Bình minh trên xưởng ngói

Nguyễn Thị Mỹ Hạnh |

Thi nhìn chằm chằm vào cây bồ công anh nhỏ bé, yếu ớt nhưng vẫn kiên cường mọc lên giữa 2 hàng gạch ngói. Cô cảm thấy cây bồ công anh này mới mạnh mẽ, đáng quý làm sao? Giữa những khắc nghiệt của cuộc đời vẫn cứ âm thầm mà vững chãi đối diện, vượt qua để bung xòe những cánh lá xanh tươi.

Bất giác cô mỉm cười rồi chạy đi tìm chị Minh, tổ trưởng tổ Xếp và cũng là Phó chủ tịch Công đoàn, để mượn cái xẻng nhỏ. Chạy đi rồi, cô vẫn ngoái nhìn lại cây bồ công anh ấy, tựa như sợ nó sẽ bị người ta giẫm đạp dưới lòng bàn chân. “Bồ công anh ơi, mi chờ tao nhé, tao quay lại ngay thôi”, Thi nói thầm trong lòng những lời tưởng chừng vô nghĩa rồi tự mình bật cười.

Chị Minh ngơ ngác khi cô hỏi mượn xẻng xúc đất.

- Này, em mượn để làm gì? Có xúc nổi đất không mà mượn thế? Tay cô giáo nhỏ bé thế mà làm việc nặng, chị xót chịu không nổi ấy!
Chị nhìn cô cười cười, đáo để nhưng đầy quan tâm hỏi. Thi mới vào công ty gạch ngói Tuynel này được hơn một năm và người cô thân quen nhất chính là chị Minh. Ở đây, cô được các cô, các chị thương yêu, quan tâm vì cô nhỏ tuổi nhất, và cũng vì cô vốn dĩ không nên theo và không phải theo nghề công nhân khổ sở này.

Thi vốn là giáo viên nhưng trầy trật mãi vẫn không xin được vào biên chế. 2 năm đầu ra trường, Thi ôm ấp hoài bão sẽ trở thành một cô giáo giỏi, truyền đạt kiến thức đến các em học sinh. Cô nguyện thầm mình phải cống hiến cho cuộc đời, phải sống tử tế và đường hoàng như những lời người bố quá cố đã dạy. Nhưng rồi hiện thực luôn giáng những cái tát phũ phàng vào mộng tưởng để đánh thức chúng ta.

2 năm ròng, Thi xin dạy hợp đồng ở 2 trường khác nhau với mức lương ít ỏi đến đáng thương: 3 triệu 600 nghìn đồng. Với số tiền đó, cô còn chưa đủ lo cho bản thân mình, muốn mua thỏi son mới cũng phải ngửa tay xin tiền mẹ. Nhưng cô vẫn bám trụ với nghề bằng nhiệt huyết tuổi thanh xuân. Mỗi lần lướt Facebook, thấy bạn bè cùng trang lứa đã được vào biên chế hẳn hoi, Thi lại chạnh lòng, buồn bã suốt mấy ngày sau. Mẹ cô phải khuyên mãi, cô mới nguôi ngoai. Mẹ như ánh sáng trong trái tim cô, là người truyền động lực cho cô vững bước dù hiện thực có khắc nghiệt đến đâu.

Nhưng rồi một chiều nọ, Thi về nhà với những mỏi mệt sau một ngày ở trường. Cô lớn tiếng gọi mẹ. Nhưng không ai đáp. Bốn bề vắng lặng đến đáng sợ. Thông thường, mẹ cô luôn đáp lại tiếng cô gọi vì biết con gái sợ cô độc, sợ bóng tối. Nhưng hôm đó, không một ai lên tiếng. Trái tim Thi đập rộn rã, hoảng hốt. Cô chạy vội vào nhà và bủn rủn khi thấy mẹ ngã sõng soài, đã ngất xỉu trong nhà bếp. Nỗi đau mất mát lại tái hiện vào giây phút ấy. Cô nghẹt thở, hốt hoảng, chỉ biết nâng mẹ dậy trong tiếng khóc nấc. Cô van xin mẹ đừng rời bỏ mình, đừng xa cô giống như bố. Cô sợ cô độc, sợ bị bỏ rơi.

Mẹ Thi được bác hàng xóm đưa đến bệnh viện và phải nằm điều trị một tháng vì bị đột quỵ. Lúc bấy giờ, Thi mới nhận ra, số tiền ít ỏi mình kiếm được mỗi tháng không đủ để trả tiền viện phí cho mẹ. Cơm áo gạo tiền luôn là những gánh nặng lớn lao của đời người mà khát vọng hay nhiệt huyết thì đều không biến thành tiền được. Cô phải đi vay mượn khắp nơi để trang trải cuộc sống, trả tiền viện phí cho mẹ, thuê nhân viên y tế về nhà để hướng dẫn mẹ tập vật lý trị liệu.

Vào một chiều mùa đông, trời mưa tầm tã, nước mắt Thi mặn chát hay đó là vị mặn của những giọt mưa, Thi cũng không biết nữa. Cô lái xe thật chậm, mặc những giọt mưa tạt thẳng vào mặt mình, đau rát, đau đến đỏ mắt. Thi đã xin thôi việc. Cô mất ngủ mấy đêm liền và quyết định không tiếp tục theo đuổi khát vọng trở thành một cô giáo dạy giỏi nữa.

Cô phải kiếm tiền để lo cho mẹ. Bố không còn, mẹ đã vất vả biết bao nhiêu mới nuôi cô trưởng thành, ăn học thành tài. Lưng mẹ đã còng lắm rồi! Tay mẹ đã chai sạn lắm rồi! Cô không thể để mẹ vất vả, túng thiếu trong những ngày cuối đời hay những khi đau bệnh.

Mẹ ngồi trên xe lăn đón cô, thấy con gái rũ rượi, mắt bà đỏ hoe nhưng cố giấu đi những giọt nước mắt sắp rơi. Bà luôn như thế, mạnh mẽ nuốt nước mắt vào trong để làm điểm tựa cho con gái.

Thi thu xếp sách vở gọn gàng bỏ vào ngăn tủ. Cô cũng vuốt ve tấm bằng cử nhân Sư phạm một cách tiếc nuối rồi lại bỏ vào phong bì, cất vào tủ sắt.

- Ngày mai con dạy mấy tiết? Có kịp về đưa mẹ đi tái khám không? Hay thôi, để mẹ nhờ bác Quân đưa đi vậy?

- Con xin nghỉ dạy rồi mẹ ạ! Tuần sau, con sẽ đi làm ở nhà máy gạch ngói Tuynel.

Thi nhìn mẹ, mỉm cười thật tươi dù trong lòng ngổn ngang đắng chát. Mẹ cô ngỡ ngàng, bỗng bà bật khóc nức nở. Chưa bao giờ Thi thấy mẹ khóc thổn thức như vậy, cô cuống quýt ôm lấy mẹ. Mẹ trách bản thân mình vô dụng khi là gánh nặng cho con gái, người mà bà tâm niệm phải nâng niu, cưng chiều trong lòng bàn tay.

Thi ôm chặt lấy mẹ, cố vỗ về để ngăn cơn xúc động của bà. Con đường này là do cô chọn và cô sẽ phải đứng thật vững, bước đi thật chắc chắn, thật xa. “Dù thế nào, con vẫn sẽ cống hiến theo cách riêng của mình. Mẹ tin con được không?”. Thi hỏi mẹ. Bà gật đầu, lau nước mắt và mỉm cười. Trong ngôi nhà nhỏ, in bóng hai mẹ con với sự kiên cường và mạnh mẽ. Con đường này đóng lại, ta đi con đường khác tốt hơn, chỉ cần sống thiện lương và cống hiến cho đời là trọn vẹn hạnh phúc.

Thi bồi hồi nhớ lại mọi chuyện sau câu hỏi của chị Minh. Thấy cô thẫn thờ, chị Minh biết mình đã nói điều không nên nói nên vội vã dúi cái xẻng vào tay Thi, còn gõ nhẹ đầu cô, bảo cô nếu xúc không được thì cứ kêu chị một tiếng. Thi bật cười, dạ thật to, còn nheo nheo mắt trêu chị Minh rồi mới chạy đi. Không nghĩ thì thôi, nhưng cứ ai nhắc đến chuyện nghề giáo, Thi lại đau nhói lòng. Tấm bằng Sư phạm và nhiệt huyết giáo viên vẫn luôn là một điều trăn trở, luôn là nỗi đau trong cô.

- Này, em làm gì đấy? Cây bồ công anh bé tí mà em định đặt nó vào cái chậu to như thế á?

Quân nghiêng nghiêng mắt nhìn cô gái nhỏ đang cố xúc cây bồ công anh bỏ vào một cái chậu kiểng còn trống trong xí nghiệp. Sự nghiêm túc của cô khiến anh thích thú.

- Nhưng em biết tìm đâu cái chậu xinh xinh bây giờ? - Thi chu môi hờn dỗi.

- Đợi anh một chút, anh đem chậu lại ngay cho bé.

Quân đi đâu một lúc rồi quay lại với cái chậu màu xanh da trời, to hơn bàn tay một xíu, bên ngoài chậu được tô vẽ bằng hình hoa cỏ rất xinh xắn. Giây phút Quân đưa chậu cho Thi, cả hai đều đỏ hồng đôi má và thẹn thùng.

Cùng lúc đó, chị Minh đi ngang qua với vài chị ở tổ Xếp. Họ trêu chọc, cười đùa đôi trẻ sao mà đáng yêu quá! Thi vội vàng đi với các chị, chỉ kịp gửi lại Quân tiếng cảm ơn nhẹ như gió thoảng.

Cả nhóm kéo nhau sang quán cơm bên đường. Chị Minh lấy cơm đưa cho Thi. Vì xí nghiệp nhỏ, lại làm thay ca nên không có căn tin, cũng không có cơm trưa cho mọi người. Hàng tháng, ngoài mức lương nhận được, xí nghiệp sẽ hỗ trợ tiền ăn cho công nhân. Thi vẫn nhớ như in cảm giác khó tin và ngạc nhiên khi thấy Giám đốc Tổng công ty đến thăm công nhân và trước mặt đông đảo mọi người, ông ấy nhận lỗi về mình, xin mọi người thông cảm. Khuôn mặt hiền từ, phúc hậu của ông vẫn để lại hảo cảm trong lòng Thi.

Một năm nay, nhờ mức lương công nhân mà Thi trang trải cuộc sống tốt hơn, cũng dành dụm được một ít vốn liếng. Mẹ cô hay đùa, bảo cô cố gắng kiếm cho bà một chàng rể, chứ bà muốn có cháu bế lắm rồi! Cô đỏ mặt, vùi đầu vào ngực mẹ, hỏi mẹ liệu có còn đủ sức bế cháu không mà đòi? Hai mẹ con bật cười. Hạnh phúc là gì? Thi vẫn luôn hỏi mình như vậy? Lúc đó, Thi nhận định hạnh phúc chính là mẹ được mạnh khỏe, mình có việc làm. Đó là hạnh phúc.

Nhưng công ty gặp khó khăn, nhất là xưởng gạch ngói mà Thi đang làm. Lượng gạch ngói sản xuất nhiều nhưng tiêu thụ chậm dẫn đến tồn hàng quá lớn. Sân bãi đâu đâu cũng chất đầy gạch ngói. Công nhân nhìn nhau ngao ngán. Quản lý cũng thở dài.

Công ty có cuộc họp dành cho tổ trưởng các tổ. Thi không được mời dự họp vì cô chỉ là công nhân thôi. Nhưng không hiểu sao, cô luôn có cảm giác bất an và lo lắng. Giống như sẽ có một chuyện gì đó rất lớn sẽ xảy ra, sẽ đảo lộn cuộc sống của nhiều người, trong đó có cô.

Thời gian kéo dài lê thê, chậm chạp trôi qua. 10h30, chị Minh và Quân, tổ trưởng tổ cơ khí, buồn bã đi từ phòng họp xuống. Thi chạy lại, hỏi han tình hình. Chị Minh thở dài, bảo xí nghiệp sẽ tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng, và mọi người sẽ nhận trợ cấp 2 triệu/ tháng cho đến khi xí nghiệp làm việc lại. Trái tim đập liên hồi trong lồng ngực của Thi lại rộn rạo thêm lần nữa. 2 triệu/ tháng, thất nghiệp, cuộc sống sau này sẽ đi đâu về đâu? Tiền thuốc của mẹ? Tiền ăn uống của cả hai mẹ con?
Ngày hôm đó, ở dãy trọ đối diện xí nghiệp tổ chức bữa tiệc nhỏ để chia tay mọi người. Các chị ở tổ Xếp thường là người ở xa đến làm việc. Sau khi nhận tin, các chị buồn rầu bảo đành về quê vì không thể sống nổi với mức trợ cấp 2 triệu/ tháng. Về quê kiếm việc gì khác mà làm.

Mỗi người góp một món thành bữa tiệc nhỏ ấm cúng. Nhưng trong bữa tiệc, khuôn mặt ai cũng buồn rũ buồn hiu, chẳng ai nở được nụ cười nào, cũng chẳng ai nói câu nào. Có lẽ trong lòng mọi người đều đang suy tính cho quãng thời gian sau này, cho những bỉm, những sữa, những thuốc men...

Có người sẽ bám trụ và trung thành với xí nghiệp. Nhưng Thi biết, cũng có người vì đời sống mưu sinh mà phải tìm việc làm khác. Tiền không phải là tất cả của hạnh phúc nhưng nếu không có tiền thì chắc chắn sẽ không thể có hạnh phúc. Cũng chẳng trách được ai cả, thời thế buộc họ phải bươn chải thôi và dù họ làm gì, Thi cũng chỉ mong họ giữ được nhiệt huyết, sự đàng hoàng, tử tế, dịu dàng của mình đối với cuộc đời. Như thế là đủ!
Tan tiệc, Quân đưa Thi về. Anh hỏi cô về cây bồ công anh hôm bữa mà hai người đã tỉ mỉ, tẩn mẩn trồng vào chậu nhỏ. Thi nhoẻn miệng cười, cô nói cây bồ công anh vẫn đang ở trong phòng của cô. Mỗi khi buồn bã, thất vọng về bản thân, cô sẽ nhìn cây non xanh nhỏ bé ấy mà tự tìm lấy động lực cho chính mình.

- Phải rồi, chỉ cần có niềm tin, chắc chắn hạnh phúc sẽ lại về!

- Đúng rồi ạ! Và em tin rằng xí nghiệp sẽ lại hoạt động, các cô các chị các anh sẽ không phải vất vả, không phải thất nghiệp nữa. Em cũng chỉ mong như vậy thôi!

Quân không đáp lời Thi mà anh chỉ cười, khẽ nắm bàn tay Thi thật chặt.

6 tháng trôi qua nhưng với Thi, thời gian đó mới đáng sợ làm sao. Những người hàng xóm thấy cô ở nhà thì lời ra tiếng vào, chê bai, cười cợt. Trong đám giỗ bố cô, vài người còn lớn tiếng khoe con cái mình thành đạt ra sao, hạnh phúc thế nào, mỗi tháng kiếm nhiều tiền, biếu bố mẹ bao nhiêu? Thi bực bội đặt mạnh ly nước ngọt xuống bàn, họ mới im lặng.

Cô không sợ bị thiên hạ cười chê. Nhưng cô sợ mẹ cô sẽ đau lòng, sẽ hụt hẫng và thất vọng về con gái. Đêm đó, Thi lại lấy tấm bằng cử nhân Sư phạm ra, nhìn thật lâu và chầm chậm vuốt ve nó.

- Con không cần phải nghĩ nhiều. Họ nói gì kệ họ. Hơi đâu mà con mất ngủ vì những lời lẽ không hay của người khác?

Thi giật mình, quay người lại nhìn thì chẳng biết mẹ cô đã đứng ở đó bao lâu rồi. Thi cúi đầu, nhỏ giọng nói:

- Con không sợ họ cười con nhưng con sợ mẹ đau lòng vì con.

Mẹ ôm lấy Thi, bảo cô cứ mạnh mẽ, ngẩng cao đầu mà sống, chỉ cần không làm gì hổ thẹn với lòng mình là được. Còn những người đó, họ nói cũng chẳng cho mình bát cơm nên không cần phải để tâm đến. Thi ôm lấy mẹ, rơi nước mắt.

- Mẹ, liệu con có đang chọn sai nghề không? Liệu con có đi đúng con đường con nên đi không? - Thi thổn thức.

- Bất cứ nghề nào cũng có trách nhiệm riêng và nghề nào cũng đáng quý, đáng trân trọng cả. Chỉ cần con cảm thấy có khát vọng và sống đúng với lương tâm của mình, điều đó mới thật sự quan trọng - Mẹ cô thầm thì, vừa vuốt tóc con gái.

- Nhưng con vẫn sợ, con sợ khi nghe người ta chê cười con có bằng Đại học Sư phạm mà vẫn làm công nhân. Con không muốn nghe những lời ác ý đó.

- Làm công nhân thì đã sao? Chẳng phải con vẫn đang cống hiến cho cuộc đời bằng nhiệt huyết của mình hay sao? Và con chẳng làm gì sai để phải cúi đầu trước những lời nói ác ý đó cả.

Thi ngạc nhiên và sững sờ trước những lời giảng giải chân tình, thấm thía của mẹ. Mẹ luôn là chỗ dựa an toàn và vững chắc nhất cho cô như vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Mẹ biết con gái khóc nên đùa: “Bố sư cô, lớn đầu, sắp lấy chồng rồi mà còn nhõng nhẽo với mẹ”. Cô hứ trong miệng, bảo mình sẽ chẳng lấy chồng đâu, cứ sống với mẹ là thích nhất. Nhưng trong sâu thẳm, cô vẫn cảm thấy chông chênh, hoang mang.

Trong 6 tháng đó, cô vẫn đi dạy thêm cho vài bé để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Có lần, tim cô như nở hoa khi nghe một phụ huynh tự tin khen ngợi ngôi nhà mình rất chắc chắn, vững chãi. Thi nhìn mái ngói đỏ tươi của ngôi nhà vẫn còn vương mùi mới và đột nhiên thấy yêu đời làm sao! Bởi ngôi nhà được xây dựng bằng gạch và ngói của xí nghiệp cô tạo ra. Đấy, hạnh phúc đôi khi giản dị như thế đấy!

Ngày đầu tiên trở lại xí nghiệp, Thi đem theo ít bánh trái để tặng gia đình chị Thúy. Dãy phòng trọ trước đây luôn ồn ào, tấp nập, nay chỉ còn 4 hộ gia đình sinh sống. Không khí buồn bã dâng lên trong đáy mắt mỗi người. 2 vợ chồng chị Thúy đều làm công nhân ở xí nghiệp gạch ngói nhưng họ vẫn luôn bám trụ, trung thành với xí nghiệp, dù khi nơi đây lâm vào cảnh khó khăn.

Vì số tiền trợ cấp ít ỏi nên cuộc sống của 2 vợ chồng cũng túng thiếu. Cô cũng không biết hoàn cảnh của vợ chồng chị Thúy nếu không nghe chị Minh - Phó chủ tịch Công đoàn, kể lại. Từ đó, cứ đầu tháng, cô, Quân, cùng chị Minh lại thăm nom, hỗ trợ cho các công nhân nghèo khó một ít quà. Những món quà không sang trọng mà ấm áp, thấm thía tình người: thùng mì tôm, thùng sữa, 20kg gạo, ít dầu ăn và nước mắm.

Giây phút thấy chị Thúy rớm nước mắt cảm ơn mọi người, trong đó có mình, Thi chợt nghẹn ngào. Giống như có một thứ gì đó chặn ngang ở cổ rồi ào ạt chảy vào tim. Dòng cảm xúc mà Thi không thể gọi tên được. Nó vừa có vị đắng vừa có vị ngọt ngào lẫn mênh mông an ủi. Thi chợt nhận ra, hạnh phúc thật ra là đem lại hạnh phúc cho người khác, là chìa bàn tay của mình ra để giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.

Buổi đi làm đầu tiên thiếu người nên Thi phải làm việc rất nhiều. Tối, đang tăng ca thì cúp điện. Cô vốn sợ bóng tối nên hét toáng lên.

- Em đứng yên đó nhé, đứng yên đó, anh đến ngay đây! - Giọng Quân vang lên, giúp Thi bình tĩnh lại. Cô trấn an bản thân, đứng lặng im chờ Quân tới.
Thông qua ánh đèn pin rọi từ điện thoại lờ mờ sáng, Quân tìm được đến chỗ Thi. Anh ôm cô vào lòng, nhẹ nhàng vỗ về lưng cô như dỗ dành một đứa trẻ.

- Không sao rồi, đợi tí, các anh em đang mở máy phát điện.

Quân nhẹ nhàng an ủi Thi. Cảm nhận được sự quan tâm của Quân, trái tim Thi ấm áp đến lạ thường. Tự dưng, cô cảm thấy hình như mình không sợ bóng tối nhiều như mình vẫn nghĩ.

5 phút sau, điện bật sáng trở lại nhưng đôi trẻ vẫn ôm chặt lấy nhau giữa ngổn ngang đất cát và những hàng gạch ngói kéo dài. Chị Minh bật cười ha hả. Lúc bấy giờ, Thi và Quân mới ngượng nghịu buông nhau ra.

6 giờ sáng, đội của Thi tan ca tối. Cô uể oải bước ra khỏi phân xưởng, bụi, bùn đất vẫn còn bám trên tay, trên mặt. Quân cũng bước ra theo cô. Anh nhẹ nhàng đặt vào tay người mình yêu một chai nước suối nhỏ mà anh mới mua được ở quán bánh canh phía trước. Bình minh đang lên, mặt trời dần ló dạng, đỏ tươi, rực rỡ ở đỉnh mái ngói xí nghiệp.
Đôi bạn trẻ đứng nhìn bình minh trên xưởng ngói trong im lặng.

- Tối nay anh xuống ca, anh đến nhà em xem cây bồ công anh nở hoa chưa nhé!

Quân nhẹ giọng hỏi, phá tan sự im lặng bấy giờ.

- Dạ, anh hẹn người ta thì nhớ phải đến, đừng để người ta chờ.

Thi cúi mặt, khuôn mặt đã đỏ gay tự bao giờ, giọng cô nhỏ như tiếng muỗi kêu nhưng cũng đủ để Quân nghe thấy. Anh mỉm cười, ngẩng lên nhìn ánh mặt trời một lần nữa. Lòng anh sảng khoái và đầy những hy vọng, mong chờ cho tương lai.

- Ôi, tỏ tình với nhau kia à! Coi kìa, mặt bé Thi đỏ còn hơn mặt trời nữa rồi đấy! Nhanh nhanh về chung nhà cho cả xí nghiệp còn đi mừng cưới nữa chứ?

Giọng chị Minh lanh lảnh, sang sảng khiến đôi trẻ thẹn thùng càng thẹn thùng hơn. Thi vội chạy về phía nhà xe, lòng cô rạng rỡ hạnh phúc. Cô nhìn qua bên phía dãy nhà trọ và cảm thấy lâng lâng một nỗi niềm khó tả. Những giọng nói quen thuộc. Những bóng hình quen thuộc. Mọi người đã trở về. Dãy phòng trọ lại náo nức, vui vẻ với tiếng chào hỏi, cười nói xôn xao.

“Bình minh lại lên trên xưởng ngói” - Thi mỉm cười ấm áp. Làm công nhân thì đã sao? Cô đã tìm được hạnh phúc của cuộc đời mình. Cô đã tìm thấy và giải nghĩa được câu hỏi “hạnh phúc là gì?”. Trên chặng đường tiếp theo, chắc chắn cô sẽ tìm được thêm nhiều đáp án cho câu hỏi trên. Nhưng bây giờ, cô cảm thấy mình đã đi đúng đường, đã được sống trong sự đùm bọc, bảo ban, giúp đỡ của mọi người. Bỗng nhiên, cô lại yêu nghề công nhân biết bao.

Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Con đường của Hạ

Phương Trà |

Ngày Hạ tới xóm Cây Xoài, trời ngập gió. Gió cuộn từng đợt, ào ạt, ngang tàng, ở quê người ta kêu là gió Nam cồ. Chỉ có gió với chị là quen, còn lại tất thảy đều xa lạ. Lạ nhứt là cái giọng bẳn hẳn, nặng nặng của bà chủ nhà trọ: “Một triệu đồng! Giá rẻ bèo cho nên đừng có trả. Tháng nào đóng tháng nấy, thong thả thì sáu tháng đóng một lần”.

Loạt truyện ngắn ấn tượng trong cuộc thi viết văn về công nhân công đoàn

Mi Lan |

Cuộc thi viết văn về công nhân, công đoàn và người lao động giai đoạn 2021-2023 thu hút số lượng lớn tác phẩm tham dự, với hơn 400 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết được gửi về từ nhiều vùng miền với những câu chuyện đặc thù ở các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp khác nhau.

Truyện ngắn dự thi: Hoa của người ở lại

KHƯƠNG QUỲNH |

Bác sĩ Nhân quyết định đến nhận việc ở xóm Củi bằng con xe Minsk cũ kỹ - kỷ vật của ba Giao để lại. Anh lái xe chầm chậm men theo con đường một bên bao phủ bởi rừng thông bạt ngàn, một bên là vực sâu thăm thẳm. Nghe nói con đường nhựa này đã được làm lại từ mấy năm trước, nhưng vẫn không bớt đi sự hiểm trở.

Triều Tiên tuyên bố phóng thành công vệ tinh do thám quân sự

Song Minh |

Triều Tiên tuyên bố phóng thành công vệ tinh giám sát quân sự lên quỹ đạo hôm 21.11 sau hai lần thất bại.

Xe giường nằm vẫn ngang nhiên vào nội đô TPHCM

Nhóm PV |

TPHCM - Phớt lờ quy định cấm xe giường nằm vào nội đô TPHCM, một số nhà xe như Tuấn Hưng, Đồng Phát, Trí Nhân vẫn ngang nhiên cho xe khách giường nằm chạy vào nội đô trong khung giờ cấm.

Black Friday: Khuyến mãi khủng, vì sao vẫn vắng khách mua?

Hồng Diệp - Trang Anh |

Black Friday là thời điểm mua sắm lớn nhất trong năm khi các chủ cửa hàng tung ra hàng loạt khuyến mãi khủng để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán diễn ra khá vắng vẻ và đìu hiu.

Ngôi nhà giữa dự án đường 164 tỉ đồng, Nhà nước bồi thường 1,9 tỉ, chủ nhà muốn 5 tỉ

Tô Công |

Phú Thọ - Nằm chính giữa dự án đường nối 2 tuyến quốc lộ đang thi công, ngôi nhà của gia đình ông Ngô Văn Xạ ở xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn vẫn chưa được giải tỏa do các bên liên quan chưa tìm được tiếng nói chung.

UBND TP Nha Trang lên tiếng vụ nhân viên thư viện có nguy cơ mất việc

Hữu Long |

Khánh Hòa - Hàng loạt nhân viên thư viện lâu năm ở Nha Trang lo lắng vì tới đây phải thi tuyển viên chức, còn nếu không thi thì họ sẽ đối diện với nguy cơ mất việc. Đến nay, địa phương đã có những phản hồi xung quanh ý kiến của các nhân viên thư viện này.

Truyện ngắn dự thi: Con đường của Hạ

Phương Trà |

Ngày Hạ tới xóm Cây Xoài, trời ngập gió. Gió cuộn từng đợt, ào ạt, ngang tàng, ở quê người ta kêu là gió Nam cồ. Chỉ có gió với chị là quen, còn lại tất thảy đều xa lạ. Lạ nhứt là cái giọng bẳn hẳn, nặng nặng của bà chủ nhà trọ: “Một triệu đồng! Giá rẻ bèo cho nên đừng có trả. Tháng nào đóng tháng nấy, thong thả thì sáu tháng đóng một lần”.

Loạt truyện ngắn ấn tượng trong cuộc thi viết văn về công nhân công đoàn

Mi Lan |

Cuộc thi viết văn về công nhân, công đoàn và người lao động giai đoạn 2021-2023 thu hút số lượng lớn tác phẩm tham dự, với hơn 400 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết được gửi về từ nhiều vùng miền với những câu chuyện đặc thù ở các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp khác nhau.

Truyện ngắn dự thi: Hoa của người ở lại

KHƯƠNG QUỲNH |

Bác sĩ Nhân quyết định đến nhận việc ở xóm Củi bằng con xe Minsk cũ kỹ - kỷ vật của ba Giao để lại. Anh lái xe chầm chậm men theo con đường một bên bao phủ bởi rừng thông bạt ngàn, một bên là vực sâu thăm thẳm. Nghe nói con đường nhựa này đã được làm lại từ mấy năm trước, nhưng vẫn không bớt đi sự hiểm trở.