Chính trị đảng phái tại Hoa Kỳ

Huy Minh (tổng hợp) |

“Chính trị Đảng phái tại Hoa Kỳ” (Parties politics in America) là cuốn giáo trình kinh điển về các đảng chính trị của tác giả Marjorie Randon Hershey, được sử dụng rộng rãi trong giảng dạy tại các trường đại học của Mỹ. Cuốn sách đã được tái bản 17 lần và nay đã có mặt tại Việt Nam với ấn bản thứ 16, do NXB Thế giới và Alpha Books - Omega Plus phát hành.

Chỉ dẫn tốt nhất

Tác giả Marjorie Randon Hershey (10.11.1944) là Giáo sư ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Indiana (Mỹ), đồng thời là diễn giả thường xuyên về chính trị Mỹ cũng như nguồn tin cho báo chí về các chiến dịch bầu cử. Trọng tâm nghiên cứu và giảng dạy của Giáo sư Hershey thường tập trung vào các đảng phái chính trị, chiến dịch và bầu cử. Bà cũng từng xuất bản 3 cuốn sách nghiên cứu khác và khoảng 40 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành bao gồm Tạp chí Khoa học Chính trị Hoa Kỳ; Tạp chí Chính trị, Dư luận Hàng quý; Chính trị Hoa Kỳ hàng quý...

Trong tác phẩm kinh điển - “Chính trị Đảng phái tại Hoa Kỳ”, Giáo sư Hershey, thông qua kiến thức chuyên môn của mình, đã giúp độc giả hiểu được ý nghĩa của những sự kiện phức tạp xảy ra với nền chính trị tại Hoa Kỳ. Bà cũng góp phần làm rõ một trong những vấn đề hóc búa nhất của quá trình nghiên cứu chính trường Mỹ. Tuy nhiên, Giáo sư Hershey không phải là tác giả duy nhất của cuốn sách này. Năm 1968, “Parties politics in America” được khởi xướng bởi Frank J. Sorauf, một người tiên phong trong khoa học chính trị hiện đại. Sau đó, Paul Allen Beck đưa cuốn sách tới công chúng vào thập niên 1980, 1990. Cuốn sách chứa đựng những hiểu biết sâu rộng và góc nhìn mang tính chất so sánh, ghi dấu các nghiên cứu của ông về đảng phái và hành vi bầu cử. Tới năm 2001, Marjorie Hershey đã hợp tác cùng Paul Allen Beck ra mắt độc giả ấn bản thứ 9 và tiếp tục tái bản cuốn sách cho đến nay.

Mục đích của họ qua mỗi ấn bản mới là cung cấp cho người học những kiến thức hấp dẫn, rõ ràng nhất và toàn diện nhất về đảng phái chính trị và tính đảng. Những yếu tố này chính là chìa khóa để hiểu về hoạt động bầu cử, công luận, xây dựng chính sách và lãnh đạo. Các tác giả đã thành công tới mức “Chính trị Đảng phái tại Hoa Kỳ” từ lâu được xem là “tiêu chuẩn vàng” cho các giáo trình về đảng phái chính trị. Được trình bày theo phương pháp đồng thuận - phản đối quen thuộc với sinh viên, cuốn sách hoàn toàn có thể được sử dụng để làm cơ sở cho những cuộc tranh luận trong lớp học về những vấn đề liên quan.

John H. Aldrich, Đại học Duke nhận xét: “Tại sao bạn nên quan tâm tìm hiểu các đảng phái chính trị? Câu trả lời đơn giản là, hầu như những gì quan trọng trong đời sống chính trị Hoa Kỳ đều bắt rễ từ nền chính trị đảng phái. Các chính đảng là cốt lõi của nền dân chủ Hoa Kỳ và tạo nên hình hài của nền dân chủ ấy như hiện nay - giữ gần trọn vẹn như từ thời lập quốc. Vì sao bạn nên dùng cuốn sách này như chỉ dẫn để tìm hiểu về nền chính trị dân chủ tại Hoa Kỳ? Lời đáp ngắn gọn đó là cuốn sách này là chỉ dẫn tốt nhất bạn có thể có, và dù trải qua thời gian dài thì đây vẫn đang là người dẫn đường xuất sắc nhất trong lĩnh vực này”.

Xin lược trích một số quan điểm của Giáo sư Hershey về việc “Lựa chọn người được đề cử cho vị trí tổng thống”.

Đề cử ứng viên tổng thống cho đảng chính của Hoa Kỳ

Ứng viên phải sẵn sàng đi công tác hàng tuần và vận động quỹ hàng ngày trong vài năm, chịu đựng các cuộc tấn công gay gắt từ đối thủ, sống sót sau các cuộc kiểm tra mọi mặt về xuất thân và quan điểm chính trị, đưa gia đình vào các cuộc kiểm tra tương tự, bị người lạ soi xét ở khắp nơi từ người dự tiệc tại địa phương tới các công ty tư vấn Washington.

Thời gian làm việc: 24/7/365. Lương: Không đồng. (Ứng viên chiến thắng có thể được yêu cầu ủng hộ hàng triệu USD tiền riêng của mình cho chiến dịch).

Bảo đảm công việc: Chỉ được đảm bảo tới ngày bầu cử hoặc điểm tuột dốc nghiêm trọng trong các cuộc trưng cầu dân ý, tùy mốc nào tới trước. Vào đêm Mitt Romney chiến thắng đề cử ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa trước 11 đối thủ năm 2012, ông đã trở thành ứng viên chính thức cho công việc kéo dài 15 tháng, nhưng đòi hỏi ông thực hiện gắt gao các chiến dịch vận động trong suốt 6 năm. Chiến thắng đề cử ứng viên tổng thống của đảng không bao giờ là thành công trong một sớm một chiều. Người được đề cử sẽ đi một con đường dài, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, để tới cái đích được thèm muốn đó. Người đó phải thuyết phục ai, và phải mất gì để đổi lấy vị trí đề cử ứng viên tổng thống của đảng?

Bầu cử sơ bộ vô hình

Các ứng viên tổng thống nghiêm túc bắt đầu nhiều năm trước kỳ bầu cử để thực hiện các cuộc thăm dò ý kiến, huy động tài chính và nhận diện những người ủng hộ tích cực ở các bang thông qua các cuộc đua sớm, và cạnh tranh để được các tư vấn viên uy tín phục vụ. Cuộc cạnh tranh nóng lên suốt nhiều tháng trước các cuộc bầu cử sơ bộ và họp kín đầu tiên. Cánh nhà báo cũng phải ganh đua nhau vào thời gian này; ai trong số đó cũng muốn là người đầu tiên dự đoán ứng viên chiến thắng cho vị trí đề cử. Các chỉ số họ sử dụng là vị trí của ứng viên trong các cuộc trưng cầu dân ý và thành công trong hoạt động gây quỹ. Quá trình gây quỹ sớm đồng thời dùng mánh khóe khôn khéo giành sự quan tâm của truyền thông và ủng hộ của công chúng trở nên quan trọng tới kết quả cuối cùng đến mức được gọi là bầu cử sơ bộ vô hình hay “bầu cử sơ bộ bằng tiền”.

Các lãnh đạo đảng, các nhà hoạt động và các nhóm lợi ích có quan hệ khăng khít với đảng cũng theo dõi rất sát sao. Họ muốn quyết định ứng viên nào đáp ứng tốt nhất lợi ích của họ. Dù lãnh đạo đảng không chính thức có quyền kiểm soát quá trình đề cử, họ có thể truyền thông điệp về lựa chọn của mình cho các nhà hoạt động đảng bằng cách công khai ủng hộ những ứng viên nhất định.

Các ứng viên bị tụt lại sau trong hoạt động gây quỹ và ủng hộ thường bị tách khỏi cuộc đua thậm chí trước khi đa phần người Mỹ có cơ hội đánh giá họ. Mặt khác, những người huy động được số tiền cao hơn kỳ vọng có thể cải thiện đáng kể cơ hội của mình. Vào năm 2011, Nghị sĩ Quốc hội Michele Backmann (Đảng Cộng hòa, đại biểu Minnesota), chủ yếu được biết đến nhờ tuyên bố gây tranh cãi của bà về hôn nhân đồng giới và thuyết tiến hóa, tự biến mình thành đối thủ tranh cử tổng thống nhờ đánh bại các đối thủ Cộng hòa nổi tiếng hơn trong hoạt động gây quỹ vào những tháng đầu của “bầu cử sơ bộ vô hình”. Ứng viên sống sót qua giai đoạn sát hạch đầu tiên này sau đó phải đối mặt với thách thức trong bầu cử sơ bộ và họp kín của đảng cấp bang. Mục đích của họ là giành được ủng hộ từ các đại biểu, những người sẽ bỏ phiếu cho họ tại đại hội đảng toàn quốc. Quá trình này, vốn thay đổi không ngừng, thách thức năng lực chiến lược của mỗi ứng viên tổng thống.

Ứng viên tổng thống được chọn như thế nào?

Bước 1: Đánh giá cơ hội. Nhiều người cho rằng mình có cơ hội - thống đốc, thượng nghị sĩ, thành viên Hạ viện, người nổi tiếng trong lĩnh vực khác - sẽ xem xét về việc tranh cử tổng thống. Họ tiến hành các cuộc thăm dò riêng tư để xem cử tri tương lai đánh giá họ như thế nào. Để đánh giá tiềm năng có được nguồn lực cần thiết, họ liên hệ những bên gây quỹ cùng các nhà tài trợ tiềm năng và nỗ lực có được cam kết hỗ trợ ứng cử từ các chuyên gia tư vấn uy tín. Họ thăm các tiểu bang có bầu cử sơ bộ và họp kín sớm để giành sự ủng hộ từ giới công chức địa phương. Thời gian: Thông thường là vài năm trước khi diễn ra bầu cử tổng thống.

Bước 2: Tham gia cuộc đua. Những người cảm thấy mình có cơ hội tốt - và cả một số người không thấy vậy - thành lập ủy ban thăm dò để gây quỹ quảng cáo và tài trợ các chuyến đi ngày càng thường xuyên hơn tới Iowa, New Hampshire và những bang khác diễn ra sự kiện chọn đại biểu sớm. Tiếp đó họ chính thức tuyên bố ứng cử và nỗ lực để ghi tên trên lá phiếu từng tiểu bang. Thời gian: Thông thường là ít nhất một năm trước khi diễn ra bầu cử tổng thống.

Bước 3: Bầu cử sơ bộ và họp kín. Tại các bang, cử tri bỏ phiếu cho ứng viên mà họ muốn đảng mình chọn để tranh cử chức tổng thống. Hầu hết bang tổ chức bầu cử sơ bộ để đạt mục đích này; các bang còn lại sử dụng họp kín mang tính tập thể và đại hội cấp bang. Đại biểu được chọn để đại diện mỗi bang và để bỏ phiếu trong đại hội đảng toàn quốc cho (những) ứng viên tổng thống do cử tri bang mình lựa chọn. Thời gian: Giữa tháng 1 và tháng 6 của mỗi năm diễn ra bầu cử tổng thống.

Bước 4: Đại hội đề cử liên bang. Đại biểu bỏ phiếu trong đại hội đảng cho (các) ứng viên tổng thống đã được cử tri chọn thông qua bầu cử sơ bộ hay họp kín tại bang mình (Bước 3). Tiếp đó, họ bỏ phiếu cho lựa chọn của ứng viên thắng cuộc để đề cử phó tổng thống và thông qua cương lĩnh đảng. Thời gian: Theo truyền thống, đảng hiện không nắm ghế tổng thống tiến hành đại hội trước, vào tháng 7 hoặc tháng 8; đại hội của đảng còn lại diễn ra sau đó.

Bước 5: Tổng tuyển cử. Ứng viên của hai đảng chính cạnh tranh với nhau. Thời gian: Từ các đại hội tới ngày thứ ba đầu tiên sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11.

Các đại hội đảng quốc gia

Khi các bang đã chọn đại biểu từ bầu cử sơ bộ và họp kín, các đại biểu sẽ tới đại hội đảng quốc gia của đảng mình và bầu ra đề cử ứng viên tổng thống. Đương nhiên, cho tới lúc đó, cả nước đã biết ứng viên nào của mỗi đảng giành được nhiều đại biểu nhất từ các cuộc bầu cử sơ bộ và họp kín, và mọi đại hội từ năm 1968 đều chọn đề cử người chiến thắng đó trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Đại hội đảng quốc gia là một thông lệ lâu đời và được tôn trọng, nhưng khởi đầu là để thâu tóm quyền lực, ít nhất một phần là như vậy. Vào năm 1832, đề cử Andrew Jackson là ứng viên tổng thống cho Đảng Dân chủ-Cộng hòa là kết quả tất yếu, nhưng các lãnh đạo chính trị cấp bang muốn ngăn Henry Clay, ứng viên ưa thích trong họp kín của Quốc hội, không được đề cử phó tổng thống; họ thích Martin Van Buren hơn. Vì thế, các lãnh đạo này thúc đẩy đại hội đảng toàn quốc để thực hiện đề cử theo ý mình. Khi làm như vậy, họ đã giành lấy quyền kiểm soát quá trình chọn tổng thống khỏi lãnh đạo đảng trong Quốc hội. Khi Đảng Cộng hòa nổi lên vào năm 1854, đại hội đảng quốc gia đã là phương tiện được chấp nhận để thông qua đó các đảng chính lựa chọn ứng viên tổng thống. Kể từ năm 1856, cả hai đảng chính tổ chức đại hội cấp quốc gia mỗi bốn năm một lần.

Đại hội thường khởi động với bài phát biểu chính do một “ngôi sao” của đảng thực hiện, giới thiệu càng nhiều càng tốt các lãnh đạo được ưa thích cùng những gương mặt thu hút mới nổi, và tạo đỉnh điểm ấn tượng trong việc đề cử ứng viên tổng thống và phó tổng thống. Mô thức chung này về cơ bản vẫn giữ nguyên trong nhiều thập niên.

Chính thức hóa đề cử tổng thống

Trước khi diễn ra cải cách đề cử vào thập niên 1970, các đại biểu do lãnh đạo đảng cấp bang và địa phương bầu sẽ chọn ra người được đề cử của đảng thông qua đại hội toàn quốc. Khi không có ứng viên nào đạt đa số phiếu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, sẽ diễn ra quá trình đàm phán gay cấn giữa các ứng viên còn lại và lãnh đạo đảng cấp bang. Các ứng viên dẫn đầu sẽ nỗ lực duy trì đội ngũ ủng hộ của mình trong khi đàm phán lấy lá phiếu của các đại biểu bang vốn đã cam kết bầu cho ứng viên khác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một ứng viên đã giành đa số phiếu của đại biểu rất lâu trước khi đại hội bắt đầu, vì thế chỉ cần một vòng bỏ phiếu tại đại hội.

Vào ngày tiếp theo sau khi đề cử tổng thống được chọn, đại biểu bỏ phiếu lần nữa để chọn ứng viên phó tổng thống. Một lần nữa, việc này mang tính nghi thức; người được đề cử cho vị trí ứng viên tổng thống chọn bạn đồng hành cho chiến dịch của mình và đại hội thông qua lựa chọn của họ. Nhiều năm trước đây, đề cử phó tổng thống được ứng viên tổng thống (thường là đã kiệt sức) chọn vào thời điểm diễn ra đại hội. Ngày nay, người được đề cử tổng thống thông báo lựa chọn “phó tổng thống” trước khi đại hội khai mạc, thường nhằm tăng cường ủng hộ từ một số nhóm cử tri.

Đại biểu dự đại hội của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa chưa bao giờ thể hiện tính đa dạng của công dân Mỹ hay thậm chí là của lực lượng cử tri đảng. Người da trắng, người có học vấn cao, và người giàu thì theo truyền thống là có quá nhiều đại diện tại đại hội. Để phản ánh lực lượng liên minh đa dạng của mình, từ thập niên 1930, đại biểu của Đảng Dân chủ có thêm nhiều thành viên trong công đoàn và người Mỹ da đen, còn đại hội của Đảng Cộng hòa thì thu hút thêm nhiều tín đồ Tin Lành và chủ doanh nghiệp nhỏ.

Nhân khẩu học

Đảng Dân chủ thực thi các kế hoạch hành động tích cực sau năm 1968 nhằm tăng cường đại diện của nữ giới, người da đen, và trong ngắn hạn là người trẻ. Chúng ta có thể thấy kết quả trong các khảo sát về đại biểu đại hội. Dù các hãng tin không tiến hành khảo sát đại biểu truyền thống vào năm 2012, nhưng không có lý do gì để dự đoán đại biểu năm 2012 khác biệt nhiều so với năm 2008. Tại đại hội năm 2008 của Đảng Dân chủ, hơn một phần ba đại biểu là người da đen (so với tỷ lệ chỉ 6 phần trăm của đại biểu Cộng hòa), và từ năm 1980, yêu cầu nửa số đại biểu phải là nữ giới. Tỉ lệ đại biểu nữ tại đại hội của Đảng Cộng hòa cũng đã tăng trong giai đoạn này mà không cần tới chỉ thị của đảng. Các đại hội vẫn là nơi gặp gỡ của giới giàu có và có học vấn cao. Lấy ví dụ, vào năm 2008, 34 phần trăm đại biểu Cộng hòa và 22 phần trăm đại biểu Dân chủ cho biết họ là triệu phú, chiếm tỷ lệ cao nhất trong hơn mười năm qua, và đa phần có học vấn sau đại học.

Chúng ta có thể cho rằng, đại biểu là những người xuất hiện trở lại ở hết đại hội này tới đại hội khác. Thực tế thì không như vậy. Sau cải cách, tỉ lệ những người lần đầu tham dự đại hội nhảy vọt lên khoảng 80%. Thậm chí, sau khi Đảng Dân chủ bắt đầu tặng vé tham dự đại hội cho các siêu đại biểu kinh nghiệm chính trị đầy mình, thì đa phần đại biểu vẫn là người mới. Tuy nhiên, đại đa số là các nhà hoạt động đảng có thâm niên. Vào năm 2008, trong một mẫu đại biểu lấy ngẫu nhiên, đa phần cho biết họ đã tích cực tham gia hoạt động của đảng mình ít nhất 20 năm, và đa số cho biết họ hiện tại nắm giữ các chức vụ trong đảng.

Truyền thông đưa tin về các đại hội như thế nào

Bên cạnh các thay đổi về trung tâm quyền lực và đại biểu đại hội, cách thức truyền thông đưa tin về đại hội cũng đã thay đổi đáng kể. Một mặt, đại hội được tái định hình và tái tổ chức để đáp ứng các yêu cầu truyền thông. Mặt khác, nực cười là, mức độ quan tâm của truyền thông tới các đại hội đã suy giảm đáng kể trong những năm gần đây.

Bắt đầu với đại hội đảng quốc gia lần đầu tiên được phát trên tivi vào năm 1948, các phóng viên truyền hình và chính trị gia đã tìm được cách thức để đáp ứng lợi ích của nhau. Vào những ngày đầu của ngành truyền hình trước khi có sự tiện lợi của băng video, các đài thiếu hụt nội dung phát sóng trầm trọng, nên họ phát trực tiếp đại hội từ đầu đến cuối. Đại hội trở thành một câu chuyện quan trọng, giống như Olympic, để thông qua đó các kênh tin tức truyền hình thể hiện kỹ năng và cung cấp dịch vụ công. Phóng viên tụ lại tại sảnh đại hội, đưa tin về động thái mang tính chiến lược của các ứng viên chính, hành động của các lãnh đạo đảng quyền lực, và phản ứng của từng đại biểu.

Với lãnh đạo đảng, xuất hiện trên truyền hình trao cho họ cơ hội vô giá để tiếp cận cử tri và ra mắt các chiến dịch tổng thống với mức ảnh hưởng cao nhất. Vì thế họ tái định hình hoạt động đại hội nhắm tới khán giả truyền hình cũng như nhắm tới đại biểu. Các viên chức đảng trao vị trí phát biểu chính cho các ứng viên “ăn hình”, đẩy nhanh cuộc tranh luận, và chuyển chủ đề quan trọng nhất của đại hội vào giờ vàng phát sóng. Càng ngày mục tiêu của đại hội càng chuyển dịch từ thực thi công việc của đảng sang lôi kéo cử tri.

Tuy nhiên, khi cải cách đề cử có hiệu lực và việc lựa chọn ứng viên tổng thống của các đảng đã được quyết trước khi đại hội bắt đầu, thì đại hội mất gần hết tính chất gây hồi hộp của mình. Để giữ chân khán giả, truyền thông muốn khai thác đại hội theo hướng gây kích thích, như các mâu thuẫn tiềm năng. Nhưng lãnh đạo đảng không mong muốn công khai các tranh luận của mình; vì có thể gây trở ngại cho các thông điệp tích cực mà họ đang nỗ lực truyền tải. Khi đại hội ngày càng mang kịch bản soạn trước, và do đó kém hấp dẫn với công chúng, thì các đài truyền hình chính giảm đáng kể thời lượng phát sóng về chủ đề này. Dù với những người nghiện đại hội thì vẫn có thể chuyển sang truyền hình cáp để xem toàn bộ cuộc họp, thì thời lượng trên ABC, CBS và NBC đã giảm từ khoảng 60 giờ mỗi đại hội vào năm 1952 còn chỉ 3 giờ vào năm 2012.

Đề cử ứng viên Tổng thống phải sẵn sàng đi công tác hàng tuần và vận động quỹ hàng ngày trong vài năm, chịu đựng các cuộc tấn công gay gắt từ đối thủ, sống sót sau các cuộc kiểm tra mọi mặt về xuất thân và quan điểm chính trị, đưa gia đình vào các cuộc kiểm tra tương tự, bị người lạ soi xét ở khắp nơi từ người dự tiệc tại địa phương tới các công ty tư vấn Washington.

Huy Minh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

45 đời tổng thống Hoa Kỳ

Huy Minh (tổng hợp) |

“45 đời tổng thống Hoa Kỳ” (The Complete Book of US Presidents) là ấn bản mới nhất, tái bản lần thứ 9 của tác phẩm nổi tiếng được viết bởi tác giả William A. Degregorio. Xuất bản lần đầu năm 1980, tác phẩm từng ra mắt độc giả Việt vào năm 2018 với tên tiếng Việt “44 đời tổng thống Hoa Kỳ”. Sách dày 1.536 trang, do NXB Thế giới và Omega Plus ấn hành.

Sau hơn 25 năm, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng 170 lần

Vũ Long |

Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ.

EU kêu gọi Hoa Kỳ xem xét lại quyết định chấm dứt quan hệ với WHO

Khánh Ly |

Liên minh Châu Âu (EU) vừa kêu gọi Hoa Kỳ xem xét lại quyết định cắt đứt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bản tin công đoàn: Đề xuất chỉ được rút 50% BHXH 1 lần nếu chưa đủ tuổi hưu

Nhóm PV |

Bản tin công đoàn hôm nay có những nội dung sau: Đề xuất chỉ được rút 50% BHXH 1 lần nếu lao động chưa đủ tuổi hưu; xu hướng công nhân rời nhà máy về quê; không thiếu thuốc cho công nhân khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế; đình chỉ công việc giám đốc nước ngoài đánh nữ lao động ở Đồng Nai...

Gia đình nữ công nhân đã được mời lên làm thủ tục hưởng chế độ tử tuất

Hà Anh |

Sau khi bài “Chuyện buồn của nữ công nhân bị công ty nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội” của Báo Lao Động ra ngày 7.3, chiều 8.3, chồng và chị gái của chị Lê Thị Ngân - nữ công nhân mắc ung thư máu và tử vong năm 2012, gia đình chưa nhận được tiền tử tuất - đã được mời lên cơ quan BHXH để làm thủ tục nhận tiền tử tuất.

Chứng khoán: Tâm lý dần ổn định sẽ giúp dòng tiền bắt đáy mạnh mẽ hơn

Gia Miêu |

Dòng tiền đang cho thấy những tín hiệu dần quay trở lại thị trường chứng khoán khi thanh khoản liên tiếp có sự gia tăng.

'Cò' đổi giấy phép lái xe thần tốc ngang nhiên lộng hành

Nhóm PV |

Lợi dụng nhu cầu đổi giấy phép lái xe của người dân, phía ngoài khu vực một cửa tại số 16 Cao Bá Quát (Ba Đình, Hà Nội) đang xuất hiện nhiều dịch vụ hỗ trợ đổi giấy phép lái xe "thần tốc" với giá từ 750-850 nghìn đồng/bộ.

Khi châu Âu hướng tới bỏ máy bay để đi tàu hỏa

Ngọc Vân |

Kể từ phong trào "xấu hổ khi đi máy bay", nhiều người dân châu Âu đã tìm đến mạng lưới đường sắt rộng lớn của lục địa này để thay thế việc đi máy bay chặng ngắn bằng tàu hỏa.

45 đời tổng thống Hoa Kỳ

Huy Minh (tổng hợp) |

“45 đời tổng thống Hoa Kỳ” (The Complete Book of US Presidents) là ấn bản mới nhất, tái bản lần thứ 9 của tác phẩm nổi tiếng được viết bởi tác giả William A. Degregorio. Xuất bản lần đầu năm 1980, tác phẩm từng ra mắt độc giả Việt vào năm 2018 với tên tiếng Việt “44 đời tổng thống Hoa Kỳ”. Sách dày 1.536 trang, do NXB Thế giới và Omega Plus ấn hành.

Sau hơn 25 năm, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng 170 lần

Vũ Long |

Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ.

EU kêu gọi Hoa Kỳ xem xét lại quyết định chấm dứt quan hệ với WHO

Khánh Ly |

Liên minh Châu Âu (EU) vừa kêu gọi Hoa Kỳ xem xét lại quyết định cắt đứt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).