Cảnh báo ngộ độc thuốc chuột

Bs Văn Bình |

Hiện Trung tâm chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội đang điều trị cấp cứu 3 ca ngộ độc thuốc chuột thế hệ mới.

Thuốc diệt chuột thế hệ mới

Bệnh nhân nam 59 tuổi, ở Hưng Yên, nhầm tưởng gói thuốc chuột dạng bột là ngũ cốc, đã uống 6 gói. Sau uống 3 ngày, người này xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu rất nặng, đã điều trị ở tuyến tỉnh 3 ngày nhưng tình trạng rối loạn đông máu không giảm, nên được chuyển đến trung tâm ngày 13.10. Hiện bệnh nhân đang được các BS dùng thuốc giải độc.

Một ca khác là nam giới, 39 tuổi, tiền sử rối loạn tâm thần, được phát hiện sớm nên may mắn chưa biểu hiện rối loạn đông máu, vẫn tỉnh táo, chỉ nôn khan. Dùng thuốc giải độc đáp ứng điều trị tốt. Gia đình khai anh uống 4 viên thuốc diệt chuột loại giống viên kẹo màu xanh nước biển...

Cụ ông 75 tuổi mắc bệnh sa sút trí tuệ (Alzheimer) đã bị xuất huyết tiêu hóa vào tháng 4. Cuối tháng 5, ông uống nhầm thuốc diệt chuột, không rõ số lượng, đi ngoài phân đen lẫn máu đỏ tươi. BS Vũ Đình Hùng - Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, BV Đại học Y Hà Nội - cho biết, khi nhập viện bệnh nhân lơ mơ, mạch nhanh 130 lần một phút, huyết áp tụt. Xét nghiệm thấy thiếu máu rất nặng, hồng cầu còn 1.66 triệu/ml và rối loạn đông máu. Phải nhanh chóng truyền dịch, máu, rồi nội soi dạ dày, ruột kiểm tra tình trạng chảy máu.

Sau hơn một tháng dùng thuốc chống rối loạn đông máu, ngày 2.7, bệnh nhân tương đối ổn định, được xuất viện, nhưng phải uống vitamin K lâu dài và khám định kỳ để theo dõi tình trạng đông máu do tác hại của thuốc chuột.

Khoảng 10 năm về trước ở Việt Nam lưu hành rộng rãi loại thuốc chuột Trung Quốc, chứa Natri fluoroacetat - một chất độc thần kinh và tim mạch, độc tính rất cao, chỉ với một lượng rất nhỏ cũng gây ngộ độc với biểu hiện đầu tiên là co giật toàn thân và những con chuột ăn phải chất độc này chết trong bán kính 1 mét từ nơi đặt mồi.

Thuốc này sau đó bị Trung Quốc cấm vì quá độc thì ở ta lại lưu hành loại thuốc chuột sản xuất theo công thức của CHLB Đức, gây rối loạn đông máu, do những thuốc này kháng vitamin K, chuột chết vì chảy máu sau 3 ngày ăn phải.

Vitamin K được Henrik Dam - người Đan Mạch, khám phá năm 1929 - khi nghiên cứu vai trò của cholesterol. Ông cho gà ăn chế độ không có cholesterol và sau vài tuần những con gà này phát sinh chứng xuất huyết. Ông bổ sung cholesteron tinh chất vào chế độ ăn nhưng tình trạng chảy máu không giảm. Ông nghĩ rằng phải có một chất nào đó trong thực phẩm có tác dụng cho quá trình đông máu và chất này chỉ hòa tan trong cholesteron (chất béo).

Sau nhiều năm nghiên cứu ông tìm thấy một yếu tố trong hạt cây gai dầu ngăn được chảy máu và gọi là Coagulation Vitamin, theo tiếng Đức là “Koagulation” (viết tắt là K). Edward Adelbert Doisy ở Đại học (ĐH) Saint Louis, Mỹ, đã làm nhiều nghiên cứu để xác định cấu trúc hóa học của vitamin K. H. Dam và E.A.Doisy đã chia sẻ giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm 1943 vì công bố khám phá vitamin K (K1 và K2) có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, trong đó Doisy xác lập công thức hóa học, còn Dam cắt nghĩa vai trò của vitamin K với quá trình đông máu. Có nhiều loại vitamin K: Vitamin K1 (Phylloquinon) có nhiều trong các loại rau, củ, quả, thức ăn tự nhiên, với vai trò kích hoạt các yếu tố tiền đông máu (chưa có vai trò đông máu) được sản xuất ở gan thành các yếu tố đông máu.

Vitamin K2 (Menaquinon) kích hoạt các protein xương (Ossteocalcin) kéo canxi từ máu vào xương để xương cứng, chắc và kiểm soát quá trình canxi hóa. Việc tổng hợp Protein xương của cơ thể phụ thuộc và vitamin K2. Trước đây, vitamin K2 chỉ được tổng hợp bởi các vi khuẩn có lợi ở đường ruột. Hiện nay, vitamin K2 được sản xuất theo phương pháp truyền thống “Natto” với công nghệ tiên tiến ở Nhật Bản. Natto được làm từ đậu nành lên men, nguồn nguyên liệu tự nhiên giàu Vitamin K2.

Người Nhật có một thương hiệu vitamin K2 với công nghệ độc quyền và duy nhất có nguồn gốc tự nhiên. Đã tổng hợp được vitamin K3, K4, K5 và đây là những loại vitamin K có tính độc, trong khi vitamin K1, K2 nguồn gốc tự nhiên không độc. Các vitamin K còn tăng cường chức năng của tế bào nội mạc mạch máu, chống xơ mỡ động mạch, nên chống tắc nghẽn mạch, giảm thiểu nhồi máu cơ tim.

Gọi là thuốc chuột thế hệ mới chỉ là mới ở Việt Nam vì từ năm 1948 người ta đã dùng chất Warfarin (C19H16O4) để diệt chuột theo cơ chế gây chảy máu vì chất này kháng vitamin K, gây rối loạn đông máu. Có nhiều thuốc chuột nhóm kháng vitamin K, cổ điển là Warfarin, mới hơn là các Superwarfarin như Bromadiolon, Flocoumafen, Brodifacoum, Diphacinon... Các thuốc này thường bị lập lờ với cách gọi có vẻ vô hại là “thuốc diệt chuột sinh học”.

Những loại thuốc chuột này tác dụng chậm hơn nhiều so với các thuốc thế hệ cũ. Khi xâm nhập vào cơ thể 72h đầu có thể chưa biểu hiện gì, do bán hủy và thải trừ rất chậm, phải theo dõi bằng xét nghiệm đông máu hàng ngày mới biết được. Sau 3 ngày, sẽ chảy máu chân răng, mũi, da, tiêu hóa... hoặc chảy máu khi chấn thương, va đập hay khi làm các thủ thuật tác động khám chữa bệnh như tiêm, chọc, tán sỏi... chảy máu nhẹ dễ nhầm với một số bệnh lý khác, chảy máu nặng sẽ tử vong!

BV Bạch Mai từng tiếp nhận cả vợ chồng cùng bị chảy máu, xét nghiệm máu phát hiện thuốc chuột, nhưng họ khẳng định chỉ bỏ thuốc chuột ở ruộng, nghĩa là do bất cẩn có thể đã làm thuốc từ tay nhiễm vào nước uống, thức ăn hay ngấm qua da! Tác dụng độc rất lâu dài, thường nhiều tháng, có khi cả năm.

Người trúng độc sau khi được cấp cứu, dùng thuốc giải độc đã ổn định, phải duy trì uống thuốc theo đơn và khám định kỳ nhiều lần, có khi cả năm mới hết chất độc trong cơ thể. Không ít người xem thường hoặc bận rộn nên hết thuốc không khám lại để có thuốc uống đều đặn, trong khi cơ thể chưa loại bỏ hết chất độc nên chảy máu tái phát phải cấp cứu!

Thuốc chuột thế hệ mới đa dạng về hình thức, chủng loại, màu sắc, có loại như kẹo màu xanh, hồng, đỏ, trắng; có loại giống siro hay dạng bột...

Người dân mua rất đơn giản vì thế các cơ quan chức năng không dễ quản lý! Khi phát hiện người uống thuốc chuột phải đưa đến BV càng sớm càng tốt vì xử lý cấp cứu trong 6h đầu có nhiều thuận lợi.

“Bóng ma” thuốc chuột cũ lại nhô đầu!

Ngày 8.10, bé L.V.A (17 tháng tuổi, ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), nhập khoa Hồi sức cấp cứu, BV Sản Nhi Lào Cai trong tình trạng nguy kịch, dù được tận tình cứu chữa nhưng bé tử vong sau 13 giờ nhập viện.

Gia đình khai, bố của bé trộn thuốc chuột với gạo rang... do bất cẩn không dọn đi và bé nhặt lên ăn. Kiểm nghiệm thuốc chuột gia đình bé A sử dụng là Natri fluoroacetate.

Loại thuốc chuột này hoặc dạng dung dịch màu hồng, đỏ, nâu, trong suốt trong ống nhựa hoặc hạt gạo hồng trong bao nylon. Năm ngoái, 6 trẻ là anh em họ (ở xã Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Nội), trên đường đi học về, nhặt được túi nylon đựng hơn 20 ống nhựa chứa nước màu đỏ.

Tưởng là thuốc Philatop, đám trẻ chia nhau uống, rồi đau bụng, buồn nôn phải cấp cứu. Năm cháu 4-14 tuổi nhập khoa Nhi, cháu 17 tuổi nhập Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai. Cháu uống nhiều nhất hơn 1 ống, có cháu chỉ nhấp môi. BS Nguyễn Thành Nam - Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai - thông tin, có 2 cháu tăng nhẹ phản xạ gân xương (tổn thương bó tháp dẫn truyền vận động của thần kinh T.Ư), 1 cháu xuất huyết dưới da dạng chấm từ ngực trở lên. May là sau cấp cứu và điều trị các cháu ổn định nhưng vẫn phải xét nghiệm, theo dõi thần kinh, tim mạch và máu.

Kiểm nghiệm vỏ ống thuốc các cháu đã uống chứa Natri fluoroacetat. Trúng độc loại này sẽ đau rát miệng, họng, thực quản, dạ dày; nôn và nôn ra máu, đi ngoài phân lỏng hoặc lẫn máu; hơi thở chất nôn, phân có mùi cá thối. Khát nước do mất nước và điện giải; cảm giác ngực bị ép chặt; ho, khó thở, tím tái; mạch nhanh, tụt huyết áp; đau đầu, mệt mỏi, khó chịu; chóng mặt, kích thích, lo sợ, kích động; giãy giụa hoặc co cứng cơ, co giật toàn thân có thể từng cơn hoặc liên tục; có thể xuất hiện ảo giác; hôn mê.

Trúng độc thuốc chuột là cấp cứu tối cấp, phải đưa tới ngay BV gần nhất bất biết đó là thuốc cũ hay mới. Tuyệt đối không gây nôn vì nếu là thuốc chuột cũ khi nôn chất độc có thể vào đường thở làm bỏng thực quản, tăng ngộ độc. Đặc biệt, người lớn cần phải từ bỏ thói quen tùy tiện, luộm thuộm vì trẻ nhỏ ăn phải thuốc chuột hầu hết do hậu quả của thói quen này.

Bs Văn Bình
TIN LIÊN QUAN

Uống rượu ở đám giỗ, 3 thanh niên bị ngộ độc methanol

Lệ Hà |

Thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hiện Trung tâm đang điều trị cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc methanol sau khi uống rượu trong cùng một đám giỗ người thân ở Bắc Ninh.

Nhiều ca ngộ độc do nhầm thuốc diệt chuột thế hệ mới là ngũ cốc, kẹo

Lệ Hà - Mai Thanh |

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới với bệnh cảnh hoàn toàn khác so với ngộ độc thuốc diệt chuột trước đây.

Quảng Trị: Nghi bị ngộ độc sau khi ăn tiệc cưới, nhiều người nhập viện

HƯNG THƠ |

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc tìm hiểu sau khi nhiều người xuất hiện triệu chứng nghi bị ngộ độc sau khi ăn tiệc cưới.

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Uống rượu ở đám giỗ, 3 thanh niên bị ngộ độc methanol

Lệ Hà |

Thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hiện Trung tâm đang điều trị cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc methanol sau khi uống rượu trong cùng một đám giỗ người thân ở Bắc Ninh.

Nhiều ca ngộ độc do nhầm thuốc diệt chuột thế hệ mới là ngũ cốc, kẹo

Lệ Hà - Mai Thanh |

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới với bệnh cảnh hoàn toàn khác so với ngộ độc thuốc diệt chuột trước đây.

Quảng Trị: Nghi bị ngộ độc sau khi ăn tiệc cưới, nhiều người nhập viện

HƯNG THƠ |

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc tìm hiểu sau khi nhiều người xuất hiện triệu chứng nghi bị ngộ độc sau khi ăn tiệc cưới.