Báo chí không chỉ dấn thân mà còn đồng cảm với người lao động

Linh Nguyên |

Với chủ trương báo phải là địa chỉ đầu tiên người lao động tìm đến khi quyền lợi bị xâm phạm, các phóng viên của Báo Lao Động luôn kịp thời có những bài viết bảo vệ người lao động, dù chặng đường đó rất khó khăn và nhiều khi kéo dài.

“Đòi” chế độ thai sản cho người lao động

Đi làm mà bị nợ lương, nợ Bảo hiểm xã hội là điều lo lắng nhất của mỗi người lao động. Trong một hoàn cảnh như vậy, người lao động Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex đã được phóng viên Báo Lao Động lên tiếng, đấu tranh đòi lại quyền lợi. Công ty này nợ lương từ tháng 1.2017 và nợ Bảo hiểm xã hội từ tháng 7.2011 của toàn bộ hơn 500 công nhân tại nhà máy dệt với số tiền hơn 15 tỉ đồng. Người lao động như ngồi trên đống lửa vì mọi quyền lợi liên quan đến lương, đến chính sách Bảo hiểm xã hội bị vi phạm.

Sau khi tìm hiểu, nhất là lắng nghe, nắm bắt nguyện vọng của người lao động, phóng viên của Báo đã viết loạt bài “Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động”. Vì trực tiếp gặp gỡ người lao động, cùng họ chia sẻ nên loạt bài đã phản ánh đầy đủ những khó khăn, thiệt thòi mà người lao động gặp phải, nhất là lao động nữ khi Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội. Trong đó, phải nói đến gần 100 nữ công nhân bị vi phạm chế độ thai sản chịu rất nhiều thiệt thòi.

Chị Trần Thị Hường công nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex phản ánh với phóng viên Báo Lao Động việc bị công ty nợ lương, nợ BHXH, sau 6 năm chưa được nhận chế độ thai sản. Ảnh: Hà Anh
Chị Trần Thị Hường - công nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex - phản ánh với phóng viên Báo Lao Động việc bị công ty nợ lương, nợ BHXH, sau 6 năm chưa được nhận chế độ thai sản. Ảnh: Hà Anh

Sau loạt bài đăng trên Báo Lao Động, các cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội, trong đó có Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex đã trả hơn 10 tỉ đồng tiền nợ Bảo hiểm Xã hội (còn nợ gần 4,4 tỉ đồng); cơ quan Bảo hiểm Xã hội đã tách đóng, chốt sổ cho hơn 400 người lao động. Chỉ còn lại hơn 80 người chưa được chốt sổ Bảo hiểm Xã hội. Kết quả có 2 gia đình người lao động tử vong được nhận chế độ tử tuất sau hơn 10 năm đằng đẵng đợi chờ và gần 100 nữ công nhân đã được hưởng chế độ thai sản...

Đến ngày 28.6.2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex đã chuyển vào tài khoản của cơ quan Bảo hiểm xã hội hơn 4,389 tỉ đồng. Đó chính là thời điểm Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex trả hết 100% (hơn 15 tỉ đồng) - số tiền nợ đọng Bảo hiểm xã hội của người lao động.

Một trong số những nữ công nhân bị vi phạm chế độ thai sản là chị Trần Thị Hường, sinh năm 1988. Chị bị Công ty nợ lương, nợ Bảo hiểm xã hội, sau 6 năm chưa được nhận chế độ thai sản. Chính vì vậy, khi được nhận chế độ thai sản, người đầu tiên chị Hường báo tin vui là phóng viên Báo Lao Động.

Chị nói với phóng viên Báo Lao Động trong sự xúc động và mừng vui không tả xiết, rằng tài khoản của chị vừa nhận hơn 23 triệu đồng từ Bảo hiểm xã hội huyện Gia Lâm (Hà Nội), về việc thanh toán chế độ ốm đau, thai sản đợt 1 năm 2017. Niềm vui của chị Hường cũng là niềm vui chung của những người lao động bị vi phạm chế độ chính sách nhiều năm, nay đã đòi lại được.

Trong suốt quá trình thực hiện bài viết, phóng viên đã đặt mình vào vị trí của người lao động để thấy hết sự lo lắng, thiệt thòi khi quyền lợi hợp pháp, chính đáng bị vi phạm. Chính cảnh 2 gia đình mòn mỏi chờ tiền tử tuất, rồi cả những nữ công nhân sinh con xong mãi không được hưởng chế độ thai sản là động lực để phóng viên quyết tâm theo đuổi vụ việc.

Ở loạt bài này, phải nói dùng đến từ “quyết tâm” vì thời điểm ban đầu, người lao động chưa tin phóng viên có thể đòi quyền lợi cho họ. Thậm chí, phóng viên còn phải đảm bảo với người lao động là không nhận bất kỳ một khoản phí nào từ người lao động để viết bài. Tất cả những gì cần làm lúc đấy là phải thuyết phục được người lao động để họ đồng ý nói ra tất cả những quyền lợi hợp pháp, chính đáng mà họ đang bị vi phạm, cũng như để họ cung cấp tài liệu, sở cứ cho bài viết.

Sau các bài viết trên Báo Lao Động, khi quyền lợi được thực hiện, nhiều người lao động đã không cầm được nước mắt. Họ không chỉ vui mừng vì những gì thuộc về họ nay được trả lại, được thực hiện mà những giọt nước mắt của họ còn là sự cảm ơn phóng viên, là niềm tin vào Báo Lao Động đã được xác tín...

Với những bài viết bảo vệ người lao động có kết quả cao nhất, Báo Lao Động thực sự trở thành địa chỉ tin cậy mỗi khi quyền lợi bị vi phạm của người lao động. Từ đầu năm 2024 đến nay, phóng viên Báo Lao Động vào cuộc và góp phần đòi được quyền lợi của ít nhất 4 nhóm người lao động bị lừa đảo xuất khẩu lao động. Có những trường hợp, tác động của bài báo nhanh đến mức người lao động bất ngờ.

Công nhân dưới 18 tuổi vắt kiệt sức trong nhà máy, nhưng tiền lương thấp hơn so với lao động cùng công việc. Ảnh: Nhóm PV.
Công nhân dưới 18 tuổi vắt kiệt sức trong nhà máy, nhưng tiền lương thấp hơn so với lao động cùng công việc. Ảnh: Nhóm PV

Đó là vụ việc anh Bùi Văn Thanh với hồ sơ đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Anh Thanh sinh năm 1989 tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Anh Thanh nộp tiền cùng hộ chiếu, bằng cấp cho cho bà Trịnh Thị H - người tự nhận là giám đốc tuyển dụng của một công ty chuyên xuất khẩu lao động và du học các thị trường Nhật, Hàn, Australia và châu Âu - để sang Hàn Quốc làm hàn xì đóng tàu theo diện thị thực E7. Sau khi nộp xong, anh Thanh mới phát hiện mình không đủ tiêu chuẩn để đi Hàn Quốc theo diện thị thực E7. Do đó, nhiều lần anh Thanh đề nghị lấy lại tiền nhưng bà H không đồng ý... Số tiền nộp để đi xuất khẩu lao động anh Thanh phải vay mượn người thân. Giờ không đi được, cũng không đòi được tiền, anh Thanh đã gửi đơn đến Báo Lao Động nhờ trợ giúp.

Chỉ vài giờ sau khi bài báo đăng tải trên Báo Lao Động, ngay chiều hôm đó, anh Bùi Văn Thanh gọi điện thông báo với phóng viên: "Tôi vừa làm giấy biên nhận với bà Trịnh Thị H. để nhận lại 100% tiền đặt cọc (23.820.000 đồng)”. Khi ấy phóng viên cũng vui lây niềm vui của anh Thanh nhưng cũng khuyên anh phải thận trọng, tìm hiểu kỹ tính pháp lý của những đơn vị tổ chức đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Sau lời cảm ơn Báo Lao Động, anh Thanh cho biết sẽ mang số tiền vừa đòi lại được đi trả nợ ngay.

Sẵn sàng dấn thân

Để thực sự hiểu người lao động đang phải chịu những thiệt thòi gì, các phóng viên của báo sẵn sàng dấn thân, nhập vai, chấp nhận những khó khăn mà người lao động đang gặp phải. Một trong số những vụ việc đó là vạch trần thủ đoạn tuyển dụng những lao động thiếu tuổi tại một khu công nghiệp ở Bắc Ninh. Nhóm phóng viên đã nhập vai, vào làm việc tại một số Công ty để chứng kiến việc tuyển dụng lao động thiếu tuổi bất chấp của các đơn vị này. Sự nhập vai này giúp phóng viên thấy rõ những công nhân 17 tuổi phải vắt kiệt sức để làm việc trong nhà máy.

Khi nhập vai, vào phân xưởng làm việc, những gì mắt thấy, tai nghe đã được phóng viên phản ánh trung thực nhất trong bài viết. Đó là cảnh công nhân nhốn nháo chờ chấm công; là cảnh những em 15 - 16 tuổi làm việc thời vụ với số tiền công ít ỏi và phải tăng ca, tính tổng thời gian làm việc lên tới 12 tiếng... Tại đây, phóng viên còn tìm hiểu được cách mà công ty “hô biến” độ tuổi của các em để tuyển vào làm công nhân. Kết quả, loạt 5 kỳ phản ánh hệ thống công ty môi giới đều vận hành tương tự nhau khi sở hữu “dàn” nhân viên đăng bài, tìm kiếm lao động, chỉ cần tuyển dụng đủ lao động theo chỉ tiêu, những nhân viên này nghiễm nhiên sẽ được trả thêm tiền mỗi tháng... đã được đăng tải.

Sau những bài viết đầy đủ chứng cứ của phóng viên Báo Lao Động, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các đơn vị liên quan xác minh làm rõ các nội dung đăng tải trên Báo Lao Động, đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định pháp luật...

Phóng viên Báo Lao Động (bên phải) tiếp nhận hồ sơ của người lao động có quyền lợi hợp pháp, chính đáng bị vi phạm. Ảnh: Phóng viên
Phóng viên Báo Lao Động (bên phải) tiếp nhận hồ sơ của người lao động có quyền lợi hợp pháp, chính đáng bị vi phạm. Ảnh: Phóng viên

Sự dấn thân của mỗi phóng viên Báo Lao Động không chỉ thể hiện trong các bài viết đấu tranh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động mà còn thể hiện ở tinh thần luôn sẵn sàng đi thực tế, dù bất kể ngày đêm để phản ánh kịp thời sự kiện. Điển hình như đối với các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, các vụ cháy nhà thời gian vừa qua. Ngay khi lãnh đạo Tổng LĐLĐVN thăm hỏi, động viên các nạn nhân bị thương, viếng và chia buồn với gia đình các nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn lao động tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, phóng viên đã kịp thời đưa tin.

Qua đó để thấy rõ sự quan tâm của tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên, người lao động. Hay như việc thăm hỏi, động viên, trao quà cho những người bị thương trong vụ cháy khiến 14 người tử vong ở Hà Nội của lãnh đạo Tổng LĐLĐVN cũng được phóng viên phản ánh đầy đủ. Với vụ cháy này, nhiều thông tin sớm nhất về các nạn nhân được đưa vào bệnh viện Giao thông Vận tải có được từ một phóng viên của Báo Lao Động...

Với tinh thần làm việc của phóng viên của một tờ báo là tiếng nói của công nhân viên chức lao động Việt Nam, đến nay, Báo Lao Động vẫn đang tiếp tục giữ vững vị trí số 1 trong bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Thời gian qua, Báo có rất nhiều bài viết phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn đóng góp cho các dự thảo luật nói trên. Đáng nói là các ý kiến này đều xuất phát từ thực tế, có sự phân tích sâu của phóng viên nên có giá trị đóng góp cao.

Nhiều bài viết phản ánh kịp thời các hoạt động của tổ chức Công đoàn, nhất là những đổi mới trong hoạt động theo đúng tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Đặc biệt là một loạt các hoạt động đại diện, chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán, dịp Tháng Công nhân năm 2024 đã làm cho người dân và xã hội hiểu rõ, hiểu sâu hơn về tổ chức Công đoàn.

Linh Nguyên
TIN LIÊN QUAN

Gần 2 tỉ đồng chăm lo đoàn viên, người lao động

Linh Chu |

Ngày 20.6, ông Lê Phan Linh - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện nay, tổng số cán bộ, CNVCLĐ, đoàn viên Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam là hơn 23 nghìn người (lao động nữ chiếm 15,6%), mức lương bình quân đạt 13 triệu đồng/người/tháng.

Chăm lo kịp thời đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc

Linh Nguyên |

Theo đánh giá, 6 tháng đầu năm 2024, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (CĐ NHVN) và CĐ các cấp đã phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ trong việc chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động, tuyên truyền, động viên đoàn viên, người lao động đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ được giao, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội công đoàn các cấp vào thực tiễn công việc và cuộc sống.

Hoạt động Tháng Công nhân đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, người lao động

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Hướng dẫn số 156-HD/BTGTW Tuyên truyền kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam của Ban Tuyên giáo Trung ương diễn ra chiều 18.6 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) Ngọ Duy Hiểu, các ý kiến khẳng định, hoạt động Tháng Công nhân đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, người lao động.

Cháy chung cư ở Bắc Ninh, khói bốc cao hàng chục mét

Trần Tuấn |

Bắc Ninh - Vụ cháy xảy ra vào chiều 22.6, tại khu nhà 9 tầng thuộc chung cư Cát Tường, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Thiền viện Trúc Lâm khẳng định "không truyền dạy mê tín" giữa ồn ào khóa tu mùa hè tại Chùa Ba Vàng

Nhóm PV |

Sau khi chùa Ba Vàng đột ngột thông báo dừng tổ chức các khóa tu mùa hè thì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - một cơ sở tôn giáo cũng thường xuyên tổ chức các khóa tu mùa hè - nhận được nhiều chú ý.

Đội tuyển U16 Việt Nam thắng U16 Brunei với tỉ số 15-0

NHÓM PV |

Chiều 22.6, đội tuyển U16 Việt Nam đã giành chiến thắng 15-0 trước U16 Brunei tại trận ra quân giải vô địch U16 Đông Nam Á 2024.

Diễn viên phim giờ vàng là cựu cầu thủ, từng giúp U16 Thể Công vô địch quốc gia

Bình An |

Bộ phim “Người một nhà” đã khép sóng, đi hết hành trình câu chuyện về 2 anh em trai Trí (Duy Hưng) và Tuệ (Tuấn Tú). Có rất nhiều thông tin ít người biết về diễn viên Tuấn Tú.

Thi tốt nghiệp THPT: Mách nước phụ huynh hợp lực cùng con vượt vũ môn

NHÓM PV |

Kì thi tốt nghiệp THPT 2024 sắp tới gần, làm sao để có thể đồng hành cùng con để con bước vào kì thi một cách tự tin và đạt được kết quả tốt nhất. Chương trình Cà phê chiều thứ 7 tuần này sẽ cùng PGS. TS Phạm Mạnh Hà - Chuyên gia Giáo dục chia sẻ các cách để cha mẹ cùng con vượt qua kì thi này.

Gần 2 tỉ đồng chăm lo đoàn viên, người lao động

Linh Chu |

Ngày 20.6, ông Lê Phan Linh - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện nay, tổng số cán bộ, CNVCLĐ, đoàn viên Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam là hơn 23 nghìn người (lao động nữ chiếm 15,6%), mức lương bình quân đạt 13 triệu đồng/người/tháng.

Chăm lo kịp thời đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc

Linh Nguyên |

Theo đánh giá, 6 tháng đầu năm 2024, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (CĐ NHVN) và CĐ các cấp đã phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ trong việc chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động, tuyên truyền, động viên đoàn viên, người lao động đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ được giao, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội công đoàn các cấp vào thực tiễn công việc và cuộc sống.

Hoạt động Tháng Công nhân đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, người lao động

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Hướng dẫn số 156-HD/BTGTW Tuyên truyền kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam của Ban Tuyên giáo Trung ương diễn ra chiều 18.6 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) Ngọ Duy Hiểu, các ý kiến khẳng định, hoạt động Tháng Công nhân đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, người lao động.