Cảng cá Mắt Rồng và nghề biển ở Lập Lễ

Bút ký của Trần Quang Quý |

Xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, ngày nắng nóng. Đây là xã có cảng cá Mắt Rồng và có số dân cư làm nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản lớn ở Hải Phòng. Chủ tịch xã Đinh Văn Ba cho biết, Lập Lễ đông dân, với 18.300 dân/ 3.900 hộ, diện tích tự nhiên 11.000km2. Nghề chủ yếu vẫn là nông nghiệp, trong đó khoảng 40% là ngư dân, sinh sống bằng việc khai thác và nuôi trồng thủy - hải sản.

Gió biển phần phật vẫn không đủ làm mát ngày nóng. Cảng cá nằm trên dòng sông Ruột Lợn, con sông nối từ sông Cấm với sông Bạch Đằng, đây được coi là cảng cá lớn nhất khu vực phía Bắc. Rất tiếc, thời điểm này tàu cá, đặc biệt là tàu chụp cá mực ra khơi hết, trên cảng chỉ còn một số tàu dịch vụ nghề cá, tức là tàu cung cấp đá lạnh, dầu máy, lương thực, các phương thiện hậu cần cho tàu cá “cắm biển” trong mỗi đợt ra khơi khoảng 20 ngày, vào thời điểm ít ánh trăng, từ ngày 20 tháng trước đến mùng 10 âm lịch tháng sau. Tàu dịch vụ cũng thu mua cá trực tiếp để bán lại cho các công ty lớn làm cá xuất khẩu nên cá ở cảng Mắt Rồng thường tươi ngon, do nhanh vận chuyển vào bờ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Văn Nhang - dân chính cống Lập Lễ - mách nước, trong lúc này nên gặp một chủ doanh nghiệp đóng tàu cá lớn nhất, có truyền thống đóng tàu nhiều chục năm ở cảng, hiểu tình hình tàu đánh bắt hải sản và làm nghề biển. Nhang làm xe ôm cho tôi tới gặp chủ xưởng đóng tàu. Anh bảo, Thủy Nguyên là huyện có nguồn thu ngân sách lớn nhất các huyện của Hải Phòng, có thể sánh với các quận trong thành phố. Huyện có nhiều doanh nghiệp nước ngoài của Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... vào đầu tư làm ăn, mở sân golf. Hải Phòng có dự án dời trung tâm thành phố về Thủy Nguyên, xây dựng đô thị hành chính mới. Cảng Mắt Rồng cũng có số tàu đánh bắt xa bờ, vươn khơi lớn nhất ở miền Bắc.

***

Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) đóng tàu là ông Đinh Khắc Nhân. Xưởng của ông bên bờ cảng cá có diện tích trên 6.000m2. 75 tuổi, ông theo nghề đóng tàu biển của bố từ nhỏ. Một người thợ gương mặt nhàu sương gió, đặc điểm ngoại hình của dân biển nhiều bão gió, nắng mưa trát vào gương mặt. Trước đây, ông đi đóng tàu cho các HTX khác từ năm 16 tuổi. Mãi sau, ông về tổ đội đóng tàu tại quê Lập Lễ. Năm 1996, ông thành lập HTX đóng mới và sửa chữa tàu thuyền như hiện nay. Xưa chỉ đóng tàu thuyền nhỏ. Năm 1996, HTX của ông đóng 8 tàu vươn khơi đầu tiên của Hải Phòng. Xưởng có 100 công nhân và đến nay, ông đã đóng 500 tàu vươn khơi đánh bắt xa bờ. Riêng 3 năm, từ 2017 - 2020 bội thu, đóng 300 chiếc. Vì vậy, ông là người nắm tình hình đánh bắt hải sản khá kỹ, kể cả mùa vụ thắng lớn hay thất bát.

Thắng và thua nghề biển là chuyện thường, đó là đặc thù nghề đánh bắt tự nhiên, có khi bội thu ba năm liền, có khi thất bát vài năm liền. Những năm được mùa, đời sống của ngư dân sum suê lắm. Nhà cửa, nội thất, đồ dùng... lên phơi phới. Dân gặp nhau hỉ hả, trông là biết liền. Bây giờ tình hình đánh bắt càng khó khăn do nguồn cá ngày càng cạn kiệt, ngư trường đông đúc tàu thuyền rà quét, không ổn định nên mùa vụ lại càng bấp bênh hơn.

Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực, làm ăn phải vào nền nếp, quy củ giữa khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, do đó, có những khó khăn trong chuyển đổi. Mấy năm nay thua lỗ, do đầu tư tàu đánh bắt xa bờ lớn, trang thiết bị ngư cụ đắt và thời gian thay thế nhanh nhưng khai thác được ít. Vịnh Bắc Bộ nhỏ bé, nếu không quy hoạch, hướng phát triển lâu dài, bền vững thì biển nhanh cạn kiệt. Từ năm ngoái, ông Nhân không đóng tàu vươn khơi nữa vì nhà nước không đầu tư, ngân hàng không cho vay tiền, bởi dân “cho xuống biển đồng nào là mất đồng ấy”, không trả nợ được cho ngân hàng. Vì thế, xưởng tàu của ông giờ “nhàn cư”, chỉ còn lại việc sửa chữa.

Ông Nhân ngậm ngùi, nuối tiếc những năm tháng “vàng son” của nghề đóng tàu, được nhà nước đầu tư. Thời ấy, Trung ương, Bộ Thủy sản (cũ), ngân hàng và cá nhân Chủ tịch Nước Trương Tấn sang, khi còn là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đã về thăm HTX năm 2005. Nhiều cán bộ lãnh đạo ở Trung ương cũng đã về thăm cảng cá và HTX của ông Nhân. Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc chính là người đại diện nhà nước cho dự án xây dựng cảng Mắt Rồng từ bãi sú vẹt hoang, trị giá 64 tỉ đồng vào năm 2001-2002. Ông Nhân đã được Bộ Công nghiệp (cũ) công nhận danh hiệu “Nghệ nhân đóng tàu” và sau được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen năm 2016. Hỏi về hiệu quả làm ăn, ông bảo doanh thu những năm nghề đóng tàu đang “ăn nên làm ra” thì ổn định, bình quân thu 100 tỉ đồng/năm. Mỗi con tàu đánh bắt xa bờ loại vừa, trung bình giá thành 10 tỉ đồng, loại to 22-23 tỉ đồng. Với các tàu cá, khi được mùa, mỗi đợt ra khơi hàng tháng có thể thu về 2 tỉ đồng/ tàu.

Ngoài HTX đóng tàu của ông Nhân, còn có ba nhà máy đá đông lạnh, một xưởng xăng dầu ở cảng. Ngư cụ, đặc biệt là lưới “chụp mực”, bóng đèn... đều nhập của Trung Quốc, kể cả công nghệ “chụp mực”. Thời gian chụp mực theo tháng là khoảng 20 ngày, vào thời gian trời tối. Vì thế, bến cảng thời điểm này rất vắng vẻ khi hàng trăm tàu đánh bắt đang ở khơi xa. Hai con trai đầu của ông, Đinh Khắc Thanh, Đinh Khắc Phong làm cùng ông ở xưởng, do ông làm “tổng chỉ huy”; Đinh Khắc Phong thì chuyên làm ca-bin, nội thất tàu. Con gái Đinh Thị Thuận, tuổi 44, lập xưởng đông lạnh riêng, chứa cá mực đông lạnh xuất khẩu đi Nhật Bản, Trung Quốc. Con trai út Đinh Khắc Lạc định cư ở Pháp. Nghe thế, tôi và Nhang đều cười “cậu ấy tên Lạc có khác, trong khi gia đình gắn với nghề biển sóng gió thì cậu ta hưởng lạc ở tận Ba Lê, Thủ đô ánh sáng!”.

Ông Nhân cho rằng, cảng cá Mắt Rồng có 450 tàu đánh bắt xa bờ/ 680 tàu các loại. Ông ví von rất ấn tượng: “Mỗi con tàu khơi xa là một cột mốc trên biển”, họ giúp đỡ tương trợ giữa các tổ ra khơi với nhau và báo cáo tình hình ngoài khơi cho các lực lượng Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển... mỗi khi có tàu cá hoặc các tàu khác của Trung Quốc và nước ngoài xâm nhập vào vùng biển đặc quyền kinh tế của ta.

Bây giờ chỉ các hộ, các liên doanh nuôi trồng thủy - hải sản là làm ăn khá hơn. Các nhà bè nuôi cá lồng, nuôi ngao ở Cát Bà, đảo Cô Tô hầu hết là dân Lập Lễ. HTX của ông Nhân, cũng vì tình hình đánh bắt giảm sút mà hai năm nay phải phải chuyển sang sửa chữa “khoan nhặt” là chính. Ông quyết định chuyển đổi bằng cách xây 2 sân tennis, 2 bể bơi trong khuôn viên HTX, dự tính thu hoạch bằng dịch vụ thể thao.

***

Cuối chiều tôi mới gặp được Vũ Văn Cự - Liên Tập đoàn trưởng Liên Tập đoàn khai thác cá biển Lập Lễ. Anh đợi tôi ở Ủy ban Nhân dân xã đã lâu nhưng chúng tôi bận việc ở ngoài cảng cá nên anh Cự đã về nhà. Nhờ lãnh đạo xã “vận động”, Cự mới quay lại ủy ban vào lúc hoàng hôn.

Vũ Văn Cự sinh năm 1961. Từ học phổ thông cấp 2, anh đã là dân đi biển trong mỗi kỳ nghỉ hè. Sau tham gia quân đội từ tháng 4.1981 - 4.1985, Cự lại bắt đầu làm ngư phủ biển khơi và những thăng trầm nếm trải của nghề. Tóm lược câu chuyện về đời, về cảng cá, nghề cá Lập lễ của Vũ Văn Cự thế này: Năm 1985, làm Phó Công an xã đến tháng 10.1988 thì rút khỏi Đảng ủy xã để tiếp tục làm nghề biển. Vì sao rút, đó là câu chuyện riêng tư, cũng rất lãng tử của ngư phủ Cự ở hồi sau.

Anh nhận chức Liên Tập đoàn trưởng hiện nay, nghe cái tên chức danh rất hách, sau vài năm rút chân Phó Công an để ra khơi. Năm 1991, xã lại vận động anh về làm công an nhưng anh từ chối và năm 1992 chính thức tham gia Liên Tập đoàn, chuyên tư vấn giúp bà con về thủ tục hành chính hành nghề biển như làm giấy tờ đăng kiểm tàu biển, tuyên truyền phổ biến các chính sách, pháp luật về biển, về thủy sản, vận động tương trợ giúp đỡ nhau trong nghề...

Theo Cự, nghề khai thác và nuôi trồng thủy - hải sản của Lập Lễ trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thăng trầm. Vài thập kỷ trước, nhất là trước chiến tranh chống Mỹ, Lập Lễ chỉ có thuyền chèo và thuyền buồm. Năm 1988 - 1989 có 7 thuyền máy nhỏ đầu tiên, làm nhiệm vụ thu gom hải sản về bán cho công ty. Sau mở cửa trở lại với Trung Quốc, Lập Lễ mới có bước phát triển mới. Khi có chủ trương vượt khơi, từ năm 1996, Sở Thủy sản Hải Phòng, Bộ Thủy sản đã xem xét và quyết định đầu tư đóng 8 tàu vươn xa đầu tiên, công suất máy 105 mã lực (chính là xưởng của ông Nhân thực hiện), với công nghệ “lưới chụp mực kết hợp ánh sáng” từ Trung Quốc.

Giai đoạn phát triển nhất của nghề này là năm 2000 - 2002, có hơn 200 tàu vươn khơi “chụp mực”, công suất máy từ 40-200 mã lực, chủ yếu là máy “bãi” của Nhật, Nga, Trung Quốc "mông má" lại. Nếu tính tàu từ máy 6 mã lực trở lên, cảng cá Mắt Rồng là nơi neo đậu của hơn 800 tàu cá (con số này lớn hơn ông Nhân nói).

Vũ Văn Cự cho rằng, nghề đánh bắt cá biển mùa vụ thất thường nên hiện nay ngư dân chuyển sang nuôi trồng nhiều. Gần đây nhất, năm 2012 - 2013 lại mất mùa nặng, kể cả nuôi trồng và khai thác tự nhiên. Tiền đổ xuống biển đến hơn 200 tỉ đồng. Xót xa lắm chứ! Gương mặt lãng tử nhuốm gió sương của Cự ngẩn ra, thở dài. Mặc dù vậy, những hộ có khả năng kinh tế lại đóng tàu to hơn, hiện đại hơn, vươn khơi xa hơn; nhiều tàu có công suất lớn từ 400-500 mã lực. Ba năm từ 2015 đến năm 2017 là các năm hoàng kim, sản lượng cá thu về từ 40.000-45.000 tấn của các phương tiện lưới kéo, lưới chụp mực, cá lồng. Riêng tàu làm nghề chụp mực thu về hơn 100 tỉ đồng trong vòng 20 ngày một tháng. Nhưng nếu mất mùa thì tàu to, hiện đại thua thảm vì chi phí thường xuyên lớn, chi phí hao mòn như bóng đèn tàu chụp mực 2 năm lại phải thay, lại phải nhập từ Trung Quốc.

Rõ ràng biển là nguồn tài nguyên hải sản lớn nhưng nếu không có quy hoạch, bảo vệ và có lộ trình rõ ràng, xác định vùng nào khai thác, khai thác bao lâu, vùng nào cần cấm loại lưới vét tận diệt, đặc biệt là vùng gần bờ thì sẽ thành vùng biển chết. Thủy - hải sản vào mùa sinh sản thường vào gần bờ, cửa sông, nếu không có kế hoạch, vùng bảo vệ, cấm tận vét thì còn đâu hải sản sinh nở và phát triển nữa mà đánh bắt, mất mùa dài dài là chuyện đương nhiên. Ấy là chưa kể việc ô nhiễm môi trường nước do chất xả thải, rác công nghiệp độc hại vào các nguồn sông... làm chết hàng loạt nhiều đầm ngao, tôm cá các tỉnh ven biển từ bắc vào nam, gây thiệt hại lớn cho người nuôi trồng trong những năm qua là minh chứng rõ ràng. Khi chỉ còn trông chờ vào “ăn may” khai thác tự nhiên vùng biển xa, lúc được lúc thua, vô cùng bấp bênh. Nếu vươn khơi ra khỏi vùng biển của ta, “lạc” vào vùng biển của quốc gia khác không những bị các quốc gia đó xử lý vi phạm mà còn bị EC (Ủy ban Châu Âu) phạt thẻ vàng, có đánh bắt được cũng không xuất khẩu được vào EU (Châu Âu), bán loanh quanh nội quốc thì ăn gì? Đó là những vấn đề mang tầm vĩ mô, chiến lược đối với cả 28 tỉnh, thành có biển trong cả nước.

***

Vì vậy, nhằm đáp ứng sự phát triển ngành Thủy sản trong thời kỳ hội nhập, Luật Thủy sản 2017 (sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản 2003) được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 11.2017 và đã chính thức ban hành. So với năm 2003, Luật Thủy sản 2017 có những thay đổi đáng kể. Người ta cho rằng, đây là “bước ngoặt” của ngành thủy sản.

Tôi bảo Cự, tôi đã đọc những trả lời báo chí của người đại diện của Tổng cục Thủy sản, những cái mới ấy là: “Thứ nhất, luật đã tạo khung pháp lý điều chỉnh toàn diện các hoạt động trong lĩnh vực thủy sản để chuyển nghề cá của Việt Nam từ nghề cá nhân dân dân sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững. Thứ hai, tạo khung pháp lý để nghề cá Việt Nam dần đáp ứng yêu cầu quốc tế, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, đồng thời vận dụng quy định của các điều ước, tập quán quốc tế và luật pháp nước ngoài phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, thực tiễn của hoạt động thủy sản trong nước và xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của ngành thủy sản Việt Nam. Thứ ba, tạo khung pháp lý để thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động thủy sản; phân cấp tối đa cho địa phương thực hiện cấp phép, chứng nhận trong hoạt động thủy sản”. Nhà nước thực hiện chia sẻ, giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khuyến khích người dân, hội, hiệp hội... tham gia cùng với chính quyền cơ sở quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Nhiều quy định khác về quản lý giống thủy sản, thức ăn và xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo hướng quản lý hệ thống, kiểm soát đầu vào từ điều kiện cơ sở và chứng nhận đủ điều kiện trước khi hoạt động. Nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè hoặc thủy sản nuôi chủ lực phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh... Việc nuôi trồng thủy sản trên biển phải được cấp phép và được thẩm quyền giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.

Luật cũng quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác đối với một số loài cá di cư xa và loài thủy sản có tập tính kết đàn. Đây là bước tiến mới so với Luật Thủy sản năm 2003 để nhằm phù hợp với pháp luật quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản... Thông qua quản lý theo hạn ngạch để kiểm soát cường lực khai thác, quản lý phát triển khai thác bền vững.

Vì vậy, các nội dung có liên quan đến khuyến nghị của EC về IUU (tức Luật chống đánh bắt, khai thác hải sản không hợp pháp, không khai báo và không theo quy định được EC ban hành tại quy định 1005/20081 có hiệu lực từ ngày 1.10.2010) cũng được ta thể hiện trong quy định về khai thác hải sản. Vì thế, trước thời điểm ngày 1.4.2020, các địa phương “gác chân lên cổ” cho kịp lắp thiết bị giám sát hành trình (TB GSHT) cho tàu cá đợt cuối. Bởi theo Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2019) và Nghị 26 năm 2019 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 25.4.2019), tàu cá có chiều dài 24 mét trở lên phải lắp đặt TB GSHT trước ngày 1.7.2019; tàu cá làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài 15 mét đến 24 mét phải lắp đặt TB GSHT trước ngày 1.1.2019; tàu cá có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét phải lắp đặt TB GSHT trước ngày 1.4.2020. Chúng ta không muốn mất thị trường 500 triệu dân Châu Âu, với nhiều quốc gia vào loại giàu nhất thế giới, chỉ vì bị phạt thẻ vàng.

Còn ở Lập Lễ, việc lắp đặt TB GSHT thì sao? Cự cười cười và bảo, thực ra số liệu này do Chi cục Thủy sản mới nắm rõ, vì họ trực tiếp giao cho các tàu. Nhưng tôi biết, có những thói quen và khó khăn nhất định, kể cả nhiều địa phương ngoài Hải Phòng trong tiến độ lắp đặt TB GSHT. Nhưng về cơ bản, việc lắp ở Lập Lễ đã “gần xong”, trên tổng số 250 tàu vươn khơi.

***

Trong bữa cơm tối “thân mật”, có một số nhà văn, cán bộ xã và đội Hát đúm tham dự, tôi ngồi gần Cự. Anh bảo, Bác Hồ từng nói: “Rừng là vàng, biển là bạc”, nhưng hủy hoại môi trường, khai thác bừa bãi thì “biển bạc như vôi”.

Anh bảo tàu đánh bắt xa bờ neo ở cảng Mắt Rồng chỉ còn 250 tàu. Còn diện tích nuôi trồng của ngư dân Lập Lễ “cắm trại” ở Cát Bà và Cô Tô khoảng 400ha cả ở nước mặn, nước ngọt. Lập Lễ có 7 tổ đội đoàn kết, mỗi tổ khoảng 5-6 tàu. Đây là các tổ tương trợ, giúp đỡ nhau trong hoạt động khai thác.

Phòng Cự treo rất nhiều bằng khen, giấy khen, cờ thi đua... của Chính phủ và Bộ Thủy sản xưa. Việc công như thế là oách rồi, còn việc tư thì sao? Tôi gợi ý. Cự cười mỉm vẻ kín đáo, sau khi nhấp liền hai chén rượu “nút lá chuối”. Và sau khi nghe đôi vợ chồng nghệ nhân Hát đúm hát giao duyên, anh bảo: “Anh biết vì sao tôi rút khỏi các chức sắc ở xã và chỉ làm hiệp hội không?”. Tôi im lặng nhìn Cự.

Cự cởi mở hẳn. Anh bảo, năm 1991, anh từ chối tham gia công an xã khi được mời trở lại vì chót “cơi nới” thêm mụn gái. Ùa, Cự thế mà tay chơi. Chơi được ở chỗ ngay khi cháu gái “cơi nới” vừa hai tuổi, ông đã đón con từ Cát Bà về Lập Lễ trình diện bà xã và ông bà nội của nó. Có xảy ra bão táp “Sư tử Hà Đông” không? Cự cười cười, rất tự hào là đằng khác, bảo rằng lúc đầu cũng khó khăn rắc rối, đấy là chuyện đương nhiên của phụ nữ mà... Nhưng anh nói với vợ: “Anh nhận hết, lỗi là ở anh nhưng đứa trẻ không có tội gì. Các cụ bảo “thêm con thêm của”, với lại cái số anh nó thế rồi, em làm ầm ĩ lên thì xấu chàng hổ ai?”. Vợ có mặt nặng mày nhẹ nhưng rồi cũng phải nguôi dần. Tôi hỏi, cơ duyên nào mà anh gặp bà ở tận Cát Bà? Cự bảo là do đi đánh cá, tàu neo đậu ở Cát Bà và cứ chiều chiều lại gặp “nàng” ra bến, thế là “dính”.

Tất nhiên, chi bộ đưa ra kiểm điểm, hỏi về mối quan hệ này là thế nào, vi phạm luật hôn nhân ra sao. Cự thừa nhận có mối quan hệ ấy và bảo, lúc ấy ta đang kêu gọi sự quan tâm với những chị em do hoàn cảnh chiến tranh, hoàn cảnh lao động và môi trường lao động, đã lỡ thì quá lứa, chịu nhiều thiệt thòi cần quan tâm giúp đỡ... thế là tôi “giúp đỡ”. Các anh trong chi bộ cứ ngớ ra và lắc đầu “chịu bố này rồi!”. Vì vậy, Cự làm ở cơ quan nghề cá giúp ngư dân thôi.

Thế đời sống gia đình sau đó thế nào? Cự hào hứng, gia đình tôi bây giờ rất “hòa bình” anh ạ, ông bà nội đã nhận cháu. Con gái tôi sau này về lấy chồng tại quê Lập Lễ và hai vợ chồng cháu ra Cát Bà định cư, làm ăn. Còn hai cậu con trai, cậu cả làm ở Kiểm ngư Hải Phòng, cậu thứ là Cảnh sát cơ động. Vợ tôi hiện vẫn làm Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp...

Tôi bảo Cự, mọi khó khăn đều có thể giải quyết được miễn là mình thật lòng và có phương pháp tốt. Giống như nghề cá ở Lập Lễ, tôi muốn chúc và muốn thấy hình ảnh những con tàu khoang đầy hải sản vào ra trên bến cảng Mắt Rồng, đời sống ngư dân thịnh vượng sau những lộ trình vừa biết cách khai thác nhưng cũng vừa biết cách bảo vệ và “nuôi biển” để biển sinh sôi, giàu có nguồn thu.

Cự bảo: “Tôi luôn muốn nói câu này với mọi người: Biển cả mênh mông nhưng không phải vô tận. Biển là mẹ hiền nhưng không là tất cả”. Tất nhiên rồi, chúng ta phải biết cách dựa vào biển để cùng chung sống, như con người phải hài hòa với thiên nhiên vĩ đại.

Bút ký của Trần Quang Quý
TIN LIÊN QUAN

Nghiệp đoàn Nghề cá góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo

Lệ Thu |

Ngày 9.6, CĐ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp với LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức buổi làm việc để nắm bắt tình hình hoạt động của Nghiệp đoàn Nghề cá (NĐNC) tỉnh trong thời gian qua, định hướng mô hình, phương thức hoạt động NĐNC trong thời gian tới.

Liên đoàn Lao động Quảng Ngãi đã thăm 8 đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá

Kiều Vũ |

Trong tháng 4, Liên đoàn Lao động Quảng Ngãi đã thăm, tặng quà động viên 8 đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), đồng thời thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn với các y, bác sĩ Cơ sở 2 Trung tâm y tế huyện Bình Sơn (khu cách ly tập trung của tỉnh).

LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh làm việc với Nghiệp đoàn nghề cá

MAI ANH - T. TUẤN |

Ngày 4.2, Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi làm việc với Nghiệp đoàn nghề cá xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) và Nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà).

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Nghiệp đoàn Nghề cá góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo

Lệ Thu |

Ngày 9.6, CĐ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp với LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức buổi làm việc để nắm bắt tình hình hoạt động của Nghiệp đoàn Nghề cá (NĐNC) tỉnh trong thời gian qua, định hướng mô hình, phương thức hoạt động NĐNC trong thời gian tới.

Liên đoàn Lao động Quảng Ngãi đã thăm 8 đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá

Kiều Vũ |

Trong tháng 4, Liên đoàn Lao động Quảng Ngãi đã thăm, tặng quà động viên 8 đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), đồng thời thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn với các y, bác sĩ Cơ sở 2 Trung tâm y tế huyện Bình Sơn (khu cách ly tập trung của tỉnh).

LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh làm việc với Nghiệp đoàn nghề cá

MAI ANH - T. TUẤN |

Ngày 4.2, Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi làm việc với Nghiệp đoàn nghề cá xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) và Nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà).