Các tập đoàn kinh tế ứng phó như thế nào với làn sóng COVID-19

Đặng Tiến - Cẩm Văn - Thuận Thiên |

Tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe người lao động nhưng vẫn phải duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên, các biện pháp ứng phó với làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai đang được các tập đoàn và doanh nghiệp sản xuất lớn trong nước khởi động trở lại. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu kép: Vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phục hồi sản xuất kinh doanh.

Dệt may sản xuất những mặt hàng chưa từng làm

Trong 6 tháng đầu năm nay, tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh của hầu hết đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đều sụt giảm, dẫn đến kết quả quý II/2020 không mấy khả quan. Tính riêng quý II/2020, doanh thu thuần của tập đoàn chỉ đạt hơn 3.082 tỉ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ trong khi giá vốn hàng bán chiếm tới 91% trong doanh thu thuần nên lãi gộp cũng chỉ đạt 280 tỉ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế trong nửa đầu năm nay, doanh thu của Vinatex giảm 24,5% so với cùng kỳ, đạt 7.046 tỉ đồng và lợi nhuận nhuận sau thuế đạt 276 tỉ đồng, giảm 20,7% so với nửa đầu năm 2019. Đáng chú ý, trong tháng 4.2020, các đơn vị trong tập đoàn hầu như không có doanh thu do miền Bắc bị áp dụng lệnh giãn cách xã hội và sản xuất kinh doanh ở miền Nam rất hạn chế.

Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex, 6 tháng đầu năm chưa phải là thời gian khó khăn nhất do hoạt động kinh tế vẫn còn được thông thương. Ở thời điểm hiện tại, tiền trong các quốc gia đều đang ở trạng thái cạn kiệt cũng như nhu cầu tiêu dùng giảm, việc làm chưa tạo lập lại, nửa cuối năm 2020 mới thật sự là thử thách đối với ngành Dệt May. Các đơn hàng cho quý IV/2020 hầu như chưa có là một thách thức vô cùng lớn cho kế hoạch kinh doanh của Vinatex trong lúc những đơn hàng khẩu trang cũng đã đảo chiều, số lượng không nhiều và giá lại giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất. Do đó, ông Lê Tiến Trường cho rằng, cùng với các biện pháp đảm bảo chống dịch hiệu quả, Vinatex sẽ nỗ lực tối đa bám chặt mọi cơ hội kinh doanh dù nhỏ nhất, chấp nhận tổ chức sản xuất linh hoạt, sản xuất cả những mặt hàng chưa từng làm để hạn chế đà suy giảm cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Hóa chất đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sát khuẩn, sát trùng

Trong khi đó, tại các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), song hành với các biện pháp phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn sức khỏe của người lao động, các đơn vị đang chủ động phương án tổ chức sản xuất để đảm bảo cung ứng các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, không để thiếu hàng gây biến động thị trường và tránh tình trạng tồn kho sản phẩm tăng cao. Đặc biệt, các đơn vị sản xuất nguyên liệu, vật tư phòng chống dịch như nhóm sản phẩm hóa chất cơ bản, chất tẩy rửa, oxy như Công ty Bột giặt LIX, Bột giặt NET, Xà phòng Hà Nội, Hóa chất cơ bản Miền Nam, Hóa chất Việt Trì, Thuốc sát trùng Việt Nam và Phân bón và Hóa chất Cần Thơ cũng xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất các sản phẩm sát khuẩn, sát trùng để kịp thời đáp ứng nhu cầu phục vụ chống dịch trong tình hình mới, góp phần ổn định giá cả thị trường.

Giữ khoảng cách khi đo thân nhiệt ở Nhà máy Đạm Cà Mau.
Giữ khoảng cách khi đo thân nhiệt ở Nhà máy Đạm Cà Mau.

Thực tế trong 6 tháng đầu năm nay, do tác động tiêu cực của dịch bệnh và các yếu tố như thời tiết diễn biến bất lợi, nguồn nguyên liệu đầu vào, vốn và điều kiện sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm của Vinachem gặp khó khăn rất lớn. Do vậy, ông Bùi Thế Chuyên - Phó Tổng Giám đốc Vinachem - cho biết, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý II/2020 của toàn tập đoàn đạt được không cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế quý II/2020 ước đạt 9.559 tỉ đồng, bằng 86% kế hoạch và lũy kế 6 tháng ước đạt 18.443 tỉ đồng, bằng 41,5% so với kế hoạch năm. Doanh thu quý II/2020 theo đó ước đạt 10.432 tỉ đồng, bằng 91% so với kế hoạch quý và lũy kế 6 tháng ước đạt 19.971 tỉ đồng, bằng 43,4% kế hoạch năm. Tuy nhiên, lợi nhuận cộng gộp toàn tập đoàn quý II ước lỗ 442 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm ước lỗ 1.025 tỉ đồng.

TKV tăng cường sản xuất nhiều chủng loại than

Theo đánh giá của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, trong tháng 7.2020, TKV vẫn sản xuất 3,09 triệu tấn than và tiêu thụ 3,95 triệu tấn. Các lĩnh vực sản xuất khoáng sản, alumin, điện và vật liệu nổ công nghiệp đều hoàn thành kế hoạch. Doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 74.900 tỉ đồng. Dù dịch bệnh quay trở lại có nguy cơ tác động trực tiếp đến sức khoẻ công nhân lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh nhưng TKV đã tích luỹ được kinh nghiệm phòng chống dịch, đồng thời có thuận lợi từ tiền đề kết quả sản xuất kinh doanh 7 tháng đầu năm đạt tốt.

Chính vì vậy, trong 5 tháng còn lại của năm 2020, ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc TKV - cho hay, tập đoàn tiếp tục kiên trì mục tiêu kép: Vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa ổn định sản xuất kinh doanh. Các đơn vị trong tập đoàn theo đó sẽ kích hoạt lại các giải pháp, các kịch bản phòng chống dịch COVID-19 và thường xuyên cập nhật, nắm bắt tình hình để có giải pháp điều hành linh hoạt. Tăng cường chế biến các chủng loại than khách hàng có nhu cầu để đẩy mạnh tiêu thụ. Tập đoàn cũng sẽ tiếp tục quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, nhất là các đơn vị có công nhân bị ảnh hưởng thiếu việc làm do dịch bệnh.

Các đơn vị trực thuộc Vinatex điều chỉnh linh hoạt phương án sản xuất để tăng doanh thu. Ảnh: VNT
Các đơn vị trực thuộc Vinatex điều chỉnh linh hoạt phương án sản xuất để tăng doanh thu. Ảnh: VNT

Vietnam Airlines đẩy mạnh vận tải hàng hóa

Theo đại diện Vietnam Airlines (VNA), ngay từ khi đại dịch chớm bùng phát trên thế giới, VNA đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó cấp bách, trong đó tập trung điều chỉnh quy mô sản xuất kinh doanh; cắt giảm tối đa chi phí, đặc biệt là các chi phí cố định, chi phí đảm bảo hoạt động; tổ chức lại lao động và điều chỉnh chính sách tiền lương, thu nhập của người lao động; tranh thủ và tận dung tối đa sự hỗ trợ, chia sẻ từ Chính phủ và các đối tác để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khủng hoảng và chuẩn bị nguồn lực cho giai đoạn phục hồi, phát triển. Nhờ những nỗ lực trên, Vietnam Airlines đã cắt giảm được hơn 5.000 tỉ đồng do chủ động tiết kiệm.

Trước bối cảnh các chuyến bay chở khách giảm, Vietnam Airlines đã đẩy mạnh vận tải hàng hóa để bù đắp doanh thu, đồng thời thực hiện sứ mệnh Hãng hàng không Quốc gia trong việc đảm bảo vai trò kết nối giao thương và đồng hành cùng đất nước trong giai đoạn dịch bệnh. Năm 2020, VNA sẽ dần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh với các chỉ tiêu tổng sản lượng vận chuyển hành khách 14,5 triệu lượt, doanh thu hợp nhất 40.586 tỉ đồng, trong đó công ty mẹ 32.535 tỉ đồng. Mức lỗ hợp nhất không vượt 15.177 tỉ đồng, mức lỗ công ty mẹ không vượt 14.487 tỉ đồng. Để đảm bảo dòng tiền và cân đối tài chính trong năm 2020 và các năm tới, VNA không tiến hành chia cổ tức năm 2019 cho các cổ đông. Đây là điều kiện tiên quyết để VNA được các tổ chức tín dụng, các ngân hàng xem xét giảm giá, gia hạn hoặc giãn tiến độ thanh toán.

Giai đoạn nửa cuối năm 2020 dự báo vẫn sẽ đặt ra nhiều thách thức cho VNA khi sự hồi phục đối với hoạt động vận tải hàng không toàn cầu còn nhiều bất định, phụ thuộc vào diễn biến thực tế và khả năng kiểm soát bệnh dịch. VNA tiếp tục tăng cường khai thác kích cầu nội địa, có thể khai thác trở lại một số đường bay quốc tế trên cơ sở tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và nhà chức trách các nước sở tại. Đồng thời, VNA đẩy mạnh tìm kiếm các cơ hội khai thác hàng hóa, thuê chuyến, tận dụng cơ hội tăng doanh thu bằng việc tăng cường vận chuyển hàng hóa đi quốc tế, bay thuê chuyến chở khách nước ngoài về nước và khách chuyên gia đến Việt Nam, thanh lý máy bay cũ...

Các nhân sự làm thủ tục an ninh trước khi vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất BSR.
Các nhân sự làm thủ tục an ninh trước khi vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất BSR.

Dầu khí nâng cấp các giải pháp ứng phó dịch bệnh

Từ cuối tháng 7, Việt Nam đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới của dịch COVID-19 sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí đã chủ động tăng cường các giải pháp ứng phó dịch bệnh trong tình hình mới.

Trong cuộc họp giao ban với các đơn vị thành viên về kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) 7 tháng đầu năm 2020, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp 5 tháng cuối năm 2020, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các gói giải pháp hiện tại, cũng như thực hiện tốt công tác nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh thời gian tới để chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra.

Phó Tổng Giám đốc PVN Lê Xuân Huyên đề nghị các đơn vị tuân thủ nghiêm theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng về phòng chống dịch COVID-19 và tăng cường thêm các giải pháp phù hợp với đặc thù của từng đơn vị. Đặc biệt, đối với các lĩnh vực hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao, các đơn vị trong quá trình bảo dưỡng tổng thể, cần nâng công tác kiểm soát dịch bệnh lên một cấp độ nữa; có phương án kiểm soát dịch, cách ly, tránh lây nhiễm chéo... ở công trường. Nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đến tiến độ cũng như chất lượng công việc, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh chung.

“Trong lúc dịch bệnh rất căng thẳng, việc đổi ca cho người lao động ở các tổ hợp ngoài biển, cũng như ở nước ngoài rất khó khăn, ảnh hưởng nhất định đến tâm lý người lao động. Do đó, lãnh đạo các đơn vị cần động viên, đôn đốc người phụ trách các dự án ở nước ngoài, nhân sự công tác ngoài khơi, không chỉ bảo đảm gìn giữ an toàn trước dịch bệnh mà còn đảm bảo an toàn lao động, tránh để yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như phòng, chống dịch” - Phó Tổng giám đốc PVN Phạm Tiến Dũng lưu ý.

Tại các đơn vị trong toàn ngành Dầu khí, các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đang được triển khai rất quyết liệt và đang chủ động, kiểm soát tình hình. Tất cả đều đã sớm kích hoạt lại các giải pháp phòng chống dịch toàn diện trên kinh nghiệm triển khai công tác phòng chống dịch giai đoạn trước.

Ngay đầu tháng 8.2020, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã kích hoạt lại hệ thống phòng, chống dịch COVID-19 trên các công trình biển cũng như trên bờ. Đến nay, Vietsovpetro đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào.

Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo) đã nhanh chóng gửi thông tin cập nhật tới toàn thể CBCNV tổng công ty, ban hành Chỉ thị và triển khai nhiều biện pháp phòng chống nhằm kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo sức khỏe của người lao động, duy trì liên tục hoạt động SXKD của PVFCCo và góp phần vào công tác phòng, chống dịch của cả nước. Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) tập trung xây dựng các kịch bản về diễn biến của dịch bệnh, thị trường để từ đó đề ra các phương án ứng phó, giải pháp thực hiện và các điều kiện cụ thể thực hiện tương ứng cho từng phương án nhằm giảm thiểu tác động của bệnh dịch tới an toàn, hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị; chủ động rà soát kế hoạch huy động chuyên gia nước ngoài trong thời gian tới phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhận định được sự phức tạp của làn sóng dịch bệnh thứ 2, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) cũng đã kích hoạt lại ngay lập tức các biện pháp phòng, chống dịch một cách chủ động. BSR chuẩn bị bước vào chiến dịch Bảo dưỡng tổng thể (BDTT) lần 4 NMLD Dung Quất 51 ngày đêm. Công tác chuẩn bị BDTT gặp vô vàn khó khăn, trở ngại từ việc mua sắm trang thiết bị, huy động chuyên gia nước ngoài sang trong hoàn cảnh Việt Nam đang hạn chế nhập cảnh, công tác cách ly theo quy định phòng chống dịch... nhưng đến nay BSR cơ bản đã hoàn thành thành và sẵn sàng cho BDTT. Hàng ngày có khoảng hơn 1.000 nhân sự, nhà thầu ra vào nhà máy như nhà thầu thực hiện công tác chuẩn bị cho bảo dưỡng tổng thể lần 4 NMLD Dung Quất; chuyên gia O&M, nhà thầu cung cấp suất ăn, vệ sinh công nghiệp, Công ty Building... Ngoài ra, còn có khoảng hơn 1.200 lượt người lao động BSR ra/vào nhà máy mỗi ngày. BSR bắt buộc tất cả nhân sự khai báo y tế, kiểm tra hiệu lực thẻ ra/vào, cấp quyền ra/vào, đo thân nhiệt, sát khuẩn... trước khi vào làm việc bên trong NMLD Dung Quất.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và thành viên thực hiện rà soát, tăng cường các biện pháp phòng, chống; Nghiêm chỉnh triển khai và tuyệt đối tuân thủ chỉ thị của Chính phủ, khuyến cáo y tế và của đơn vị. Toàn PV GAS được yêu cầu rà soát, chuẩn bị các phương án, trang thiết bị y tế, hậu cần ứng phó phòng, chống dịch COVID-19 theo các quy trình/phương án đã được phê duyệt của PV GAS và tại đơn vị. PV GAS và các đơn vị chuẩn bị các phương án giãn cách, làm việc từ xa để triển khai khi cần thiết. Các trường hợp liên quan đến vùng dịch được sắp xếp làm việc từ xa để theo dõi sức khỏe và đảm bảo an toàn cho CBCNV. Đặc biệt, khối sản xuất tiếp tục bám sát và xây dựng kế hoạch sắp xếp nhân sự nhằm đảm bảo sản xuất tối ưu nhất để sẵn sàng kích hoạt trong trường hợp cần thiết hoặc khi có chỉ đạo của tổng công ty.

Tại Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), “khẩn trương, tăng cường, thắt chặt” là trạng thái phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện trong những ngày qua, trên tinh thần phát huy kinh nghiệm từ đợt trước và tuân thủ các chỉ thị chung. Tổng Giám đốc PVCFC Văn Tiến Thanh cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Đầu tiên và quan trọng nhất là bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, trong đó nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc phát động và triển khai các hoạt động thiết thực nâng cao sức khỏe người lao động như thể dục thể thao, bổ sung dưỡng chất, trang bị công cụ, vật dụng y tế cơ bản trong phòng dịch... Tuyên truyền nội bộ để người lao động hiểu mức độ nguy hiểm và tuân thủ tất cả khuyến cáo của Bộ Y tế và chỉ thị của công ty; đặc biệt là chủ động các giải pháp, các kịch bản, phương án để bảo vệ an toàn cho đội ngũ vận hành, bảo dưỡng khi mùa bảo dưỡng đang đến gần...”.

Đó là một số giải pháp nổi bật trong rất nhiều giải pháp đồng bộ mà các Tập đoàn kinh tế đã và đang tích cực triển khai, nhằm đảm bảo an toàn tại chỗ, duy trì tốt nhất hoạt động SXKD, góp phần cùng cả nước phòng, chống hiệu quả, sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19 một lần nữa!

Hướng dẫn cài đặt Bluezone trên điện thoại

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc vào kho ứng dụng CHPlay (Android) hoặc Appstore (iOS) gõ từ khoá “Bluezone” trong mục tìm kiếm.

Bước 2: Chọn ứng dụng “Bluezone – Khẩu trang điện tử” của Cục tin học hoá, Bộ TT và TT rồi cài đặt.

Bước 3: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 4: Mở ứng dụng và cho phép Bluezone truy cập một số quyền cần thiết.

Đặng Tiến - Cẩm Văn - Thuận Thiên
TIN LIÊN QUAN

19 tập đoàn Nhà nước mong tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỉ đồng

Anh Tuấn - Cường Ngô |

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không cân đối được thu chi. Chính vì vậy, đơn vị này đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm khơi thông nguồn vốn, để tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng.

Tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các tập đoàn, tổng công ty

Ái Vân |

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chia sẻ khó khăn với các tập đoàn, tổng công ty, cộng đồng doanh nghiệp trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Các tập đoàn kinh tế tư nhân hiến kế cùng Chính phủ vượt qua dịch COVID-19

Lâm Anh |

Sáng 12.3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp, hiến kế sáng tạo, chủ động của khu vực kinh tế tư nhân, để đưa kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan toàn cầu.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

19 tập đoàn Nhà nước mong tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỉ đồng

Anh Tuấn - Cường Ngô |

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không cân đối được thu chi. Chính vì vậy, đơn vị này đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm khơi thông nguồn vốn, để tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng.

Tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các tập đoàn, tổng công ty

Ái Vân |

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chia sẻ khó khăn với các tập đoàn, tổng công ty, cộng đồng doanh nghiệp trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Các tập đoàn kinh tế tư nhân hiến kế cùng Chính phủ vượt qua dịch COVID-19

Lâm Anh |

Sáng 12.3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp, hiến kế sáng tạo, chủ động của khu vực kinh tế tư nhân, để đưa kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan toàn cầu.