Bài thơ “Vịnh trâu già” - Tài năng và khí tiết của thi sĩ Nguyễn Khuyến

Nguyễn Đình Minh |

Vào năm 1902, cầu Doumer (sau đổi tên thành cầu Long Biên) được tổ chức làm lễ khánh thành. Tham dự lễ có vua Thành Thái và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cùng nhiều quan văn võ triều Nguyễn và hàng nghìn người dân Hà Nội. Ở thời điểm này nhà thơ Nguyễn Khuyến đã cáo quan về ở ẩn, nhưng ông vốn là người danh tiếng từng ba lần đỗ đầu đại khoa và ba lần giữ chức Tổng đốc tại Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, nên vẫn được mời dự.

Trong đại lễ, toàn dân và bách quan phải quỳ lạy và tung hô “vạn tuế”, chỉ riêng có Nguyễn Khuyến không quỳ lạy, ông giả bộ lóng ngóng không quỳ mà chỉ cúi lạy 2 vái.

Bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Thu Hiền, hiện ở quận Ngô Quyền (Hải Phòng), chắt nội của Nhà thơ, bình luận: “Sở dĩ cụ tôi làm vậy vì bên cạnh vua Thành Thái còn có thứ phi của ông ta và tên toàn quyền Paul Doumer. Cụ căm ghét lũ thực dân xâm lược thì đã rõ, nhưng còn nguyên nhân khác đó là do bà Thứ phi kia vốn đã có hôn ước với ông tôi là Phó bảng Nguyễn Hoan, nhưng ông tôi từ chối vì bố của bà là Lại bộ Thượng thư Nguyễn Trọng Hợp đã đặt bút ký hòa ước Quý Mùi (25 tháng 8 năm 1883). Hoà ước có nội dung là xác lập quyền bảo hộ lâu dài của Pháp trên toàn bộ Việt Nam”.

Không hành lễ đúng nghi thức thì phải chịu phạt, Nguyễn Khuyến bào chữa: Muôn tâu, thần giờ chỉ như một con trâu già, xin Hoàng thượng khai ân! Vua Thành Thái cười và lệnh: Khanh hãy làm bài thơ “Vịnh trâu già”, nếu hay trẫm miễn tội! Nguyễn Khuyến đã ứng tác bài thơ “Vịnh trâu già” trong bối cảnh như vậy.

Đây là một bài thơ có cấu tứ chặt chẽ, hình tượng thơ tinh tế theo luật Đường thi, nhưng hiểu nó không dễ, một là nó sử dụng dày đặc các điển tích, hai là tài năng của Nguyễn Khuyến dùng ẩn dụ của toàn bài để nói được tình thực, cảnh thực vừa để bào chữa lỗi phạm vừa thể hiện chí khí của một sỹ phu Bắc Hà mà “uy vũ bất năng khuất” trước thế lực thống trị tại đó.

Hai câu đề là hình ảnh về thân hình thể xác và những nỗi khổ chồng chất của nhà thơ giống như đời của một con trâu già đã nếm trải: Một nắm xương khô một nắm da/ Bao nhiêu cái ách đã từng qua. “Cái ách”, một từ hình tượng diễn tả quá trình gian nan cống hiến được cụ thể ở hai câu thực: Đuôi khom biếng vẫy Điền Đan hỏa/ Tai nặng buồn nghe Ninh Tử ca. Đến đây thì điển tích xuất hiện, Nhà thơ dùng hai điển tích để nêu bật công trạng và cái chí hết sức lớn lao của con trâu. Tích một, là chuyện Điền Đan, một tướng nước Tề thời Chiến quốc trong cuộc chiến chống quân Yên xâm lược, ông dụng mưu dùng mồi rơm có tẩm dầu buộc vào đuôi, mài sừng sắc nhọn và gắn đoản kiếm vào sừng hàng ngàn con trâu, sau đó đốt lửa... trâu bị kích động xông vào trận địa. Quân Yên vỡ trận chịu thua, nước Tề được phục quốc. Tích thứ hai nói về Ninh Tử làm nghề chăn trâu, thường gõ sừng trâu để hát, nói lên chí lớn của mình. Quản Trọng Tể tướng nước Tề đã phát hiện ra tài năng và tiến cử vua Tề phong làm quan Đại phu trông coi quốc chính. Hai câu luận của bài thơ có tích “Vườn Đào, thôn Hạnh”: Sớm thả vườn Đào chơi đủng đỉnh/ Tối về thôn Hạnh thở nghi nga. Tích này nói chuyện Vũ Vương đánh Trụ đã dùng trâu để vận chuyển rất đắc lực. Sau khi diệt Trụ, để ghi nhớ công lao của loài động vật góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến, ông đã ra lệnh 3 năm cấm giết trâu, buổi sớm cho chăn ở Vườn Đào, tối về cho nghỉ ở thôn Hạnh Hoa, một làng có nhiều cỏ ngon yên bình và tươi đẹp.

Nhà thơ thông qua bốn câu thực và luận với các điển tích để truyền một thông điệp rất mạnh mẽ con trâu dù quê mùa bình dị nhưng hàm chứa những phẩm chất, ý chí lớn lao đã có những cống hiến hữu ích cho xã tắc. Rõ ràng thông điệp ấy dành cho Vua Thành Thái và tầng nghĩa ẩn dụ ở đây chính là Nguyễn Khuyến tự bạch về mình. Trên thực tế ông đã có đóng góp lớn cho việc cải cách bổ nhiệm quan lại, thực hiện chế độ thanh tra cấp nhà nước, xây dựng quân dự bị tại địa phương, chống tham nhũng... trong triều Nguyễn.

Hai câu kết tác giả tiếp tục sử dụng điển tích Tề Tuyên Vương thấy lính dắt trâu đi qua trước thềm, con trâu run rẩy sợ hãi, vua hỏi thì được biết dắt trâu đi giết lấy máu làm sơn tô chuông mới. Sau đó, nhà vua bèn ra lệnh tha trâu không giết: Có người toan giết tô chuông mới/ Ơn đức vua Tề lại được tha. Đây vừa là cách nói nhún nhường thể hiện đạo vua tôi vừa là lời cảnh tỉnh bậc quân vương về cách dùng người phải biết thương yêu trân quý, ghi nhớ công lao của người có cống hiến, không vì mục đích nhỏ bé, vì chi tiết nhỏ của một lễ tiết mà vội vàng phụ bạc trách tội!

Sự kiện vua miễn tội cho Nguyễn Khuyến trong Lễ khánh thành cầu Doumer chắc quá ít người nhớ, nhưng bài thơ “Vịnh trâu già” của ông thì lại lưu truyền mãi. Trước hết nó là bản tự bào chữa thông minh, hóm hỉnh rất đỗi hài hòa, mềm dẻo tình lý và kết cục thắng lợi... bằng thơ! Hình ảnh thi sĩ trong bài thơ cũng tự nhiên được khắc họa đầỳ tài năng giúp đời giúp nước và ngùn ngụt khí tiết một Nhà Nho không khuất phục trước uy quyền, giữ vững tấm lòng ái quốc ưu dân.

Vịnh trâu già

Một nắm xương khô, một nắm da.

Bao nhiêu cái ách đã từng qua.

Đuôi khom biếng vẫy Điền Đan hỏa.

Tai nặng buồn nghe Ninh Tử ca.

Sớm thả vườn đào chơi đủng đỉnh.

Tối về thôn hạnh thở nghi nga.

Có người toan giết tô chuông mới.

Ơn đức vua Tề lại được tha.

(“Nguyễn Khuyến và giai thoại”

- NXB Hội VHNT Hà Nam Ninh 1987)

NHỮNG ẨN DỤ VỀ CON TRÂU TRONG TRANH ĐÔNG HỒ

Trong dòng tranh Đông Hồ, hình ảnh con trâu nằm trong chủ đề sinh hoạt của người nông dân. Xem tranh có thể hình dung ra tình cảm gắn bó sâu sắc giữa con người với con trâu trong cuộc hành trình làm nên nền văn minh lúa nước. Đồng thời cũng thấy được những thông điệp nhân văn triết lý và khát vọng bay bổng của người xưa.

Trâu với người trong lẽ sống cộng sinh

Trong tranh Đông Hồ, hình ảnh con trâu được các nghệ sỹ dân gian thể hiện trong rất nhiều đề tài khác nhau. Mặc dù vậy điểm nổi bật là hình ảnh trung tâm của bức họa vẫn là hình ảnh con trâu gắn bó với đồng ruộng vùng đồng bằng Bắc bộ Việt Nam với nhiều hình thái khác nhau.

Trâu gắn với ruộng đồng nên có tranh trâu bừa ruộng; trong bức họa trâu gắn bó với người trong vụ cấy; gương mặt người vui vẻ đang cấy mạ xuống mặt ruộng mà con trâu vừa bừa phẳng. Hậu cảnh là những ngôi nhà, cây đa bến nước sân đình... như một ẩn dụ về một miền quê sung túc mà công sức của trâu đã tham gia đóng góp. Thực tế nghìn năm trâu đã gắn bó với cư dân trồng lúa nước, trâu là con vật duy nhất trong loài “lục súc” được coi như người bạn và sinh tồn cùng với con người “Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Bởi thế mà không ít tranh thể hiện tấm tình của người với trâu nhưng tiêu biểu là bức “Giờ nghỉ trưa” đặc tả cảnh trưa nắng người ngồi nghỉ và con trâu vẫn quấn quýt bên người ngắm chủ như biết ơn. Đặc biệt trước mặt trâu là những bụi cỏ thơm và trên lưng trâu có hai con sáo đang hót có giá trị như một phụ chú: Trâu vừa được chăm sóc bởi vật chất lẫn tinh thần. Trong bức tranh “Lão nông khao trâu” lại mang hàm ý trả ơn con trâu. Trong tranh, trâu được tắm gội sạch sẽ được chăn giữa vườn cỏ thơm dưới bóng một cây hoa cách điệu, gương mặt người chủ và trâu giao hòa thân ái.

Tranh Đông Hồ để lại bức vẽ ấn tượng “Hội chọi trâu”, đây là bức họa không có người mà chỉ có hai con trâu choáng ngợp gần hết khuôn tranh với đặc tính được miêu tả đúng của trâu chọi. Tranh gợi nhiều suy ngẫm, phải chăng trâu không chỉ gắn bó mà nó còn mang niềm vui đến cho cộng đồng, nó được đề cao như nhân vật trung tâm của những lễ hội và cuộc sống của những làng quê trồng lúa nước?

Con trâu là điểm tựa của ước mơ bay bổng

Con trâu bậm bịch nặng nề nhưng lại tham gia vào tranh Đông Hồ góp phần thể hiện những khát vọng rất thơ mộng của cư dân trồng lúa nước, đó thực sự là một ý tưởng đột phá chống lại những biểu tượng ước lệ của quan niệm nghệ thuật cổ. Bức tranh “chăn trâu thổi sáo” (tem Bưu chính Việt Nam 1985) có thể coi như tuyên ngôn của họa sỹ dân gian về ý niệm này. Trâu trong tranh vểnh tai nghe, chân tung tăng, khuôn mặt tươi vui và đuôi ve vẩy hứng khởi. Trên lưng trâu là chú bé khôi ngô, khỏe đẹp với thế ngồi vững chãi và có tâm hồn nghệ sĩ với chiếc sáo. Trên đầu là chiếc lá sen như vươn vào bầu trời vì thế có dòng chữ Hán đề kèm “Thiên thanh lộng suy địch” (trời xanh trong tiếng sáo). Người xem như thấy âm thanh của tiếng sáo làm lá sen như muốn vẫy, trâu như cảm được như hòa hợp với tâm hồn cậu bé mục đồng... tất cả diễn ra dưới bầu trời cao một không gian khoáng đạt. Đó chính là khát vọng “thiên, địa, nhân” hòa hợp an bình dưỡng nuôi sự sống. Tham gia vào khát vọng ấy, con trâu như một người bạn đồng hành.

Bức tranh “Cưỡi trâu thả diều” là một đề tài bổ sung cho bức “Chăn trâu thổi sáo”. Tranh miêu tả một cậu bé cởi trần nằm ngửa trên lưng trâu thả diều dáng vẻ thảnh thơi no đủ nhưng thế ngả lưng rất chắc chắn... Điều đặc biệt là chiếc nón bay cao hóa... diều với dòng chữ đề bút "Nhất tương phúc lộc điền" (Hình tượng của hạnh phúc trần gian). Đây thực sự là ý tưởng bay bổng, hình ảnh cậu bé dáng vẻ viên mãn kết hợp với chiếc nón bay bổng vào bầu trời gợi thông điệp giàu tính nhân bản và triết luận: Vươn tới hạnh phúc trần gian bằng chính sự chế ngự được bản ngã và vươn tới đỉnh cao của trí tuệ; nhưng con trâu mới là con vật được con người lựa chọn làm điểm ngồi vững vàng và chính nó nâng người lên khỏi mặt đất để vươn trời ở khoảng cách đầu tiên.

Tuy nhiên người nông dân không chỉ có tâm hồn lãng mạn, khát vọng của họ được bày tỏ trên những cơ sở hiện thực bằng ánh sáng của lý trí. Bức tranh “Chăn trâu đọc sách” có hình ảnh con trâu đang cặm cụi gặm cỏ và cậu mục đồng tựa lưng trâu đọc sách. Họa sĩ dân gian đã nêu lên một bài học: Muốn có bước nhảy “cá chép hóa rồng” thì phải sôi kinh nấu sử! Ở đây con trâu không chỉ là điểm tựa để sinh tồn mà còn là biểu tượng của tính siêng năng, cần cù và chăm chỉ, đấy là đức tính mục đồng cần phải học tập.

Có thể dễ dàng cảm nhận được con trâu không chỉ là “đầu cơ nghiệp” của nhà nông mà nó còn là một đề tài, nguồn cảm hứng nghệ thuật của dòng tranh Đông Hồ. Hình ảnh con trâu trong dòng tranh dù được phối với bất kỳ cảnh sắc nào, và trạng thái của chúng được miêu tả khác nhau nhưng bao giờ chúng cũng là hình ảnh trung tâm và gắn bó với hình ảnh của người nông dân vùng châu thổ Bắc bộ.

Nguyễn Đình Minh
TIN LIÊN QUAN

Nghệ nhân Đông Hồ nói về ý nghĩa tranh trâu Tết Tân Sửu

LAN NHƯ |

Không chỉ hàm chứa những câu chúc tốt lành trong năm mới mà nhiều con vật mang giá trị văn hóa cũng được phác họa sinh động trong dòng tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh.

Vui năm Sửu họa tranh Trâu

Thế Anh |

Dường như đã thành lệ, mỗi năm Tết đến xuân về giới văn nghệ sĩ lại thường có tác phẩm về con giáp của năm ấy để đánh dấu một năm mới và cũng để có dịp cùng nhau chiêm nghiệm lại chuyện nhân tình thế thái qua hình thái, tính cách của mỗi con vật. Xuân Tân Sửu năm nay họa sĩ Ngô Thanh Hùng ở Đà Nẵng chào làng bộ tranh trâu mang chủ đề “Nghiệp”.

Ngược xuôi tìm lối thoát cho tranh Đông Hồ

GS Bùi Quang Thanh |

Đã trải mấy tháng gắn bó với làng tranh dân gian Đông Hồ, khảo sát tư liệu phục vụ nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ trình UNESCO xét duyệt vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, trong tôi cứ dần in sâu ấn tượng về một trong những người con của làng nghề độc đáo này. Ấy là nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa, một tấm gương bươn trải thầm lặng trên bước đường bảo vệ di sản quê hương.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023 (ngoài cùng, bên phải). Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Nghệ nhân Đông Hồ nói về ý nghĩa tranh trâu Tết Tân Sửu

LAN NHƯ |

Không chỉ hàm chứa những câu chúc tốt lành trong năm mới mà nhiều con vật mang giá trị văn hóa cũng được phác họa sinh động trong dòng tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh.

Vui năm Sửu họa tranh Trâu

Thế Anh |

Dường như đã thành lệ, mỗi năm Tết đến xuân về giới văn nghệ sĩ lại thường có tác phẩm về con giáp của năm ấy để đánh dấu một năm mới và cũng để có dịp cùng nhau chiêm nghiệm lại chuyện nhân tình thế thái qua hình thái, tính cách của mỗi con vật. Xuân Tân Sửu năm nay họa sĩ Ngô Thanh Hùng ở Đà Nẵng chào làng bộ tranh trâu mang chủ đề “Nghiệp”.

Ngược xuôi tìm lối thoát cho tranh Đông Hồ

GS Bùi Quang Thanh |

Đã trải mấy tháng gắn bó với làng tranh dân gian Đông Hồ, khảo sát tư liệu phục vụ nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ trình UNESCO xét duyệt vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, trong tôi cứ dần in sâu ấn tượng về một trong những người con của làng nghề độc đáo này. Ấy là nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa, một tấm gương bươn trải thầm lặng trên bước đường bảo vệ di sản quê hương.