Bụi trần

Truyện ngắn của Lê Hà Ngân |

Trời vẫn  tối lắm, vạn vật  ngủ vùi, cây lá sắt lại trong sương muối. Còn gà tồ quen lệ nhảy phốc lên đống rơm rướn cổ gáy một tràng dài. Thì gã cũng vội vàng bật dậy bắn điếu thuốc lào lơ đơ say, vội vàng vớ lấy cái vó cất cá vác lên vai, xiêu vẹo bước ra cánh đồng. Con chó vện lăng xăng chạy theo, lúc hứng chí nó vượt chủ một đoạn khá xa, chẳng biết có thám thính được gì không mà cất tiếng sủa ông ổng. Gã lầm lũi bước theo con sông mùa đông gầy mịt mờ khói phủ. Tới đúng chỗ cái cầu gã dừng lại. Phóng tầm mắt sang phía bên kia cánh đồng nơi có tháp chuông nhà thờ xứ đạo, hắn buông tiếng thở dài. Tiếng thở dài đẫm buồn luồn trong gió buốt. Gã chậm rãi buông lưới, tấm lưới rách đã được vá víu chằng chịt nhiều lần giờ buông xỏa vào mặt sông. Tư lự gã miên man, rồi giật mình nhấc vó lên cao. Ôi chao! Con cá rô phi to như bàn tay đã mắc lưới, vài ả cua kềnh xanh đá cũng lúng túng mắc theo. Vài lần buông lưới nữa thì giỏ cá cũng lưng lửng. Chẳng phải là tay sát cá nhưng đựơc cái nơi mà hắn chọn lại là nước ngang nên cua cá thi nhau ùa về. Nhưng cũng có đợt đi cất vó sớm chả được con nào, gã tiu nghỉu vác vó về không. Vài mụ lắm điều trong xóm bĩu môi: Đúng là giời đày! Quái lạ cá ở đâu mà suốt ngày cất vó cơ chứ? Mặc kệ điều ong tiếng ve, sáng hôm sau vẫn vác vó đi, có lẽ gã cất vó đã thành nghiện. Chỉ những ngày bão to mới chịu ở nhà.

2.

Đi dạy về chưa kịp đặt chiếc cặp sách vào bàn học, chị đã nghe tiếng oang oang ngoài sân:

- Cô giáo ơi! Nhà có dưa muối không cho tôi xin mấy gắp, nấu với vài con mè giáo sư tối đưa cay cô ạ!

Gớm chết, quần áo ướt đầm đìa, nụ cười nhăn nhở, chiếc xoong đen thui, dăm cái đầu cá tanh lòm còn ngáp ngáp. Gã đứng sừng sững chắn ngay lối đi xuống bếp, tay hua hua chiếc xoong nhôm.

- Bác lại bắt đươc cá à? Ơ sao cái nhà bác này, sao lại gọi cá mè giáo sư? Nhà em có dưa đấy để em gắp cho.

Gã nhăn nhở cười:

- Nói cô bỏ quá! Tôi không có ý bỡn cợt gì đâu. Cái loại mè đầu to, mồm thì rộng ngoác ra, thân thì bé tý, toàn có đầu và mắt người ta gọi là mè giáo sư cô ạ.

Chị bật cười vì cách lí giải ngộ nghĩnh, rồi vội vàng đon đả, bởi sợ mang tiếng với hàng xóm là keo kiệt.

- Thế bác đã có mỡ nước mắm mì chính, gia vị gì chưa?

Gã lại nhăn nhở  bẽn lẽn cười:

- Chả có gì sất cô ạ! Mẹ cháu nhà tôi mấy bữa nay ươn người nên chẳng chợ búa gì được. Chết thật, lại phải phiền cô giáo.

Chị vội vàng cầm lấy cái xoong cá, này thì dưa, này thì nước mắm, mì chính, vài thìa mỡ, thôi tiện tay múc cả vào nồi, tủm tỉm cười đưa cho gã, đầu thoáng nghĩ tới câu chuyện nồi cháo rìu đọc thời thơ bé. Mẹ vẫn nhủ chị bán anh em xa mua láng giềng gần, mình là dân ngụ cư phải lấy hàng xóm làm anh em kẻo có việc ngồi đấy mà gọi anh em từ xa đến nhé. Gã rối rít cảm ơn và cầm xoong cá lúc cúc về.

Cuối xuân đầu hạ, gió mềm như lụa, trăng thượng tuần óng tựa quả chuối tiêu trứng cuốc ai bỏ quên lơ lửng giữa trời. Hương thiên lý thoảng nhẹ ngoài hiên khiến chị thao thức. Chị nhớ anh bởi gần một năm rồi anh chuyển công tác vào tận trong Nam. Bộ đội thời bình mà cứ vời vợi xa xôi, chị vẫn không quen được cảm giác vắng chồng đêm thứ bảy. Nước mắt đẫm gối, chị càng héo hắt khi tiếng chão chuộc của ao nhà hàng xóm vẫn cất lên rền rĩ. Bỗng tiếng khóc ai oán cất lên, tiếng chửi thề mỗi lúc một to:

- Tiên sư mày, ông đi làm lấm lưỡi từ sáng tới giờ, mới kiếm được chén rượu, vừa bưng lên mồm thì mày kèo nhèo ỉ ôi, mày cạnh khóe thì bố mày nuốt sao được. Mày còn bày đặt ghen tuông. Ông đi cất vó gần nhà thờ xứ đạo thì sao nào... Còn ai nữa mà mày bảo có tình ý với người ta... Vợ con thế này thì chết quách đi cho xong.

Sau mỗi câu chửi là tiếng đấm đá uỳnh uỵch. Không đành lòng. Chị bật dậy chạy sang nhà hàng xóm. Chẳng có ai chứng kiến, hàng xóm  im thít. Hình như họ đã quá quen với cảnh cãi cọ này rồi. Người đàn bà xanh như dưa héo, tóc xổ tung đang gào lên lê lết dưói thềm bếp, vừa khóc vừa chửi. Sau mỗi câu chửi là tiếng bịch rõ to. Chị kinh hãi thấy vợ hắn bật dậy, chạy ra hồi nhà cầm chai thuốc sâu chạy vào:

- Mày muốn vợ chết chứ gì. Hôm nay tao chết cho mày vừa lòng nhé! Cho mày tha hồ uống rượu tha hồ gái gú nhé. Khốn nạn thân tôi thế này, giời cao đất dày ơi...

Sau tiếng hờ thảm thiết, thị mở nút lọ thuốc sâu, chị hoảng hốt chạy lại, dằng lọ thuốc khỏi tay người đàn bà. Nhưng thị cứ co kéo làm bình thuốc tung toé ra. Gã thấy mảnh lọ thuốc cứa vào tay cô giáo hàng xóm toé máu thì khựng lại. Lóng ngóng chạy vội lên nhà trên. Phải lấy hết sức bình sinh, chị mới đẩy được người đàn bà sang nhà mình. Chiến tranh chấm dứt với cái tay toang máu mà chị vô tình phải chịu. Thôi cũng là may mà vợ gã chưa kịp vỗ thuốc sâu vào mồm.

Sau một ngày oi ả, nắng mới mà như thiêu đốt vòm lá me xanh. Tiếng sấm tháng ba tóe đòng cho lúa thì con gái. Tiếng sấm ì ầm rồi đổ nước xuống khắp nhân gian. Nắng cái mưa rào có khác, bờ bãi mơn mởn sau cơn mưa. Người ta ngạc nhiên thấy trên thềm nhà gã đánh vó sớm diễn ra cảnh cực kỳ âu yếm. Vợ  xõa  tung tóc cho chồng ngồi rẽ chấy. Èo ơi... như chưa từng có trận cãi vã đánh đập hôm kia. Khuôn mặt người đàn bà giãn ra vì sung sưóng còn gã mê mải bới tóc cho vợ, mặc kệ hàng xóm nhìn ngó đàm kháo. Hình như hứng chí gã vừa tẽ tóc vừa véo von: “Em gái miền quê cuộc đời trong trắng, dầm mưa dãi nắng mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm. Anh biết mặt em...”. Ui chao véo von. Ui chao tình tứ... mà gã hát lại hay mới chết cơ chứ. Con chó vện chồm hỗm ngồi bên cạnh ngước mắt nhìn chủ chăm chú, thấy chủ hát nó dường như phởn chí cũng cất tiếng sủa ông ổng.

Gã vẫn say sưa véo von như chưa bao giờ có chuyện đánh cãi nhau hôm trước. Mụ hàng thịt ế khách vì trời mưa, nhìn cảnh ấy mụ bĩu môi buông tiếng:

- Rõ nỡm, dở người. Cái thứ đàn ông bắt chấy cho vợ, gớm báu lắm. Nâng niu lắm ấy, bảy ngày ba trận mà không biết ngại.

Thi thoảng tiếng cười khoái trá của gã lại cất lên càng làm cái bĩu môi của nhà hàng giát dài hơn ra.

Bẵng đi thời gian, con đưòng liên xã đựơc mở rộng, người ta đào hào giao thông ngổn ngang trước ngõ nhà. Tiếng chành choẹ giữa hai bên chính quyền và dân xã diễn ra quyết liệt. Tiếng bấc đi qua. Tiếng chì ném lại, không bên nào chịu nhường bên nào, cảm giác lấn một li đất vào nhà mình là đớn đau như ai xẻ thịt cắt ruột mình vậy.

Chị thân cô thế cô, chồng lại mới chuyển công tác vào trong Nam, bộ đội thời bình mà cứ xa vời vợi. Thấy ngưòi ta kéo dây đo lấn vào ngõ nhà mình sâu hơn nhà hàng xóm, chị cũng đành bó tay ứa nước mắt đứng nhìn, chứ chị biết kêu sao để dịch mép dây ra cơ chứ. Đang lúng túng không biết sao thì tiếng quát lanh lảnh cất lên:

- Các bố đừng ức hiếp người quá đáng nhé! Các ông thử đo lại tim đưòng xem đã cân chưa, cứ nhắm mắt nhắm mũi mà đo lấn sâu vào nhà người khác. Công bằng để đâu rồi. Việc gì cô phải khóc, cô điện cho chú ấy xin nghỉ phép luôn đi. Nghỉ phép ở nhà mà giữ đất chứ, cô cứ biên cái đơn kiện đi. Tôi đưa xuống huyện, rồi lên tỉnh và trung ương cho mà coi. Việc gì cô phải sợ bố con thằng nào. Tôi gọi cho con cháu làm phóng viên về quay và viết phóng sự đưa lên báo cho mà biết tay.

Gã cầm cái chai, mặt đỏ tía vì rượu. Cái chai hua hua trong không khí, như sắp vung lên đầu một kẻ đứng gần. Lời lẽ gã đanh thép, khác gã lão cất vó sớm ướt át lúc nào cũng cười hề hề với những kẻ ra đồng sớm. Khuôn mặt hắn vênh lên, cái cằm bạnh ra tỏ vẻ yêng hùng khiến cho mấy gã địa chính, giao thông dạt ra rồi túm tụm lại hội ý. Một lúc sau tim đưòng chỉnh lại, vạch dây đo lùi ra. Chị cảm động nhìn gã biết ơn. Vợ gã đang đứng ở sân nhà giương mắt nhìn ra, thấy chồng to tiếng cũng chạy sang tru tréo chửi góp cổ vũ cho chồng:

- Các ông bỏ thói ức hiếp dân đen đi nhé...

Chưa chửi góp hết câu thị đã bị chồng mắng te tát:

- Đàn bà lắm chuyện, biết gì mà hóng hớt. Về mua rưọu nữa cho tao. Tao mà say nữa khối đứa chết... Bố tiên sư chúng nó... Bắt nạt à!

Sau câu chửi đổng, gã đứng chống lẹ bên lề đưòng cứ như giám sát công trình không bằng. Đám đông giãn ra, chẳng ai dại mà dây lời cùng gã.

3.

Trời đã cuối thu, lúa trên đồng gặt hết, hanh hao vi vút gió, sông lững lờ trôi, tháp chuông nhà thờ in bóng trên nền trời xanh lỏng lẻo. Vài con diều no gió, ngân lên khúc nhạc đồng quê. Gã tư lự trên cánh đồng, nhìn mãi khoảng không vô định. Lòng hiu hắt vời vợi bóng người con gái xứ đạo ngày xưa đã vội vã bỏ gã ra đi. Mấy bữa nay thấy trong người khó ở, ngồi dậy định đi cất vó sớm thì gã lại thấy chóng mặt. Xách lưới cùng giỏ ra ngõ lại vội quay vào nằm vật ra giưòng. Có lẽ bao năm nay vất vả giờ lăn ra ốm hay sao? Nằm nhà một mình gã vẩn vơ, chiều xuống lại ra nơi ngồi cất vó trông về phưong xa. Nhìn sang nhà hàng xóm đang đổ móng làm nhà gã chạy sang:

- Chú mới về à? Cố mà xây cho cô ấy gian nhà cho các cháu có chỗ chui ra chui vào.

Lưõng lự một lúc hắn lại gần:

- Vợ chồng chú bộ đội giáo viên làm gì có nhiều tiền. Chú có tin là tôi có nhiều vàng không? Mấy nhà quanh đây làm sao mà nhiều vàng bằng tôi được.

Chị ngẩn người nhìn gã, rồi thầm nghĩ: Lão này hôm nay đốc chết ra hay sao mà lại khoe vàng thế này? Đời thủa nhà ai lại cứ khơi khơi khoe mình nhiều vàng với hàng xóm cơ chứ. Chị còn đang băn khoăn thì tiếng gã lại cất lên nho nhỏ:

- Tôi nói thật lòng nhé! Cô chú làm nhà có thiếu thốn gì thì cứ nói tôi cho vay, tiền thì không có nhưng vàng là tôi cũng tích cóp được gần chục cây chú ạ. Sau này cũng định làm lại cái nhà cho các cháu ở. Nếu cô chú cần cứ dùng trước đi. Xóm này tôi tin cô chú nhất đấy!

Giọng gã yếu hơi run run nhưng ánh mắt thì chân thành, khiến anh ngỡ ngàng cảm động:

- Cảm ơn bác! Em thì thiếu nhiều khi làm nhà, lúc cần em sẽ nhờ bác hỗ trợ ạ!

Gã cười mệt rồi lệt bệt ra về. Bỏ lại ánh nhìn ngơ ngác của hàng xóm. Bây giờ thì gã ốm thật rồi, chẳng dậy sớm ra đồng cất vó nữa. Thằng con trai đang lái xe trong Nam được triệu về gấp. Thằng bé có hiếu lại tu chí làm ăn, được đồng nào gửi hết về cho bố mua vàng, nhưng phải mỗi cái tội là lười lấy vợ, bao đám mối lái nó đều chối từ.

Mụ hàng thịt được mênh danh là đài BBC của xóm lại ráo riết đưa tin. Cái khuôn mặt mỏng dẹt lưõi cày cong cớn cứ vểnh lên to nhỏ cùng khách mua hàng:

- Chả được mấy bữa, hôm qua đi xem trên cô đồng Nụ cao tay nhất sông Sò thì thánh cô phán rằng: Cùng lắm là hai tháng nữa là đi đứt. Gớm chả sống được bao lâu nữa đâu. Thằng con đựoc gọi về lấy vợ đấy!

Khiếp thật bà này ngồi bán thịt mà chuyện gì cũng lắm thông tin nhanh thế không biết. Mấy bà mua thịt cứ xuýt xoa:

- Khổ thân! Sống chết chẳng biết đâu mà lần, có bệnh thì vái tứ phương.

Cuối tháng, gió nồm nam vượt qua đầm sen cuối làng làm những nụ sen lấp ló sau đám lá xanh như ngọc cũng vội vàng giục nhau khoe hương sắc. Thằng bé con lão cất vó ra mua hoa sen về cho cô đồng Nụ cúng giải hạn cho bố. Không biết có phải đầm sen đẹp hay không, mà nhìn thấy con bé hái sen dưới đầm mang lên là thằng bé phải lòng ngay. Khuôn mặt tròn như trăng rằm, thấp thoáng sau đám lá xanh mướt. Chiếc thuyền thúng ập vào bờ, nụ cười tươi tắn của cô hái sen trao hoa làm hút hồn kẻ tới mua. Cầm hoa rồi, mà kẻ mua sen vẫn ngơ ngẩn. Một tuần liền ngày nào thằng con lão cất vó cũng ra đầm sen ngồi, hóng chuyện với con bé hái sen. Và mừng cho gã cất vó là đám cưới con trai lão đã được tổ chức ngay trong tháng đấy. Ngay giữa mùa sen nở, cô gái hái hoa sen theo kẻ mua sen về nhà chồng. Cưới con trai xong, gã cất vó hình như đỡ ốm hơn, hai tháng trôi qua, ba tháng... Một năm, rồi khi thằng cháu đích tôn của gã cất tiếng khóc chào đời, thì gã mừng ứa nước mắt, gã đã được làm ông. Mụ hàng thịt lắm điều nghe tiếng trẻ con khóc từ nhà gã vọng sang liền bĩu môi:

- Bói với chả toán, cúng bái hết bao nhiêu tiền, gớm cứ bảo nhà người ta chết, bây giờ có cháu nội rồi, còn lâu mới chết nhé! Phấn khởi thế càng sống lâu. Từ nay chẳng dại gì mà nghe bọn thày cò tụng ca thánh cô đồng Nụ nhé! Gớm mà sao con mụ ấy giàu thế, hót của thiên hạ về làm của nhà mình. Bịp bợm lắm thế nào cũng bị thánh vật chết cho mà xem. Khổ thân con mẹ Tẽo trong xóm. Hôm qua nghe đâu lên thanh toán tiền cúng. Số tiền lớn quá nó bán hết cả gà, chó, tháo cả đôi khuyên tai của hồi môn ngày cưới ra giả tiền cúng mà vẫn không đủ. Nó oà lên khóc... rõ khổ.

Mụ cứ vừa nói vừa pha thịt lợn phầm phập. Miếng thịt ném mạnh vào mặt cân nhảy dựng lên, sau tiếng tươi lắm rồi đấy, mụ nhấc vội ra tính tiền. Miệng vẫn leo lẻo kể chuyện thiên hạ.

Mọi chuyện tưởng yên lành thì gã lăn ra ốm nặng. Đi bệnh viện huyện, bác sĩ lắc đầu chuyển lên tuyến trên. Hà Nội trả về với căn bệnh tiểu đường biến chứng sang khớp nặng. Cùng vết thường ở chiến trường giờ lại tái phát nặng hơn. Buồn khi cái chân của gã hoại tử phải cắt bỏ mới duy trì được sự sống. Đứa con gái thương bố lặng lẽ đem cái chân về cánh đồng làng nhà, táng gọn một chỗ đánh dấu hẳn hoi, phòng khi bố nó mệnh bạc. Rời bệnh viện gã về làng với chiếc xe lăn, chẳng còn thấy mỗi sớm mai gã vác vó ra đồng nữa. Mặc dù vợ con can ngăn, nhưng dăm bữa nửa tháng thấy vợ đi chợ vắng là gã lại vanh xe lăn ra cánh đồng làng. Gã ngơ ngẩn như người mất hồn. Cái cảm giác bâng khuâng thiếu hụt cứ dày vò gã từng đêm. Cha mẹ cho gã hình hài, chân tay đi đứng làm việc sớm khuya, thế mà giờ đây thiếu hụt mất cái chân khiến gã khổ sở vô cùng. Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào mà cái buổi chiều gã vanh xe lăn ra đồng trở về thì trời mưa to. Mưa xối xả khiến gã tối tăm mặt mũi, cuống cuống đẩy cái xe lăn vấp ngã rụi xuống bờ ruộng, may mà có người ra ruộng nhìn thấy đưa gã về nhà. Trong cơn sốt rét li bì, gã vẫn mơ thấy mình đi trên chính đôi chân lành lặn thủa nào. Gã còn mơ thấy đuổi theo người xưa trên cánh đồng mơn mởn lúa xanh.

4.

Trời vào đông se sắt và buốt giá, con đường làng cát bay mù mịt, ai có việc đi qua cũng bịt mặt kín mít. Người ta ngạc nhiên khi thấy người đàn ông ngồi trên chiếc xe lăn đang vanh từng vành xe tiến về phía ngôi nhà đang xây dở. Cát cuốn gió bay mù mịt, đôi khi ông ta lại phải đưa tay dịu mắt, vì bụi mù mịt. Gió càng to, bụi càng cuốn thì ngôi nhà xây dở càng cao hơn. Ai đi qua cũng thở dài ái ngại, trước khuôn mặt đang tái xanh vì gió bấc, nhưng ánh mắt thì sáng óng lên hớn hở như trẻ nhỏ được quà. Nhà xây cao hơn, xe lăn vẫn bền bỉ đứng ngắm giàn giáo, ánh mắt dán theo từng viên gạch mà thợ hồ đang ráp vào tường. Chỉ khi ngôi nhà hoàn tất sáng rực lên giữa các nhà ven đường thì không thấy chiếc xe lăn ra hóng gió đông ngắm nhà nữa.

Mọi người qua đường tấm tắt khen ngôi nhà đẹp thì người đàn ông ngồi xe lăn đang hôn mê. Thằng bé con được mẹ đẩy vào gần giường người ốm. Nó bập bẹ:

- Ông ơi! Nhà đẹp...

Đôi mắt của kẻ suốt đời cất vó bỗng động đậy và mở choàng ra. Giọt nước mắt mệt đục bò lăn trên khuôn mặt hốc hác. Ánh mắt mệt mỏi mở to nhìn thằng cháu đích tôn, cái miệng mấp máy điều gì mà không được. Ông nấc lên một tiếng rồi chút hơi thở cuối cùng.

Tiếng kèn xuân nữ cất lên ai oán, lũ con nhà hiếu trong xô gai gào lên đau đớn: “Ông ơi! Nhà cao cửa rộng vừa mới xây xong, sao ông không ở đã vội bỏ con cháu đi gối bãi nằm sương... Ông ơi là ông ơi”.

Đám ma đi chậm rãi qua con đường mà sớm tinh mơ nào người nằm trong quan tài kia vẫn thường hay đi cất vó, bỗng tiếng chuông bên nhà thờ họ giáo cũng gióng giả cất lên. Hình như có một ai bên đó cùng vừa về chầu Chúa.

Chiều đó bên ngôi mộ mới của người cất vó, có một thiếu phụ mặc áo nữ tu màu đen, gục xuống rồi lại ngẩng lên. Lời cầu nguyện tắc nghẹn cất lên, tiếng gọi tên người nằm xuống thê thiết. Người nữ tu đưa tay làm dấu thánh, cây thánh giá như sáng lên trong chiều đông ảm đạm. Xa xa nơi người đàn ông ngồi cất vó, một con chim trắng bay vụt vào hư vô. Bóng nhà thờ xứ đạo vẫn đóng khung vào trời đông xám đục. Bụi trần hãy để gió cuốn đi...

Truyện ngắn của Lê Hà Ngân
TIN LIÊN QUAN

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.