Cao Lãnh, nơi tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Di Li |

Ba tiếng xe đã vào đến Cao Lãnh. Hóa ra cái khách sạn tôi đã đặt chỉ cách bến xe có vài bước đi bộ. Cao Lãnh nhỏ nhắn, vắng vẻ, cả thành phố mới có hai cái khách sạn ba sao, mà lại của nhà nước, nội thất cố gắng làm ra vẻ hiện đại bằng cách trải thảm đỏ ở khắp mọi nơi kể cả trong phòng ngủ, thôi thì cũng ở tạm. Sểnh Hà Nội và Sài Gòn ra là rơi vào cảnh thiếu tiện nghi, nhưng cũng thoát được Hà Nội, Sài Gòn giây phút nào là được nhẹ đầu phút giây ấy.
Bởi ngoài hai cái thành phố đứng thứ 153 và 155 trong bảng xếp hạng (các thành phố đáng sống trên hành tinh) ấy ra, nơi nào trên cái dải đất vắt vẻo bờ biển Đông này cũng sẽ trở nên bình yên. Cao Lãnh yên tĩnh ở khắp mọi nơi, vào bất kể giờ nào trong ngày, và chẳng bao giờ có giờ tan tầm. Nắng cũng vậy, nắng được thiên nhiên ưu đãi tràn ngập khắp miền Tây, và bớt phần gay gắt hơn vào cuối tháng 12, khiến cho những con đường Cao Lãnh hóa thành thi vị, in như những trưa mùa thu Hà Nội, mà phải vào ngày chủ nhật. Mãi sau này về nhà rồi, thi thoảng tôi lại khắc khoải nhớ những con phố đơn sơ, an lành ấy, và nhớ nhất những con đường lồng lộng cánh đồng, nơi mà cảnh sắc thiên nhiên có thể được xếp vào top đầu thế giới.
Nhận phòng khách sạn rồi mới biết, mấy cái nơi đáng phải đi tham quan nhất ở Đồng Tháp là rừng quốc gia Tràm Chim, huyện Đồng Tháp Mười, khu du lịch Gáo Rồng, Xẻo Quýt…đều cách Cao Lãnh 40 cây số. Tin không vui tiếp theo mà cô lễ tân khách sạn cung cấp là xe buýt chạy tiếng rưỡi mới đến nơi, mà chờ xe cũng cả tiếng lận, nhìn đồng hồ thì đã 2 rưỡi rồi. Tin chán ngắt cuối cùng thản nhiên được thông báo từ đôi môi phết son xinh đẹp là mùa nước nổi hết rồi chị, sen cũng úa rồi. Tôi chỉ ở lại Cao Lãnh tới trưa mai là sẽ di chuyển đi Sa Đéc. Tính buổi chiều đi Tràm Chim, sáng sau đi Gáo Rồng, giờ tính sao?
- Em có cái xe máy thì cho chị thuê?
Bị hỏi bất ngờ, cô lễ tân lắp bắp:
- Em không có xe máy?
- Vậy chứ em đi làm bằng cái gì?
- Em đi bộ thôi, nhà em cũng gần đây.
- Thế chứ hàng ngày nhỡ em chạy đi đâu thì đi bằng gì? - Tôi tra hỏi như thể cô ta đang giấu tôi chiếc xe máy.
- Em chẳng có việc gì phải đi đâu bao giờ ạ, trưa thì em ăn ở đây rồi. Chị để em hỏi anh bảo vệ xem.
Nhưng rút cục là bảo vệ không có xe máy, nhân viên buồng bàn bar bếp đều không có xe máy. Cả trăm nhân viên khách sạn không ai sử dụng xe, thảy đều…đi bộ. Ôi Trời. Thì thành phố nhỏ xíu à, nhà họ lại gần, cách có hai con phố, mắc mớ chi phải dắt chiếc xe ra vào. Cuối cùng cũng có cô phục vụ phòng tốt bụng điện về cho đứa cháu, bảo mang xe cho tôi thuê, giá 100.000 đồng. Tôi thuê thêm bác xe ôm, vừa để chở một người, vừa để dẫn đường. Vậy là chỉ 15 phút sau cả “đoàn” đã chễm chệ trên xe khởi hành đi Tràm Chim.
Vĩnh viễn trong cuộc đời mình, tôi sẽ không bao giờ có thể quên được những bình yên, những lồng lộng đất trời trên các ngả đường ngoại ô Đồng Tháp. Và có lẽ chăng, trong những giờ phút cuối trên Trái đất này, nếu những hình ảnh đẹp đẽ còn sót lại của vỏ não dồn dập trong một thước phim không đầu không cuối thì thế nào trong ấy cũng vẫn phảng phất sắc vàng ruộm của những cánh đồng đang tỏa hương, có màu biếc xanh đến nhức mắt của bầu trời thi thoảng mới gợn một vệt mây trắng và thấp thoáng giữa những bất tận màu ấy là thảng hoặc một căn biệt thự trắng mơ màng trong nắng chiều. Tôi đã đi hết miền Tây, và thấy rằng nếu so sánh thì cảnh sắc thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười vẫn luôn giữ vị trí số 1. Và tất nhiên còn đẹp hơn nhiều những con đường Châu Âu mà tôi đã đi qua. Nhưng có lẽ cũng phải đi đúng mùa. Chuyến đi của tôi không rơi vào mùa nước nổi âu cũng là cái may. Bởi mùa nước thì đặc biệt thật nhưng khắp nơi nước sẽ ngập tràn, và những cánh đồng bao la sẽ trở thành một biển hồ mênh mông buồn tẻ, đâu còn sắc màu gì ngoài nhờ nhợ màu nước. Chẳng đâu ở đồng bằng Bắc Bộ có những cánh đồng ngút mắt như nơi này. Ấy còn là vì những cánh đồng ngoại ô nơi tôi ở người ta tiện đấy mà làm luôn nghĩa địa tự phát. Người chết xong bạ đâu chôn đấy. Thành thử đang mơ màng ngắm đồng lúa xanh ngợp lại vấp phải mấy cái mả to đùng ngay giữa đồng. Sau ba năm chôn, mả được xây đá granite bề thế tầng tầng lớp lớp những màu đỏ đen có cả nóc mái cong cong như một thành phố chết thu nhỏ. Còn ở khắp vùng Đồng Tháp Mười, có lẽ chăng vì mùa nước nổi hàng năm khiến người ta không dám chôn người chết trên đồng mà phải tập trung ở một nghĩa địa làng ở vùng đất cao ráo. Vì thế, ngút tầm mắt của một vùng đồng bằng Nam Bộ phì nhiêu, chỉ còn thấy mộng mơ và lãng mạn thay vì những bia mộ lù lù kia.
Tác giả cùng bạn bè trải nghiệm xe bò kéo ở Đồng Tháp.

Nắng dịu ngọt và hanh hao. Nắng đọng lại trên hàng rào hoa giấy của những căn biệt thự trong làng. Thẩm mỹ của người miền Tây thật đáng nể. Càng đi sâu vào những con đường dẫn ra xa dần trung tâm Cao Lãnh, càng thêm phần kinh ngạc vì sự tinh tế trong kiến trúc của người nông thôn Nam Bộ. Về nhà kể chuyện, người ở nhà bảo đúng rồi, giờ dân nhà giàu thích ra ngoại ô xây biệt thự để làm nhà nghỉ dưỡng. Mới bảo hổng phải, ấy là nhà của các nông dân trồng hoa, trồng lúa. Thế mới là đáng nói. Dọc những con đường dẫn về Tràm Chim, Gáo Rồng có tới vài trăm ngôi nhà xinh đẹp như thế. Thậm chí ngay cả khi vào làng bạn vẫn có thể nhìn thấy “biệt thự” ẩn mình giữa cánh đồng hoa. Có gì đâu, lý do là vì người làng họ xây nhà tường trắng, cửa sổ trắng rộng hết mặt tiền, bao lơn và hàng rào gỗ cũng trắng muốt với dây leo, hoa giấy vấn vít. Thế là thành biệt thự. Thiết kế có phần còn đẹp hơn nhà hồ Tây, nơi trú ngụ của các công dân hạng một đất Hà Thành. Chớ ở cái xứ mà biển đề nước mía 2.000 đồng/cốc, bia 5.000 đồng/vại thì lấy đâu ra có đại gia. Ngay dưới khu chung cư tôi ở cũng có một quần thể biệt thự của các “đại gia”, vì căn nào cũng vài chục tỉ đồng. Nhưng ngày ngày ngó qua cửa sổ mới thở dài thườn thượt. Ai mong cho nhà hàng xóm xấu đi thì mong chớ tôi không thế. Nhà láng giềng mà xấu thì tức mắt mình chớ có thốn mắt ai đâu. Vì chủ nhân ở tịt trong nhà đâu có được nhìn thấy nhà họ. Đằng này mình ngồi cửa sổ, sáng giời ra ngắm xuống thấy lổn nhổn những đền đài cung điện cổng thành trông đến khiếp. Nhà nào nhà nấy sơn vàng quạch với mấy cái gờ viền lòng tôm, cửa gỗ nặng nề nâu sẫm, sân lát gạch đỏ, thêm cái cổng sắt nhũ vàng đồ sộ uốn lượn như phim “Tử chiến trường thành”, thế là đường đường ở giữa thủ đô mà cứ như đang đi giữa ngõ làng gặp ông trọc phú. Người ngoài Bắc hễ có tiền là rất thích được làm vua chúa, nên nhiều bận về quê mà vẫn cứ gặp điện Kremlin hay mái vòm hình củ tỏi dù cả làng chẳng ai theo đạo Hồi. Chắc họ xem trên vô tuyến rồi học theo. Không thì cũng cứ phải góc mái cong vút kiểu Thiên An Môn hoặc phù điêu chạm trổ lối hoàng gia Louis. Nhiều nhà bé tí tị, vẫn không kiềm chế nổi việc chất đồ nội thất Royal made in Quảng Châu vào cho sang.

Ngay cả những gia chủ nghèo nhất vùng Cao Lãnh cũng giữ cho nếp nhà mình một cách nên thơ. Con gái tôi ngồi sau xe, bảo “Mẹ ơi, đây là nơi quay cảnh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Cả hai mẹ con đều biết trường quay của bộ phim cháy rạp ấy là ở nơi khác, nhưng đều sững sờ vì những gì tưởng chỉ là kỹ xảo điện ảnh bỗng đang trải dài trước mắt. Người đi Gáo Rồng thường chọn đường cái to mà đi, ấy là vì họ chạy xe ôtô. Tôi thuê xe máy nên len lỏi đi đường tắt xuyên qua những ngôi làng, có lẽ cũng vì vậy mà được chiêm ngắm những cảnh quan độc nhất vô nhị mà chẳng khách du lịch xe hơi máy lạnh nào có cơ hội trải qua. Những con đường làng nhỏ xíu lốm đốm nắng ấy chạy dọc theo rãnh kênh cùng với dãy nhà khiêm tốn, tùng tiệm mà gọn gàng sạch sẽ làm bằng gỗ nâu cũ kỹ. Từ những mái hiên nhỏ nhắn ẩn dưới bóng râm của hai hàng cây lưu niên có thể trông ra cánh đồng vàng ruộm chạy mãi tới chân trời. Không biết dân làng có biết giá trị của hạnh phúc ấy, khi tránh xa thị thành ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn để được ngồi trong gió vừa hít hà mùi ngây ngát của đồng nội mà ngắm đàn vịt nguây nguẩy cái đuôi bơi thành hàng thẳng tắp dưới dòng kênh. Đường làng miền Tây vắng vẻ, thảng hoặc mới lại thấy một tốp học sinh bé đạp xe đến trường, bánh xe lăn qua những rơm rạ và bình yên. Đường vào Gáo Rồng đã được trải nhựa. Từ ngã ba có bồn hoa tím dịu dàng, thinh lặng như một thị trấn Châu Âu, chạy thêm dăm cây số nữa là đến khu du lịch. Trong ấy luôn nhộn nhịp tiếng cười nói vang rộn cả dòng kênh. Những cô gái chèo xuồng mặc áo bà ba đủ màu sắc đang chậm rãi khỏa nước một cách dịu dàng. Màu áo của các cô và chiếc xuồng thanh mảnh như một vệt lá đã phết thêm sắc màu sống động cho dòng kênh xanh ngắt. Tôi thuê một chiếc xe bò để chạy vào khu vực dành riêng cho việc ngắm chim, dù chả thấy bóng con chim nào. Con bò cắm đầu cắm cổ phi trên lối mòn, bực tức vì bị gã lái bò quất liên tục lên mông, chưa kể đã è cổ kéo xe còn bị mấy anh chàng du khách dưới xuồng cười toe toét chõ lên bờ hò hét “Đi đâu mà chạy dữ ta. Quẩy lên”.
Muỗi mòng miền Tây có lẽ là cơn ác mộng nhất ở xứ này. Chúng to hầu bằng con ruồi, vù vù đuổi theo cỗ xe bò và táo tợn đậu lên bất cứ chỗ nào có thể hút máu. Những tiếng bôm bốp vang lên trước khi để lại những vệt máu dài trên ống chân trần. Gáo Rồng không đẹp bằng Tràm Chim, nhưng không khí náo nức hơn bởi khu chợ ẩm thực sầm uất. Ở đó người ta bán những món đặc sản của Cao Lãnh là bánh gói, bánh lá, bánh cắp, bánh da lợn (hầu như thứ gì cũng được phết nước cốt dừa) và đặc biệt là chuột đồng quay lu. Những con chuột được xẻ làm đôi rồi nướng vàng ruộm, thơm lừng trên bếp than. Tôi ngó mà bụng không dám thử. Tuy nhiên tối hôm trước ở Tràm Chim, tôi cũng được thưởng thức vài món địa phương là tép xào bông điên điển và lẩu mắm cá linh. Nồi lẩu sẽ kèm với một rổ bông điên điển vàng ươm. Thả hoa ấy vào nước, ta ăn thay rau. Món ăn phổ biến ở đây là chuột bắt ngoài đồng, hoa điên điển hái ngoài vườn và tráng miệng bằng các sản phẩm sen Đồng Tháp Mười: Sen sấy, sen sữa. Ngồi ăn những món kỳ lạ ấy trên cái chòi đua ra dòng nước, vừa ăn vừa đưa tay vợt những con muỗi khổng lồ trong ánh đèn vàng quạch đang cố gắng chống chọi với bóng tối bắt đầu xâm lấn lên những dòng kênh và đầm lầy, tôi thấy chẳng còn hạnh phúc nào hơn thế. Đó là thứ hạnh phúc độc nhất vô nhị khi ta lần đầu tiên trải nghiệm những gì chỉ loáng thoáng qua màn ảnh nhỏ.
Nếu xét về cảnh sắc thiên nhiên thì vườn quốc gia Tràm Chim có thể còn quyến rũ tôi nhiều lần nữa, chỉ để được ngồi trên chiếc xuồng máy chạy dọc theo những kênh rạch chằng chịt có màu xanh lục quyến rũ. Xuồng chạy vài cây số thôi, nhưng ngần ấy cảnh đẹp lộng lẫy hiện ra trước mắt khiến người lữ khách đã kiệt sức vì chặng đường dài không thôi xúc động. Những đồng cỏ năng, lác nước, đầm lầy lặng yên dưới chiều tà lộng gió. Đây là nơi sinh sống của vô số loài cò, vạc, diệc và đặc biệt là sếu đầu đỏ. Tuy nhiên chim thì cũng loáng thoáng thôi. Dân sống xung quanh rừng tràm không thể ngăn được cám dỗ đốn củi, bắt chim về làm của riêng, dù là chim sách đỏ, cây quý hiếm thì cũng đun lên thành nồi nước xáo mà cho vào bụng hết. Giờ đi cả nước chẳng còn đâu thấy rợp trời cánh trắng nữa. Lác đác bóng cò bay đã còn là may lắm vì chưa bị tuyệt chủng.
Tôi cũng sẽ nhớ mãi con đường rừng tràm tuyệt đẹp chạy dài từ huyện Tam Nông, nơi hình ảnh những người chèo đò đội nón khổng lồ được tết bằng cành cây trở thành biểu tượng ngay giữa ngã ba thị trấn. Con đường rừng bất tận len giữa hai hàng tràm khiến tôi cứ bằng lòng mà đi mãi giữa những nên thơ ấy. Ở đây chỉ có tràm và chim nên người ta đặt tên nó là Tràm Chim. Đơn giản vậy thôi. Người thị trấn có lẽ sống trong buồn tẻ của rừng chàm và lác đác cánh cò nên ngày ngày thú giải khuây duy nhất là ra càphê võng. Khắp miền vườn xứ này, phổ biến một thứ mắc cười với người dân Bắc là càphê võng. Cứ vài trăm mét là lại thấy một quán như thế trên mặt lộ. Quán không có bàn ghế mà chỉ mắc võng. Khách đến quán thường ngả lưng trên võng mà thảnh thơi lướt mạng và uống càphê, tiện thì ngủ luôn một giấc không sao.
Di Li
TIN LIÊN QUAN

Đánh thức du lịch tiềm năng ở Ninh Thuận

NHIỆT BĂNG - MAI PHƯƠNG |

Tiềm năng du lịch ở Ninh Thuận lâu nay bị chê không khác gì “nàng công chúa ngủ trong rừng” do công tác quảng bá ít được quan tâm.

Cồn Cỏ sẽ thành “thiên đường du lịch”?

NGUYỄN ĐẮC THÀNH |

Huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) cách đất liền 17 hải lý, trong thời chiến là một hòn đảo quân sự kiên cường, nay đang trở mình với tham vọng “lột xác” thành một điểm du lịch hấp dẫn. Nhưng tham vọng đó liệu có thành hiện thực khi những bước đi đầu tiên đã gặp khó khăn?

Quảng Bình: Tăng cường đào tạo nghiệp vụ để phát triển du lịch

LÊ PHI LONG |

Ngày 6.5, Trường Trung cấp nghề số 9 (trực thuộc Tổng LĐLĐ VN, đóng tại Quảng Bình) cho biết vừa phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình tổ chức khai giảng khóa đào tạo nghiệp vụ du lịch khách sạn cho các học viên đến từ các khách sạn, nhà hàng và các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Những góc quán ngắm pháo hoa đón giao thừa sang chảnh ở Hà Nội

Quỳnh Nga |

Cùng tìm hiểu những địa điểm xem pháo hoa đẹp ở Hà Nội để lên lịch cùng người thân, bạn bè đến vui chơi, chiêm ngưỡng những khoảnh khắc đón Tết Qúy Mão ấn tượng.

Muôn kiểu đón Tết của người trẻ

Thu Giang |

Bên cạnh những hoạt động truyền thống, với nhiều người trẻ Tết còn là dịp để nghỉ ngơi, gắn kết tình cảm gia đình, đi du lịch, khám phá những vùng đất mới...

Kỳ lạ ngôi làng cứ đến Tết là người dân đua nhau... ngâm mình dưới ao

Nguyễn Thúy |

Những ngày đầu năm mới, nông dân thôn Đức Long (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình) ngâm mình dưới ao để thu hoạch rau cần, cung cấp thực phẩm ngày xuân. Không khí dường như phấn khởi hơn vì rau cần được mùa, được giá.

Cuộc chiến phòng vé dịp Tết: Trấn Thành - Vũ Ngọc Đãng, ai sẽ lên ngôi?

ĐÔNG DU |

Khi tác phẩm "Siêu lừa gặp siêu lầy" đột ngột rút khỏi rạp chiếu, phim Tết Việt chỉ còn 2 tác phẩm đối đầu nhau là "Nhà bà Nữ" của Trấn Thành và "Chị chị em em 2" của Ngọc Trinh.

Cháy lớn khu ổ chuột cuối cùng ở thủ đô Hàn Quốc

Song Minh |

500 người phải sơ tán khi đám cháy lớn bùng phát tại làng Guryong, một trong những khu ổ chuột cuối cùng của thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 20.1.

Đánh thức du lịch tiềm năng ở Ninh Thuận

NHIỆT BĂNG - MAI PHƯƠNG |

Tiềm năng du lịch ở Ninh Thuận lâu nay bị chê không khác gì “nàng công chúa ngủ trong rừng” do công tác quảng bá ít được quan tâm.

Cồn Cỏ sẽ thành “thiên đường du lịch”?

NGUYỄN ĐẮC THÀNH |

Huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) cách đất liền 17 hải lý, trong thời chiến là một hòn đảo quân sự kiên cường, nay đang trở mình với tham vọng “lột xác” thành một điểm du lịch hấp dẫn. Nhưng tham vọng đó liệu có thành hiện thực khi những bước đi đầu tiên đã gặp khó khăn?

Quảng Bình: Tăng cường đào tạo nghiệp vụ để phát triển du lịch

LÊ PHI LONG |

Ngày 6.5, Trường Trung cấp nghề số 9 (trực thuộc Tổng LĐLĐ VN, đóng tại Quảng Bình) cho biết vừa phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình tổ chức khai giảng khóa đào tạo nghiệp vụ du lịch khách sạn cho các học viên đến từ các khách sạn, nhà hàng và các địa phương trên địa bàn tỉnh.