Wired bày tỏ.

Chúng ta dễ cảm thấy bất lực khi phải đối mặt với một vấn đề lớn như biến đổi khí hậu. Nhưng bạn không phải là không thể làm bất cứ gì. Xin giới thiệu tóm lược chương “Mỗi người chúng ta có thể làm gì” của Bill Gates tới bạn đọc.

VỚI TƯ CÁCH LÀ MỘT CÔNG DÂN

Trong những buổi gặp mặt với các chính trị gia, tôi đã nhận thấy một điều hữu ích, đó là chúng ta cần nhớ rằng biến đổi khí hậu không phải là vấn đề duy nhất mà họ phải đối mặt. Các nhà lãnh đạo cũng phải suy nghĩ về giáo dục, việc làm, y tế, chính sách đối ngoại và gần đây là COVID-19. Và họ nên như vậy: Tất cả những điều này đều cần được chú ý.

Nhưng các nhà hoạch định chính sách chỉ có thể giải quyết được một số vấn đề nhất định cùng một lúc. Họ quyết định những điều cần làm và cần được ưu tiên dựa trên những gì nghe được từ những cử tri.

Nói cách khác, các quan chức sẽ thông qua kế hoạch cụ thể để đối phó với biến đổi khí hậu khi cử tri của họ yêu cầu. Nhờ vào các nhà hoạt động xã hội trên toàn thế giới, chúng ta không cần phải đưa ra yêu cầu: Hàng triệu người đã và đang kêu gọi hành động. Tuy nhiên, điều chúng ta cần làm là biến những lời kêu gọi hành động này thành áp lực, để từ đó thúc đẩy các chính trị gia đưa ra những quyết định khó khăn và đánh đổi cần thiết để thực hiện lời hứa giảm phát thải của họ.

Dù nắm trong tay những nguồn lực nào đi chăng nữa, bạn luôn có thể sử dụng tiếng nói và phiếu bầu của mình để tạo ra sự thay đổi. Gọi điện, viết thư, tham dự các buổi họp. Bạn có thể giúp cho các nhà lãnh đạo hiểu rằng những vấn đề lâu dài như biến đổi khí hậu cũng đáng được chú ý đến như việc làm, giáo dục hay y tế. Điều này nghe có vẻ lỗi thời, nhưng viết thư hay gọi điện cho các quan chức do bạn bầu thực sự có thể tạo ra tác động.

VỚI TƯ CÁCH LÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Thị trường được chi phối bởi cung và cầu, và với tư cách là người tiêu dùng, bạn có thể có tạo tác động rất lớn đến nhu cầu. Nếu tất cả mọi người cùng tạo ra những thay đổi cá nhân về những gì chúng ta mua và sử dụng, nó có thể có tác động rất lớn - miễn là chúng ta tập trung vào những thay đổi có ý nghĩa. Ví dụ, nếu có thể, bạn nên lắp đặt một bộ điều nhiệt thông minh để giảm mức tiêu thụ năng lượng khi nhà không có người. Bạn sẽ cắt giảm được hóa đơn tiền điện và lượng khí nhà kính mà bạn tạo ra.

Nhưng việc cắt giảm khí thải carbon không phải là điều có tác động lớn nhất mà bạn có thể làm. Bạn còn có thể gửi tín hiệu đến thị trường rằng mọi người muốn có những giải pháp thay thế không carbon và sẵn sàng trả tiền cho chúng. Khi bạn trả nhiều tiền hơn cho xe điện, máy bơm nhiệt, hoặc bánh burger làm từ thực vật, bạn đang gửi đi một thông điệp: “Thị trường dành cho những thứ này có tồn tại. Chúng tôi sẽ mua chúng”. Và nếu như có đủ số người làm như vậy, các công ty sẽ đáp ứng - và theo kinh nghiệm của tôi, họ sẽ đáp ứng khá nhanh. Họ sẽ dành nhiều tiền và thời gian hơn để sản xuất các sản phẩm ít phát thải, điều này sẽ làm giảm giá thành của các sản phẩm đó, giúp làm tăng số người sử dụng. Nó cũng sẽ giúp các nhà đầu tư trở nên tự tin hơn khi tài trợ cho các công ty mới đang tạo ra những bước đột phá giúp chúng ta tiến đến con số 0.

Tùy thuộc vào số tiền và thời gian bạn có, bạn có thể thay thế bóng đèn sợi đốt bằng đèn LED, lắp đặt một bộ điều nhiệt thông minh, thực hiện cách nhiệt cho cửa sổ, mua các thiết bị sử dụng điện hiệu quả, hoặc thay thế hệ thống sưởi và hệ thống làm mát bằng máy bơm nhiệt (miễn là khí hậu nơi bạn sống phù hợp để sử dụng thiết bị này). Nếu đang thuê nhà, bạn có thể thay đổi những thứ trong khả năng - chẳng hạn như bóng đèn - và khuyến khích chủ nhà cải thiện những phần còn lại. Nếu bạn đang xây dựng một ngôi nhà mới hoặc sửa chữa một ngôi nhà cũ, bạn có thể lựa chọn thép tái chế và xây nhà hiệu quả hơn bằng cách sử dụng tấm cách nhiệt, bê tông cách nhiệt, rào cản bức xạ cho gác xép hoặc mái nhà, lớp cách nhiệt phản chiếu, và cách nhiệt móng nhà.

Mua xe điện. Xe điện đã đạt được nhiều tiến bộ về mặt giá thành và hiệu suất. Mặc dù chúng có thể không phù hợp với tất cả mọi người (xe điện không phù hợp với các chuyến đi đường dài và việc sạc tại nhà không phải là thuận tiện với tất cả mọi người), nhưng giá thành của chúng đang trở nên hợp lý hơn với nhiều người tiêu dùng.

Đây là một trong những khía cạnh mà hành vi của người tiêu dùng có thể có tác động rất lớn: Nếu mọi người mua nhiều, các công ty sẽ sản xuất nhiều.

Ngoài ra, ăn thực phẩm thay thế thịt (hoặc đơn giản là không ăn thịt) chỉ một hoặc hai lần một tuần cũng giúp cắt giảm đáng kể lượng khí thải mà bạn tạo ra.

VỚI TƯ CÁCH LÀ NHÂN VIÊN HOẶC CHỦ LAO ĐỘNG

Nếu bạn là một nhân viên hoặc cổ đông, bạn có thể thúc đẩy công ty của mình thực hiện trách nhiệm của họ trong vấn đề biến đổi khí hậu. Có những bước sẽ dễ thực hiện hơn. Nhưng những việc dễ dàng cũng vô cùng quan trọng - ví dụ, trồng cây để bù đắp lượng khí thải là một việc làm tốt về cả mặt chính trị lẫn môi trường. Nó thể hiện rằng công ty của bạn quan tâm đến biến đổi khí hậu.

Nhưng chỉ những điều đơn giản sẽ không giúp giải quyết vấn đề.

Khu vực tư nhân sẽ cần phải thực hiện các bước khó khăn hơn. Điều này có nghĩa là chấp nhận nhiều rủi ro hơn, chẳng hạn như tài trợ cho các dự án có thể sẽ thất bại, nhưng cũng có thể trở thành một bước đột phá về năng lượng sạch. Các cổ đông và thành viên trong hội đồng quản trị sẽ phải sẵn sàng gánh chịu rủi ro này và làm rõ với các giám đốc điều hành rằng họ sẽ ủng hộ các khoản đầu tư thông minh ngay cả khi chúng không thành công. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức của họ cần được khen thưởng vì dám đặt cược vào những điều có thể giúp tiến bước trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Các công ty cũng có thể hợp tác với nhau để xác định và cố gắng giải quyết những thách thức khí hậu lớn nhất. Điều đó có nghĩa là tìm xem mức Chi phí Xanh nào đang lớn nhất và làm giảm nó xuống. Nếu những bên mua hàng lớn nhất thế giới của khu vực tư nhân, chẳng hạn đối với sản phẩm thép và xi măng, cùng tập hợp và đưa ra nhu cầu về vật liệu thân thiện hơn với môi trường - đồng thời cam kết đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần thiết để sản xuất chúng - thì quá trình nghiên cứu sẽ được thúc đẩy và thị trường sẽ được chuyển dịch theo đúng hướng.

Dưới đây là một số bước cụ thể khu vực tư nhân có thể thực hiện:

Thiết lập thuế carbon nội bộ. Một số công ty lớn hiện đã áp dụng thuế carbon đối với từng bộ phận của họ. Các công ty này không hề hứa suông trong việc giảm phát thải. Họ đang giúp đưa các sản phẩm từ phòng thí nghiệm đến với thị trường, bởi vì số tiền thu được từ thuế nội bộ có thể chuyển trực tiếp cho các hoạt động giảm Chi phí Xanh và tạo ra thị trường cho các sản phẩm năng lượng sạch mà các công ty này sẽ cần đến. Các nhân viên, nhà đầu tư và khách hàng có thể ủng hộ cách tiếp cận này và bảo vệ cho những người chịu trách nhiệm thực hiện nó.

Ưu tiên đổi mới đối với các giải pháp phát thải ít carbon. Đầu tư vào những ý tưởng mới từng là niềm tự hào của hầu hết các doanh nghiệp, nhưng đáng tiếc là những năm tháng huy hoàng của nghiên cứu và phát triển đã không còn. Ngày nay, các công ty trong ngành hàng không, nguyên vật liệu, và năng lượng chi trung bình chưa đến 5% doanh thu của họ cho nghiên cứu và phát triển. (Các công ty phần mềm chi hơn 15%.) Họ nên đưa nghiên cứu và phát triển trở lại vị trí ưu tiên, đặc biệt là đối với các cải tiến phát thải ít carbon vốn cần đến sự ưu tiên dài hạn.

Trở thành nhóm khách hàng thích nghi nhanh. Tương tự như chính phủ, các công ty có thể tận dụng việc họ mua nhiều sản phẩm để tăng tốc việc áp dụng công nghệ mới. Ngoài ra, các công ty cũng có thể sử dụng xe điện cho các hệ thống phương tiện của họ, mua các vật liệu ít carbon để xây dựng hoặc chỉnh sửa các công trình và cam kết sử dụng một lượng điện sạch nhất định. Nhiều công ty trên khắp thế giới hiện đã cam kết sử dụng năng lượng tái tạo cho phần lớn hoạt động của họ, bao gồm Microsoft, Google, Amazon, và Disney. Công ty vận chuyển Maersk khẳng định rằng sẽ đưa mức phát thải ròng của họ về 0 vào năm 2050.

Ngay cả khi việc đáp ứng những cam kết này là khó khăn, chúng vẫn gửi những tín hiệu quan trọng tới thị trường về giá trị của việc phát triển các giải pháp không carbon. Các nhà phát minh có thể thấy được nhu cầu và nhận ra rằng thị trường đang sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm của họ.

Tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Các công ty không nên lo ngại việc phối hợp với chính phủ, cũng như chính phủ không nên ngần ngại làm việc với các công ty. Các doanh nghiệp nên ủng hộ việc đạt được con số 0, tài trợ cho việc nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng có thể giúp chúng ta đạt mục đích. Điều này là đặc biệt quan trọng khi xét đến sự suy giảm đáng kể trong nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp trong vài thập kỉ qua.

Hợp tác trong nghiên cứu được chính phủ tài trợ. Các doanh nghiệp nên tư vấn cho các chương trình đầu tư và phát triển của chính phủ, để các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng có thể tập trung vào những ý tưởng có khả năng cao trở thành sản phẩm. (Không ai có kiến thức về khả năng thành công của một sản phẩm tốt hơn các doanh nghiệp vốn đang hằng ngày phát triển và tiếp thị sản phẩm). Tham gia vào các ban cố vấn và quá trình lên kế hoạch hành động là những phương pháp chi phí thấp để chia sẻ thông tin với các chương trình nghiên cứu và phát triển của chính phủ.

Các công ty có thể giúp tài trợ cho quá trình nghiên cứu và phát triển thông qua các thỏa thuận chia sẻ chi phí và các dự án hợp tác nghiên cứu - loại hình công-tư này đã mang lại những công nghệ như tuabin khí và động cơ diesel tiên tiến.

Giúp các nhà phát minh vượt qua giai đoạn thách thức ban đầu. Nhiều nhà nghiên cứu không thể biến những ý tưởng hay sản phẩm đầy triển vọng của họ thành những mặt hàng thật sự. Nguyên nhân là do có quá nhiều rủi ro hoặc quá tốn kém. Các doanh nghiệp vững chắc có thể hỗ trợ bằng cách cho phép sử dụng cơ sở thử nghiệm và cung cấp dữ liệu, chẳng hạn như số liệu về chi phí. Nếu muốn đóng góp nhiều hơn, họ có thể cung cấp các chương trình kết nối và đào tạo dành cho các doanh nhân, đầu tư vào công nghệ mới, tạo ra các bộ phận kinh doanh tập trung vào các công nghệ carbon thấp, cũng như tài trợ cho các dự án ít phát thải mới.

SUY NGHĨ CUỐI CÙNG

Thật đáng tiếc là các cuộc trao đổi về biến đổi khí hậu giờ đây bị phân cực một cách không cần thiết, chưa kể đến các thông tin trái chiều và những câu chuyện gây nhầm lẫn. Chúng ta cần có những cuộc thảo luận mang tính xây dựng và sâu sắc hơn, và quan trọng hơn cả là tập trung hơn vào những kế hoạch thực tế và cụ thể để đạt được con số 0.

Tôi ước rằng tồn tại một phát minh kỳ diệu nào đó có thể giúp các cuộc thảo luận đi theo hướng hiệu quả hơn. Dĩ nhiên, không hề có thiết bị nào như vậy cả. Điều này phụ thuộc vào mỗi cá nhân chúng ta.

Hy vọng của tôi là chúng ta có thể chuyển hướng cuộc trao đổi bằng cách chia sẻ thông tin chính xác với mọi người - những thành viên trong gia đình, bạn bè và các nhà lãnh đạo. Và không chỉ là những thông tin cho thấy chúng ta cần phải hành động, mà còn cả những thông tin cho biết những hành động nào sẽ là hiệu quả nhất. Một trong những mục tiêu chính của tôi khi viết cuốn sách này chính là khơi nguồn cho những cuộc trao đổi như vậy.

Tôi cũng hy vọng rằng chúng ta có thể đoàn kết nhờ những kế hoạch có khả năng hàn gắn sự chia rẽ về mặt chính trị. Như tôi đã chứng minh, ý tưởng không hề ngây thơ. Chưa từng ai chiếm lĩnh thị trường với các giải pháp hiệu quả cho việc chống lại biến đổi khí hậu.

Tôi mong là bạn sẽ dành nhiều thời gian và sức lực để ủng hộ cho điều bạn tin tưởng, hơn là phản đối lại những gì bạn không tin. Với mối đe dọa của biến đổi khí hậu, quả thật rất khó khăn để cảm thấy tích cực về tương lai. Nhưng như người bạn quá cố Hans Rosling của tôi, một nhà giáo dục và một người ủng hộ cho sức khỏe toàn cầu, đã viết trong cuốn sách tuyệt vời mang tên Sự thật về Thế giới: “Khi có một thế giới quan dựa trên sự thật, chúng ta sẽ thấy rằng thế giới này không hề tệ như mình vẫn hằng tưởng - và chúng ta sẽ nhận ra mình phải làm gì để giúp cho nó trở nên tốt đẹp hơn”.

Tôi là một người lạc quan, vì tôi biết công nghệ và con người có thể làm được những gì. Tôi thực sự được truyền cảm hứng từ nhiệt huyết mà tôi được chứng kiến trong việc giải quyết vấn đề này, đặc biệt là từ những người trẻ. Nếu chúng ta tập trung vào mục tiêu lớn - đạt được con số 0 - và lập ra những kế hoạch nghiêm túc để đạt được mục tiêu đó, chúng ta có thể tránh được thảm họa. Chúng ta có thể bảo tồn khí hậu sao cho tất cả mọi người đều có thể thích nghi, giúp cho hàng trăm triệu người nghèo sống tốt nhất có thể, và gìn giữ hành tinh này cho các thế hệ tiếp theo.

“Những nội dung trong cuốn sách là xu thế của thời đại mà Việt Nam cũng đang hướng tới, nhất là sau khi Việt Nam đã nâng cao mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nỗ lực thích ứng, đặt các mục tiêu hài hòa đồng lợi ích giữa các hành động khí hậu và liên kết với phát triển bền vững trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) được cập nhật và gửi tới Ban thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2020” - Tiến sĩ Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu.

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Biến đổi khí hậu làm suy giảm nền kinh tế gấp 2 lần so với COVID-19

Nguyễn Hạnh |

Một nghiên cứu mới cho thấy, biến đổi khí hậu làm suy giảm nền kinh tế các nước G7 gấp 2 lần so với đại dịch COVID-19

Cảnh báo biến đổi khí hậu dựa trên nghiên cứu khí hậu cổ xưa của Trái đất

Nguyễn Hạnh |

Các nhà khoa học đã xem xét lịch sử cổ đại của Trái đất và nhận thấy con người cần phải có hành động nghiêm túc trong việc giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, để ngăn khí hậu của chúng ta ấm lên như mức của thời tiền sử khiến nhiều sinh vật tuyệt chủng.

Chủ động hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường

Phạm Đông |

Theo các chuyên gia về môi trường, biến đổi khí hậu đang gây ra những hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, rất cần sự thay đổi về nhận thức, hành vi và chủ động hành động của cả cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Giới khoa học tìm cách ngăn chặn thảm họa do biến đổi khí hậu

Song Minh |

Thảm họa không thể tránh khỏi trên Trái đất đã được các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Potsdam cảnh báo.

Hình vẽ cổ nhất thế giới ở Indonesia bị phá hủy do biến đổi khí hậu

Khánh Ly |

Một số tác phẩm 40.000 năm tuổi trên đá ở Indonesia từ thời các nền văn minh cổ đại ở Nam Sulawesi, bị bong tróc nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Khánh thành trụ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc

THEO TTXVN |

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, trưa 17.1, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo đã cắt băng khánh thành trụ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, một biểu tượng cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Biến đổi khí hậu làm suy giảm nền kinh tế gấp 2 lần so với COVID-19

Nguyễn Hạnh |

Một nghiên cứu mới cho thấy, biến đổi khí hậu làm suy giảm nền kinh tế các nước G7 gấp 2 lần so với đại dịch COVID-19

Cảnh báo biến đổi khí hậu dựa trên nghiên cứu khí hậu cổ xưa của Trái đất

Nguyễn Hạnh |

Các nhà khoa học đã xem xét lịch sử cổ đại của Trái đất và nhận thấy con người cần phải có hành động nghiêm túc trong việc giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, để ngăn khí hậu của chúng ta ấm lên như mức của thời tiền sử khiến nhiều sinh vật tuyệt chủng.

Chủ động hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường

Phạm Đông |

Theo các chuyên gia về môi trường, biến đổi khí hậu đang gây ra những hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, rất cần sự thay đổi về nhận thức, hành vi và chủ động hành động của cả cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Giới khoa học tìm cách ngăn chặn thảm họa do biến đổi khí hậu

Song Minh |

Thảm họa không thể tránh khỏi trên Trái đất đã được các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Potsdam cảnh báo.

Hình vẽ cổ nhất thế giới ở Indonesia bị phá hủy do biến đổi khí hậu

Khánh Ly |

Một số tác phẩm 40.000 năm tuổi trên đá ở Indonesia từ thời các nền văn minh cổ đại ở Nam Sulawesi, bị bong tróc nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.