Chính ủy Bùi Văn Tùng và chuyện công bằng với lịch sử

Nguyễn Năng Lực |

Các cựu chiến binh (CCB) Lữ đoàn Xe tăng 203 Anh hùng, những người đã lái xe tăng húc tung cánh cổng Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975, ghi một dấu son đặc biệt chói lọi trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên thống nhất đất nước, đã đồng loạt ký tên vào bức tâm thư gửi lãnh đạo các cấp cao nhất và các ban, ngành Trung ương. Bức tâm thư, bản thỉnh nguyện ấy nói gì?

1. Đó là tiếng nói thống thiết đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (LLVTND) cho thủ trưởng của họ: Đại tá về hưu Bùi Văn Tùng - nguyên Chính ủy Lữ đoàn, người có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự kiện ngày toàn thắng tại Dinh Độc Lập. Những lời thỉnh nguyện thống thiết ấy không phải chỉ vì một cá nhân bị lãng quên, mà còn là tâm nguyện của những người đã góp phần làm nên lịch sử đòi hỏi lịch sử được đối xử công bằng.

Cái tên Bùi Văn Tùng từng vang lên trên rất nhiều phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. Hình ảnh ông đã xuất hiện trên hầu hết hãng thông tấn quốc tế lớn, cho đến bây giờ vẫn sừng sững tồn tại trong mọi tư liệu lịch sử, lưu giữ trên Google. Chỉ cần gõ tên ông và ngày 30.4.1975 là ra hàng nghìn đáp số. Thế thì vì sao mà những người lính của ông, 45 năm sau lại phải viết trần tình, gửi tâm thư thỉnh nguyện như xin cho một việc bị hàm oan ẩn ức?

Bởi vì trong ba người được đánh giá có hành động đặc biệt tại Dinh Độc Lập hôm ấy, hai người đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng cao quý: Trung úy, Đại đội trưởng Đại đội 4, Lữ đoàn 203 Xe tăng Bùi Quang Thận - người cắm lá cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11h30 và đại úy, Trung đoàn phó Trung đoàn Bộ binh số 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 Phạm Xuân Thệ - người đã bắt giữ Tổng thống và Nội các Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Nhưng trung tá, Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203 Bùi Văn Tùng lại không được vinh danh tương xứng.

Vào thời điểm đó, mặc dù Tổng thống Dương Văn Minh đã kêu gọi hai bên ngừng chiến và binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 đã có mặt tại Dinh Độc Lập song Quân đội Sài Gòn vẫn còn nguyên vẹn Quân đoàn 4 tại Đồng bằng sông Cửu Long đang sẵn sàng tử thủ, còn một số đơn vị Quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn đang chống trả quyết liệt ngay tại Sài Gòn ở khu vực Lăng Cha Cả, Bộ Tổng tham mưu... Trong tình huống đó, Chính ủy Bùi Văn Tùng đã quyết định đưa Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn ra ngay Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Tại Đài Phát thanh, ông đã thảo lời tuyên bố đầu hàng để Dương Văn Minh đọc trước máy ghi âm, sau đó phát trên sóng phát thanh truyền đi khắp thế giới và cũng chính ông thay mặt Quân giải phóng chấp nhận sự đầu hàng của Chính quyền Sài Gòn. Hành động của ông đã góp phần làm tan rã nhanh chóng hệ thống chính quyền Sài Gòn và ý chí chiến đấu của binh sĩ Việt Nam Cộng hòa, nhanh chóng kết thúc chiến tranh, tiết kiệm xương máu chiến sĩ, đồng bào, góp phần giữ gìn thành phố Sài Gòn gần như nguyên vẹn... Có thể nói, ông là người đã đánh dấu chấm hết vĩ đại cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước kéo dài 30 năm.

Ngày 16.5.1975, Chính ủy Bùi Văn Tùng đã vinh dự được thay mặt cán bộ, chiến sĩ 5 cánh quân giải phóng Sài Gòn nhận cái hôn thân mật của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tại Phòng Khánh tiết, Dinh Độc Lập. Sau này, nhiều tác phẩm báo chí, điện ảnh, truyền hình mỗi khi đến dịp kỷ niệm Ngày Toàn thắng 30.4.1975 đã trân trọng nhắc đến tên tuổi, hình ảnh của ông.

Chính ủy Bùi Văn Tùng và nhà báo Borries Gallasch tại sân Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975 (ảnh tư liệu).
Chính ủy Bùi Văn Tùng và nhà báo Borries Gallasch tại sân Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975 (ảnh tư liệu).

2. 30 năm sau, ngày 19.10.2005, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm khoa học trao đổi thông tin một số vấn đề xung quanh sự kiện đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975 tại TPHCM, đưa ra kết luận một số chi tiết khác với những điều suốt 30 năm không ai thắc mắc gì. Có thể điều này đã ảnh hưởng đến việc xét phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Chính ủy Bùi Văn Tùng. Được hỏi chuyện này, đại tá về hưu Bùi Văn Tùng chỉ cười rất hiền: “Dù là tôi thảo hay người khác nhận là họ thảo lời tuyên bố đầu hàng đó thì cũng đều là đại diện cho quân đội ta. Chiến thắng đó là chiến thắng của Đảng ta, quân đội ta, nhân dân ta”.

Tháng 4.2010, cuốn sách  “Thành phố Hồ Chí Minh - giờ khắc số 0 - những phóng sự kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” do nhà báo Borries Gallasch - phóng viên tờ Der Spiegel (Tấm gương) Tây Đức, một trong hai nhà báo nước ngoài có mặt trong khoảnh khắc lịch sử ngày 30.4.1975 tại Dinh Độc Lập làm chủ biên đã xuất bản tại CHLB Đức từ tháng 9.1975 (Ho-Tschi-Minh-Stadt, NXB Rowohlt Rororo Reinbeck xuất bản ở Hamburg tháng 9.1975) mới đến với công chúng Việt Nam. Nếu cuốn sách đến sớm hơn, chắc đã không có cuộc hội thảo tháng 10.2005 tại TPHCM. Borries Gallasch viết: "Sự hoang mang chỉ chấm dứt khi người chỉ huy của Quân giải phóng, Chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện... Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một. Những kỹ thuật viên đã lấy chân dung của Thiệu từ trên tường xuống và ném qua cửa sổ ra sân. Chúng tôi ngồi bất động một lát. Ông Mẫu quạt mặt mình bằng một quyển sách. Tổng thống Dương Văn Minh và Chính ủy xe tăng Bùi Văn Tùng ngồi trên hai chiếc ghế và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ. Ông Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy màu xanh... Chính ủy Tùng đã rất khó viết. Ông ngồi bất động trong khi thảo ra được một vài từ rồi đến từ nữa, rồi lại thay thế bằng những từ khác. Sau 30 năm chiến đấu cho một mục đích, thật là khó để biết phải viết như thế nào. Trong lúc đấy, mọi người dường như đang thư giãn và giảm phấn khích hơn so với một giờ trước. Đại úy Phạm Xuân Thệ, người đã bắt ông Minh trong dinh, vẫn còn lăm lăm khẩu súng trong tay. Ông ta nhắc đi nhắc lại với ông Minh về việc đầu hàng trên đài. Đại tướng Dương Văn Minh im lặng. Dưới chiếc mũ cối, những người lính bộ đội nhìn ông Minh với vẻ tò mò... Mọi người bỗng nhiên im lặng. Rồi một vài người lính giải phóng nói chuyện với tôi bằng tiếng... Nga... Cuối cùng mọi người đã sẵn sàng, nhưng không ai trong số người này biết sử dụng máy ghi âm. Chính ủy Tùng hướng dẫn rất rõ ràng cho tôi những việc tôi phải làm: Ông Minh cần phải đọc lại bản tuyên bố vào máy ghi âm của tôi, việc này được lặp đi lặp lại ba lần. Lần đầu tiên, ông Minh chần chừ vì được yêu cầu phải đọc là: "Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn", nhưng ông ấy chỉ muốn nói: "Tôi, đại tướng Dương Văn Minh...". Họ tranh luận qua lại và cuối cùng đi đến thỏa thuận: Không nhượng bộ ông Minh. Ông Minh phải nói: "Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống của chính quyền Sài Gòn". Nhưng ông Minh không đọc được bản viết tay của Chính ủy Tùng và nói sai nhiều lần. Mọi thứ lại phải được đọc lại từ đầu. Cuối cùng đã xong... Tôi cũng ghi âm lời phát biểu của ông Mẫu và ông Chính ủy Tùng rồi chúng tôi đi vào phòng thu thanh. Tôi ngồi ngay trước micro và bật băng của ba bài phát biểu. Ông Minh ngồi bên tay trái tôi. Chính ủy Tùng, ông Mẫu đứng đằng sau chúng tôi. Kỹ thuật viên ngồi phía bên kia của kính ngăn yêu cầu bật máy lại, lần này để máy lại gần micro hơn và không quá to. Lúc này mọi sự đều tốt đẹp... Chúng tôi rời khỏi tòa nhà". Mảnh giấy màu xanh này, phóng viên Báo Tuổi trẻ đã từng trông thấy tại Bảo tàng Quân đoàn 2 nhưng không được sao chép chụp ảnh.

3. Ngay sau khi thành lập (30.4.2005), Ban Liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Lữ đoàn xe tăng 203 đã có ý kiến với lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn xét và đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho đồng chí Bùi Văn Tùng. Đề nghị này không được chấp nhận vì một số lý do, trong đó có lý do đang thực hiện Thông báo số 137-TB/TW ngày 14.6.2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Tháng 1.2018, Ban Liên lạc CCB Lữ đoàn 203 đã gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ. Tại buổi họp Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (TĐKT TƯ) ngày 18.1.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu "cần tập trung một lần nữa làm cho xong những tấm gương như vậy”. Nội dung này đã được phát tại chương trình thời sự buổi 19 giờ trên kênh VTV1 ngày 18.1.2018, thắp lên niềm hy vọng cho đông đảo CCB và đồng bào cả nước. Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng cục Chính trị QĐNDVN đã có Công văn số 516/TH-TĐKT ngày 12.2.2018 yêu cầu Quân đoàn 2 xác minh, làm rõ thành tích của đồng chí Bùi Văn Tùng. Ngày 14.3.2018, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã tổ chức hội thảo với sự tham gia của những nhân chứng đặc biệt như Trung tướng, Anh hùng LLVT Phạm Xuân Thệ - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2, đại úy Vũ Đăng Toàn - nguyên Trưởng xe tăng số 390... Hội thảo đã phân tích, làm rõ những thành tích, cống hiến của đồng chí Bùi Văn Tùng, nhất trí đề nghị lên cấp trên tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông. Sau đó, hồ sơ được hoàn tất và gửi lên cấp trên theo đúng thời gian quy định.

Tuy nhiên, ngày 14.8.2018, Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị đã có Công văn số 3088/TH-TĐKT thông báo: “Do thực hiện Thông báo số 34-TB/TƯ ngày 13.6.2017 về phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ: “... Sau năm 2017 chỉ xét phong tặng cho các tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc, mới được phát hiện, có đầy đủ căn cứ, hồ sơ theo quy định hiện hành”. Vì vậy, việc xem xét đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho đồng chí Bùi Văn Tùng - nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 trong thời điểm hiện nay là chưa thực hiện được”. Tháng 1.2019, Ban Liên lạc CCB Lữ đoàn 203 lại gửi đơn lên Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xem đây là trường hợp đặc biệt để xem xét. Văn phòng Thủ tướng Chính phủ đã chuyển đơn sang Bộ Nội vụ và ngày 21.2.2019 Ban TĐ-KH TƯ ra Công văn số 260/BTĐKT-V1 do bà Trần Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Nội vụ ký, trả lời không xem xét phong tặng Anh hùng LLVTND cho đồng chí Bùi Văn Tùng theo Thông báo số 34- TB/TƯ của Ban bí thư Trung ương Đảng.

4. Ngày 4.3.2020 Ban Liên lạc tiếp tục gửi đơn tới Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, hy vọng ông sẽ trực tiếp xem xét trường hợp đồng chí Bùi Văn Tùng - người có công lao đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài và gian khổ của dân tộc. Ngày 25.3.2020, Văn phòng Chủ tịch Nước có Công văn số 295/VPCTN-TĐKT gửi Ban TĐ-KT TƯ đề nghị kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền, trả lời Ban Liên lạc CCB Lữ đoàn 203. Đến nay, chưa thấy Ban TĐ-KT TƯ hồi đáp.

Còn với đại tá về hưu đã 90 tuổi Bùi Văn Tùng và gia đình, "được là anh hùng trong lòng đồng đội Lữ đoàn Xe tăng 203 đã hạnh phúc lắm rồi".

Với những hoạt động trong ngày 30.4.1975, Chính ủy Bùi Văn Tùng không chỉ đã đi vào lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, mà đã đi vào lịch sử thế giới với tư cách là người ra lệnh đầu hàng, thảo văn bản đầu hàng cho Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đọc ngay để sớm chấm dứt đổ máu, và thay mặt Quân Giải phóng, thay mặt cách mạng, thay mặt chế độ, tức là thay mặt Đảng Lao động Việt Nam (sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam) tiếp nhận sự đầu hàng của một chế độ thù địch. Do đó, nếu không thừa nhận công trạng đặc biệt của Chính ủy Bùi Văn Tùng, không vinh danh ông là Anh hùng thì thật có lỗi với lịch sử, với lòng tin của nhân dân.

Nguyễn Năng Lực
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.