Bảo tàng Louis Finot - thành công đầy ấn tượng của phong cách kiến trúc Đông Dương

hồng nhung |

Bên cạnh bộ sưu tập đồ sộ với nhiều hiện vật sưu tầm độc đáo thuộc danh mục “bảo vật quốc gia”, bản thân kiến trúc công trình Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (tiền thân là Bảo tàng Louis Finot, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp - do người Pháp xây dựng từ năm 1926) cũng là một giá trị nghệ thuật rất lớn bởi kiến trúc đặc sắc với sự kết hợp tinh tế các giá trị của kiến trúc Pháp với kiến trúc bản địa. Đây là một trong những công trình văn hóa tiêu biểu nhất cho phong cách kiến trúc Đông Dương và là biểu tượng của kiến trúc bảo tàng trên toàn cõi Đông Dương bởi vẻ đẹp khác lạ, bề thế.

1. Đầu thế kỷ 20, Hà Nội trở thành thủ phủ của liên bang Đông Dương. Là trung tâm hành chính của Đông Dương khi đó, Hà Nội được người Pháp chọn để xây dựng một bảo tàng có tầm cỡ ở Đông Dương. Bên cạnh đó, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (École Française d’Extrême Orient - gọi tắt là E.F.E.O) qua nhiều năm nghiên cứu, phát hiện, khai quật và sưu tầm, đã thu thập được nhiều di vật quý, có giá trị khoa học cao, cần có nơi lưu trữ, trưng bày. Do vậy, ông Louis Finot, Giám đốc của Viện lúc bấy giờ đã đề nghị Toàn quyền Đông Dương cho lập bảo tàng.

Ngày 28.2.1925, Toàn quyền Đông Dương Merlin đồng ý về mặt nguyên tắc cho nghiên cứu và xây dựng bảo tàng tại Hà Nội. Sau khi lên làm Toàn quyền thay thế Merlin, ngày 21.10.1925, Toàn quyền Đông Dương Montguillot chính thức duyệt y đề án xây dựng bảo tàng này.

Từ đây, công trình Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ được xây dựng với mục đích lưu giữ và trưng bày hiện vật là các di vật khảo cổ, nghệ thuật thu thập từ các nước Đông Nam Á.

Hiện nay, một số tài liệu về thiết kế và thi công công trình Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, bao gồm: Bản vẽ mặt phía Bắc, phía Tây, mặt cắt dọc, tầng trệt... của Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ, do kiến trúc sư Charles Batteur, thành viên của EFEO lập năm 1925; một số nghị định của Toàn quyền Đông Dương liên quan đến công trình này như: Báo cáo số 1142 ngày 24.2.1925 của Tổng Thanh tra Công chính về việc xây dựng Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp với tổng diện tích là 1.835m2; Biên bản phiên đấu thầu công trình xây dựng Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ lần 1 diễn ra ngày 9.11.1925; Nghị định số 2197 ngày 15.5.1928 của quyền Toàn quyền Đông Dương về việc huỷ bỏ hợp đồng xây dựng Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ ký với nhà thầu Aviat; Báo cáo của Kiến trúc sư chính - Chánh Sở Công thự ngày 12.6.1929 về việc tổ chức đấu thầu công trình xây dựng Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ lần 2 diễn ra ngày 11.6.1929; Nghị định ngày 11.3.1932 của Toàn quyền Đông Dương về việc đổi tên Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ thành “Bảo tàng Louis Finot”…

2. Thông tin từ tài liệu lưu trữ cho thấy trước đó, Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ sử dụng hai ngôi nhà của Phủ Toàn quyền Đông Dương là Dinh thự của Toàn quyền (Hôtel du Gouverneur général) và Văn phòng của Toàn quyền (Bureau du Gouverneur général).

Đề án xây dựng bảo tàng do Toàn quyền Đông Dương duyệt với tổng chi phí 210.000 đồng bạc Đông Dương. Tầng 1 và tầng 2 dùng để trưng bày hiện vật, tầng hầm dùng làm phòng làm việc và kho chứa tạm thời. Diện tích tòa nhà là 1.835m2.

Năm 1926, bảo tàng được khởi công xây dựng trên khu đất phía sau Nhà hát thành phố, ở cuối phố Quai Guillemoto (nay là phố Trần Quang Khải) theo thiết kế của kiến trúc sư Ernest Hébrard - Giám đốc Sở Kiến trúc và Quy hoạch Đông Dương khi đó -người được coi là khởi nguồn cho phong cách kiến trúc Đông Dương với sự cộng tác của kiến trúc sư Charles Batteur.

Nói về kiến trúc sư tài hoa Ernest Hébrard và công trình Bảo tàng Louis Finot, PGS.TS Philippe Le Failler, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội cho biết: Tới Hà Nội vào năm 1921, Ernest Hébrard chủ trương đổi mới và đoạn tuyệt với quy tắc tái hiện những xu hướng kiến trúc đang thịnh hành ở chính quốc vào miền nhiệt đới. Nếu ông không phải là người khởi xướng thì ông cũng là người đưa lý thuyết đối thoại giữa các nền văn hóa và ý tưởng kết hợp những yếu tố kiến trúc phương Đông với phương Tây tạo ra phong cách kiến trúc mới - phong cách kiến trúc Đông Dương, với những công trình nổi tiếng vẫn còn hiện diện như những biểu trưng của Hà Nội, đặc biệt là Bảo tàng Louis Finot của Viện Viễn Đông Bác cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam).

Cũng theo tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, khi bắt đầu thi công, người ta đã phải tiến hành phá dỡ hai ngôi nhà cũ. Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ tạm thời sử dụng hai ngôi nhà của Công ty đường sắt Vân Nam, số 39 và 41 phố Carreau (phố Lý Thường Kiệt hiện nay).

Chủ thầu xây dựng công trình ban đầu là ông Aviat nhưng do quá trình thi công gặp nhiều khó khăn nên ngày 1.3.1928, ông Aviat xin huỷ hợp đồng. Ngày 15.5.1928, đề nghị của ông được Toàn quyền chấp nhận.

Đến ngày 11.6.1929, Khu Công chính Bắc Kỳ tiến hành mở cuộc đấu thầu lần 2, kết quả ông Trịnh Quy Khang là người trúng thầu, với giá thành xây dựng là 187.580 đồng bạc Đông Dương.

3.Quá trình xây dựng Bảo tàng kéo dài 6 năm vì đây là khoảng thời gian khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nhiều lúc công trình phải tạm dừng vì thiếu kinh phí. Công trình được khánh thành vào ngày 17.3.1932. Toàn quyền Đông Dương khi đó là Pierre Pasquier trực tiếp chủ trì lễ khánh thành. Cũng trong năm này, Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ được đổi tên thành Bảo tàng Louis Finot - tên vị Giám đốc đầu tiên của Viện Viễn Đông Bác cổ.

Theo website Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, khu vực trưng bày chính của bảo tàng hình chữ nhật kéo dài và được tổ chức theo hình thức xuyên phòng, cùng với không gian trưng bày chuyên đề nằm ở hai bên tạo thành một tổng thể không gian trưng bày khoáng đạt.

Tầng trệt phía dưới tầng trưng bày được thiết kế rộng rãi, thoáng mát, cách nhiệt, cách âm, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, được dùng làm nơi phục chế và làm kho.

Công trình được thông gió tự nhiên bằng khe hở giữa hai lớp mái. Lớp mái phía dưới đua rộng ra, nhằm che nắng và chống mưa hắt vào cửa.

Bên cạnh đó, ánh sáng tự nhiên cũng được tác giả công trình tận dụng tối đa bằng cửa sổ rộng kết hợp cửa kính, đem lại ánh sang cho khu đại sảnh và các khu trưng bày.

Họa tiết trang trí nội ngoại thất công trình theo phong cách Á Đông cổ truyền nhưng có cách điệu, biến hóa, tạo ra sự đa dạng trong phong cách trang trí.

Với cách xử lý hệ thống mái lợp ngói nhiều lớp, cửa thông gió, lấy ánh sáng và sự kết hợp tinh tế các giá trị của kiến trúc Pháp với kiến trúc bản địa, Bảo tàng Louis Finot được coi là một trong những công trình văn hóa tiêu biểu nhất cho phong cách kiến trúc Đông Dương và trở thành biểu tượng của kiến trúc bảo tàng trên toàn cõi Đông Dương bởi vẻ đẹp khác lạ, bề thế.

Năm 1958, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức tiếp quản công trình Bảo tàng Louis Finot, đã tiến hành bổ sung các tài liệu, hiện vật để chuyển nội dung trưng bày từ bảo tàng nghệ thuật sang bảo tàng lịch sử. Hiện nay, công trình này đang được Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam quản lý và sử dụng.

Đã gần 100 năm tồn tại, đến nay công trình Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam vẫn nguyên giá trị và là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn khám phá kiến trúc Pháp tại Hà Nội.

Tài liệu tham khảo:

1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, KT 544-3.

2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, KT 545-5.

3. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, J 1149, trang 951.

4. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, MHN-5478, tờ số 1.

5. baotanglichsu.vn

hồng nhung
TIN LIÊN QUAN

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Khách Trung Quốc đổ xô đặt tour nước ngoài dịp Tết Nguyên đán

Thúy Ngọc |

Dịp Tết Nguyên đán, yêu cầu đặt tour dịch vụ du lịch của khách Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á tăng 1026% so với cùng kỳ năm ngoái.