Bức tường rào phía Tây

Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân |

Hán để cọc tiền xuống bàn sau khi đã đếm lại. Bà nhìn kỹ từng cử chỉ nhỏ nhất của thằng con trai trong thái độ nơm nớp lo nó đổi ý. Đấy là tiền nó đầu tư cho bà thuê máy về nạo vét ao, đổ kè bê tông kiên cố để nuôi cá quả. Phải hón mãi nó mới xì tiền ra đấy. Thì ông bà già rồi, có làm gì cũng là để cho nó thôi, nhà có mỗi mình nó. Hán bảo bầm cất tiền đi. Rồi đứng dậy bước luôn ra sân, chui vào ôtô.

Bà đứng nhìn theo đến khi cái chấm đen bé tí mất hút giữa hai làn cây trứng cá thì mới cầm cọc tiền cất đi. Lát về khoe ông, kiểu gì ông cũng bảo bà tham việc. Bà tần ngần ngồi soạn sẵn vài câu để ông về còn đối phó. Rằng tôi còn khỏe mà. Sáu nhăm bây giờ chưa ai bảo là già. Ông bảy mươi thì còn tạm gọi là già. Nhưng tôi có bảo ông phải làm đâu. Ông cứ bắc ghế ngồi trên bờ, trông coi máy với thợ làm là được rồi. Chứ ngồi không mà nhìn làng nước ba bên bốn bề làm ăn ù ù, thu nhập cả trăm nọ trăm kia một năm, đến chóng cả mặt, tôi không chịu được. Ông thì còn có vài triệu lương hưu. Chứ tôi có xu nào? Ngày ngày bòn bới rau cỏ, vườn vạng, rồi quả trứng, cặp bồ câu ra ràng, cũng chỉ đủ tiền thức ăn thôi. Còn lương ông thì đắp đổi vào cỗ bàn đình đám. Mà cưới cheo, ma chay thì tù tì nối nhau. Âu cũng là cái nợ đồng lần, mình chối sao được. Rồi thi thoảng các cháu về chơi, cũng phải có đồng tiền trong người mà dẫn nó đi mua cái nọ cái kia chứ. Biết rằng chúng cũng có thiếu cái gì đâu, nhưng mà nước mắt chảy xuôi, mình không thế được ông ạ.

Đấy, bà soạn sẵn một mớ ấy, tính ông về thì trình bày để ông ủng hộ dự án cải tạo ao nuôi cá quả. Không nuôi cá tạp như bây giờ nữa. Ông Nghinh về, vứt cái mũ cối lên phản, cởi cái áo dài ra, vắt lên vai ghế, bấm quạt chanh chách. Tháng tám sắp hết mà trời còn oi nóng. Đêm qua, cũng có cơn mưa nhưng chỉ lướt qua thôi. Nhà bà còn có cây cối râm mát mà ông còn như thể không chịu được. Ở thành phố, trên nắng, dưới bê tông với nhựa đường, người ta sống làm sao? Ông nhìn vệt bánh xe ở sân gạch rồi hỏi, thằng Hán về lại đi ngay hả bà? Nó có cho đứa nào về không? Đấy, bố nào con ấy. Con về thì hỏi bố con đâu hả mẹ. Bố về thì hỏi con đâu. Bà giằng hắng, về rồi đi luôn. Bọn trẻ đi tập trung chuẩn bị cho khai giảng rồi, về làm sao được. Ông ăn thạch nhá, để tôi lấy lên. Không, lại thạch dừa, rồi cả ngày cứ ợ lên chua khé, tôi không ăn. Nào ai bảo ông thạch dừa. Tôi làm thạch lá găng. Ngon lắm. Nói đến món thạch thời cơ hàn, đôi lông mày ông giãn ra. Ừ, bà để tôi tắm đã.

Thế rồi suốt trưa, suốt chiều, ông không đả động gì đến ao rạch sất. Mà bà thì đã xem lịch rồi. Ngày kia là tốt ngày. Máy móc thì gọi là có luôn. Doanh nghiệp của thằng Thường, cháu gọi bà bằng cô ruột có cả thảy 4 cái máy múc, 11 cái xe tải. Nhà nó, lúc nào cũng cả huyện người. Nó học hết lớp 9 thôi đấy, nhà nghèo rớt mùng tơi. Mà cái chí nó, trai làng này ít đứa theo kịp. Giờ thì nó giàu lắm rồi. Nó cứ bảo cô đừng có lo. Cái ao cô, chỉ đúng 2 ca máy thôi. Vội gì. Thì bà không có vội, nhưng mà muốn làm cho nó xong đi, gọn mắt. Nhìn ao nhà người ta vuông vắn đẹp đẽ mà thèm. Đất múc lên, bà sẽ đầu tư cây đào giống cho ông trồng bán tết...

Bà vừa thái cây chuối cho vịt vừa nghĩ vẩn vơ thì ông Nghinh gọi bà ngoài mép rào. Bà ơi, bà ra đây đi. Sát với bức tường rào phía tây là một cái bục gạch được xếp kiêu lên như cái bục. Gạch cũ hồi bà đập bếp ra đấy mà. Sau khi kê, kè mọi chỗ, còn thừa thì ông xếp gọn vào đấy. Tuy không ai bảo ai nhưng bà biết, ông vẫn thường đứng trên bục gạch vỡ, nhìn sang sân vườn nhà bên cạnh. Có lúc ông đỡ bà lên để cùng nhìn. Có lúc mình ông đứng trên ấy mà nhìn sang. Nhiều lúc, bà ước ao, giá không có bức tường ấy. Giá bức tường ấy là giậu cúc tần như ngày xưa. Ngày xưa ấy, hai nhà thân nhau lắm. Ông Nghinh với ông Ba bên ấy thân nhau như anh em, con chấy cắn làm đôi. Vậy mà, nông nỗi nào nên thế...

Người ta không phải ai cũng muốn nhắc lại quá khứ. Nhất là quãng quá khứ day dứt buồn đau. Nhưng mà phải nhớ. Nhớ để mà làm bài học cho cuộc đời. Hôm ấy, bà vẫn nhớ, nhà bên ấy có giỗ, giỗ bà cụ thân sinh ra ông Ba. Ông nhà bà chắt sang một chai rượu nút lá chuối và một nải chuối tiêu chín bói. Nửa bữa ông lạng qua bờ rào cúc tần mà về, nét mặt tức giận. Bốn mẹ con bà ngồi bên nồi cơm độn sắn và bát tép kho tương chứ không bày mâm. Bên ấy cũng mời cả nhưng bà thừa biết là cũng có tiền đâu mà làm giỗ mẹ. Nên giỗ mẹ cũng thành xúi. Nhà ông ấy đã đông con, lại góa vợ. Đứa út đẻ thêm tên là Thêm. Bà ấy chết sau khi đẻ thêm con út đấy. Thêm tuổi Tý, Giáp Tý. Vừa mới trước bữa ăn con Thêm còn chạy sang mượn bát đũa và dúi cho con Ngà nhà bà nắm xôi đỗ mà. Nó lên mười rồi mà bé tí bé teo, còm nhom. Bà ăn xong thì lại bàn nước, hỏi khẽ: Có chuyện gì thế ông? Ông Nghinh không nói gì, hằm hằm đi xuống bếp. Bà chưa kịp xuống bếp thì ông Ba đã đứng giữa sân, mình trần trùng trục, ngực nham nhở sẹo. Ông ý là thương binh mà. Giọng ông khê quánh mùi rượu sắn. Tiếng ông bắt đầu méo mó. Chú khinh tôi. Khinh thằng Ba này nghèo hèn. Ừ thì tôi vì nghèo mà tham đấy, tính toán chi li với xương máu, với chế độ đấy. Nhưng mà chú nên nhớ là cái vùng đơn vị hành quân qua, có cả chú đấy, cả cánh rừng cháy xém, đất nồng nặc mùi hóa chất, nước nổi váng ra. Tôi cũng vì cái nghèo khó thôi. Con Thêm lại ốm đau quặt quẹo, nên tôi cố chạy cho nó cái chế độ chất độc da cam đấy, để tháng có thêm vài đồng thuốc men. Cả vùng này, đâu phải mình tôi làm việc ấy. Mà chú nói lính cụ Hồ thì không làm thế. Thế theo chú, tôi phải làm thế nào? Bà nó đi sớm, để lại mình tôi, sức tôi thì mười phần kiệt bảy còn ba, tôi phải làm thế nào? Ông Nghinh từ trong bếp đi ra. Thôi bác say rồi. Bác về đi. Em không nói với bác nữa. Chúng ta là lính, so với đồng đội còn nằm lại ở núi rừng sông suối là chúng ta may lắm rồi. Em may hơn bác là em lành lặn. Còn bác, đồng tiền trợ cấp thương binh của nhà nước tuy chả được bao nhiêu nhưng mà bác nhìn bốn đứa con bác đi. Cả ba đứa con em đây. Chúng khỏe mạnh tinh tường, khôn ngoan cả. Có di chứng da cam gì không? Tại sao bác làm cái việc ý mà không bàn với em. Đến hôm nay có quyết định gửi về xã em mới biết. Như thế này là khai khống, khai man bác ạ. Bác làm em thất vọng quá. Ông Ba nổi cơn, chỉ vào mặt ông Nghinh: Chú là cái thá gì mà dạy khôn tôi! Là cái thá gì mà tôi phải bàn với chú. Chú sợ liên lụy ảnh hưởng đến cái ghế Phó chủ tịch xã của chú thì chú tránh xa tôi ra. Tôi tuyên bố từ giờ không anh em gì ráo. Thằng nào có thân thằng ý lo. Không ai phải thất vọng vì ai cả. Chú giỏi thì đi mà tố cáo tôi luôn đi. Tố cáo thằng Ba này gian dối đi. Rồi ông Ba khừn khừn đi về.

Ngay chiều ấy, ông Nghinh đi gọi người đến bán luôn đôi lợn đang lớn, đem tiền ra lò gạch mua hai công nông gạch phồng chở về. Sau đó là tôi vôi, kéo cát về. Ông chặt phăng rặng cúc tần, xây lên bức rào phía tây, ngăn với nhà ông Ba. Không qua lại gì nữa. Bà và các con cản không được. Ai đời nhà cửa xập xệ thế này mà xây tường bao không? Lại xây có mỗi một bức. Kệ, ông đã quyết làm. Ông cũng không nhắc lại cái chuyện chế độ da cam của con Thêm nữa.

Hai nhà kể từ ấy là lìa nhau. Gặp nhau ngoài đồng hay ngoài ngõ thì chỉ nhếch mép chào lấy lệ cho thiên hạ đỡ đánh giá thôi. Vì họ đồn ầm lên là thân nhau lắm cắn nhau đau.

Thời gian thấm thoát trôi đi. Con Thêm học xong lớp mười hai, nhà nghèo thì theo chị theo em đi làm công ty gì đó bên thành phố. Thằng Hán nhà bà học trường đại học xây dựng, cũng làm việc bên thành phố. Nghe làng đồn con Thêm với thằng Hán có tình cảm yêu đương với nhau. Ông Nghinh sôi máu triệu con về tra khảo. Bên này ông Nghinh cấm con giai. Bên kia ông Ba cấm con gái. Thằng Hán lại là con một, càng cấm chúng nó lại càng cuốn vào nhau, cả năm không có tác dụng gì. Thế rồi con Thêm có bầu. Trong khi bà khấp khởi mừng vì nghĩ đến cơ hội hai nhà nối lại tình thân thì ông Nghinh đi nước cờ độc. Ông bảo thằng Hán rằng con Thêm bị di chứng chất độc da cam, có giấy tờ xác nhận của bác sỹ hẳn hoi. Mày lại là con một, mày lấy nó rồi nó đẻ ra quái thai, lấy ai nối dõi? Làm thế là có tội với tổ tông. Một mặt ông nói thế với con trai, một mặt ông xui con gái ông, là chị thằng Hán khuyên con Thêm phá thai. Nhưng con Thêm không phá. Nó bảo thai bốn tháng rồi.

Một đêm, ông Ba từ cổng nhà ông bà đi vào, thái độ nhũn nhặn đến tội nghiệp. Ông ấy nói, chú thím bỏ qua cho tôi chuyện cũ mà thương lấy mẹ con nó. Giết đứa trẻ đi là có tội chú ạ. Chú thừa biết con Thêm không có bệnh tật gì mà. Thôi thì cưới cũng được, không cưới cũng được, tôi không đòi gì cả, chỉ xin miếng trầu, rồi cô chú xem ngày nào để chúng tôi đưa cháu sang. Ông Nghinh sau một hồi suy nghĩ thì bảo, giờ bác có dám làm đơn gửi phòng thương binh xã hội, khai nhận là mình đã khai man hồ sơ rồi chịu trách nhiệm bồi hoàn tiền cho nhà nước không? Nếu bác làm vậy thì tôi sẽ xem xét. Ông Ba như đổ sụp xuống. Làm vậy ngay lúc này thì nhục tôi lắm chú ạ. Tôi biết, chú còn chấp tôi vụ ấy. Thôi thì chú xem có cách nào khác không? Còn việc kia, từ từ tôi tính, vì tôi cũng nghĩ ngợi, áy náy nhiều lắm rồi. Con bé có hai chục tuổi đầu còn dại dột, lại chả có mẹ cận kề khuyên bảo. Tôi cũng khổ đủ rồi, con dại cái mang...

Ông Ba vừa nói đến đó thì con bé Thêm ở ngoài xộc vào, nước mắt nước mũi tèm nhem. Nó chào ông bà xong thì cầm tay bố nó kéo về. Bố không phải làm như thế này đâu ạ. Con cũng sẽ không lấy anh Hán đâu. Đứa trẻ trong bụng con không phải là con của anh Hán, không phải là máu mủ của cô chú đây đâu ạ.

Vậy đấy! Tính nết con bé Thêm giống hệt bố nó. Thế rồi đủ tháng đủ ngày, đủ cay đắng hờn tủi vì bàn tán, thị phi, con Thêm sinh con. Con gái. Trộm vía con bé đẹp lắm. Bà chưa từng nhìn thấy đứa trẻ nào đẹp như nó. Da trắng nõn như mẹ, còn mặt mũi thì tạc vào thằng Hán nhà bà. Sau một thời gian chông chênh thì thằng Hán cũng đi lấy vợ. Vợ nó sinh liền hai đứa con trai. Khi con gái đâu như lên bốn thì Thêm lấy chồng. Lấy giai tân hẳn hoi. Chồng nó học đại học nông nghiệp ra nhưng không xin việc đâu cả, ở nhà tự làm ăn thôi. Nhà ngay xã bên cạnh chứ đâu xa. Vợ chồng nó đẻ thêm một cu con nữa. Giờ cả xã cả làng, nhắc đến Thêm Tuấn thì không ai không biết. Chúng nó giàu lắm rồi. Còn được lên cả tivi để truyền bá về cách làm giàu đấy. Ai từng đến trang trại nhà nó về thì đều mơ ước và ngưỡng mộ cả. Làng này, mấy năm trước đất bỏ hoang đầy ra, kéo nhau đi làm thuê cả nước ngoài. Vợ chồng con Thêm thuê hết số đất bỏ hoang ở làng rồi thuê sang cả vùng lân cận để sản xuất rau, củ quả sạch, chăn nuôi cá sạch theo mô hình gì đấy mà trên ti vi vẫn nói. Người ta làm hỏng ăn, nó làm lại giàu lên. Thế rồi, chúng nó bày cách cho các anh chị em nó. Giờ đây, nhà ông Ba xây to nhất làng. Ông Ba bỏ rượu. Mấy đứa con lam lũ nheo nhóc ngày nào đều giàu có khá giả. Tất cả đều từ đất, từ ruộng, từ ao mà ra. Chính cái ao nhà bà đây, có lần đi họp thôn về cùng nhau, ông Ba bảo thím nên bỏ ra vài chục triệu, đầu tư thả cá quả, trên bờ thì trồng đào tết. Vừa đẹp mà ra tiền đấy, cũng không nặng nhọc gì. Bà nghe mà phấn khởi lắm.

Kể từ khi con Thêm lấy chồng đem theo bé Vân đi thì ông bà ít có cơ hội nhìn thấy nó. Đành phải hóng mỗi dịp nhà ông Ba có giỗ, mẹ con nó dắt nhau về. Được cái ông Ba hàng trưởng, nhà nhiều giỗ, lại phú quý sinh lễ nghĩa nên thường còn mời cả họ đến. Mỗi dịp thế con Thêm lại dẫn chồng con về. Bà có cái tài là thuộc hết giỗ mới giỗ cũ nhà hàng xóm. Các con ông Ba, đã giỏi giang lại còn hiếu đễ. Chúng nó bảo bù đắp cho bố nó những tháng ngày vất vả, khổ sở vì tai tiếng. Hết tai tiếng vì có con gái chửa hoang lại đến tai tiếng khai man tiền chế độ, khi biết nuốt không trôi thì đi tự thú và hoàn trả tiền cho nhà nước. Đúng là số ông ấy vất vả thật. Mãi bây giờ mới sướng, mới có nhà cao cửa rộng. Hôm nay là giỗ mẹ bọn trẻ ấy đấy. Con cháu, anh em về đông lắm. Mới lúc sáng ở chợ bà nhìn thấy con bé Vân, máu mủ nhà bà, lẫn vào đâu được. Trời đất ơi, bà không thể bình tĩnh được. Nó giống thằng Hán hơn cả hai đứa con thằng Hán. Mười bốn tuổi mà nó ra thiếu nữ rồi. Lại ăn mặc đủ đầy nữa. Bà thèm ôm nó một cái vào lòng quá. Khi nó đi qua bà, cái mùi thơm của nó còn phảng phất mãi. Cảm giác vừa gụi gần vừa xa lạ. Bà thèm một đứa cháu gái như nó. Hai thằng cháu trai của bà nghịch như quỷ, lại bướng bỉnh, do được bố mẹ nuông chiều. Nó có về đây chơi thì cũng chỉ là bất đắc dĩ mới về. Con dâu bà biết chuyện cũ nên ngay cả việc để chồng nó qua về đây nó cũng hạn chế. Bà giấu ông, dành dụm được một số tiền, định bụng khi nào con bé đi học đại học bà sẽ cho nó. Chả mấy đâu, năm nay nó vào lớp 9 rồi. Dù nó học trường xã bên nhưng bà lặn lội tìm bằng được xem nó học lớp nào, cô chủ nhiệm nào để hỏi han. Năm nào nó cũng học sinh giỏi. Cô nào chủ nhiệm cũng khen nó ngoan ngoãn học giỏi mà bà thấy mát ruột mát gan. Bà thường kể với ông. Ông cũng thích nghe bà kể về đứa cháu ấy.

Ông đứng trên bục, nhìn sang bên kia bức tường nãy giờ, không biết có chuyện gì mà gọi bà ra. Ông bảo, hôm nay tôi chưa nhìn thấy con bé bà ạ. Ừ. Thôi, ông xuống đi. Để tôi lên xem. Tôi vừa thấy nó sáng nay ngoài chợ mà.

Đến lượt bà lên. Bà thì nhận ra cháu bà luôn vì nó ra thiếu nữ rồi. Nó mặc váy dài trắng đấy ông. Không phải mặc đồng phục như khi đi học đâu. Nó đang làm gì như là gọt bưởi ấy ông ạ. Ông bảo bà đứng gọn vào cho ông lên đứng cùng. Bà chỉ tôi xem nào. Bà vừa nép người trên kiêu gạch cũ để ông bước lên, vừa cằn nhằn. Tường xây vôi cát, lại mỏng manh, nó mà đổ ụp xuống đây thì đẹp mặt. Ông đừng có dựa vào tường nhá. Đúng lúc ý thì con bé Vân mang thúng vỏ bưởi ra vườn đổ. Bà vội giơ tay chỉ, nó đấy ông!

***

Hôm qua, cũng là lần đầu tiên Thêm mời mấy người bạn về đám giỗ mẹ mình. Bạn bè thường hỏi tại sao Thêm không bao giờ nhắc đến ngày sinh nhật mình. Nhưng rồi khi biết, ngày sinh của Thêm cũng là ngày giỗ mẹ Thêm, thì ai nấy đều ngậm ngùi. Năm nào giỗ mẹ, bố Thêm cũng nói một câu sau chốt khi thắp hương lên bàn thờ mẹ là, con Thêm lại tròn... tuổi rồi đấy bà ạ. Mẹ vì sinh cô mà chết. Nỗi đau ấy theo Thêm bao nhiêu ngày tháng. Lớn lên, khi biết nhận thức, Thêm rất buồn khi thấy quan hệ của hai nhà đổ vỡ. Cô những muốn dùng tình yêu của mình, của quan hệ với Hán để hai nhà nối lại những tình cảm xưa cũ. Hán là mối tình đầu của Thêm. Là sự vụng trộm, là sự dại dột, nông nổi. Khi Hán bàn với Thêm làm chuyện đã rồi để thuyết phục bố mẹ hai bên, Thêm cũng thật thà nghe theo. Nhưng khi thấy bố bị chú Nghinh sỉ nhục, dồn vào đường cùng thì Thêm không chịu đựng nổi. Hồi ấy, nếu chị gái Thêm mà như thế, yêu đương rồi để nhục cho bố như thế, có nhẽ, bố đuổi ra khỏi nhà. Nhưng với Thêm, thì bố không nói gì cả. Ông chỉ lặng lặng cắn răng vào môi tứa máu bao lần. Vì bố thương Thêm mất mẹ ngay sau khi rời bụng mẹ. Bố thương Thêm ốm yếu gầy còm. Suốt bao nhiêu năm bố không dám đi gặp đồng đội cũ, không dám họp đồng ngũ. Ngày bố đi tự thú việc khai man chế độ cũng là ngày bố làm đơn xin ra khỏi Đảng. Bố nói, bố không xứng đáng. Tuy nhiên, trong thâm tâm, Thêm biết, sau tất cả những giông tố ấy, bố đã biết cách để làm lại. Bố luôn nói lính cụ Hồ thì phải khác chứ. Phải biết vượt khó, phải biết làm giàu, phải biết vị tha. Cho nên, cùng với việc đổ mồ hôi sôi nước mắt trên đất đai, luôn là những chia sẻ, giúp đỡ đối với những người khốn khó hơn mình. Thêm ơn mẹ đã cho Thêm được làm người. Còn cô ơn Bố đã cho cô ngày hôm nay. Trong bất cứ cuộc gặp gỡ trao đổi nào với báo chí hay phóng viên nhà đài, thậm chí phát biểu trong lễ vinh danh những người nông dân thế hệ mới, Thêm đều nhắc tới bố mình như một niềm tự hào lớn lao không gì có thể thay thế.

Hôm qua, giỗ mẹ, khi cả nhà đang chuẩn bị ăn uống thì nghe một tiếng rầm rất lớn ngoài bờ rào. Thêm vội vàng chạy ra thì...

Cả hai ông bà được đưa lên bệnh viện. Mặt mũi tay chân rướm máu, xây xước hết cả, đầu ông sưng rất to. Bà thì một bên tay không cử động được. Đau lắm. Còn kết quả chiếu chụp như nào thì Thêm chưa rõ. Mong là ông bà không sao cả. Hồi trước, Thêm thấy bố trồng dưới chân bức tường rào một rặng đinh lăng. Gốc nào gốc ấy to lừng lững mà ông không đào bán khi được giá. Thêm nghĩ, hay là bố muốn cây đinh lăng cao thêm, để che khuất tầm mắt, không cho ông bà ấy nhìn sang vườn. Không muốn ông bà ấy thấy con bé Vân? Nhưng hôm qua, sau vụ đổ tường thì Thêm hiểu. Chả gì thì bố cô cũng là thợ xây trát. Nếu không có rặng đinh lăng như bức tường thứ hai ấy, thì khi bức tường gạch đổ xuống, ông bà ấy sẽ thế nào? Bức tường xây đã hai lăm năm rồi, lúc Thêm lên mười. Gạch phồng, lại chỉ vôi cát, thêm hai ông bà tựa lên thì nó đổ ập xuống. Thật ra, Thêm biết, lần nào Thêm đưa con bé Vân về thì ông bà cũng đều đứng bên kia bờ rào nhìn sang. Hồi xưa, ông bà bảo Thêm phá bỏ bé Vân đi, không phải vì lòng dạ hẹp hòi, mà chỉ vì muốn dồn bố cô vào thế cùng, phải xuống thang và thay đổi. Người lớn đôi khi cũng hiếu thắng và cố chấp lắm. Lại thêm, lúc ý ông Nghinh đang là cán bộ, nên cũng có cứng nhắc. Xét về tình thì thấy ông ấy lạnh lùng, khắt khe, nhưng về lý thì ông ấy đúng.

Thấy Thêm luôn chân tay, quần quật phân loại, đóng hộp, dán nhãn cả mấy tạ ổi trong yên lặng thì Tuấn nhắc vợ không phải làm cố đâu. Nếu không kịp gửi xe thì trưa anh sẽ đem đi cho họ. Em nên đến bệnh viện thăm ông bà ấy đi. Anh vừa nghe nói mọi người chuẩn bị đưa ông bà về bệnh viện thành phố kiểm tra. Để đấy, đi đi. Rồi quay sang con gái, Tuấn bảo: Vân muốn đi cùng mẹ thì vào thay quần áo đi, khẩn trương. Thêm chần chừ một lát rồi đứng dậy. Cô hiểu tính chồng. Trước đây, hễ có lời ong ve nói con bé Vân là con riêng này nọ là Tuấn gạt đi. Tuấn bảo Vân là con Tuấn, cấm cho ai nói gì. Kể cả khi nghe chuyện bà bên ấy lần mò đến trường con bé Vân học để nhìn cháu, Tuấn cũng khó chịu ra mặt. Tuy nhiên, hôm qua, chỉ vì muốn nhìn ngắm cháu mà ông bà ra nông nỗi ý thì chắc Tuấn đã nghĩ khác.

Con bé Vân lớn thế, học giỏi nữa, nhưng mà lại rất tồ. Thấy bố bảo cho đi bệnh viện thăm ông bà hàng xóm bị tai nạn, thì nó nèo thêm: Bố ơi, hay là bố đưa mẹ con con đi, đi ô tô thì mới cho cả em Tú đi được chứ. Tuấn cười khẽ, nhượng bộ. Vậy chị chọn cho bố chục quả ổi ngon nhất đi.

Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân
TIN LIÊN QUAN

Nguyễn Huy Thiệp - người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại

VI THUỲ LINH |

Nguyễn Huy Thiệp, một đời văn chói sáng bởi tài năng độc đáo chứa đựng tư tưởng nhân sinh lay động triệu người, chưa từng nhận được bất cứ giải thưởng nào của Việt Nam. Chỉ khi ông rời khỏi sự sống trần gian, chúng ta mới nhận ra khoảng trống mãi mãi của một Hiệp sĩ để lại.

Nguyễn Huy Thiệp - “ông Vua” truyện ngắn đã về trời!

Việt Văn |

Trước khi bị tai biến 1 năm trước, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã có nhiều năm dài gần như ở ẩn, dù thi thoảng vẫn có một vài truyện ngắn xuất hiện trên một số tờ báo Tết. Ông cũng viết tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, viết phê bình; nhưng di sản lớn nhất ông để lại vẫn là truyện ngắn.

Truyện ngắn: Làng đồi dưới dốc hoa

Nguyễn Tham Thiện Kế |

1. Khom người trên tảng đá hoa cương, cậu chìa tay cho chị. Trên kéo, dưới níu, để cả hai đứng cùng trên gộp đá rộng chừng mặt bàn. Cậu bỗng rơi vào tình thế giãn cách lịch sự thì ngã nhào, mà áp sát thì đụng chạm thịt da...

Đấu giá "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" và "Sách Tết Tân Sửu 2021"

Thái An |

Hai phiên đấu giá online 20 bức tranh minh họa trong "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" và "Sách Tết Tân Sửu 2021" thu về gần 639 triệu đồng.

Không gian mở và dấu ấn truyện ngắn trong "Tết đảo"

Trần Trang Quỳnh (Nghiên cứu sinh tại London) |

Trong những ngày “chống đỡ” đại nạn COVID-19 tại Anh Quốc, chúng tôi may mắn có được tập truyện ngắn "Tết đảo" (NXB Thanh niên năm 2019) của nhà văn Lê Ngọc Minh. Đây là một tác giả có nhiều truyện ngắn được đưa lên mạng bởi những tờ báo uy tín như Văn Nghệ, Lao Động cuối tuần, VOV online...

Nghệ An: Vì sao thu ngân sách hơn 20 nghìn tỉ nhưng không đủ chi?

QUANG ĐẠI |

Tính đến hết năm 2022, thu ngân sách của tỉnh Nghệ An đạt 21.152 tỉ đồng, tăng 40,9% so với dự toán HĐND tỉnh giao.

Hà Nội: Cận Tết, giá pháo hoa Z121 vẫn ở mức cao

HỮU CHÁNH |

Càng cận Tết Nguyên đán 2023, nhiều dân buôn tích trữ pháo hoa Z121 ồ ạt xả hàng với mức giá rẻ hơn so với tháng trước. Còn pháo hoa ở một số đại lý của Nhà máy Z121 vẫn được bán ở mức giá cao so với niêm yết.

Ông Putin ký luật về cổ đông của các nước "không thân thiện"

Khánh Minh |

Các công ty liên doanh Nga có quyền ra quyết định mà không cần lá phiếu của cổ đông các nước "không thân thiện" - theo sắc lệnh mới của Tổng thống Vladimir Putin.

Nguyễn Huy Thiệp - người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại

VI THUỲ LINH |

Nguyễn Huy Thiệp, một đời văn chói sáng bởi tài năng độc đáo chứa đựng tư tưởng nhân sinh lay động triệu người, chưa từng nhận được bất cứ giải thưởng nào của Việt Nam. Chỉ khi ông rời khỏi sự sống trần gian, chúng ta mới nhận ra khoảng trống mãi mãi của một Hiệp sĩ để lại.

Nguyễn Huy Thiệp - “ông Vua” truyện ngắn đã về trời!

Việt Văn |

Trước khi bị tai biến 1 năm trước, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã có nhiều năm dài gần như ở ẩn, dù thi thoảng vẫn có một vài truyện ngắn xuất hiện trên một số tờ báo Tết. Ông cũng viết tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, viết phê bình; nhưng di sản lớn nhất ông để lại vẫn là truyện ngắn.

Truyện ngắn: Làng đồi dưới dốc hoa

Nguyễn Tham Thiện Kế |

1. Khom người trên tảng đá hoa cương, cậu chìa tay cho chị. Trên kéo, dưới níu, để cả hai đứng cùng trên gộp đá rộng chừng mặt bàn. Cậu bỗng rơi vào tình thế giãn cách lịch sự thì ngã nhào, mà áp sát thì đụng chạm thịt da...

Đấu giá "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" và "Sách Tết Tân Sửu 2021"

Thái An |

Hai phiên đấu giá online 20 bức tranh minh họa trong "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" và "Sách Tết Tân Sửu 2021" thu về gần 639 triệu đồng.

Không gian mở và dấu ấn truyện ngắn trong "Tết đảo"

Trần Trang Quỳnh (Nghiên cứu sinh tại London) |

Trong những ngày “chống đỡ” đại nạn COVID-19 tại Anh Quốc, chúng tôi may mắn có được tập truyện ngắn "Tết đảo" (NXB Thanh niên năm 2019) của nhà văn Lê Ngọc Minh. Đây là một tác giả có nhiều truyện ngắn được đưa lên mạng bởi những tờ báo uy tín như Văn Nghệ, Lao Động cuối tuần, VOV online...