Bao nhiêu, giá một chuyến đi?

Nguyễn Trọng Hoàn |

Một chuyến đi có giá bao nhiêu? Dễ như thể không đáng hỏi! Đúng mà: Tiền vé, tiền ăn ở, mua sắm vật dụng phục vụ chuyến đi hoặc quà lưu niệm khi trở về. À, nếu không tự cầm lái, không tự phục vụ thì có thể còn tiền thưởng cho hướng dẫn viên hoặc lái xe (người nước ngoài gọi là tiền tip)... Tóm lại, nếu sẵn sàng sức khoẻ, thời gian và kinh phí, việc đó tưởng có gì đâu ngoài “cảm hứng”!

Những khoản kinh phí kể trên có thể tính được bằng tiền. Nhưng, có những chuyến đi chả có cách gì tính giá - kể cả cậy nhờ chuyên gia máy tính hay trí tuệ nhân tạo thời 4.0!

Chuyến đi xa đầu tiên

Còn nhớ, sau lần được bố cho ngồi sau xe đạp lên Thủ đô xem bắn pháo hoa ở Hồ Gươm mừng Giải phóng miền Nam tối 15.5.1975 ấy thì đây là lần thứ hai đi Hà Nội, mà đi một mình, hăm hở thực hiện chuyến xuyên Việt đầu tiên trong đời, khi vừa học xong lớp 9, bước vào mùa hè 17 tuổi. Chiều và tối hôm trước, bạn bè và họ hàng đến chơi rất đông và dặn dò rất kĩ. Mẹ kì công tích cóp và đôn đáo vay mượn khắp nơi được 50 đồng. Sáng sớm, anh Sỹ đèo vào thị xã để bắt xe hơn 60km lên Hà Nội. Đi bộ, vừa đi vừa hỏi từ Bến Nứa đến Ga Hàng Cỏ. Đã chiều, nhà ga đông nghịt. Xếp hàng rồng rắn. Hết giờ chiều, trước mặt còn hơn chục người mà chưa đến lượt, ngao ngán chẳng buồn ăn, mệt đói ôm ba lô ngủ thiếp lúc nào không biết. Bừng tỉnh bởi tiếng ồn ào và trẻ con khóc ré, đám giằng co của mẹ con nhà nọ bị kẻ gian móc túi hay giật đồ gì đó, và trước mặt đã lại rồng rắn, có đến mấy chục người. Hết giờ bán vé trưa, cũng còn đến chục người trước mặt. Buổi chiều cũng diễn ra như chiều hôm trước. Tối lại ngồi vạ vật ở sân ga. Một bác phe vé đến bảo có mua không, hỏi thì họ bảo người nhà mua nhưng lỡ việc không đi nữa. Móc túi đếm. Bác ta trợn mắt: Sao có 16 đồng? Đấy là giá vé xếp hàng, còn muốn đi luôn thì khác. Đi luôn thì bao nhiêu hả bác? Người ta trả 50 đồng còn chưa bán đấy! Choáng váng. Cơ nghiệp có 50 đồng, hai hôm nay chỉ gặm bánh mì khan đã mất gần 1 đồng, sao mua được. Lại chờ sáng, lại xếp hàng, lại thấy trước mặt đầy người. Hỏi thì họ bảo đã đặt gạch trước. Giờ mới để ý và sực nhớ, trước mặt có những mảnh sành, mẩu gạch nối nhau thật, có nhẽ vì người quê ra đâu biết ở phố gạch ngói mảnh sành mảnh bát lại được tính là “người” như thế này (?!) Nghĩ lung lắm, nhưng đã quyết đi xa... Vậy phải nghiến răng. Quãng cuối chiều, một bà đến hất hàm: Thấy mày xếp hàng từ chiều hôm kia, muốn đi luôn tối nay không? Tiền vé bao nhiêu ạ? 50 đồng! Cháu chỉ còn đúng 48 đồng! Đưa xem nào! Lụi hụi móc tiền mẹ bọc kĩ trong mấy lớp vải xé từ áo cũ, còn cẩn thận xếp vào giữa ba lô quấn trong mấy lớp quần áo, mấy cân tỏi khô và 10 đôi dép tông Hải Phòng. Chắc thấy bộ dạng đáng thương, bà ta giao vé, còn dặn thêm: Nhớ giờ lên tầu đấy! Nắm chặt vé trong tay rồi mới thấy đói. Đếm đi đếm lại số tiền 2 đồng đã để riêng từ nhà, chỉ còn một đồng mốt. Giờ phải tính sao đây, vì tàu chạy những bốn đêm ba ngày mà tịnh chẳng quen ai...

Hồi đó, NXB Văn hoá thường in cuốn lịch nhỏ cỡ 1/8 khổ A4, trong đó ghi từng ga tàu hoả, nên khi ngồi trên tàu mỗi khi nghe phát thanh viên thông báo tàu vào ga nào là tôi lại hí hoáy đem quyển lịch ra dò và đánh dấu một cách thú vị. Những cái tên ga rất lạ, chứa đựng nhiều cảm xúc, thường gắn với giọng nói, đặc điểm địa lí hoặc sản vật. Ga Nam Định với kẹo sìu châu, ga Thanh Hoá với món nem chua đặc sản, ga Huế với kẹo mè xửng, ga Quảng Ngãi được gọi là "ga gà" vì tàu vừa dừng là hàng đoàn người với cơ man nào gà luộc, gà quay béo mầm, thơm phức mời chào! Ấn tượng rất lạ đầu tiên về miền Nam là trên đường đến ga Bình Triệu (ga cuối cùng) là ánh đèn neon dài hàng mét sáng rực khắp các khu vườn, trước sân, ngoài ngõ khi tàu vun vút lao qua. Khi ấy, làng quê tôi chưa có điện, chỉ nhìn thấy những bóng điện tròn mờ mờ đỏ quạch ở các trạm bơm thuỷ nông.

Xin lỗi về sự dài dòng cụ tỉ về chuyến đi xa đầu đời ấy, chỉ vì người viết muốn quí vị hình dung về cái không khí nhà ga Hà Nội thời đó, và thấy sự thơ ngây ngơ ngác của một thanh niên nông thôn vốn quen với vó, rọ, nơm chài, riu tôm tát cá... lần đầu lớ ngớ ra thành phố, tiếp xúc với xã hội ồn ào không giống ở làng quê như thế nào - và nhất là chuyến đi ấy tôi không chỉ vào đến TP.Hồ Chí Minh là điểm dừng cuối cùng, mà còn đi xuyên đến Cà Mau và mấy tỉnh miền Đông Nam Bộ, chưa đi hết ngạc nhiên này đã gặp ngạc nhiên khác.

 

Vừa đi vừa trải nghiệm

Sẽ là bao nhiêu để được run lên trước kì thú non sông sơn thuỷ hữu tình, cảm giác rưng rưng dưới chân cột cờ Lũng Cú, dưới biểu tượng con thuyền rẽ sóng để hiểu thế nào là “mắm đi trước đước theo sau” Cà Mau đất mũi. Hay hào sảng muốn bay lên trên boong tàu cưỡi sóng vươn khơi đến quần đảo Trường Sa nơi "cờ đỏ tung bay rực giữa trùng khơi, bốn bề gió và sóng tung bọt trắng", nghẹn ngào xúc động trước líu ríu đón chào đồng bào đến từ đất liền giữa mênh mông biển thẳm!

Cách nay hơn 20 năm, người viết những dòng này có dịp đi làm phim cả tháng trên lòng hồ sông Đà, từ Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình lên Mường La qua Tạ Khoa, Tạ Bú, Chiềng Hoa... của tỉnh Lai Châu, giữa cảnh sắc đơn sơ bỗng thấy dòng sông Đà trữ tình mà hùng dũng hiện lên từ những trang sách của Nguyễn Tuân. Khúc sông ấy, bây giờ ở dưới hàng trăm mét của lòng hồ mênh mông và kì vĩ công trình thế kỉ - nhà máy thuỷ điện Sơn La, nếu bây giờ mới đến lần đầu thì làm sao có thể hình dung ra những người, những cảnh - đối tượng miêu tả trong thiên tuỳ bút nổi tiếng "Sông Đà"!

Theo hình dung trong hồi ức một thời oanh liệt, bồi hồi trở lại lặng bước ngắm nhìn và suy ngẫm từng lá cỏ xanh dưới chân Thành Cổ Quảng Trị, thắt lòng nhìn sông Thạch Hãn chậm dòng, sải bước trên từng nhịp cầu Hiền Lương phần phật cờ bay dưới trời xanh kiêu hãnh, xúc động lội dọc chiến khu Ba Lòng (xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông) hay ngược đường 9 lên căn cứ Làng Vây...

Biết bao kì thú trước nói cười rộn rã sớm tinh mơ xuồng ghe xuôi ngược trên sông chợ nổi Cái Răng, chợ Ngã Bảy hay quây quần bên nghi ngút hương vị đậm đà quấn quyện của nồi lẩu mắm quán Dạ Lý giữa thủ phủ Tây Đô - Cần Thơ gạo trắng nước trong, hay tưng bừng rổn rảng bạn bầu giữa cù lao Dung - vùng sông nước giáp ranh giữa Sóc Trăng và Bến Tre mát xanh và thơ mộng.

Cũng như cảm giác se lạnh và bảng lảng sương thu Hà Nội, đào thắm xứ lạnh Sa Pa, gió lộng Mẫu Sơn hay giữa thôn quê mỗi sớm nghe tiếng tàu cau rụng, hoa cau e ấp toả hương yên bình thanh khiết biết nhường nào!

Nhiều người đến Huế, và có thể đến Huế nhiều lần. Nhưng nếu ngược từ trung tâm lên ngã ba Tuần - nơi Tả Trạch và Hữu Trạch gặp nhau thành sông Hương thượng nguồn rồi bắt đầu một hành trình xuôi Đập Đá, Vĩ Dạ, cùng dòng sông chầm chậm soi bóng thành Huế cổ kính mộng mơ trước khi ra đến Thuận An cửa biển, sẽ có một sông Hương, để sau này, đọc những áng văn trứ danh viết về Huế của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, những thi phẩm tuyệt tác của Thu Bồn, Nguyễn Trọng Tạo... thấy tự tin và ấn tượng hơn nhiều. Có phải bởi từng có chút lưng vốn tạo nên tâm thế đồng hiện và đồng điệu làm nền khi đọc, khi hình dung và cảm nhận?

Còn nhớ, những chuyến chạy xuyên rừng Đức, Ba Lan, Bỉ, Pháp, Czech, Hà Lan... theo qui định, cứ 200km, các xe đều phải xuống trạm dừng. Nửa đêm, xuống trạm, có khi heo hút giữa rừng đấy, nhưng đầy đủ đồ ăn, đồ uống và hàng hoá lưu niệm, làm nhanh một li cà phê thơm phức rồi vươn vai hít hà cái lạnh dịu dàng sâu lắng mà thấy cảm giác thật thân gần, ấm áp. Nhất là mỗi ban mai, khi xuyên những cánh rừng Châu Âu mùa thay áo, sẽ không khỏi bâng khuâng...

Còn nhớ, lần đầu rời khách sạn của hàng Hàng không Anna của Nhật ở Hirosima, lẽ ra hôm ấy về thẳng khách sạn Hoàng Cung, nhưng lại nể lời ghé vào Kyoto cổ kính thăm mấy người em nên sáng hôm sau về đến khách sạn giật mình khi lễ tân báo kí nhận bưu phẩm. Thì ra, chiếc khăn mặt và bàn chải đánh răng dùng dở không bỏ vào sọt rác thì với người Nhật, nó vẫn là sở hữu của mình, vậy là họ gửi phát chuyển nhanh miễn phí! Lần khác, đáp sân bay Narita, khi hành khách cuối cùng đã rời đảo nhận hành lý, mà chẳng thấy tăm hơi 2 cái va li của mình đâu. Nhân viên sân bay ra hỏi, biết sự tình thì mời vào quầy "Lost and found" khai báo và kí nhận một khoản tiền ứng nhiều gấp mấy lần để mua vật dụng cá nhân và ăn uống trong 48 giờ chờ nhận lại hành lý. Sân bay còn cam kết nếu mất sẽ được đền bù đầy đủ theo qui định quốc tế.

Còn nhớ, một chiều cuối năm nào đấy, đứng trên chiếc cầu treo Bosphorus nổi tiếng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ bắc qua eo biển Bosphorus nằm giữa 2 lục địa Á - Âu, mà bâng khuâng sực nhớ non nước hữu tình của Hà Tiên - “Vịnh Hạ Long của Miền Tây Nam Bộ” khi say sưa ngắm nhìn mặt trời đỏ lựng giữa một vùng trời biển bao la và nên thơ, nồng ấm...

 

Một hành trình thức nhận

"Ngồi nhà thì nhớ muôn phương/ Đi thì mắc nợ con đường đã qua!", có lẽ do may mắn mà được đến nhiều nơi trong và ngoài nước. Từ chuyến đi đầu đời cách đây 40 năm ấy, cảnh sắc và cung đường đến những miền đất, những vùng trời cũng đã nhiều đắp đổi. Ví như cách đây 22 năm, xuất phát từ thị xã Thanh Hoá bằng xe UAZ thùng lúc tờ mờ sáng thì phải đến chiều tối mới tới huyện lị Quan Hoá. Rồi hôm sau ngồi xe ôm vòng sang đất Lào, mới vào được các lớp ghép cắm bản của xã Tén Tằn, huyện Mường Lát;.Giờ đây, đường đã băng băng chỉ hơn 5 tiếng đồng hồ! Cũng như gần đây, ai đến Seattle - thành phố thuộc tiểu bang Washington nằm trên 7 quả đồi sơn thuỷ hữu tình bờ Tây nước Mỹ, nổi tiếng với Tập đoàn sản xuất máy bay Booeing, Tập đoàn Microsoft gắn với tên tuổi huyền thoại Bill Gates sẽ ít thấy đèn xanh đèn đỏ ở các giao lộ, bởi người điều khiển các phương tiện giao thông từ lâu đã tự giác giảm ga, nháy đèn tín hiệu nhường đường thân thiện.

Mỗi điểm đến, mỗi địa danh đã qua như những đầu mối cảm xúc, mỗi địa chỉ tâm hồn, một cơ may để thức nhận ra mình.

Mỗi chuyến đi hẹn trước hay ngẫu hứng, để làm gì nhỉ? Có phải để cảm nhận được ý vị của những cung bậc cảm xúc, những thăng hoa vi diệu của cuộc sống muôn màu.

Giá bao nhiêu một chuyến đi, điều đó tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân, dễ gì tính được!

Cũng như được có mặt ở cuộc đời này, được mặn - nhạt - chua - cay, vui - buồn - sướng - khổ, một hành trình mang nghĩa, mà có phải mỗi người biết được, giá bao nhiêu...

Hà Nội, lập xuân 2020.

Nguyễn Trọng Hoàn
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.