Bóng tối trên đường đi tìm miền đất hứa

huyền anh |

Hàng nghìn người Afghanistan tuyệt vọng tìm cách rời khỏi đất nước nghèo đói và chìm trong chiến tranh triền miên này mỗi tháng để đi tìm kiếm một cuộc sống an toàn, tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, rất ít người đến được "bến bờ" an toàn.

Những người xấu số

Trước khi lên thuyền để bí mật vượt biên, Shafiullah (16 tuổi) đã gọi điện cho gia đình ở Afghanistan để trấn an với họ rằng, cậu vẫn ổn và đang trên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cuộc gọi, Shafiullah lên thuyền. Cậu bé là một trong số khoảng 100 người vượt biên vào đêm đó, hồi tháng 6 vừa qua, và là một trong số hàng nghìn nam giới đã rời khỏi Afghanistan mỗi tháng trong năm 2020 để tìm kiếm một cuộc sống an toàn hơn ở Châu Âu.

Shafiullah đã vào được Thổ Nhĩ Kỳ. Song những kẻ buôn người mà cậu bé đã trả tiền để vận chuyển đến Istanbul chuyển hướng đi qua hồ Van để tránh cảnh sát. Hồ rất sâu và những kẻ buôn người chỉ đưa người đi vào ban đêm.

Khi ngang qua hồ, con tàu vốn chở hàng hóa nay chuyên chở những người đi tìm miền đất hứa bị chìm. Trong số hành khách trên chuyến tàu này, có ít nhất 32 người Afghanistan, 7 người Pakistan và 1 người Iran. Khi tìm kiếm nạn nhân, 61 thi thể đã được tìm thấy, những người còn lại gồm cả cậu bé Shafiullah vẫn còn mất tích. Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ nói với BBC rằng, một số thi thể có thể nằm quá sâu dưới đáy hồ khiến cho việc tìm kiếm rất khó khăn. Ít nhất 4 người được cho là đã thiệt mạng, có cả Shafiullah - cậu bé được kẻ buôn người ở Kabul "gửi gắm".

BBC đã tiếp cận kẻ buôn người này và anh ta đồng ý trả lời phỏng vấn với điều kiện danh tính phải được giấu kín.

Mọi thứ được sắp xếp qua điện thoại

Elham Noor (không phải tên thật) có mối liên hệ chặt chẽ với những kẻ tội phạm khác. Anh ta tuyên bố việc đưa người đến Italia, Pháp và Anh có tỉ lệ thành công cao. "Buôn người không thể hoạt động một mình mà phải có một mạng lưới khổng lồ. Chúng tôi có mối liên hệ với nhau. Mọi thứ được sắp xếp qua điện thoại" - Noor nói, và cho biết thêm rằng, hắn không đi cùng những người di cư.

Noor không thiếu khách hàng. Nhiều người Afghanistan tuyệt vọng đang muốn rời bỏ đất nước. Đất nước này là một trong những nước nghèo đói nhất thế giới và bị chiến tranh tàn phá trong suốt nhiều thập kỷ. Theo Liên Hợp Quốc, 2,7 triệu người Afghanistan hiện sống tị nạn ở nước ngoài, chỉ xếp sau Syria và Venezuela - những nước có số người di cư và tị nạn nhiều nhất thế giới. Do đó, Noor không cần phải quảng cáo. Khách hàng tự gọi cho anh ta. Tuy nhiên, chỉ một tỉ lệ nhỏ những người cố gắng đến Châu Âu thành công ngay từ lần đầu tiên của mình, còn một số không bao giờ trở về.

Sher Afzal - bác của Shafiullah - cho hay, gia đình đã biết chuyến đi sẽ rất nguy hiểm. "Song chúng tôi không lường trước được điều này" - ông nói.

Shafiullah không nhìn thấy tương lai ở Jalalabad - thành phố miền đông Afghanistan. Vì vậy, cậu bé liên hệ và bước đầu trả cho Noor 1.000 USD để tìm cách sang Italia. Cậu bé cùng những người di cư khác di chuyển từ nơi này sang nơi khác bằng các phương tiện: Ôtô, xe tải và đi bộ. Shafiullah băng qua Iran, vào được Thổ Nhĩ Kỳ song cuộc hành trình đã kết thúc ở hồ Van.

Noor cho BBC hay, anh ta đã trả lại tiền cho gia đình Shafiullah cùng những người xấu số khác. Gia đình Shafiullah xác nhận rằng họ đã nhận lại tiền.

8.500 USD để đến Italia

"Chúng tôi ra giá 1.000 USD cho chuyến đi từ Afghanistan sang Thổ Nhĩ Kỳ. Từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Serbia là 4.000 USD. Từ đó đến Italia, chúng tôi tính thêm 3.500 USD nữa. Tổng cộng chi phí cho chuyến hành trình là 8.500 USD" - Noor tiết lộ.

Đây là một khoản tiền khổng lồ đối với một đất nước mà thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ hơn 500 USD. Noor bỏ túi từ 3.000-3.500 USD đối với mỗi một người di cư đến Italia thành công. Và tất cả những gì Noor phải làm chỉ là nhấc điện thoại, thu xếp một số vụ chuyển tiền và thỉnh thoảng hối lộ cho chính quyền Afghanistan. Anh ta không bao giờ gặp trực tiếp bất cứ ai không quen biết anh ta hay người thân, bạn bè. Anh ta dựa vào tiếng tăm của chính mình để thu hút thêm khách hàng và cảnh giác khi nói chuyện với người lạ.

Noor biết rằng, những người di cư phải đối mặt với một cuộc hành trình đầy rủi ro khi không có giấy thông hành. Họ bị giấu đi vào ban ngày, di chuyển vào ban đêm, trú ngụ trong các ngôi nhà an toàn của mạng lưới trên suốt dọc đường đi ở các thành phố như Tehran, Van và Istanbul.

Những người di cư được khuyến cáo không mang theo bất cứ vật dụng có giá trị nào như đồng hồ, trang sức đắt tiền để khiến bọn trộm có thể chú ý. Noor thường cũng nhắc nhở những người di cư không được mang theo người quá 100 USD tiền mặt.

Hành trình đến Thổ Nhĩ Kỳ - một điểm trú chân chính của người Afghanistan đến Châu Âu - có thể mất từ một tuần đến vài tháng, tùy thuộc vào những gì xảy ra trên đường đi.

Hazrat Shah (25 tuổi) - một cựu binh sĩ trong quân đội Afghanistan - đã di cư đến được Istanbul, đang trên đường đến phương Tây. Chàng trai 25 tuổi quyết định đào ngũ và rời khỏi đất nước khi ngôi làng của anh nằm dưới sự kiểm soát của Taliban nên lo sợ sự tấn công trả đũa nhằm vào gia đình mình. Shah đã khởi hành từ Nangarhar ở miền đông Afghanistan vào đầu năm nay, cố gắng đến Italia. "Sau khi đến biên giới (giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran), tôi mất gần 1 tháng để đến Istanbul. Tôi ở đó vài tháng, làm việc trong các khách sạn để kiếm tiền trả cho những kẻ buôn người" - Shah cho BBC hay.

Tuyến đường phía đông Địa Trung Hải, bao gồm việc vượt biển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, được những người di cư đặc biệt ưa thích. Cơ quan biên giới Châu Âu ước tính trong 10 tháng đầu năm nay, hơn 17.000 người đã vào Châu Âu qua tuyến đường này và gần 1/4 trong số này được cho là người Afghanistan. Nhưng rất khó để đi từ Hy Lạp đến Bosnia.

Những kẻ buôn người không bao giờ ra tay giúp đỡ

Shah không chắc liệu bao giờ có thể đến được Italia, nhưng anh không có hứng gọi lại cho những kẻ buôn người để trở về Afghanistan tìm sự giúp đỡ. Anh cho biết, những kẻ đó biến mất ngay khi có dấu hiệu rắc rối đầu tiên và nhiều người cùng thực hiện cuộc hành trình cũng hối tiếc vì đã tin tưởng chúng.

"Có khả năng bạn chết hay bị thương hoặc bị bắt cóc ở mọi lúc trong suốt cuộc hành trình và không ai có thể giúp bạn. Những kẻ buôn người không thể ra tay giúp đỡ vì họ sợ cảnh sát" - Shah nói.

Shah cho hay, anh sống trong điều kiện tồi tệ kinh hoàng trong nhiều tháng và chứng kiến nhiều người chết trên đường đi. "Bạn sẽ nhận được rất ít thức ăn và nước uống để duy trì sự sống. Tôi thấy nhiều người chết khát vì không có nước uống" - Shah cho biết.

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), hơn 1.000 người đã chết khi cố gắng vượt Địa Trung Hải trong năm nay. Điều này chủ yếu là do họ buộc phải đi trên những con thuyền quá tải, thường vào lúc thời tiết khắc nghiệt. Nhiều người khác, như Shafiullah, chết trước khi đến Địa Trung Hải và thậm chí không được đưa vào thống kê này.

Tuy nhiên, vẫn không thiếu người Afghanistan muốn di cư. Sau vụ nổ gần Đại sứ quán Đức ở Kabul vào năm 2017 khiến ít nhất 150 người thiệt mạng, hầu hết quốc gia Châu Âu đã đóng cửa các trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực ở Afghanistan. Điều này khiến việc đi lại hợp pháp đến Châu Âu càng khó khăn hơn và chỉ làm tăng lượng khách hàng tìm kiếm dịch vụ của những kẻ buôn người như Noor.

Từ người nhập cư thành kẻ buôn người

Bản thân Noor đã ở trong tình cảnh tương tự. Giống như rất nhiều người khác, anh ta cũng từng mơ ước được sống một cuộc sống thoải mái ở Vương quốc Anh. Anh ta đã thực hiện cuộc hành trình tương tự khi mới 14 tuổi. Cha anh ta đã trả 5.000 USD cho những kẻ buôn người.

"Tôi vẫn nhớ những khó khăn trong chuyến hành trình của mình, đặc biệt là ở Bulgaria - nơi chúng tôi bị giấu trên các chuyến tàu. Tôi thậm chí bị buộc phải nhảy xuống từ một đoàn tàu đang di chuyển" - Noor cho hay.

Tại Calais (Pháp), Noor được đề nghị hưởng hoa hồng 100 Euro (122 USD) cho mỗi người di cư mà anh ta giới thiệu với một kẻ buôn người. Đây là cách anh ta bắt đầu dấn thân vào mảng buôn người. Noor đến Vương quốc Anh bất hợp pháp và tiếp tục làm việc với những kẻ buôn người. Nhưng rồi anh ta đã trở lại Afghanistan vào năm 21 tuổi khi nhận ra cảnh sát đang truy nã mình.

Một số người di cư đến được Châu Âu thông qua mạng lưới của Noor đã rỉ tai nhau về anh ta cho những người khác khiến mạng lưới cũng như danh tiếng của anh ta ngày càng tăng. "Bất chấp sự không chắc chắn, mọi người vẫn tin tưởng tôi sẽ đưa được họ ra khỏi đất nước" - Noor nói.

Noor cho biết, khoảng 100 người đã trả tiền cho anh ta và đang trên đường đến Châu Âu. Nhưng anh ta khẳng định, họ sẽ là người cuối cùng. Anh ta tuyên bố đã từ bỏ công việc kinh doanh này khi thấy thảm họa xảy ra với con thuyền của Shafiullah. Thảm kịch khiến anh ta nhận ra cái giá phải trả bằng sinh mạng con người khi mọi thứ diễn ra sai lầm.

"Tôi đã xin lỗi các gia đình nhiều lần. Tôi cũng nói rõ từ đầu rằng, chuyện gì cũng có thể xảy ra trên đường đi. Họ chấp nhận điều này" - Noor tâm sự.

Một kẻ buôn người khác biết Noor quả quyết rằng, anh ta sẽ rất khó "quay đầu". Mọi người sẽ tiếp tục gọi anh ta trong nhiều năm tới" - kẻ buôn người này nói. Đó là một mảng kinh doanh sinh lời và khó có thể từ bỏ sau bao nhiêu năm đã làm.

Cho dù Noor có thoát ra khỏi "nghề" này hay không, những kẻ buôn người khác vẫn tiếp tục. Hàng nghìn người Afghanistan tuyệt vọng vẫn sẽ mơ về một cuộc sống an toàn, tốt đẹp hơn.

huyền anh
TIN LIÊN QUAN

Vụ 11 người vượt biên gặp tai nạn thảm khốc: Khởi tố 5 bị can

TRẦN TUẤN |

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa khởi tố 5 bị can về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Xét xử vụ đưa nhiều người vượt biên trái phép sang Trung Quốc

BẢO TRUNG |

Cả 3 đối tượng Khánh, Liễu và Hằng đã câu kết với nhau để đưa công dân Việt Nam vượt biên sang Trung Quốc lao động trái phép. Hành trình vượt biên của những công dân này cũng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, rủi ro.

Hà Giang: Tiếp nhận 50 công dân vượt biên trái phép do Trung Quốc trao trả

Phạm Đông |

50 công dân Việt Nam vượt biên trái phép sang Trung Quốc  vừa được Đồn biên cảnh Điền Bồng, Cục Công an huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc trao trả.

Vén bí mật đường dây đưa người Trung Quốc vượt biên vào Đà Nẵng

Hữu Long |

Thông qua sự tiếp tay của một số người Việt, các đối tượng Trung Quốc nhiều lần lượt vượt biên trái phép vào Việt Nam rồi đến Đà Nẵng lưu trú trái phép.

Phạt 5 triệu đồng đối tượng trốn cách ly, tìm cách vượt biên

ĐÌNH TRỌNG |

Đối tượng trốn khỏi khu cách ly tập trung ở Bình Phước tìm cách vượt biên trái phép bị công an bắt lại được. Chính quyền địa phương đã ra quyết định phạt 5 triệu đồng để răn đe.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Vụ 11 người vượt biên gặp tai nạn thảm khốc: Khởi tố 5 bị can

TRẦN TUẤN |

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa khởi tố 5 bị can về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Xét xử vụ đưa nhiều người vượt biên trái phép sang Trung Quốc

BẢO TRUNG |

Cả 3 đối tượng Khánh, Liễu và Hằng đã câu kết với nhau để đưa công dân Việt Nam vượt biên sang Trung Quốc lao động trái phép. Hành trình vượt biên của những công dân này cũng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, rủi ro.

Hà Giang: Tiếp nhận 50 công dân vượt biên trái phép do Trung Quốc trao trả

Phạm Đông |

50 công dân Việt Nam vượt biên trái phép sang Trung Quốc  vừa được Đồn biên cảnh Điền Bồng, Cục Công an huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc trao trả.

Vén bí mật đường dây đưa người Trung Quốc vượt biên vào Đà Nẵng

Hữu Long |

Thông qua sự tiếp tay của một số người Việt, các đối tượng Trung Quốc nhiều lần lượt vượt biên trái phép vào Việt Nam rồi đến Đà Nẵng lưu trú trái phép.

Phạt 5 triệu đồng đối tượng trốn cách ly, tìm cách vượt biên

ĐÌNH TRỌNG |

Đối tượng trốn khỏi khu cách ly tập trung ở Bình Phước tìm cách vượt biên trái phép bị công an bắt lại được. Chính quyền địa phương đã ra quyết định phạt 5 triệu đồng để răn đe.