Bí mật kinh hoàng trong một đường dây buôn xác người ở Mỹ

Hương Giang |

Dù Mỹ có những quy định luật pháp rất chặt chẽ để quản lý việc cấy ghép tạng, nước này lại gần như bỏ ngỏ hoạt động hiến tặng và sử dụng xác chết trong nghiên cứu khoa học. Chính lỗ hổng đó đã tạo điều kiện để ngành kinh doanh xác người sinh sôi nảy nở và khi các khía cạnh đen tối của nó bị hé lộ, người ta đã không khỏi giật mình kinh sợ.

Những gói hàng như chạy ra từ phim kinh dị

Tháng 2.2012, một lô hàng gồm hai chiếc thùng trữ lạnh cỡ vừa, giống loại thường dùng trong các cuộc picnic nhưng được quấn băng dính kín như bưng, đã xuất hiện tại Delta Cargo, một nhà kho chuyên chứa hàng vận chuyển bằng đường không nằm bên cạnh sân bay Detroit, Mỹ. Đội dịch vụ mặt đất, vốn không cẩn thận lắm trong việc vận chuyển hàng hóa, đã quẳng chúng lên một chiếc ván gỗ nằm phòng lạnh của nhà kho. Cú va chạm mạnh đã cắt đứt phần băng dính, khiến cho nắp thùng hơi hé mở và từ đó một chất lỏng có màu đặc sánh trào ra ngoài.

Bởi lô hàng có ghi rõ rằng những chiếc thùng đang chứa “năm cái đầu người còn nguyên cổ, hai phần thân trên và một cơ thể người hoàn chỉnh”, nên cơ quan quản lý nhà kho đã phải tổ chức một cuộc dọn dẹp khử khuẩn tốn kém. Trong khuôn khổ cuộc dọn dẹp, một nhân viên đặc biệt ở Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) có tên Paul Micah Johnson được điều tới cùng Elizabeth Harton, chuyên viên kiểm dịch của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch (CDC).

Cả hai nhanh chóng thấy rằng một xác người hoàn chỉnh không thể nhét vừa vào cái thùng lạnh cỡ vừa nên đã cho mở nắp cả hai thùng để kiểm tra. Kết quả là bên trong có tới 8 cái đầu người, được gói ghém một cách cẩu thả trong những túi rác và tất cả đang ngập trong một chất dịch màu đỏ.

Kiểm tra hồ sơ vận tải, Johnson thấy rằng những cái đầu là hàng của International Biological, Inc. (IB), một công ty có trụ sở tại Detroit, thuộc sở hữu của doanh nhân Arthur Rathburn. Rathburn, 63 tuổi, thành lập IB vào năm 1989 để “cung cấp các buổi đào tạo nghiệp vụ và bản mẫu phục vụ công tác huấn luyện, giảng dạy dành cho những người hành nghề y”. Đích đến của những cái đầu này là Tel Aviv, Israel. Nhưng vì lý do nào đó, chúng đã bị gửi trả lại Mỹ.

3 tuần sau khi lô vận chuyển 8 đầu người bị phát hiện, Rathburn tìm đến sân bay Detroit với ý định tự dọn dẹp hiện trường và thu hồi lô hàng. Tuy nhiên ông ta không được cho vào hiện trường vì thiếu đồ bảo hộ cần thiết. Khi bị chất vấn, Rathburn khai với nhà chức trách rằng ông ta tự đóng gói những cái đầu và rằng dung dịch xuất hiện trong thùng lạnh là chất bảo quản Listerine. Tuy nhiên ba xét nghiệm của FBI đều cho thấy Rathburn đã nói dối, bởi chất lỏng trong thùng chính là máu người.

Ngoài ra, lô hàng của Rathburn xuất hiện rất nhiều yếu tố gây nghi vấn, như 8 cái đầu đều không có giấy chứng tử kèm theo và tên của những cái xác bị xóa sạch, thay vào đó là các con số bí hiểm. CDC đã gửi yêu cầu đòi được xem thông tin gốc về 8 cái đầu và Donald Greene II, một trong các nhà cung cấp xác người cho Rathburn, đã lập tức gửi thông tin tới nói rằng chúng đều được cắt ra từ các thi thể mới được hiến tặng, được đưa ngay vào trạng thái đông lạnh và chưa hề qua quá trình xử lý tử thi. Thông tin này trái ngược với lời khai của Rathburn, rằng những cái đầu đã được xử lý tẩm ướp hóa chất. Thêm vào đó, FBI cũng thấy rằng một số trong 8 cái đầu có dấu hiệu mang mầm bệnh. Tình tiết mới này buộc FBI phải đào sâu thêm cuộc điều tra.

Mùa xuân 2012, Johnson đã cho lập một đội giám sát để theo dõi hoạt động của IB. Ông thấy những chiếc xe tải của công ty hay chạy tới một trung tâm hỏa táng mà Greenes điều hành, nằm ở vùng ngoại ô Chicago, rồi trở lại các nhà kho của Rathburn đặt ở Detroit. Trong thùng những chiếc xe tải trở về luôn có đầy các túi xác và thùng lạnh.

Quá trình điều tra, Johnson cũng tìm được nhiều bằng chứng cho thấy Rathburn đang thu lợi từ việc buôn các xác người mang mầm bệnh. Nổi bật nhất là một vụ diễn ra trong tháng 10.2012, khi Rathburn chuyển số xác và phần thi thể người trong các hợp đồng trị giá 55.225 USD tới cho Hiệp hội các bác sĩ gây mê Hoa Kỳ. Trong đó một số xác có mầm bệnh viêm gan B và vẫn mang virus HIV. Ông kết luận rằng công ty của Rathburn đã thông qua môi giới để thu gom rất nhiều thi thể nhiễm bệnh với giá rẻ, sau đó làm giả giấy tờ hoặc khai báo sai rằng đó là các thi thể “sạch” rồi đem bán trên khắp nước Mỹ với giá cao.

Cuộc đột kích của FBI vào trụ sở công ty IB trong tháng 12.2013 đã chứng minh nhận định của Johnson là có cơ sở. Trong lần đó, nhà chức trách phải dựng một chiếc lều lớn nằm ở bên ngoài trụ sở IB và đặt vào trong đó quá nhiều thi thể, tới mức người ngoài có thể tưởng đó là các nạn nhân của một vụ khủng bố hàng loạt. Họ cũng tìm thấy vô số đầu người xếp chồng chất lên nhau trong một căn phòng lạnh, với máu và dịch cơ thể đóng lại thành lớp đông cứng ở dưới sàn. Cùng vô số máy cưa đủ loại được phát hiện và thu gom, cảnh tượng bên trong chiếc lều có thể khiến những người chai sạn nhất cũng phải run sợ.

Rathburn sau đó bị khởi tố với 9 tội danh khác nhau. Nhưng câu chuyện của ông ta và IB, đáng buồn thay, lại không phải là hiếm hoi.

Một thị trường hỗn loạn, không được kiểm soát

Ít người biết rằng nước Mỹ lâu nay hội tụ nhiều điều kiện lý tưởng cho hoạt động kinh doanh xác người. Chính quyền Mỹ kiểm soát rất chặt hoạt động cấy ghép nội tạng và mô. Buôn bán tim, thận hay dây chằng để cấy ghép cho người khác bị xem là hành động bất hợp pháp. Tuy nhiên không hề có đạo luật nào quản lý hoạt động buôn bán xác người hay phần thi thể người để phục vụ việc nghiên cứu hoặc giáo dục. Rất ít bang có luật giám sát hoạt động buôn bán tử thi nên gần như ai cũng có thể tiến hành giải phẫu, bán xác người.

Trong khi đó, người Mỹ lại rất tích cực tham gia hiến xác. Theo một ước tính hồi năm 2007, mỗi năm có 20.000 xác người được hiến tặng cho các nghiên cứu khoa học ở Mỹ. Dân Mỹ hiến xác với niềm tin họ đang góp sức cho các mục đích cao đẹp. Nhưng thực tế, nhiều người đã vô tình tham gia vào một thị trường hỗn loạn, trong đó xác của họ bị cắt xẻ và bán như một thứ hàng hóa bình thường.

“Thị trường tiêu thụ thi thể hiện rất lớn”, Ray Madoff, một giáo sư tại Trường luật Boston, cho biết. “Chúng tôi biết rất ít về những ai đang thu gom các thi thể và họ làm gì với những cái xác đó”.

Theo Reuters, tác nhân chính thúc đẩy thị trường đặc biệt này chính là các công ty môi giới xác người như IB, còn được biết tới với cái tên mỹ miều là ngân hàng mô không phục vụ việc cấy ghép tạng.

Mô hình kinh doanh của ngành này hoạt động dựa trên nguồn cung tử thi miễn phí khá lớn, thường tới từ các gia đình nghèo ở Mỹ. Các công ty môi giới thường thỏa thuận với các gia đình nghèo, để họ hiến tặng xác người thân mới qua đời. Đổi lại, gia đình sẽ được công ty môi giới lo tiến hành tang lễ tử tế và sẽ hỏa táng một phần thi thể để trả tro cốt lại cho họ. Thường các gia đình có mức thu nhập thấp nhất ở Mỹ sẽ dễ rơi vào cái bẫy này, bởi họ có quá ít sự lựa chọn. Rất nhiều gia đình đã trở nên khánh kiệt sau thời gian dài bỏ tiền trị bệnh cho thân nhân nên họ không còn đủ tiền để tổ chức tang lễ tử tế.

“Những gia đình có tiền sẽ thoải mái cân nhắc nhiều lựa chọn khi thân nhân qua đời”, Dawn Vander Kolk, nhân viên xã hội làm việc trong một bệnh viện ở Illinois, cho Business Insider biết. “Nhưng với một gia đình không có tiền, đôi khi lựa chọn duy nhất mà họ có chính là việc hiến xác”.

Sau khi thi thể được hiến tặng, có ít bang quy định chặt chẽ về cách thức rã xác hoặc quản lý phần thi thể. Vì vậy, nhiều thi thể có thể bị mua, bán, cho thuê lại. Cũng rất khó để theo dõi xem các thi thể đã bị đưa tới đâu, càng khó hơn để xem người ta có đối xử tử tế với thi thể hay không.

“Hiện đây là lĩnh vực không có sự kiểm soát”, bà Angela McArthur người đứng đầu chương trình hiến tặng xác của Trường Y Đại học Minnesota, cho biết. “Chúng ta đang chứng kiến nhiều vấn đề giống như từng xảy ra trong thời kỳ nạn cướp mộ hoành hành cách đây nhiều thế kỷ”. McArthur nhắc tới hoạt động quật mộ cướp xác diễn ra phổ biến trong thế kỷ 19, tại đó thi thể người chết bị đối xử theo những cách thức thiếu tôn trọng.

“Tôi không biết mình nói như thế này đã đủ mạnh mẽ hay chưa, nhưng điều những kẻ đó đang làm chính là thu lợi từ việc bán xác người”, bà nói thêm.

Một cuộc điều tra của Reuters cho thấy từ năm 2011 tới 2015, các công ty môi giới nhận được ít nhất 50.000 thi thể và bán ít nhất 182.000 phần thi thể. Giống như mọi loại hàng hóa khác, giá cả phần thi thể người có thể tăng giảm tùy thời điểm. Thông thường một xác người có thể được bán với giá từ 3.000 - 5.000 USD, dù đôi khi mức giá tăng lên 10.000 USD. Tuy nhiên một công ty môi giới thường xẻ xác người thành 6 phần để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và để thu lời lớn hơn. Tài liệu nội bộ từ 7 công ty môi giới lọt vào tay Reuters cho thấy giá cả các phần cơ thể như sau: 3.575 USD cho một phần thân người nguyên chân; 500 USD cho một cái đầu; 350 USD cho một bàn chân; 300 USD cho một đoạn xương sống.

Sau khi thi thể được hiến tặng, có ít bang quy định chặt chẽ về cách thức rã xác hoặc quản lý phần thi thể. Vì vậy, nhiều thi thể có thể bị mua, bán, cho thuê lại. Cũng rất khó để theo dõi xem các thi thể đã bị đưa tới đâu, càng khó hơn để xem người ta có đối xử tử tế với thi thể hay không.

Và do ít quy định quản lý, hầu như chẳng có công ty môi giới bị trừng phạt khi họ thực hiện các hành vi không đúng đắn với thi thể. Năm 2015, người Mỹ từng rất sốc khi biết tin Southern Nevada Donor Services, một công ty môi giới tử thi, đã cho nhân viên lôi nhiều xác chết đông lạnh ra ngoài trời và xịt nước “rã đông” như thể đó là những con cá ngừ vậy. Tuy nhiên công ty này sau đó chỉ bị phạt nhẹ nhàng do vi phạm quy định về môi trường.

Cuộc điều tra của hãng tin Reuters cho thấy từ năm 2004 tới nay, đã có ít nhất 1.638 thi thể bị sử dụng sai mục đích hay chịu sự xâm phạm nghiêm trọng tại Mỹ. Nhiều trường hợp thi thể bị người ta dùng cưa máy cắt thành nhiều mảnh, thay vì các dụng cụ y tế chuyên dụng. Phần thi thể cũng được bảo quản trong các điều kiện kém vệ sinh, như tại nhà kho của IB. Thậm chí, sau khi hoàn thành mục đích của đơn vị sử dụng, các phần thi thể này thường bị ném thẳng vào lò đốt như rác thải y tế, chứ không được hỏa táng tử tế như lời hứa ban đầu.

Nhưng với việc luật Mỹ không có cơ chế giám sát và quản lý rõ ràng, sau rốt sẽ chẳng có ai phải chịu trách nhiệm gì hết, như nhận xét của Todd Olson, một giáo sư giải phẫu tại Đại học Yeshiva: “Chẳng có ai giám sát cả. Chúng ta đang dành nhiều sức lực để giám sát việc trồng rau diếp ở đất nước này, hơn là việc quản lý những cái đầu người”.

Trong hàng trăm năm, động lực chính đứng sau hoạt động quật mộ kiếm xác chính là nhu cầu tìm một bản mẫu lý tưởng về cơ thể người, phục vụ công tác giải phẫu nghiên cứu. Tuy nhiên hành động này luôn gây ra các phản ứng phẫn nộ. Năm 1765, nhiều người ở Philadelphia đã tiến hành bạo loạn sau khi hay tin một số bác sĩ và học trò của họ lén đào mộ lấy đi nhiều xác người. Hai thập kỷ sau, một cuộc bạo loạn cũng diễn ra tại New York vì lý do tương tự. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận rằng chính việc giải phẫu và nghiên cứu trực tiếp trên các tử thi đã đóng vai trò nền móng cho y học hiện đại. Vào đầu thế kỷ 20, luật mới được nới lỏng dần để ngành y có thể dùng xác tội phạm, bệnh nhân tâm thần và xác chết vô thừa nhận cho hoạt động nghiên cứu. Từ sau đó đã có một sự dịch chuyển mạnh về quan điểm của dư luận và từ chỗ chống đối, ngày càng nhiều người ủng hộ hoạt động hiến xác.

Ai cần tới các xác người?

Các xác người hoặc phần thi thể cắt ra từ một xác người thường được chuyển tới cho nhiều nhà nghiên cứu khác nhau: Các chuyên gia gây mê muốn học cách tiến hành biện pháp gây tê màng cứng và siêu âm ba chiều; các nha sĩ muốn thực hành cách lắp răng giả; các công ty dược muốn thí nghiệm thuốc.

Bên cạnh đó còn phải kể tới các kỹ sư muốn xem tác động trực tiếp từ các vụ tai nạn giao thông có thể gây ra điều gì lên thân xác con người; các nhà nghiên cứu vũ khí muốn tìm hiểu xem sản phẩm của họ có hiệu quả thực tế tới đâu. Tuy nhiên các hoạt động này thường diễn ra khi chưa được phép từ gia đình của người hiến xác.

Hương Giang
TIN LIÊN QUAN

Nhiều người trên thế giới tin tưởng sẽ giàu có hơn sau lạm phát

Quý An (theo Reuters) |

Có 2/5 số người được hỏi tin rằng họ sẽ giàu có hơn trong tương lai, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát.

Các nhà vườn miền Tây tất bật vận chuyển hoa ra chợ bán Tết

YẾN PHƯƠNG |

Tại một số vườn hoa Tếtmiền Tây, vào thời điểm này, các nhà vườn đang tất bật với việc xuất hoa bán cho thương lái, hoặc vất vả vận chuyển từng chậu hoa từ vườn ra chợ để bán Tết.

Cận Tết tôm, cua Cà Mau nắm tay tăng giá chóng mặt vẫn không đủ hàng để bán

NHẬT HỒ |

Cà Mau - Giá một kg tôm đất khô đã lên đến 1,7 triệu đồng. Không thua kém tôm đất khô, cua gạch Cà Mau cũng có giá lên đến 1,2 triệu đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và không đủ hàng để bán.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đặc sản gà Đông Tảo biếu Tết ở Việt Nam lên báo nước ngoài

Thanh Hà |

Gà Đông Tảo đặc sản ở Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán đã xuất hiện trong bài báo của hãng tin AFP ngày 17.1.