Chất xơ diệu kỳ

Trần Thế Vinh (tổng hợp) |

“Chất xơ diệu kỳ” là một trong những cuốn sách nổi tiếng của bác sĩ

Will Bulsiewicz, mang đến cho bạn bản kế hoạch cải thiện hệ tiêu hóa cho sức khỏe dài lâu ngay hôm nay trong vòng 28 ngày với thực đơn và hơn 65 công thức nấu ăn, cùng với những lời khuyên quan trọng.

Ngay từ khi xuất bản, cuốn sách đã được độc giả khắp nơi đón nhận và nằm trong danh sách các sách bán chạy của các báo Publisher’s Weekly, New York Times và USA Today. Những lợi ích của các chế độ ăn kiêng khem như paleo và keto đã được tung hô trong suốt thập kỷ vừa qua, nhưng bác sĩ Will Bulsiewicz - chuyên gia về tiêu hóa - đã hé lộ rằng, những nghiên cứu về hệ khuẩn ruột đã cho thấy rõ ràng rằng thực tế những chế độ ăn kiêng khem đó lại không hề tốt cho sức khỏe. Sức khỏe hệ tiêu hóa mới là chìa khóa để cải thiện tiêu hóa, cân bằng hormone và điều hòa sự viêm là nguyên nhân của hàng loạt bệnh tật. Và phương pháp được khoa học chứng minh để cải thiện sức khỏe đường ruột của chúng ta chính là chất xơ trong thực phẩm ta ăn hằng ngày.

“Nếu lời Hippocrates rằng ‘mọi bệnh tật bắt đầu từ ruột’ là đúng, thì sức khỏe cũng bắt đầu từ đây. Bác sĩ Bulsiewicz cùng ‘Lộ trình Bốn tuần Tiếp liệu Chất xơ’ là bước khởi động tự nhiên với những ai muốn tiếp cho ruột thứ nhiên liệu hảo hạng mà nó yêu thích. Cuốn sách này là lời giải cho rất nhiều bệnh nhân đang tìm cách nâng cao sức khỏe và đời sống của tôi” - BS. Joel Kahn, giáo sư lâm sàng, Đại học Y khoa bang Wayne nhận xét. Còn BS. Douglas A. Drossman, giáo sư danh dự về y khoa và tâm thần, Trường Y Đại học North Carolina cho rằng: “Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu sinh lý học nhằm đánh giá vai trò của hệ tiêu hóa với sức khỏe và bệnh tật, mãi đến gần đây, thực phẩm, chất xơ, chế độ ăn, và hệ khuẩn mới tìm được vị trí thực sự của mình trong khoa học. Bằng kinh nghiệm toàn diện, bác sĩ Bulsiewicz đã diễn giải kiến thức mới mẻ này thành một cuốn sách súc tích và rõ ràng, có thể mang đến lợi ích thực sự cho nhiều đối tượng người đọc, dù khỏe mạnh hay đang gặp các vấn đề tiêu hóa”.

Xin giới thiệu một số trích đoạn trong cuốn sách này của BS Will Bulsiewicz tới bạn đọc.

DẤU HIỆU SINH TỒN THỨ 6

Chúng ta có đến tỉ tỉ bằng hữu chưa được gọi tên! Khi tốt nghiệp trường y năm 2006, đám sinh viên mới tốt nghiệp chúng tôi hầu như mù tịt về hệ vi sinh đường ruột. Thế nhưng, một phát hiện đột phá trong phòng thí nghiệm vào năm 2006 đã xoay chuyển hoàn toàn tình hình. Từ chỗ chỉ nghiên cứu trên đĩa cấy thông thường, nó cho phép chúng tôi bóc tách và mổ xẻ tầng tầng lớp lớp phức tạp của hệ khuẩn ruột.

Cho đến thời điểm ấy, chúng tôi mới chỉ biết khoảng 200 loài khuẩn cư trú trong đường ruột người. Với cú đột phá nọ, chúng tôi nhanh chóng nhận diện được 5.000 loài, và con số ước tính hiện nay đã lên tới 36.000. Với hàng rào được dỡ bỏ, giới nghiên cứu cứ thế ồ ạt xông lên. Và kể từ đó, nghiên cứu khoa học bùng nổ ngoạn mục - chỉ tính riêng trong năm năm gần đây đã có tới 12.900 bài báo về đề tài này. Để bạn hiểu con số này có ý nghĩa thế nào, thì nó bằng đúng 80% số bài viết về đề tài này trong suốt 40 năm qua.

Nghiên cứu về vi khuẩn đường ruột đã đưa chúng tôi đến một khám phá, đó là ở bên trong chúng ta có cả một cộng đồng vi sinh vật rộng lớn đến ngỡ ngàng. Chúng chung sống hòa thuận, cân bằng và nhằm phục vụ một mục đích nhất định. Chúng tôi gọi cộng đồng này là “hệ vi sinh đường ruột”. Khi muốn đề cập cụ thể đến mã di truyền của nó, chúng tôi dùng cụm từ “hệ khuẩn ruột”. Trong cơ thể bạn có năm dạng “cư dân” vi sinh vật là vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, virus, và cổ khuẩn.

Thử tưởng tượng ruột là một nhà máy với nhiều nhóm nhân viên đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau. Mỗi cá nhân đóng góp chuyên môn của mình để phục vụ cho mục tiêu chung của tập thể. Thuật ngữ “rối loạn hệ khuẩn ruột” nhằm chỉ trạng thái ruột bị mất cân bằng và thiếu hài hòa. Do những tổn hại hoặc xáo trộn mà hệ vi sinh đường ruột mất đi tính đa dạng, đồng thời các vi khuẩn gây viêm có điều kiện trỗi dậy áp đảo. Nói cách khác, vi khuẩn có lợi mất đà phát triển, còn vi khuẩn bất lợi thừa cơ tràn vào ruột. Từ đây nảy sinh một loạt vấn đề: Thành ruột không còn được hệ khuẩn kháng viêm khỏe mạnh che chắn nên các liên kết vòng bịt ở thành ruột bị hư hại, làm thành ruột thấm mạnh hơn - một số người gọi đây là hiện tượng “rò rỉ ruột” - nên nội độc tố vi khuẩn trong ruột dễ tràn vào máu. Nội độc tố vi khuẩn sau đó thâm nhập hệ thống mạch khắp cơ thể, và đi đến đâu nó gây viêm ở đó. Đó là một tin chẳng lành! Nội độc tố gây nên những câu chuyện nghe thật hãi hùng, nhưng bạn chớ hoảng sợ. Ánh sáng luôn xua tan bóng tối.

Sáu mươi phần trăm trọng lượng của phân thực ra là vi khuẩn, cả có lợi lẫn có hại. Sáu mươi phần trăm cơ đấy! Nó cho ta bức tranh sơ bộ về hệ vi sinh đường ruột của mình. Hết thế hệ này sang thế hệ khác, khi lẽ ra phải tụng ca và ngả mũ trước chúng thì ta lại rẻ rúng chúng bằng những chuyện bông đùa. Chúng ta đã không hiểu rằng phân là cỗ xe chở vị tráng sĩ lấp lánh hào quang, hệ vi sinh đường ruột. Tôi không hề nói quá mà thực lòng tin rằng phân nên được xem là dấu hiệu sinh tồn thứ sáu. Thân nhiệt, mạch (hay nhịp tim), nhịp thở, huyết áp, độ bão hòa oxy trong máu và cuối cùng (nhưng không kém phần quan trọng) là chất lượng phân. Đây thực sự là khung cửa quyền năng đưa ta vào thế giới sức khỏe.

QUYỀN NĂNG VÔ SONG CỦA HỆ VI SINH ĐƯỜNG RUỘT

Vai trò của một hệ khuẩn ruột đa dạng và khỏe mạnh không chỉ dừng lại ở cầm chân vi khuẩn gây bệnh, xử lý tân dược và hỗ trợ cơ thể xử lý thức ăn mà còn vượt xa thế. Nó vận hành như trung tâm đầu não chỉ huy toàn bộ sức khỏe con người. Chuyện nghe có vẻ hoang đường nhưng lại đúng tuyệt đối. Tôi hoàn toàn tin rằng mọi vấn đề sức khỏe và bệnh tật đều bắt nguồn từ ruột. Chúng ta cũng dự phần vào thế cân bằng của tự nhiên, và ở bên trong chúng ta là một cộng đồng cần thiết cho ta hệt như ta cần cho nó - cả hai đều hạnh phúc hơn khi có nhau! Và khi ta chăm lo cho chúng, chúng cũng sẽ chăm lo cho ta.

Nếu biết nuôi dưỡng hệ khuẩn ruột đúng cách, ta sẽ thưởng một đội quân biết lấy thứ cần thiết và bỏ thứ vô bổ từ thức ăn, biết báo cho ta khi nào nên dừng ăn để không nhồi nhét quá nhiều và biết thúc đẩy một quá trình trao đổi chất cân bằng tự nhiên để ta khỏi phải đếm calo mà vẫn duy trì được cân nặng lành mạnh. Với một hệ vi sinh khỏe mạnh, tất cả những việc này đều nhẹ tựa lông hồng.

Xét đến tất cả những bệnh mãn tính phổ biến trong xã hội loài người, thì có hơn 80% nguy cơ bệnh là do môi trường sống và những phơi nhiễm trong suốt cuộc đời. Song, trong cái rủi có cái may. Bạn nắm quyền quyết định tối thượng đối với vận mệnh sức khỏe của mình, mà phần lớn là thông qua những tác động từ chế độ ăn và lối sống lên hệ khuẩn ruột.

Chúng ta cứ nghĩ bẻ khóa gen người là tạo ra được bước đột phá hệ trọng về y học, vì đinh ninh rằng sức khỏe con người chủ yếu do cấu trúc gen quy định. Không hề. Chúng ta là một siêu tổ chức với gần hết bộ gen bị đám vi khuẩn vô hình bên trong kiểm soát. Và thực ra đây là điều hay! Thay vì lo nghĩ về 0,5% bộ gen bất khả tác động, ta hãy tối ưu hóa hệ khuẩn ruột của mình qua ăn uống, sinh hoạt, và tận hưởng những hiệu ứng tích cực mà chúng đem lại cho 99,5% bộ gen còn lại, cộng thêm các biểu hiện ngoại di truyền.

Đã đến lúc cải thiện sức khỏe từ trong ra ngoài! Thứ từng bị xua khỏi cơ thể giờ trở thành tiền vệ sáng giá trong cuộc chơi sức khỏe. Vâng, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại chúng ta thực sự biết đủ rõ về hệ vi sinh đường ruột để hiểu nó và bắt nó phục vụ lợi ích của mình.

LỐI SỐNG THẾ KỶ 21: VÔ ĐỘ, SƠ SÀI VÀ LẠM DỤNG

Ăn uống vô độ, dinh dưỡng sơ sài, và lạm dụng thuốc quá đà đang hủy hoại ruột và sức khỏe chúng ta. Bất chấp mọi tiến bộ y học, bất chấp rằng chúng ta nướng tiền cho chăm sóc sức khỏe nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, tuổi thọ trung bình của ta kỳ thực đang thu lại. Và hiện nay 60% thanh niên Mỹ tuổi đôi mươi đang phải dùng thuốc kê đơn. Trên thực tế, tỉ lệ người Mỹ sử dụng đồng thời ít nhất năm loại thuốc đã tăng gấp đôi trong 12 năm qua. Đúng là y học hiện đại đã mang đến cho chúng ta nhiều lựa chọn điều trị tuyệt vời - tin tôi đi, nếu đau ốm tôi sẽ tìm đến các đồng nghiệp đáng kính của mình - nhưng ta không thể lờ đi những hệ lụy của việc chuộng thuốc chữa cấp tốc và dựa dẫm thái quá vào tân dược. Hãy ngẫm về con số này: Chỉ tính riêng trong năm 2014 đã có gần 1,3 triệu người Mỹ phải điều trị cấp cứu do tác dụng phụ của thuốc, và khoảng 124.000 người tử vong vì cùng nguyên nhân.

Bạn có biết ít nhất bảy trong số mười nguyên nhân gây tử vong hàng đầu - tức những bệnh đang hạ thấp tuổi thọ trung bình của ta - bắt nguồn từ lối sống? Theo mức độ từ cao đến thấp, chúng lần lượt là: Bệnh tim, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ, bệnh Alzheimer, tiểu đường, và bệnh thận. Như vậy lối sống là căn nguyên, thế nhưng chúng ta lại lờ hẳn nó đi (một cách khó hiểu), xem nó chỉ như giải pháp trị liệu và chọn tân dược làm phương thức điều trị chính. Một khi bỏ qua nguyên nhân, ta sẽ không bao giờ chạm được đến gốc rễ của vấn đề.

Các loại nhựa, vốn chứa bisphenol-A (BPA) được cho là gây những tác động tương tự estrogen, liên tục ra đời và bắt đầu xâm nhập ồ ạt đời sống xã hội - ở mọi ngóc ngách, từ hộp đựng thức ăn đến chỉ nha khoa, từ quần áo đến đồ chơi của trẻ sơ sinh. Chúng ta phát minh ra máy bay, tàu hỏa, xe hơi và xe gắn máy để cơ thể bớt phải vận động. Các loại TV, máy tính, điện thoại thông minh và trò chơi điện tử tiên tiến thay thế dần các bài tập thể dục, hơn nữa còn chiếm luôn quyền kiểm soát não và nhịp ngủ-thức của ta. Tội gì phải đọc sách khi mà xem phim chỉ mất có 90 phút? Tội gì phải dựng lều và nhọc trí bày trò, khi mà trò chơi điện tử sẽ làm hết cho bạn phần sáng tạo đó? Tội gì mới tối lại đã đi ngủ khi mà bạn có thể lướt Twitter cả đêm? Năm 1994, những sinh vật biến đổi gen đầu tiên xuất hiện trên các kệ hàng. Ngày nay, đã có hơn 80% trong số tất cả các cây lương thực biến đổi gen khắp thế giới được tác động bằng kỹ thuật để chịu được thuốc diệt cỏ. Thế nghĩa là dù thuốc diệt cỏ có giết sạch đám cây (và có lẽ cả sự sống) khác xung quanh thì cây biến đổi gen vẫn đứng vững.

Kể từ khi con người đầu tiên xuất hiện, vi khuẩn vẫn luôn là một phần trong lịch sử nhân loại. Mỗi cuộc sống của từng con người trước nay luôn là một câu chuyện tình bạn giữa chúng ta và vi khuẩn. Hai bên sát cánh với nhau trong mọi thăng trầm. Chúng ta đồng tiến hóa. Trong gần hết ba triệu năm, chúng ta sống trong một thế giới bạo lực và đói kém, liên tục dãi nắng dầm sương. Cuộc sống khi ấy là cuộc vật lộn vì sinh tồn, và phần lớn con người bị chết yểu do bệnh truyền nhiễm, đói ăn, hoặc chấn thương. Chúng ta cần kéo dài sự sống đủ để sinh sản và duy trì nòi giống, nếu không muốn tuyệt chủng. Thế là vi khuẩn giúp ta phát triển một hệ miễn dịch để chống lại viêm nhiễm, các yếu tố đông máu để cầm máu, cùng với đó là những phương thức khai thác và tích trữ năng lượng hiệu quả từ thức ăn.

Chẳng hề ngạc nhiên là kháng sinh chắc chắn sẽ hủy hoại hệ vi sinh đường ruột của bạn. Chỉ sau năm ngày dùng ciprofloxacin, khoảng một phần ba vi khuẩn ruột sẽ bị quét sạch, còn hệ vi sinh đường ruột thì biến đổi hoàn toàn. Hầu hết các loài vi khuẩn sẽ phục hồi trong vòng bốn tuần, nhưng một số sau sáu tháng vẫn bặt vô âm tín. Trong trường hợp của clarithromycin và metronidazole, đến bốn năm sau khi kết thúc điều trị, các hệ quả vẫn còn rõ mồn một. Và chỉ cần dùng kháng sinh phổ rộng trong bốn ngày là có thể hủy hoại vĩnh viễn chín loài vi khuẩn có ích. Hậu quả của tất cả những loại kháng sinh trên là một hệ khuẩn “bình thường mới” - thêm nhiều vi khuẩn kháng kháng sinh khiến ta dễ viêm nhiễm, dị ứng, loãng xương, và béo phì hơn.

Vậy chúng ta có thể làm gì để khôi phục trật tự và khai thác tối đa lợi ích từ hệ vi sinh của mình? Giải pháp chất xơ: Axit béo chuỗi ngắn và postbiotic là lựa chọn hàng đầu. Ruột mong chất xơ như đất hạn mong mưa rào vậy.

Trần Thế Vinh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Những lợi ích sức khỏe tuyệt vời của bí đỏ bạn nên biết

ÁNH NHIÊN (THEO DRPINGEL) |

Bí đỏ hay bí ngô là một loại thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm của người Việt. Bí đỏ còn có vô vàn lợi ích sức khỏe như điều hòa huyết áp, tiểu đường, tốt cho hệ tiêu hóa.

Mãng cầu ta: 7 lợi ích sức khỏe tuyệt vời đối với cơ thể

ÁNH NHIÊN (THEO DRAXE) |

Mãng cầu ta hay còn được gọi là quả na, là loại trái cây giàu dinh dưỡng bậc nhất như: Vitamin, chất xơ…giúp ngăn ngừa nhiều bệnh lý mạn tính. Đặc biệt, trong mãng cầu ta có chất ngăn ngừa ung thư hiệu quả.

4 lợi ích bất ngờ cho sức khỏe từ bí ngòi

THANH THANH (THEO HEALTHLINE) |

Theo trang Healthline, mặc dù bí ngòi thường được coi là một loại rau, nhưng về mặt thực vật học, nó được phân loại là một loại trái cây có nhiều lợi ích cho sức khoẻ.

Lợi ích sức khỏe mà đậu bắp mang đến cho bạn

ÁNH NHIÊN (THEO DRAXE) |

Đậu bắp là một trong những loại thực phẩm được dùng trong bữa ăn thường ngày. Không chỉ có hương vị thơm ngon, độ nhớt đặc trưng, đậu bắp còn rất tốt cho sức khỏe vì có nhiều dinh dưỡng.

4 lợi ích sức khỏe không ngờ khi bạn ăn trứng

THANH THANH (THEO HEALTHLINE) |

Theo trang The Healthline, trứng chứa nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho mắt và giúp giảm cân hiệu quả.

Cứu thành công cháu bé 9 tuổi bị mắc kẹt ở khe hẹp giữa 2 nhà

Văn Đức |

Lào Cai - Lực lượng cứu hộ đã giải cứu thành công cháu bé bị mắc kẹt giữa 2 tường nhà sau 30 phút.

Bình Dương: 1 giám đốc trung tâm đăng kiểm làm việc với cơ quan điều tra

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Ngày 13.1, trên mạng xôn xao tin đồn giám đốc một trung tâm đăng kiểm ở Bình Dương bị khởi tố, bắt giam để điều tra vi phạm liên quan đến vụ án đưa và nhận hối lộ ở các trung tâm đăng kiểm ở nhiều tỉnh, thành phố.

Khánh thành cầu trị giá hơn 2 tỉ do Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng Lao Động tài trợ

NHÓM PV |

Cần Thơ - Chiều 13.1, cầu kênh A7 ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, do Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm Lòng Vàng Lao Động tài trợ xây dựng đã chính thức được khánh thành.

Những lợi ích sức khỏe tuyệt vời của bí đỏ bạn nên biết

ÁNH NHIÊN (THEO DRPINGEL) |

Bí đỏ hay bí ngô là một loại thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm của người Việt. Bí đỏ còn có vô vàn lợi ích sức khỏe như điều hòa huyết áp, tiểu đường, tốt cho hệ tiêu hóa.

Mãng cầu ta: 7 lợi ích sức khỏe tuyệt vời đối với cơ thể

ÁNH NHIÊN (THEO DRAXE) |

Mãng cầu ta hay còn được gọi là quả na, là loại trái cây giàu dinh dưỡng bậc nhất như: Vitamin, chất xơ…giúp ngăn ngừa nhiều bệnh lý mạn tính. Đặc biệt, trong mãng cầu ta có chất ngăn ngừa ung thư hiệu quả.

4 lợi ích bất ngờ cho sức khỏe từ bí ngòi

THANH THANH (THEO HEALTHLINE) |

Theo trang Healthline, mặc dù bí ngòi thường được coi là một loại rau, nhưng về mặt thực vật học, nó được phân loại là một loại trái cây có nhiều lợi ích cho sức khoẻ.

Lợi ích sức khỏe mà đậu bắp mang đến cho bạn

ÁNH NHIÊN (THEO DRAXE) |

Đậu bắp là một trong những loại thực phẩm được dùng trong bữa ăn thường ngày. Không chỉ có hương vị thơm ngon, độ nhớt đặc trưng, đậu bắp còn rất tốt cho sức khỏe vì có nhiều dinh dưỡng.

4 lợi ích sức khỏe không ngờ khi bạn ăn trứng

THANH THANH (THEO HEALTHLINE) |

Theo trang The Healthline, trứng chứa nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho mắt và giúp giảm cân hiệu quả.