Càng tiến sâu vào kỷ nguyên số, người làm báo càng phải có bản lĩnh

Huy Minh (thực hiện) |

Trong dòng chảy của sự phát triển, nghề báo cũng thay đổi không ngừng. Từ một nghề cổ xưa có hàng nghìn năm tuổi, như R.Kapuscinski viết trong cuốn “Du hành cùng Herodotus”, đến nay nghề báo đã gần như lột xác hoàn toàn. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6 năm nay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền - về chủ đề trên.

Thưa PGS.TS. Nguyễn Thị Trường Giang, từ đầu thiên niên kỷ mới tới nay, đất nước ta đã chứng kiến những đổi thay không ngừng trong lĩnh vực truyền thông và nghề báo cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vậy trở thành nhà báo thời điểm hiện tại có gì giống và khác so với thế hệ nhà báo của thế kỷ XX?

- PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Nhà báo trong thời đại nào cũng phải luôn bám sát hơi thở cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân. Dù môi trường truyền thông, công nghệ và các yếu tố khác có thay đổi thì chân thực - khách quan - công bằng vẫn là những giá trị cốt lõi của báo chí.

Tuy nhiên, bước sang thế kỷ XXI, thế giới chứng kiến sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, đã đưa loài người vào kỷ nguyên số hóa cao độ, làm thay đổi căn bản tính chất tương tác giữa cá nhân và cá nhân, giữa cá nhân và xã hội; tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi quan hệ, mọi giới, mọi ngành, mọi nghề, mọi người... từ chính trị đến xã hội, văn hóa...

Bên cạnh bản lĩnh chính trị, nền tảng tri thức và năng lực nghề nghiệp sẽ giúp nhà báo đánh giá, phân tích thông tin và đưa ra lựa chọn nhanh, chuẩn xác. Trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết luật pháp sẽ giúp nhà báo có tầm nhìn nhân văn đối với con người, xã hội và không “lạc lối”. Kỹ năng tác nghiệp đa phương tiện, kỹ năng giao tiếp và khả năng ngoại ngữ... giúp nhà báo không tụt hậu, có thể hoạt động báo chí một cách chuyên nghiệp, sáng tạo và đáp ứng thời cuộc. Nói tóm lại, trong môi trường truyền thông số như hiện nay, tư duy, năng lực của nhà báo phải thay đổi, tăng lên gấp nhiều lần mới có thể bắt kịp.

Trong thời đại tràn ngập thông tin trên các mạng xã hội hiện nay, hoạt động nghề nghiệp của nhà báo có gì khác biệt và đâu là những điểm mấu chốt cần phải lưu ý, thưa chị?

- PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Trước đây, khi công nghệ chưa phát triển, hoạt động nghề báo và nhà báo vừa vất vả, vừa có cảm xúc đặc biệt. Nhà báo phải cặm cụi ngồi viết báo bằng tay, dùng mực tím, mực xanh viết trên trang giấy ngả màu... Những bài báo viết bằng tay khi gửi đi, người viết cũng cảm xúc, hồi hộp vô cùng, bởi không biết người duyệt bài, biên tập, xếp chữ có đọc được chữ mình viết không? Làm sao người tiếp nhận hiểu được con chữ trên trang giấy viết tay và tình cảm của người viết?

Thế rồi cách mạng công nghệ đến! Mạng xã hội luôn tràn ngập thông tin, khiến báo chí không thể đứng ngoài cuộc. Đây là những thách thức không nhỏ cho báo chí và người làm báo. Thực tế đó đòi hỏi báo chí và người làm báo cần đổi mới, năng cao chất lượng, thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và truyền thông. Nhất là khi máy móc làm thay nhiều phần việc con người, xuất hiện nhiều phần mềm chuyên dụng cho phép người làm báo có thể tiếp cận và tổng hợp thông tin trên toàn cầu, mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà báo; những kỹ năng lỗi thời và thiếu nhạy bén trước đây không thể đáp ứng được nữa...

Trong sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, nếu báo chí chỉ sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tiếp nhận thông tin, quảng bá hình ảnh thì chưa đủ. Các nhà báo giờ đây không còn là người phát hiện ra thông tin nữa, mà sứ mạng của họ là kiểm chứng, thẩm định, giải thích và định hướng thông tin, giúp công chúng tìm những nguồn thông tin trung thực, đáng tin cậy, góp phần xây dựng nguồn thông tin lành mạnh, ngăn chặn xu hướng thương mại hóa báo chí, làm sai tôn chỉ, mục đích, đi chệch hướng sự lãnh đạo của Đảng! Và điều quan trọng hơn là làm thế nào để mang những giá trị tốt đẹp từ bao đời nay của báo chí là công bằng, khách quan, tôn trọng sự thật vào thế giới rộng lớn của mạng xã hội, làm cho nó lành mạnh hơn, mang tính trách nhiệm hơn, thu hút được trí tuệ, khả năng sáng tạo của hàng triệu người nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Và đây cũng chính là trách nhiệm của nhà báo, cơ quan báo chí nói chung.

Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin như hiện nay, báo chí cần có định hướng như thế nào để có thể tận dụng, phát huy thông tin trên mạng xã hội nhằm phục vụ đời sống xã hội ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn?

- PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Báo chí không còn vai trò độc quyền sở hữu tin tức nữa. Nếu báo chí không là nguồn tin hữu ích và nhà báo lại tách mình ra khỏi những vấn đề thực sự quan trọng trong đời sống thì ngay lập tức công chúng sẽ tìm đến các kênh thông tin khác.

Những thông tin mà người dùng có được mỗi khi truy cập vào các mạng xã hội là vô số. Làm thế nào để chọn lựa, đánh giá, phân tích hay giải thích? Rất khó để có thể xử lý số thông tin quá tải này. Đó chính là sự khác biệt giữa báo chí và mạng xã hội. Và đó cũng chính là lý do để báo chí và những giá trị của báo chí luôn tồn tại.

Nhiều công chúng vẫn tìm đến những thông tin từ báo chí và tin tưởng vào báo chí. Đơn giản đó vì họ cảm thấy báo chí vẫn còn đáp ứng những nhu cầu của mình. Trách nhiệm của báo chí không chỉ là có mặt đúng lúc và đưa ra những thông tin chính xác một cách kịp thời. Báo chí giúp công chúng chọn lựa, phân loại đúng đắn nhất những thông tin phục vụ cho cuộc sống từ những nguồn tin riêng biệt, giúp họ trở thành những công dân tốt, có trách nhiệm.

Vì vậy, nếu báo chí xa rời những nguyên tắc căn bản của mình, cũng là lúc báo chí lùi lại phía sau, rời xa sứ mệnh, nhường chỗ cho mạng xã hội phát triển và rất có thể không còn con đường quay lại.

PGS. TS Tô Huy Rứa từng nói với các nhà báo trẻ, cần phải tự biến mình thành các nhà tư tưởng để không ai có thể lung lạc được. Theo chị, tư tưởng có vai trò gì đối với các nhà báo trong thời đại hiện nay? 

- PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: 95 năm ra đời và phát triển của báo chí cách mạng đã góp phần to lớn cho cách mạng Việt Nam và đến nay, báo chí vẫn là vũ khí sắc bén truyền bá tư tưởng tiến bộ. Qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, trên mặt trận văn hóa trong đó có báo chí là phương tiện hàng đầu trong tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, kết nối xã hội, tạo ra hiệu ứng tốt. Báo chí phải tập trung tuyên truyền chính xác, nhanh chóng, khách quan, trung thực đến nhân dân những vấn đề thời sự, đảm bảo đúng chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tất nhiên, trong làng báo, không phải ai cũng có tư tưởng, bản lĩnh giống nhau - nhất là những nhà báo trẻ, mới vào nghề. Bởi vậy, để hành nghề tốt, ngoài việc rèn luyện “bút sắc” (chuyên môn) giỏi, các nhà báo phải rèn luyện “mắt sáng” (tầm nhìn, bản lĩnh), “lòng trong” (đạo đức nghề nghiệp), tư tưởng vững vàng, kiên định. Cần xác định: Người làm báo cách mạng trước hết là người hoạt động cách mạng bằng phương tiện báo chí; thông qua hoạt động báo chí để tuyên truyền, cổ động, tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng! Do đó, cán bộ, phóng viên phải thực sự giác ngộ, “phải tự biến mình thành các nhà tư tưởng để không ai có thể lung lạc được”.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần và điều này có làm thay đổi những chuẩn mực thành công của nghề báo hay không, thưa chị?

- PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Trong hoàn cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 với các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao, sự xuất hiện của nhiều phương tiện truyền thông hiện đại và đa dạng, tạo ra sự bùng nổ thông tin, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực báo chí truyền thông. Ứng dụng công nghệ trong hoạt động báo chí truyền thông là xu hướng tất yếu. Những tiến bộ vượt bậc về công nghệ của thời đại đã làm cho hoạt động báo chí truyền thông có thêm lợi thế trong việc đáp ứng nhu cầu phức tạp, đa dạng của công chúng. Sự phát triển của công nghệ đem đến sự thay đổi nhanh chóng của các cơ quan báo chí, đem lại cơ hội chưa từng có, giúp mở rộng khả năng sáng tạo của cá nhân nhà báo.

Dù vậy, nó không thể làm thay đổi những chuẩn mực thành công của nghề báo và báo chí cách mạng. Trong cuộc chạy đua thông tin, báo chí muốn tồn tại, phát triển và thành công thì không còn con đường nào khác là phải có được niềm tin của công chúng, bám sát vào mục đích tồn tại của nền báo chí; xác định rõ vị trí, vai trò và sứ mệnh của mình trong xã hội. Càng tiến sâu vào kỷ nguyên số, người làm báo càng phải có bản lĩnh, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và năng lực nghề nghiệp để ứng phó với mọi hoàn cảnh.

Đối với nhà báo, nói sự thật và nói lời công bằng, điều gì quan trọng hơn?

- PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Để trả lời câu hỏi này, ta cần hiểu thế nào là “sự thật”, thế nào là “công bằng”. Nôm na, “sự thật” là điều có thật, có thể minh chứng được. “Công bằng” là khái niệm thường được các nhà kinh tế dùng với hình thức phân phối, nghĩa là mọi người có quyền và lợi ích ngang nhau trong cùng một hoàn cảnh.

Như vậy, “sự thật” và “công bằng” thuộc hai phạm trù khác nhau thì rất khó để nói cái gì là quan trọng hơn (?!) Nhưng đối với nhà báo, “nói sự thật” là vô cùng quan trọng. Luật Báo chí cũng quy định về nhiệm vụ của nhà báo và báo chí: “Thông tin trung thực tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân”. Như vậy, nhà báo phải có trách nhiệm duy trì sự tin cậy của công chúng qua việc truyền đạt lại các sự kiện, vấn đề, câu chuyện đúng sự thật, nghĩa là báo chí phải phản ánh cuộc sống trung thực.

Uy tín, thương hiện của nhà báo, cơ quan báo chí và nền báo chí phụ thuộc vào tính xác thực của tin tức đưa đến cho công chúng. Tính chính xác, tính trung thực đóng vai trò trọng yếu cho công việc đưa tin. Mục đích quan trọng nhất của nhà báo chính là nội dung thông tin chính xác, trung thực, hấp dẫn; vũ khí để nhà báo vượt mọi vật cản chính là đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân. Báo chí sẽ giữ được bạn đọc khi họ có niềm tin, khi họ thấy câu trả lời trong mỗi tác phẩm báo chí. Một người cầm tờ báo để đọc, hay nghe đài, xem truyền hình... mà không còn tin vào các sự kiện, số liệu thì tiêu chuẩn sơ đẳng của nghề báo coi như chưa đạt! Như vậy, đối với công chúng, nhà báo phải cam kết không được lừa dối, đối với xã hội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vậy, đối với nhà báo, “nói sự thật” quan trọng biết nhường nào!

Nếu Tổ quốc là một con tàu thì nhà báo nên đứng ở vị trí nào, thưa chị?

- PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Báo chí cách mạng Việt Nam là một nền báo chí kiểu mới, do Đảng Cộng sản tổ chức, lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng chính trị tư tưởng. Đó là nền báo chí của nhân dân, vì lợi ích cao cả của nhân dân mà hoạt động và chịu sự giám sát của nhân dân. Lý tưởng, mục tiêu, tôn chỉ cao nhất của báo chí cách mạng Việt Nam là góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân; xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ mục tiêu, tôn chỉ đó, báo chí cách mạng Việt Nam có khuynh hướng dứt khoát, có lập trường chính trị kiên định, tính chiến đấu cao, đi tiên phong trong mọi phong trào từ khi ra đời đến nay. “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không có phong trào gọi là chính trị” (Lênin) (*). Với tầm quan trọng đó của báo chí cách mạng, nên dù ở hoàn cảnh nào, thời đại nào, nếu Tổ quốc là một con tàu thì nhà báo phải là “chiến sĩ”, đứng ở vị trí đầu tàu để kéo theo cả đoàn tàu đi đúng hướng, theo lộ trình mà Đảng đã vạch đường!

Xin trân trọng cảm ơn PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang!

(*) Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh bàn về báo chí, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 366.

Huy Minh (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.