Bỏ tiền triệu cúng sao, liệu có giải được hạn?

đặng chung |

Ngay từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, ở nhiều nơi thờ tự trên khắp cả nước, người dân đến đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn vô cùng tấp nập. Giá cúng sao mỗi năm cũng tăng dần theo giá thị trường. Nhưng liệu vung tiền triệu ra để cúng bái có giúp con người “thoát” hạn, nếu vẫn làm những điều trái sai?

Phong trào đi giải hạn

Tối 23.2 (tức mùng 8 tháng Giêng âm lịch) diễn ra buổi lễ cúng giải hạn cho những người có sao La Hầu chiếu mệnh năm Mậu Tuất tại Tổ đình Phúc Khánh (hay còn gọi là chùa Phúc Khánh) trên đường Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội). Dù 19h mới bắt đầu, nhưng ngay từ 15h, hàng nghìn người đã đổ về đây.

Đến 18h, tuyến đường Tây Sơn trước chùa Phúc Khánh gần như “đóng băng”. Lượng người đến dâng sao ngồi tràn cả ra đường. Lực lượng an ninh vất vả phân luồng giao thông, hướng dẫn, sắp xếp chỗ ngồi cho những người đến dự lễ.

Khoảng 20h, bất chấp trời mưa và gió lạnh, dòng người vẫn kiên nhẫn đứng, ngồi trên vỉa hè, lòng đường, chắp tay vái vọng vào phía trong chùa. Vào tối 15 tháng Giêng (2.3), tại chùa Phúc Khánh tiếp tục diễn ra lễ cúng giải hạn sao Thái Bạch; tối 18 tháng Giêng (5.3) cúng giải hạn sao Kế Đô, cùng với đó là khóa cầu an vào tối 14 tháng Giêng mà nhiều năm nay đều thu hút hàng nghìn người tham gia.

Ngoài chùa Phúc Khánh, theo ghi nhận của phóng viên, tại một số ngôi chùa khác ở Hà Nội lượng người đến đăng ký, dâng sao giải hạn cũng tấp nập không kém. Nhiều nơi ban tổ chức kê hẳn dãy bàn dài phục vụ nhu cầu người dân đến đăng ký. Những lời truyền như “Sao Thái Bạch quét sạch cửa nhà”, “nam La Hầu nữ Kế Đô”, “49 chưa qua, 53 đã đến”... đã len lỏi sâu vào đời sống nhân dân, đem đến cho con người nỗi sợ hãi.

Nhiều người tin rằng việc cúng sao, dâng sao sẽ phần nào hóa giải được những vận hạn trong năm. Có cầu ắt có cung, dịch vụ giải hạn vì thế cũng nở rộ ở nhiều nơi, không riêng các chùa mà nhiều cơ sở thờ tự khác trên khắp cả nước.

Nhiều năm đi đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn cho cả gia đình tại chùa Phúc Khánh, chị Mai Thu (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, đi làm lễ dâng sao giải hạn để thoải mái về tâm lý. Mỗi khóa lễ, chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng, nhưng đổi lại là thấy nhẹ nhõm và yên tâm hơn.

Cùng tâm trạng đó, chị Thanh Thúy (quận Hà Đông) cho biết, năm nào nhà chị cũng đăng ký dâng sao giải hạn và cầu an. “Khu phố nhà tôi mọi người rủ nhau đi đăng ký cúng sao từ trước Tết. Bây giờ nhà ai chả làm. Việc này cũng coi như nhờ nhà chùa làm lễ để đổi lại sự an tâm thôi” - chị Thúy nói.

Nhiều gia đình còn tổ chức riêng một khóa lễ giải hạn tại nhà riêng, rồi mời các nhà sư hay thầy về cúng. Tùy mức độ làm ăn lớn hay nhỏ mà số tiền bỏ ra làm lễ cũng tương xứng, từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Đặc biệt, vào mỗi dịp đầu năm mới, hình ảnh hàng vạn người dân đổ về các ngôi chùa để làm lễ dâng sao giải hạn. Họ đứng tràn ra cả đường phố, thi nhau vái vọng, cầu khấn thần Phật với niềm tin sẽ hóa giải được các vận hạn trong năm đã trở nên vô cùng quen thuộc.

Theo GS.TS Đỗ Quang Hưng - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, người Việt bây giờ đang ngày càng có xu hướng quá tin vào thế giới tâm linh. Những hiện tượng đổ xô đi cúng lễ giải hạn, đội mưa xếp hàng mua vàng ngày Thần tài... chỉ chứng tỏ người dân đang có tâm lý bất an, mất niềm tin và rơi vào trạng thái vô thức tập thể. Mà khi đó sẽ rất dễ bị lợi dụng, gieo rắc những tệ nạn mê tín dị đoan.

“Khi người dân quá tin vào những điều thiếu cơ sở, rơi vào vô thức tập thể, ùa theo đám đông như thế thì đất nước sẽ khó phát triển” – ông trăn trở.

Thay vì cúng giải hạn, hãy “tu thân”

Theo PGS.TS, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, tục dâng sao giải hạn có nguồn gốc từ Trung Quốc, đã ảnh hưởng và đi sâu vào tiềm thức của nhiều người dân Việt Nam từ nhiều năm nay. Họ tin rằng, mỗi năm có một vì sao chiếu mệnh, trong đó có những sao xấu như La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch... Trong năm đó, con người sẽ dễ bị ốm đau, gặp phải chuyện không may, gọi chung là vận hạn.

Để giải được hạn, cần phải dâng cúng sao. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Lâm Biền cũng cho rằng, việc dâng sao giải hạn suy cho cùng chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên. Sẽ không thánh thần nào giải được hạn cho con người nếu chúng ta làm những việc sai trái, hay buôn gian bán lận, không làm việc và sống theo pháp luật.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ (Trường Đại học KHXH&NV) thì cho rằng, cái lợi của cúng sao giải hạn chỉ thuộc về yếu tố tâm lý “có thờ có thiêng có kiêng có lành”. Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại, nhiều khi thờ vẫn không thiêng mà kiêng vẫn không lành. Việc gia tăng mê tín dị đoan gần đây cho thấy dấu hiệu của một xã hội bất thường trong sự phát triển, đảo lộn trong các bậc thang quan niệm về giá trị hạnh phúc. Điều đáng buồn nhất là việc có những người lợi dụng việc này để tổ chức “buôn thần bán thánh”, trục lợi, cầu danh.

Bày tỏ quan điểm về việc người dân thi nhau đến chùa cúng sao giải hạn đầu năm, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế - Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM - khẳng định, tục cúng sao có nguồn gốc từ Đạo giáo của Trung Quốc, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tôn giáo của nước này từ hàng nghìn năm nay. Đạo Phật liệt tục cúng sao vào nhóm mê tín, tà kiến.

“Mê tín là vì không hiểu rõ nhân quả, tà kiến là nhận thức sai dẫn đến hành động sai. Trong kinh Phật, Đức Phật còn khẳng định rằng bất kỳ ai làm nghề cúng sao, bói toán, đoán hưng suy, vận hạn... đều thuộc về nghề phi pháp theo đạo đức Phật giáo. Về bản chất, tục cúng sao là cái nhìn về vũ trụ rất thiển cận, khi cho rằng vũ trụ này có 28 chòm sao.

Còn kinh Phật thì cho rằng vũ trụ này có vô số hành tinh, trong đó nhiều hành tinh có sự sống của con người. Do đó, không có thần sao chiếu mệnh, không có vận hạn tốt xấu.

Trong mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ, theo Đức Phật đều có những thời khắc, sự kiện thuận và không thuận, thích hợp và chưa thích hợp. Còn bản chất của tốt xấu phụ thuộc vào hành động, động cơ sống, lối sống của con người dẫn đến tiến trình nhân quả. Nó là một quy luật rất tự nhiên” - Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ.

Cũng theo đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vào ngày 12.2.2018, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành Công văn 31, đề nghị tăng ni trên toàn quốc kêu gọi Phật tử không đốt giấy vàng mã, vì gây lãng phí, ô nhiễm. Việc này đã nhận được sự ủng hộ của dư luận. Hội đồng trị sự của Giáo hội cũng nên ban hành thêm các công văn nghiêm cấm việc cúng sao, tuyên truyền mê tín dị đoan ở các chùa càng sớm càng tốt. Bởi các chùa không có chức năng làm việc này.

Thượng tọa Thích Nhật Từ đưa ra lời khuyên: “Xui hay hên, hạnh phúc hay khổ đau đều là những điều diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của con người. Nếu cúng sao có thể giải quyết vấn nạn của nhân sinh thì các tôn giáo và hệ thống nhân quả không có ý nghĩa gì nữa. Các tăng ni nên tập trung vào việc hướng dẫn Phật pháp, hướng con người tu dưỡng đạo đức, để quần chúng được bình an thật sự, chứ không phải là việc trấn an tạm thời.

Người dân cũng không nên đến chùa cúng sao giải hạn. Nên làm việc nhân đạo, việc nghĩa, vì hạn là do con người tạo ra, theo luật nhân quả. Nếu làm được như vậy những tập tục mê tín chắc chắn sẽ không còn môi trường phát triển”.

đặng chung
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.