Bí mật giải F1: Tay đua hay chiếc xe là yếu tố quyết định chiến thắng?

Tường Linh (Theo The Correspondent) |

Giải đua xe Công thức một, còn được gọi là F1, vẫn được biết tới như một sân chơi đẳng cấp hoàng gia trong làng đua xe. Bộ môn này đã tồn tại được khoảng 70 năm và Việt Nam cũng đang chờ đón cuộc đua xe F1 đầu tiên được tổ chức ở trong nước. Tuy nhiên, trước khi có thể tới trường đua theo dõi một màn tranh tài, hãy thử trả lời một câu hỏi tưởng như đã cũ: Liệu tay đua hay chiếc xe mới quyết định chiến thắng?

Thua một chặng vẫn thắng cả mùa giải

Trong chặng Grand Prix Đức diễn ra năm ngoái, tay đua người Anh Lewis Hamilton, khi ấy đã là nhà vô địch giải đua xe F1 những 5 lần, điều khiển chiếc xe thuộc Mercedes của anh vào đường pit. Một thành viên trong đội kỹ thuật vội chạy vào gara và vụng về đụng vào người khác đang chạy ra với đống lốp mới cho chiếc xe.

Khi ấy, cuộc đua của Hamilton đã bị ngắt quãng trong 17 giây cực kỳ quan trọng.

Luật quy định rằng, tất cả tay đua phải vào đường pit ít nhất một lần để thay lốp tối thiểu một lần trong lúc đua. Ở bên phải Hamilton, một thợ máy với điều thuốc gắn chặt trên môi, vẫn đang chật vật xé bỏ lớp vỏ bọc bên ngoài một chiếc lốp.

Đồng hồ tiếp tục điểm, đã 25 giây trôi qua.

Vấn đề chưa dừng ở đó. Phần cánh lái phía trước bị vỡ và rơi khỏi chiếc xe đua màu bạc. Các thợ máy thi nhau đổi chỗ loạn xạ, người thì cắp đồ cũ, người cầm đồ mới. Trong lúc tất cả bận rộn, một kỹ thuật viên lại đứng yên vô hồn nhìn đám đông đang loay hoay trước mắt.

Một nhân vật có vẻ quan trọng, với chiếc áo phông trắng và đôi tai nghe to bản trên đầu, bước vào đám đông hỗn loạn. Thêm một thợ máy đi ngang qua rồi dừng lại chắn luôn bánh trước của chiếc xe. Màn chờ đợi đầy khổ sở này sẽ còn kéo dài bao lâu nữa?

55 giây đã trôi qua.

Camera ghi hình trường đua phóng đại vào gương mặt Hamilton. Ở góc phải bên dưới của màn hình TV, vô số các chấm màu - những chiếc xe do đối thủ của Hamilton cầm lái - thi nhau vượt qua chiếc Mercedes đang bất động.

Phải mất đúng một phút Hamilton mới trở lại được đường đua. Chiếc mũ bảo hiểm to bản che đi đôi mắt nhưng người ta có thể hình dung được sự giận dữ của Hamilton. Anh phải bắt kịp các đối thủ, trong khi đang bị họ bỏ lại tới cả một vòng đua.

Khoảng một giờ sau, Hamilton mới cán đích cùng chiếc xe của anh. Chặng Grand Prix Đức diễn ra ngày 28.7.2019 đi vào lịch sử như một sự thất vọng cực lớn của Hamilton. Nhưng bất chấp việc gặp sự cố trên đường pit, Hamilton vẫn về đích ở vị trí thứ 9 và ghi thêm 2 điểm vào chiến thắng chung cuộc của anh, trở thành nhà vô địch mùa giải F1 2019.

Việc chỉ đạt được một vị trí gần cuối top 10 nghe có vẻ không ấn tượng cho lắm. Nhưng cần nhớ rằng, một vòng chạy tại chặng Grand Prix Đức chỉ mất có một phút để thực hiện. Ngay cả khi bị lãng phí rất nhiều thời gian trên đường pit, Hamilton vẫn đuổi kịp và vượt qua 5 tay đua khác! Vậy bằng cách nào anh làm được điều này? Đó là do tài năng của anh, hay do chiếc F1 của đội Mercedes?

Nico Rosberg - một tay đua người Đức từng vô địch giải F1 thế giới hồi năm 2016 -, đưa ra công thức chiến thắng là 80/20. Anh từng nói rằng, kỹ năng điều khiển xe chỉ chiếm 20% thành công của nhà vô địch và đội hỗ trợ chiếm 80% còn lại. Đó là một phát biểu không thể thẳng thắn hơn. Một nhà vô địch dám dẹp đi cái tôi của mình và khiêm tốn thừa nhận tài năng chỉ chiếm có 1/5 nỗ lực giúp mang lại chiến thắng? Nhưng nếu tuyên bố này là thực, tỉ lệ 80/20 kia cụ thể gồm những gì?

Có một thực tế là trong lịch sử 70 năm của giải F1, hơn 800 tay đua đã tham gia tranh tài và phần lớn trong số họ đã bị quên lãng từ lâu. Tuy nhiên, đây không phải là điều quá ngạc nhiên. Trung bình một tay đua chỉ tham gia có 30 cuộc đua và có lẽ chẳng bao giờ chiến thắng lấy một cuộc. Như thế, người ta sẽ đo đếm tài năng của một tay đua bằng cách nào?

Chiến thắng không nên là thước đo duy nhất?

Trong đua xe F1, người chiến thắng luôn thu hút được sự chú ý của hàng triệu fan trên thế giới. Những cái tên quen thuộc luôn đứng đầu bất kỳ bảng xếp hạng các tay đua kiệt xuất nhất mọi thời: Ayrton Senna, Michael Schumacher, Lewis Hamilton. Thường thì các danh hiệu xuất sắc nhất hay được trao dựa trên số lần vô địch hoặc phong cách lái của từng tay đua. Nhưng với đua xe F1, người ta sử dụng tiêu chí nào để định nghĩa sự vĩ đại?

Một nghiên cứu của Thụy Sĩ thực hiện vào năm 2009 đã có kết luận khá thú vị rằng, tay đua F1 xuất sắc nhất mọi thời phải là Juan Manuel Fangio của Argentina. Về mặt số liệu thống kê, ông chỉ giành chiến thắng trong 47% các cuộc đua (cần biết rằng 90% tay đua chưa từng thắng lần nào) và lên bục podium trong 68% các cuộc đua đã tham gia. Ông ghi được điểm trong 84% các cuộc đua đã tham gia (trong khi 2/3 tay đua chưa từng ghi được điểm nào trong suốt sự nghiệp). Và đây là một trong các định nghĩa về thành tựu của tay đua F1.

Tuy nhiên, Andrew Phillips - một nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard - lại có ý tưởng khác để đánh giá sự xuất sắc của tay đua. Ông cho rằng, danh hiệu vô địch thế giới và thành tích vòng chạy rất ấn tượng, nhưng không phải là các chỉ số tốt nhất để đo đếm khả năng của một tay đua. Theo ông, “tài năng thực sự của tay đua thường bị ẩn đi nếu họ phải lái một chiếc xe thiếu tin cậy hoặc chậm hơn đối thủ”. Theo quan điểm này, ngay cả những tay đua chưa từng ghi điểm vẫn có thể xuất sắc hơn các nhà vô địch!

Thay vì quan tâm tới người chiến thắng chung cuộc, hoặc những người thắng thường xuyên, Phillips nói rằng, khi đánh giá một tay đua F1, người ta còn phải xem xét cả chiếc xe anh sử dụng và đội ngũ hỗ trợ đứng sau.

Phillips đã theo dõi 64 mùa giải và xác định được 38 lần một tay đua không chiến thắng đã có màn thể hiện xuất sắc hơn cả nhà vô địch, nếu xét theo bộ tiêu chí do ông đưa ra. Phillips không đánh giá các trường hợp chỉ tỏa sáng một lần duy nhất. Thay vì thế, ông nghiên cứu cả sự nghiệp của một tay đua có thể đã xuất sắc hơn nhà vô địch để chắc chắn nhận định của mình là đúng.

Theo các tiêu chí của Phillips, tay đua F1 xuất sắc nhất mọi thời phải là Jim Clark - con người với phong độ đang sáng chói đã vụt tắt sau cú tông thẳng vào cái cây nằm gần trường đua ở Đức vào năm 1968. Vụ tai nạn khiến Clark tử vong tại chỗ.

Năng lực của một tay đua sẽ thay đổi khi anh ta đổi đội đua - việc rất thường diễn ra - và cùng với đó là những chiếc xe. Tính trung bình trong suốt sự nghiệp, một tay đua sẽ tranh tài trong 7 chiếc xe khác nhau. Phillips kết luận rằng, năng lực của các đội đua luôn có sự khác biệt lớn hơn nhiều so với năng lực của các tay đua.

Nếu một tay đua quyết định chung thủy với một đội đua, sẽ rất dễ để dự đoán thành tích của anh. Nghiên cứu từ các đại học Sheffield, Bristol và Aarhus cho thấy rằng, nếu tính theo từng năm, năng lực của khoảng 2/3 tay đua F1 vẫn giữ nguyên không đổi.

Các nhà nghiên cứu cho biết, công sức tâm huyết của cả đội đua chiếm tới 86% thành tích của một tay đua. Như thế, kỹ năng điều khiển xe và xử lý tình huống của tay đua chỉ còn chiếm 14%. Con số này nghe có vẻ nhỏ nhưng theo nhà nghiên cứu Andrew Bell ở trường Sheffield, nó vẫn là yếu tố không thể xem nhẹ. Đây là nhận định được sự ủng hộ từ cựu tay đua F1 Jan Lammers: “Cả hai yếu tố vật chất và con người đều phải vận hành ở mức 100%. Chính sự kết hợp tổng thể của hai yếu tố này mới quyết định kết quả. Nếu chiếc xe và tay đua được vận hành ở mức 90% khả năng, anh chắc chắn sẽ có kết quả tốt hơn tỉ lệ 100%-75%.”

Bell và các cộng sự đã cho thấy một cách thuyết phục rằng, dữ liệu có thể giúp dự đoán thành tích của các đội đua F1 rất chính xác. Thông qua các bảng tính, biểu đồ, dữ liệu, họ mổ xẻ, phân tích và đưa ra dự báo về thành tích của 3 tay đua F1 xuất sắc nhất, trong nhiều mùa đua, với độ chính xác lên tới 94%! Dự báo thông qua dữ liệu chỉ sai có hai lần: Một là khi tay đua tử nạn và lần thứ hai là khi tay đua bị gãy chân trong lúc tranh tài.

Ai nắm được dữ liệu sẽ chiến thắng

Nhờ có dữ liệu mà các thành tích trông vô cùng ấn tượng trên trường đua bỗng trở nên dễ đoán. Trường hợp của Lewis Hamilton là một ví dụ, dù bị kẹt lại trên đường pit, anh vẫn đuổi theo và vượt qua tay đua Robert Kubica của Ba Lan. Kubica từng được vài nghiên cứu xếp vào nhóm 30 tay đua F1 xuất sắc nhất mọi thời.

Tuy nhiên, kỹ năng lái của Hamilton không xuất sắc đến thế. Anh thắng Kubica vì đang điều khiển một chiếc F1 cực nhanh của đội Mercedes.

F1 về cơ bản là hai cuộc đua nằm trong một màn tranh tài: Sự ganh đua giữa các tài xế và giữa những chiếc xe. Giedo van der Garde - cựu tay đua F1 người Hà Lan - xác nhận điều này. Năm 2013, van der Garde thường xuyên kết thúc các vòng đua với thành tích chỉ chậm hơn Sebastian Vettel - nhà vô địch mùa giải năm đó - chỉ từ 2 giây rưỡi tới 3 giây.

“Cách đó vài năm, tôi vẫn còn chạy chung với Vettel trong giải F3 - cậu ấy là tay đua cùng đội tôi. Chúng tôi chạy nhanh gần như nhau, thường chỉ cách nhau từ 1-2/10 giây là cùng”, van der Garde nhớ lại và kết luận sự khác biệt quá lớn ở mùa giải 2013 là do chiếc xe mỗi tay đua điều khiển.

Điều van der Garde nói cũng là đặc điểm riêng của các môn đua xe thể thao. Thường thì tay đua có năng lực sàn sàn nhau, ít những siêu sao như trong môn bóng đá hay bóng rổ. Tuy nhiên, khi nhìn vào từng đội đua, người ta mới thấy sự khác biệt cực lớn về thành tích.

Vấn đề thu nhập gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động đua xe F1, cũng như sự giàu có của từng đội đua. Từ năm 2021, Liên đoàn ôtô quốc tế (FIA), tổ chức đứng sau giải F1, sẽ hạn chế ngân sách của mỗi đội đua chỉ ở mức 145 triệu USD. Động thái nhằm khiến giải F1 cân bằng hơn, sau khi Mercedes và Ferrari chi hơn 400 triệu USD cho các đội đua của mình trong 2019. Nhưng mức trần ngân sách này lại chưa gồm phí trả cho tay đua, ngân sách quảng cáo và lương của ba nhân sự được trả cao nhất trong đội - qua đó gây nghi ngờ về tính hiệu quả của quyết định.

Trong đua xe F1 hay bất kỳ giải đua nào khác, các tay đua luôn thu hút sự chú ý. Nhưng nếu chỉ quan tâm tới họ, người ta mới thấy được góc hẹp. Chính hoạt động phân tích dữ liệu do đội đua thực hiện mới phức tạp và đáng bàn. Một chiếc xe F1 được gắn 150 cảm biến, qua đó tạo ra hàng ngàn dòng dữ liệu khác nhau. Đội Red Bull đã thuê hơn 90 chuyên gia chỉ để làm công việc phân tích các dữ liệu ấy.

Theo lời van der Garde, trước kia khi công nghệ chưa phát triển, người ta chỉ có chiếc xe và tay đua. Nay với dữ liệu, các đội đua đã có thể tinh chỉnh chiếc xe của họ để đạt hiệu suất cao nhất. Pat Symonds - cựu Giám đốc Kỹ thuật của đội Williams - từng tuyên bố: “Chúng ta đã có khả năng đo đạc gần như mọi thứ mình muốn trên chiếc xe F1”.

Được trang bị bằng dữ liệu khổng lồ, một đội 500 nhà thiết kế, kỹ sư và thợ máy đã sẵn sàng cho cuộc đua tiếp theo. Sự chuẩn bị này là khác biệt khổng lồ so với thời kỳ trước đây, khi tay đua chỉ có thể gào lên qua máy bộ đàm rằng “xe có vấn đề” và đội đua cũng chẳng thể làm gì để hỗ trợ anh.

Hàng loạt yếu tố có thể tác động tới chiến thắng

Ngoài việc nghiên cứu dữ liệu, tiềm lực của đội đua cũng rất quan trọng. Nghiên cứu từ Đại học London cho thấy, các đội đua nếu đang có công ty sản xuất xe đứng sau, sẽ được hưởng lợi nhiều, từ công nghệ, kỹ thuật cũng như tiền vốn. Thường các đội đua như Ferrari hay Mercedes sẽ có nguồn lực dồi dào hơn, thể hiện qua việc ngân sách của họ gấp đôi đối thủ. Kết quả là các đội đua tới từ các nhà sản xuất xe hơi thường giành được điểm F cao gấp đôi đối thủ. Dù không sản xuất xe nhưng đội đua Red Bull lại khá thành công. Đơn giản vì công ty mẹ của họ bán 6,8 tỉ lon nước uống tăng lực mỗi năm và tiền vốn đổ cho họ chỉ là vấn đề nhỏ.

Yếu tố thứ hai có thể giúp mang tới thành công cho đội đua là hoạt động đào tạo tài năng trẻ. Các học viện đua xe của Ferrari và Red Bull đã cho ra lò những tên tuổi như Sebastian Vettel, Daniel Ricciardo và Max Verstappen.

Yếu tố thứ ba là sự tích hợp của công nghệ và thiết bị mới vào chiếc xe. Các cải tiến thường diễn ra trong gara của từng đội đua, nằm ngoài sự nhòm ngó của các đối thủ. Đây là nơi người ta thay đổi để khiến chiếc xe nhanh hơn, lái mượt hơn trước khi tay đua thực sự tranh tài. Nhưng ngay khi đối thủ phát hiện ra việc chiếc xe của một đội đua mới được cải tiến điều gì đó, họ cũng nhanh chóng bắt kịp, khiến lợi thế không kéo dài được lâu. Ross Brawn - một quản lý đội đua F1 lừng danh - từng nói rằng, nếu đội nào giữ được bí kíp khiến họ có lợi thế trong khoảng 3-4 tháng thì đó đã là điều rất may mắn, có thể giúp thay đổi kết quả chung cuộc của mùa giải.

Một nghiên cứu của hai học viện ở Anh vào các đội đua Ford trong những năm 1960, Ferrari trong những năm 1970 và Williams trong những năm 1980 đã thấy rằng, các tay đua của những đội này luôn có được thêm 5 điểm trong mỗi cuộc đua nhờ những cải tiến thông minh ở động cơ hoặc khung vỏ xe.

Thứ tư là hệ thống tính điểm của giải F1. Lewis Hamilton - nhân vật chính trong sự cố trên đường pit hồi năm 2019 - mới chỉ 23 tuổi khi anh lần đầu vô địch một mùa giải F1. Anh tiếp tục chiến thắng thêm 5 lần nữa và vào năm nay có thể sánh ngang với huyền thoại Michael Schumacher - người 7 lần vô địch thế giới.

Song không nhiều người biết rằng, chiến thắng của Hamilton trong năm 2008 là nhờ hệ thống tính điểm của giải F1. Đối thủ bám sát anh nhất, tay đua Felipe Massa, luôn về đích trước Hamilton trong 10 chặng đua trên tổng số 18 chặng đua của mùa giải. Nhưng nhờ hệ thống tính điểm mới mà Hamilton đã hơn Massa 1 điểm và thắng. Nếu theo hệ thống tính điểm cũ được dùng trước năm 2003, Massa đã thắng.

Cuối cùng là trời mưa. Nhiều người nói rằng, F1 là môn thể thao dễ đoán và quả đúng là như thế. Tuy nhiên, mọi dự đoán đều sẽ hỏng bét nếu ngày diễn ra cuộc đua trời đổ mưa. Mưa sẽ khiến xe dễ trượt trên đường đua. Việc chọn nhầm kiểu lốp hoặc đạp phanh quá muộn do quên tính toán tới việc ma sát bị giảm cũng khiến tai nạn dễ xảy ra.

Một ví dụ nổi bật là chặng Grand Prix Bỉ diễn ra năm 1998. Trời mưa và nhiều sương mù đã tạo ra một đường đua ướt đẫm, trơn trượt. Kết quả là 12 chiếc F1 đâm vào nhau ngay khi vừa xuất phát.

Ngoài khả năng gây tai nạn, mưa còn làm giảm lợi thế của những chiếc xe F1 đã được cải tiến. Ví dụ do tay đua phải chạy xe cẩn trọng hơn, anh ta sẽ không thể sử dụng hết công suất của một động cơ mới được tăng sức mạnh. Do phải vào cua với tốc độ chậm và cẩn thận hơn, lợi thế của một hệ thống điều khiển mới được tinh chỉnh cũng không còn.

Điều thú vị là khi trời mưa, các tay đua lại trở về vị trí kiểm soát. Họ phải chạy xe bằng cảm giác, thay vì dựa vào những thông số được đội đua cung cấp đều đặn như khi trời tạnh ráo. Các tay đua như Ayrton Senna, Gilles Villeneuve và Jenson Button luôn tỏa sáng khi trời mưa. Trong khi đó, Michael Schumacher là hiện tượng khác lạ: Phong độ của anh luôn ổn định dù trời mưa hay tạnh!

Vì thế, hãy nhớ điều này nếu theo dõi một chặng đua Grand Prix: Tay lái điều khiển chiếc xe dẫn đầu chặng đua chưa chắc đã là nhà vô địch sau rốt. Ở chiều ngược lại, tay đua đang ở cuối đoàn cũng có thể là một tài năng thực sự, nhưng đã ngồi nhầm xe, hoặc đơn giản là anh đang ở đội đua không phù hợp với mình mà thôi.

Tường Linh (Theo The Correspondent)
TIN LIÊN QUAN

Lewis Hamilton có chiến thắng đầu tiên tại mùa giải F1 2020

PHẠM ĐÌNH |

Lewis Hamilton giành chiến thắng trong chặng đua F1 thứ hai của mùa giải 2020 diễn ra tại Đường đua Red Bull Ring (Áo) hôm 12.7.

Mùa giải F1 2020 tái khởi động từ cuối tháng 7

VIỆT HÙNG |

Sau bóng đá và quần vợt, F1 2020 sẽ trở lại từ cuối tháng 7 và cố gắng hoàn thành đúng hẹn vào giữa tháng 12.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Lewis Hamilton có chiến thắng đầu tiên tại mùa giải F1 2020

PHẠM ĐÌNH |

Lewis Hamilton giành chiến thắng trong chặng đua F1 thứ hai của mùa giải 2020 diễn ra tại Đường đua Red Bull Ring (Áo) hôm 12.7.

Mùa giải F1 2020 tái khởi động từ cuối tháng 7

VIỆT HÙNG |

Sau bóng đá và quần vợt, F1 2020 sẽ trở lại từ cuối tháng 7 và cố gắng hoàn thành đúng hẹn vào giữa tháng 12.