Câu hát di sản trong lòng người phố Hội

thùy trang |

Từ lời ru của mẹ, tiếng hát một chiều nghỉ đồng của cha cho đến trò chơi những ngày hội làng – bài chòi nay bước lên một vị trí khác.

Vẫn nguyên nét bình dị ấy nhưng nay, nghệ thuật dân gian Bài chòi được cả thế giới nhắc tên, ghi nhớ và tôn vinh là một trong những di sản của nhân loại. Mà để có được điều đó, bao thế hệ người dân miền Trung nói chung, xứ Quảng nói riêng đã gìn giữ bằng tình yêu đẹp đẽ, chân quê.

Câu hát chân quê

Những ngày đầu tháng 5, các tỉnh miền Trung rộn ràng mở hội đón bằng di sản thế giới cho nghệ thuật bài chòi. Từ Bình Định rồi lan toả khi khắp các tỉnh, nơi đâu cũng tổ chức lễ hội mừng. Riêng người dân Hội An, mọi người sắm hẳn kiệu để rước tấm bằng đi quanh phố cổ.

Những anh hiệu, chị hiệu (người hát bài chòi) từ các huyện, câu lạc bộ khắp tỉnh Quảng Nam đổ về. Họ mặc những bộ trang phục rực rỡ hơn ngày thường để chuẩn bị cho đêm diễn quan trọng. Ai ai gặp nhau cũng nói cười không ngớt. Có người hồi hộp đến quên lời câu hát.

Là một trong 18 nghệ nhân bài chòi đầu tiên của Quảng Nam được vinh danh trong lễ đón nhận bằng di sản thế giới, ông Trịnh Tám tự giới thiệu bản thân với giọng đầy tự hào. 20 năm trong nghề, ông Tám chưa từng nghĩ mình có được vinh dự này.

“Những làn điệu dân ca bài chòi đã thấm vào máu thịt của chúng tôi, người dân Quảng Nam mà rộng hơn là cả miền Trung. Qua nhiều giai đoạn có lúc lắng xuống nhưng bài chòi vẫn sống trong lòng người. Tôi chỉ là người dân bình thường, không phải cán bộ cũng chẳng phải chuyên gia nhưng vì đam mê nên 20 năm nay, cứ hễ mọi người gọi đi hát là tôi lại tham gia.

Để nay, bài chòi được tôn vinh là di sản phi vật thể của nhân loại, lòng tôi rất phấn khởi. Niềm yêu thích của mình đã không phải là chuyện cá nhân mà nay cả thế giới cũng yêu mến. Hát phục vụ cho dân đã thích rồi nay còn được thế giới thích nữa thì lại càng tự hào hơn” – ông Tám chia sẻ.

“bài chòi” là tiếng gọi mộc mạc mà họ đã sống cùng nó bao năm qua. Từ lời hô, tiếng hát, cách diễn xướng và lối chơi của bộ môn này vốn dĩ xuất phát từ những người nông dân và được nuôi sống giữa chốn làng quê.

Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao TP. Hội An chia sẻ, từ rất lâu, cũng như các địa phương ở các tỉnh miền Trung, người dân Hội An đã tiếp cận qua truyền miệng, qua sinh hoạt cộng đồng nghệ thuật Bài chòi và trò chơi dân gian Bài chòi trở thành một loại trò chơi không thể thiếu vào mỗi dịp lễ tết, mỗi độ xuân về.

Trước đây trò chơi được các vị cao tuổi đứng ra dựng chòi và tổ chức cho người trong xóm, trong làng vui chơi. Thời bấy giờ, trò chơi thường chỉ hô những câu ngắn gọn được lấy từ ca dao - tục ngữ và do các nghệ nhân sáng tác hoặc ứng tác. Quy tắc chơi rất dễ, người ta dùng bộ bài tam cúc 27 cặp, đem mỗi lá bài dán vào một thẻ tre.

Bộ bài chia ra làm đôi, một nửa bỏ vào ống do người hô hiệu giữ, một nửa đem phân phối cho 9 chòi, mỗi chòi 3 lá. Về sau trò chơi được mở rộng và linh động cải tiến hơn khi người chơi có thể ngồi ở sân, trên ghế và số lượng thẻ bài không hạn chế.

Lúc vào cuộc, anh hiệu, chị hiệu rút bài trong ống ra, chưa vội hô lên, họ cùng nhau hát xướng bằng những câu ca dao, tục ngữ hay những lời ca mà chính họ tự sáng tác. Để rồi, đến khi hô ra được con cờ Bạch Tuyết, Thái Tử, Ngũ dụm, Nhì bí, Tám giây... chòi nào có lá bài thì được nhận một lá cờ nhỏ. Khi có một chòi trúng đến lá thứ 3 là xong một ván.

Cái hay của bài chòi ở chỗ, người chơi “máu” ăn thua chỉ một phần mà cốt yếu là mọi người được nghe hát. Có câu “Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để con nó khóc tới lòi rốn ra” là minh chứng cho sự say mê của người dân với bộ môn này.

Bài chòi bình dị nhưng ai đã mê thì chỉ cần nghe tiếng trống là phải đi ngay. Nó làm say lòng người bởi những triết lý cuộc sống nhưng thấm thía, nhẹ nhàng như câu ca “Biết rằng ai có mong ai/ Sao trời lại nỡ rẽ hai thế này? Có sao Hôm mà chẳng có sao Mai/ Hai đàng hai đứa, tình phai, hoa tàn (con cờ Bánh hai)”.

Hay: “Chiều chiều con quạ lợp nhà/ Con cu chẻ lạt con gà đưa tranh/ Ai làm cho bén duyên anh/ Cho mây lấy núi cho trăng thanh lấy gió ngàn (con ba gà).

Nghệ nhân Trịnh Tám nói thêm, điều khiến cho bài chòi được cả người già trẻ nhỏ yêu thích còn ở chỗ, từng lời hát bài chòi không chỉ để giải trí mà còn mang tính giáo dục rất cao về chữ hiếu, chữ trò. “Sau này bảng hổ đề danh. Nhất trò kính cẩn dâng lên mẹ hiền”, tức ý dạy con cháu thành đạt phải nhớ công lao cha mẹ.

Đang say giữa cuộc chuyện trò, một câu hát từ sân khấu tổng duyệt vọng lại khiến chúng tôi ngoái nhìn. “À ơi, ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng, quá chừng bậu ơi”, câu hát được chị hiệu ngân dài tha thiết đến nao lòng. Hoá ra, đó chính là điều tuyệt vời hơn cả của bài chòi.

Những lời răn dạy, tâm tình đi vào lòng người, lòng con trẻ, không phải bằng roi vọt hay đe nạt mà bằng lời ca chất chứa bao yêu thương. Đó cũng chính là sức sống mạnh mẽ của bài chòi cho đến tận ngày hôm nay.

Anh hiệu, chị hiệu xứ Quảng rạng rỡ trong đêm đón bằng công nhận di sản văn hoá phi vật thể bài chòi.
Anh hiệu, chị hiệu xứ Quảng rạng rỡ trong đêm đón bằng công nhận di sản văn hoá phi vật thể bài chòi.

Đến di sản của nhân loại

Ngày 7.12.2017, phiên họp lần thứ 12 Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc. Tại đây, Di sản Nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh trong Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hạnh phúc và sung sướng và những cảm xúc mà không chỉ nghệ nhân, những người làm văn hoá mà của cả những người dân miền Trung. Mọi thứ như vỡ oà, bởi, câu hát dân gian từ lời ru của mẹ, lời ca của cha nay đã được cả thế giới vinh danh.

Một cuộc hội ngộ lớn đã được tổ chức khắp các tỉnh miền Trung. Hàng trăm anh hiệu, chị hiệu gặp mặt nhau trong những đêm vinh danh. Có lẽ, đó là lần đầu tiên họ cảm nhận rõ vai trò của mình – nghệ nhân của một nghệ thuật dân gian đặc sắc.

Có những nghệ nhân đã hoạt động 20 đến 50 năm, hơn nửa đời người họ tự nguyện đóng góp lời ca tiếng hát. Bài chòi nhờ đó mà được nuôi dưỡng bằng lòng tự nguyện, tình cảm yêu thương, yêu mến của những người dân và bạn bè quốc tế. Để sau bao thăng trầm, trò chơi dân gian, câu hát dân gian nay bước lên một đài vinh danh. Niềm vui khôn tả cũng thể hiện rõ qua nét mặt rạng rỡ của ông Võ Phùng.

Bản thân là người khởi xướng sáng tạo khôi phục bài chòi sống dậy ở Hội An trên 30 năm qua. Cả một quá trình dài, ông Phùng cho rằng không hề gian nan mà đầy thú vị. Từ giảng dạy các em nhỏ, đến phát hiện nghệ nhân rồi đưa bài chòi vào du lịch, đưa bài chòi trở lại với cộng đồng.

Cho đến hôm nay, khi Bộ Văn hoá và tỉnh tổ chức buổi lễ hôm nay, đây là một nghĩa cử để đáp lại với bà con rằng những nỗ lực của mọi người đã có kết quả. “Không ai chăm sóc tốt di sản bằng chính nhân dân” – ông Phùng khẳng định.

Ông nói: “Có những điều phải làm ngay như cần có chiến lược, kinh phí để đào tạo nghệ nhân, phát hiện những hạt nhân kế tục; Tổ chức thành phong trào dân ca bài chòi trong cộng đồng thông qua những hội thi, hội diễn. Đặc biệt, khi đưa bài chòi vào du lịch vừa tạo sân chơi, trải nghiệm và chính là nhắn gửi đến du khách rằng chúng tôi có một nghệ thuật dân gian thú vị, đặc sắc như vậy”.

Đến với Hội An vào bất kỳ mùa nào trong năm, dạo bước vào một “Đêm phố cổ”, giữa không gian kiến trúc có tuổi đời trăm năm, khi ánh sáng đèn hạ xuống nhường chỗ cho những chiếc lồng đèn đặc trưng phố cổ, người dân và du khách dù nơi đâu cũng bước dần đến với sân chơi bài chòi bởi tiếng hát gọi của các anh hiệu, chị hiệu.

Cũng từ năm 2000 đến nay, thành phố Hội An đã đưa dân ca bài chòi vào trường học. Đến nay, gần một ngàn lượt học sinh được học hát để tiếp cận và dần yêu thích bộ môn bài chòi. Vậy nên, tại buổi lễ vinh danh, khi được hỏi những cô cậu học trò xứ Quảng rằng đã có em nào nghe hát Bài chòi thì các cánh tay lập tức đưa lên với đôi mắt hào hứng.

Dù các em chưa thuộc được lời, chưa hiểu hết ý nghĩa nhưng khi câu hát bài chòi còn vang lên giữa lòng phố cổ thì rồi một ngày không xa, chính nó sẽ nuôi dưỡng tâm hồn của các em và nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Đó mới chính là di sản lớn nhất mà nhân loại sẽ mãi ghi nhớ.

thùy trang
TIN LIÊN QUAN

Nếu chọn Philippe Troussier, nên học theo Nhật Bản?

TAM NGUYÊN |

Cách bóng đá Nhật Bản sử dụng huấn luyện viên Philippe Troussier có thể là cách VFF cân nhắc học hỏi…

Các nước Đông Nam Á đón Tết Nguyên đán thế nào?

Ngọc Vân |

Pháo hoa, múa lân và sắc đỏ rực rỡ tràn ngập đường phố, nhà cửa và quần áo là dấu hiệu của Tết Nguyên đán ở các nước Đông Nam Á.

Hà Nội: Ôtô gây tai nạn liên hoàn khiến 8 người bị thương

HỮU CHÁNH |

Chiếc ôtô con đâm trúng 6 xe máy trước khi đâm thẳng vào hộ lan bên đường và dừng lại. Vụ tai nạn khiến 8 người bị thương, được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Tết đi du lịch cũng được, về quê cũng được miễn là luôn hướng về gia đình

Nhóm PV |

Từ xưa tới nay, Tết vốn là dịp để gia đình sum họp sau một năm làm việc vất vả, bôn ba với những bộn bề cuộc sống. Tuy nhiên, xã hội ngày càng hiện đại, thay vì về nhà với gia đình, nhiều người trẻ lựa chọn cách đi du lịch để nghỉ ngơi sau 1 năm mệt nhoài với guồng quay công việc. Trong số Podcast ngày hôm nay, quý vị hãy cùng chúng tôi đi tìm đáp án của câu hỏi Tết nên về nhà hay đi du lịch?

Phạt 50 triệu đồng công ty in cờ nước ngoài lên pano trường đại học

HỮU CHÁNH |

In cờ nước ngoài lên pano của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) gây ra dư luận xấu, Công ty TNHH Quảng cáo Giang - xây dựng Thành An bị Công an tỉnh Bắc Ninh xử phạt 50 triệu đồng.

Những người phụ nữ vất vả mưu sinh mong kiếm đủ tiền về quê ăn Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2023, chợ đầu mối hoa quả Long Biên luôn nhộn nhịp, tấp nập. Tại đây, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ cửu vạn vất vả kéo xe chở hàng chục chuyến hàng. Họ làm đến ngày 30 với mong muốn có đủ tiền về quê ăn Tết, sum họp cùng gia đình.

Bộ Quốc phòng trả lời về tuổi đi nghĩa vụ quân sự trước khi học đại học

Vương Trần |

Bộ Quốc phòng mới đây đã có trả lời liên quan đến kiến nghị của cử tri về tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự - trước khi học đại học hoặc nghề.

Chuyện dở khóc, dở cười của những người chăm sóc thú cưng ngày Tết

PHẠM ĐÔNG - THU HIỀN |

Khi Tết đến xuân về, mọi người được quây quần bên gia đình thì những người chăm sóc thú cưng vẫn phải làm luôn chân, quanh quẩn bên những chú chó, mèo. Cũng từ đây đã xuất hiện những câu chuyện thú vị, hài hước và cảm động.