“Biển trong chúng ta” đẹp rạng ngời nhưng cũng đầy đau thương

Thuỳ Trang |

Những người đàn ông lưng trần cõng trên vai trên chiếc thuyền, cả đời “ăn sóng nói gió”, những người phụ nữ “hồn treo cột buồm” dành đầy ắp yêu thương cho chồng con là cuộc sống nhộn nhịp của ngư dân Việt Nam qua ống kính của Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Mỹ Dũng. Thế nhưng bên cạnh sự rạng ngời ấy, cũng có một “Biển trong chúng ta” khiến người ta quặn đau khi ngày càng nhiều chiếc tàu không thể ra khơi, những vùng biển chết, thuyền đội tang.

Chuyện đời biển qua ảnh và những câu ca dao

Giữa tháng 10, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng – người từng nổi danh với quán cà phê “biển báo” độc nhất vô nhị tại Đà Nẵng đã tổ chức triển lãm gần 100 bức ảnh với chủ đề “Biển trong chúng ta” (The Ocean Within Us). Bộ ảnh trắng đen với nhiều câu chuyện khác nhau khắc họa về cuộc sống người dân làng chài từ Móng Cái đến Cà Mau, ghi lại những văn hoá biển tồn tại hàng trăm năm của người Việt hay những cảnh đẹp của bờ biển quê hương khiến bất kỳ ai cũng ngỡ ngàng.

Thế nhưng, xúc động hơn cả là những câu chuyện về biển qua ảnh ấy còn được kể bằng những câu ca dao thấm đẫm vị mặn của biển, của mồ hôi nước mắt những ngư dân Việt Nam. Đó là câu ca “Lấy chồng nghề ruộng em theo/ Lấy chồng làm biển hồn treo cột buồm”, thế nhưng ứng với bức hình cho câu ca ấy là hình ảnh người vợ ôm đứa con thơ đợi chồng đi biển về. Người chồng chạy đến ôm hôn hai mẹ con đầy yêu thương, khắc họa một tình cảm to lớn như biển khơi.

Những hình ảnh sinh hoạt của ngư dân, nét đẹp của người dân miền biển được nhiếp ảnh gia khắc hoạ đầy sinh động cùng những câu ca dao “Lấy chồng nghề ruộng em theo, lấy chồng làm biển hồn treo cột buồm“.
Những hình ảnh sinh hoạt của ngư dân, nét đẹp của người dân miền biển được nhiếp ảnh gia khắc hoạ đầy sinh động cùng những câu ca dao “Lấy chồng nghề ruộng em theo, lấy chồng làm biển hồn treo cột buồm“.

Đó còn là những câu ca về tình cảm gia đình làng biển mộc mạc nhưng chan chứa cả bầu trời yêu thương, “Không có gì bằng cơm với cá / Không có gì bằng má với con”, “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, “Trời vần vũ mây giăng bốn phía / Nước biển Đông, sóng vỗ tứ bề / Làm sao trọn nghĩa phu thê / Đó chồng đây vợ đi về có đôi”.

Tất cả những câu ca dao này được tác giả dịch qua tiếng Anh, được gắn cẩn thận và đầy ngụ ý trong từng bức ảnh về đời sống ngư dân Việt Nam, điều mà với NSNA Mỹ Dũng: “Biển giữ trong mình một nền văn hoá đồ sộ mà với tôi, đó là một trong những ngọn nguồn của dân tộc Việt Nam. Được may mắn sinh ra ở biển, lớn lên và mang trong mình tình yêu của biển, tôi thấy mình có trách nhiệm phải làm một cái gì đó, để có nhiều người biết về vẻ đẹp của biển, của những văn hoá đang tồn tại ở từng vùng biển quê hương, trong từng con người xứ sở. Vẻ đẹp của đời sống bên biển rất bình dị nhưng lại khiến người ta thấy to lớn”.

Cảnh đẹp biển Việt Nam và sức vóc vạm vỡ của người ngư dân Việt.
Cảnh đẹp biển Việt Nam và sức vóc vạm vỡ của người ngư dân Việt.
Cảnh đẹp biển Việt Nam và sức vóc vạm vỡ của người ngư dân Việt.

Chính từ động lực đó, dự án “Biển trong chúng ta” được NSNA Mỹ Dũng thực hiện trong gần 3 năm. Mỗi nơi ông đến, tìm hiểu, chụp lại những khoảnh khắc, ông đều dành thời gian trò chuyện với mỗi người dân làng chài, sưu tầm những câu ca dao mà đôi khi chỉ có những ông lão mới còn nhớ.

“Con người làng biển hào sảng lắm, trong chính những câu ca ấy, họ nói về họ. Như là “Anh đây lên thác xuống ghềnh / Thuyền nan đã trải, thuyền mành thử chơi / Đi cho biết bốn phương trời / Cho trần biết mặt, cho đời biết tên” – ý nói cái chí của người làm biển là vào Nam ra Bắc vẫy vùng. Người ngư dân họ không chỉ lao động chân tay mà còn tư duy làm biển như câu “Con cá không cắn câu nghĩa rằng con cá dại / Vác cần về nghĩ lại con cá khôn” hay chuyện xem thời tiết, “Đời ông cho chí đời cha / Mây phủ Sơn Trà không gió thì mưa” là những kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều đời người mà chúng ta phải học rất nhiều” – NSNA Mỹ Dũng chia sẻ.

NSNA Mỹ Dũng bên bức tranh bãi biển đầy ô dù du lịch khiến chiếc thúng mắc cạn và đó cũng là trăn trở của người yêu quý những làng chài. Ảnh: TT
NSNA Mỹ Dũng bên bức tranh bãi biển đầy ô dù du lịch khiến chiếc thúng mắc cạn và đó cũng là trăn trở của người yêu quý những làng chài. Ảnh: TT

Canh cánh nỗi sợ, “biển đẹp chỉ còn trong ảnh ký ức”

Chính từ tình yêu dành cho những con người ở biển, những câu ca người mẹ miền biển hát ru con trong những ngày đợi chồng ở khơi xa ấy mà NSNA Mỹ Dũng cũng dấy lên nỗi lo sợ, rằng một ngày, những vẻ đẹp bình dị của một nền văn hoá biển Việt Nam sẽ lùi vào ký ức trước sự đô thị hoá đang biến những bãi biển thành bãi tắm, phục vụ du lịch, kinh tế.

Điều đó không hề là nỗi sợ chung chúng bởi ngay trong triển lãm của mình, NSNA Mỹ Dũng cũng đã thể hiện rất rõ qua những bức ảnh về những làng biển chết ở Bắc Trung Bộ, những con thuyền được ngư dân khâm liệm bằng chiếu như người. Những manh lưới thay vì đầy cá thì nay đầy rác. Đó cũng là bộ ảnh khiến tác giả xúc động nhất khi thực hiện. Những thân phận con thuyền đại diện cho thân phận của ngư dân giờ đây không còn muốn làm biển nữa, người ta thả một con thuyền giữa biển, manh lưới phủ lên như muốn thiên táng nó. “Vì giận quá” – NSNA Mỹ Dũng nói thêm. Có nơi ngư dân nhấn chìm con thuyền – đó là thuỷ táng. Có nơi, họ đào hố cát lớn, chôn cất con thuyền. Đau lòng hơn, có con thuyền ở ngay Thọ Quang, Sơn Trà – quê hương tác giả được ngư dân hoả táng sau bao năm đồng hành.

“Đó là có thể là những hình ảnh rất sốc với nhiều người. Nhưng quan trọng hơn cả là phía sau đó là cuộc sống của người ngư dân hiện nay. Hình ảnh ngư dân kéo lưới từ 2 giờ sáng đến 8 giờ lên không có cá mà chỉ toàn rác không, khiến bất kỳ ai cũng nhói lòng. Tất cả cho thấy, đời sống ngư dân Việt Nam không còn êm đềm như xưa nữa. Nếu trước đây, người ta có thể yên tâm sống với nghề biển, nuôi cả gia đình, con cái ăn học ổn định, nhưng nay có thể đi bữa có bữa không. Sự phát triển của đô thị ào đến, những bãi biển neo đậu tàu thuyền biến thành bãi tắm. Mọi thứ đang bắt ép người dân bỏ ngành nghề để làm du lịch. Họ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm môi trường, xả rác, xả thải. Nếu trước đây họ phải đối mặt với thiên tai thì nay, nhân tai còn đáng sợ hơn như vậy. Sức tàn phá của nó khiến cho một vùng biển bị chết, thuyền được ngư dân trùm những lớp vải trắng như đang đội tang!” – NSNA Nguyễn Dũng trăn trở.

Từ những cảm xúc vui buồn với những bức ảnh, qua triển lãm được xem là lần đầu tiên về những bức ảnh đời sống của biển, nhà nhiếp ảnh nặng lòng với biển mong muốn: “Tôi khao khát được nhìn thấy những bãi biển đầy ắp những con thuyền, người ngư dân có chỗ đứng trong đời sống hiện đại. Và đó sẽ là nơi giữ gìn văn hoá biển – một vốn liếng vô cùng lớn mà nếu phát triển được, đó là thứ tiềm năng để thu hút du khách tìm đến, chiêm ngưỡng. Biển trong tôi đã mất đi ít nhiều nhưng biển của thế hệ tương lai sẽ còn mất đi nhiều hơn nữa bởi hành động của chính con người hôm nay. Xin đừng để những bức ảnh tôi chụp hôm nay, rồi 5 hay 10 năm nữa nó sẽ chỉ còn là bức ảnh. Người Việt Nam xin đừng quên mất biển, đừng quên mất vai trò của biển trong cội nguồn dân tộc, cái gốc của Văn Hoá. Chúng ta phát triển nhưng đừng mất đi cái gốc của mình, điều đã và đang nuôi dưỡng tâm hồn con người Việt”.

Thuỳ Trang
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.