Ba nhà thơ dụng công dựng hình tượng Bác Hồ

đỗ trung lai |

Bác Hồ là đề tài lớn của thơ ca Việt hiện đại. Có lẽ, không một danh nhân nào trên thế giới này, lại có thơ ca về mình nhiều đến thế.

Chỉ xin chọn ra ba nhà thơ Việt Nam có kỳ công trong việc dùng thơ mình để xây dựng hình tượng Bác, đến mức mảng thơ về Bác của họ đều là một phần rất đáng kể, trong sự nghiệp thơ mình. Trực tiếp viết về Bác, Tố Hữu có “Hồ Chí Minh”, “Sáng tháng Năm”, “Bác ơi!” và trường ca “Theo chân Bác”. Ngoài ra, ta còn thấy Bác trong “Việt Bắc”, “Ta đi tới”.... Chế Lan Viên thì có riêng một tập thơ về Bác - “Hoa trước lăng Người”. Bên cạnh đó là những bài “Người đi tìm hình của nước”, “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”. Lê Đạt, kệ những vấn nạn riêng, cũng có hẳn một trường ca về Bác. Đó là trường ca “Bác”.

*

Tố Hữu, như chính ông tự bạch, “là nhà cách mạng chuyên nghiệp và ông làm thơ cũng chỉ để làm cách mạng” (Kỷ yếu Hội Nhà văn Việt Nam). Mà đã làm thơ “cũng chỉ để làm cách mạng”, thì không thể không viết nhiều về Bác. Tố Hữu được gần Bác nhiều hơn những nhà thơ khác. Vì tình yêu cách mạng thấm đẫm trong tâm hồn, nên thơ ông rất hay, đặc biệt là khi viết về Bác Hồ, dù bình dị về ngôn ngữ và quen thuộc về thể loại.

Làm thơ về Bác, như chính Tố Hữu nói, là cả một “quá trình”. Khi chưa được gặp Bác, ông viết “Hồ Chí Minh”: Hồ Chí Minh - Người lính già - Đã quyết chiến hy sinh - Cho Việt Nam độc lập... Hồ Chí Minh - Người đã quyết - Mặc phong ba bão tuyết - Mặc gươm súng xiềng gông - Làm tên quân cảm tử xung phong... Sau này, khi nhắc đến bài thơ, Tố Hữu thích nhất ở chỗ, ông là “kẻ đầu tiên và cuối cùng”, “táo tợn” gọi Bác là “Người lính già” (cả “Tên quân cảm tử xung phong” nữa chứ?). Rồi ông tự nhận định, bài thơ có “một không khí hiệp sĩ..., giờ đọc lại hơi buồn cười, anh em nói không khí hơi tuồng” (Tố Hữu trả lời phỏng vấn của Bế Kiến Quốc - Báo Văn nghệ). Đến “Sáng tháng Năm” thì đã rất khác: Bác kêu con đến bên bàn - Bác ngồi Bác viết, nhà sàn đơn sơ... Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng - Bác ngồi đó lớn mênh mông - Trời xanh, biển rộng, ruộng đồng, nước non - Bác Hồ, Cha của chúng con - Hồn của muôn hồn - Cho con được ôm hôn má Bác - Cho con hôn mái đầu tóc bạc - Hôn chòm râu mát rượi hoà bình... Bác Hồ đó, là lòng ta yên tĩnh - Ôi người Cha, đôi mắt mẹ hiền sao - Giọng của Người không phải sấm trên cao - Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước... Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị - Màu quê hương bền bỉ đậm đà - Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta - Ta bỗng lớn ở bên Người một chút... Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút - Trán mênh mông thanh thản một vùng trời - Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười - Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi... Hồ Chí Minh - Người ở khắp nơi nơi - Hồn biển lớn đón muôn lời thủ thỉ - Lắng từng câu, từng ý chưa thành - Người là Cha, là Bác, là Anh - Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ - Người ngồi đó với cây chì đỏ - Vạch đường đi từng bước, từng giờ... Như Tố Hữu nói, ông “lần đầu” cảm nhận được cốt cách của “Ông Cụ”.

Đời đời nhớ ơn Bác Hồ - tranh cổ động, năm 1969, tác giả Quang Phòng.  Nguồn: “Tranh, tượng về Hồ Chủ Tịch. NXB Văn hóa. Trình bày: Trần Văn Cẩn.
Đời đời nhớ ơn Bác Hồ - tranh cổ động, năm 1969, tác giả Quang Phòng. Nguồn: “Tranh, tượng về Hồ Chủ Tịch. NXB Văn hóa. Trình bày: Trần Văn Cẩn.

Ở “Việt Bắc”, đoạn viết về Bác ngắn nhưng vô cùng đẹp: Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời - Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường - Nhớ Người những sớm tinh sương - Ung dung yên ngựa trên đường suối reo - Nhớ chân Người bước lên đèo - Người đi, rừng núi trông theo bóng Người. Ở “Ta đi tới”, Bác hóa thành niềm cố kết dân tộc: Dù ai nói ngả nói nghiêng - Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân - Dù ai rào giậu ngăn sân - Lòng ta vẫn giữ là dân Bác Hồ... Lòng ta không giới tuyến - Lòng ta chung một Cụ Hồ - Lòng ta chung một Thủ đô - Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam. “Bác ơi!” là bài thơ Tố Hữu khóc khi Bác mất - khóc cho mình, cùng mọi người, giúp mọi người, bằng thơ: Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm - Quanh mặt hồ in mây trắng bay... Bác ơi, tim Bác mênh mông thế - Ôm cả non sông, mọi kiếp người... và hai câu “đỉnh” của bài thơ là: Mong manh áo vải hồn muôn trượng - Hơn tượng đồng phơi những lối mòn. Đến “Theo chân Bác” thì Tố Hữu đã có “Tập đại thành” rồi. Ông tâm sự, về thể thơ, ông chọn thể “thất ngôn tứ tuyệt” (gọi tạm thế, vì trường ca gồm nhiều khổ thơ 4 câu, nên chưa “tứ tuyệt thật” như “luật thi”). Ông phân tích : “Thất ngôn tứ tuyệt có cái lợi là đầm, buộc (người đọc) phải suy nghĩ và bốn câu thì uyển chuyển hơn... Hình thức (thơ) này vừa trầm tĩnh, vừa nghiêm túc, vừa lắng đọng, lại có phong vị Đường thi. Cốt cách của Bác là Đường thi mà” (tài liệu đã dẫn): Đã tắt lâu rồi lửa nghĩa quân - Phan Đình Phùng đó, Tống Duy Tân - Nguyễn Trung Trực lại Hoàng Hoa Thám - Đầu dám thay đầu, chân nối chân. Muôn dặm đường xa, biết đến đâu - Phan Chu Trinh lạc lối trời Âu - Phan Bội Châu câu thơ dậy sóng - Bạn cùng ai, đất khách dãi dầu... Bao nẻo người đi, bước trước sau - Một câu hỏi lớn: Hướng về đâu? - Năm châu thăm thẳm, trời im tiếng - Sách Thánh hiền lâu đã nhạt màu. Và: Ôi sáng xuân nay, Xuân 41 - Trắng rừng biên giới nở hoa mơ - Bác về... Im lặng. Con chim hót - Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ... Để 4 năm sau: Người đọc tuyên ngôn.... Rồi chợt hỏi - "Đồng bào nghe tôi nói rõ không?" - Ôi câu hỏi, hơn một lời kêu gọi - Rất đơn sơ mà ấm bao lòng! Ta cũng thấy lại Việt Bắc kháng Pháp trong trường ca này: Nơi Bác ở: Sàn mây vách gió - Sáng nghe chim rừng gáy bên nhà - Đêm trắng, một ngọn đèn khêu nhỏ - Tiếng suối trong như tiếng hát xa. Rồi nước chia hai nửa! Bác với Miền Nam là thế này: Ta hiểu. Đêm nằm nghe gió gác - Bác thường trăn trở nhớ Miền Nam! Ai nói giùm ta hết tấm lòng - Bác Hồ thương nhớ mỗi dòng sông - Mỗi hòn núi ở miền Nam đó - Như thịt da ta rỏ máu hồng... Phần cuối của trường ca thật dịu dàng, tình cảm. Sự phi thường của Bác được đặt giữa các hình ảnh rất giản dị:  Anh dắt em vào cõi Bác xưa - Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa - Có hồ nước lặng sôi tăm cá - Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa. Có rào râm bụt đỏ hoa quê - Như cổng nhà xưa Bác trở về... Thêm một lần, Tố Hữu dựng nên trong thơ mình, hình tượng Bác Hồ vĩ đại và lão thực: Như đỉnh non cao tự giấu hình - Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh.

Tựu trung, hình tượng Bác trong thơ Tố Hữu đã chuyển từ “phi thường trong phi thường” thành ra “phi thường trong giản dị”, sau một “quá trình” của riêng ông. Quả nhiên, Tố Hữu là nhà thơ cách mạng thứ thiệt. Thơ về cách mạng và Bác Hồ của ông ít người sánh được.

*

Chế Lan Viên xuất hiện và ngay lập tức nổi tiếng trên thi đàn. Năm 17 tuổi (1937), ông đã xuất bản tập thơ “Điêu tàn”, tập thơ đầy những phế tích Chăm tàn hoang, đầy những dẫn dụ thê lương, ma quái, siêu thực. Thế rồi Cách mạng Tháng Tám! Chế Lan Viên nhập vào đó và dần trở thành một nhà thơ cách mạng, của cách mạng, với phổ đề tài rộng lớn và dung lượng sáng tác đồ sộ. Trong đó, thơ viết về Bác Hồ của riêng ông đã đủ in dư một tập.

Đến với Bác, Chế Lan Viên, lúc đầu hay tự “kiểm điểm” quá khứ của mình: Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp - Giấc mơ con đè nát cuộc đời con - Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp - Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn (Người đi tìm hình của Nước); Những năm ấy tôi đi giữa lòng Hà Nội - Không hay trong xà lim, anh Hoàng Văn Thụ đang nằm - Không biết anh Trần Đăng Ninh bị cùm tay mỗi tối - Không hay trên biên thùy, Bác đã dừng chân... Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết - Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày; Chớ bao giờ quên nỗi chua cay của một thời thơ ấy - Tổ quốc trong lòng ta mà có cũng như không - Nhân dân quanh ta mà ta chẳng thấy - Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng! (Người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi). Rồi từ đó, ông viết về Bác: Đêm mơ Nước, ngày thấy hình của Nước - Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà - Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc - Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa... (Người đi tìm hình của Nước); Người đánh thức hồn dân tộc đã về kia - Ta nghe bừng tỉnh dậy... Người đánh thức tương lai đã về kia - Bác hôn lên hòn đất - Nghe trong tay trở dậy những thành đồng - Nghe thay đổi cả vóc hình Tổ quốc - Chừng Điện Biên rực lửa đã nằm trong... Ôi giữa lòng ta, Bác đến tự hồi nào? - Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc - Một buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy Bác - Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu (Người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi). Nếu không kinh ngạc trước phẩm chất - phong thái - sự nghiệp phi thường của Bác, làm sao một thi sĩ như Chế Lan Viên lại có thể quẳng ngay đi niềm xác tín thi ca cũ của mình, để “thay đổi thơ tôi?” như vậy. Chế Lan Viên còn tiếp tục nói với mọi người về những nhận thức và cảm xúc của ông về Bác: Ai nói hết những đại dương trong đời của Bác - Những bể cuồng, tàu đến buông neo - Những bể lặng, đón vầng dương mọc - Tuổi thanh xuân, Người nghe những thủy triều (Bể và Người); Dân tộc rét chưa che Người đủ ấm - Hang đá này, Bác đắp chiếc chăn sui - Khớp xương buốt vì hơi rêu lạnh thấm - Gió rừng đừng thổi nữa, gió rừng ơi!... Những đêm ấy Bác thức cùng ngọn lửa - Thảo từng trang sử lớn cho đời (Hang mở Nước); Bác bình yên viết Di chúc ngay giữa ngày sinh nhật - Khi non sông đang chúc thọ Người... Người không muốn lúc ra đi, làm ta đột ngột - Bảo cái sinh cái tử cũng thường thôi (Di chúc của Người). Người dẹp đi các ngọn đèn dư, các ánh sáng thừa - Những phản quang, hồi quang làm đời lóa mắt - Bác không thích các mùi hương lõa lồ, gay gắt - Người tắt đi các tiếng ồn và lý sự chua ngoa - Bác dạy ta "Lai vô ảnh, khứ vô hình" - Đến rất nhẹ và ra đi rất nhẹ - Ta lẫn Bác với bầu trời và giọt lệ - Với hương mộc trong đêm và lộc nõn trên cành (Đọc văn Người)...

Như thế, Chế Lan Viên, cũng như Tố Hữu, đều cần có một “quá trình” để hiểu Bác và sáng tác về Bác (mà chắc là ai cũng thế thôi - hiểu một vĩ nhân đâu chỉ trong một ngày!). Nhưng Chế Lan Viên dùng chữ nhiều, thể thơ cũng không  gần với thơ truyền thống, nó hơi “tây” (so với thời ấy) nên thơ ông không thể dễ dàng phổ cập. Đó là cái hay của riêng ông, nhưng cũng là điều thiệt cho ông trong nhiều năm.

*

Lê Đạt viết trường ca “Bác” từ năm 1970, chỉ một năm sau ngày Bác mất, nhưng mãi đến năm 1990, khi các nhà văn - nhà thơ “Nhân văn giai phẩm” được “trả lại thẻ hội viên”, trường ca này mới được xuất bản (in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội). Ngày ấy, thấy ông để tang, con gái hỏi, ông bảo: “Ông mất!”. Rồi ông nói thêm: “Ông của cả nước, do vậy mà bố mẹ để tang ông”. Trường ca có tất cả 626 dòng, viết theo thể thơ bậc thang, kiểu Maiacốpski: Mây trắng đền Hùng - Râu Bác ung dung - Suối Lênin - Núi Mác... Nắm đất nhỏ biên thùy - Bác lặn lội - nhân lên - thành Nước... Mục - Hồ Chí Minh - tập Đại toàn thư lịch sử - Chỉ cần ghi hai chữ - Bác Hồ... Qua thế kỉ đảo điên - Bác điềm nhiên - sự thật. Qua hằn thù đâm giết nhau - Bác quyết liệt - nhân từ... Những kẻ lạc đường - Những người lỡ chậm - Lửa - nhà đầm ấm - Bác chờ... Bác để lại - cho ta - bốn biển - sâu xa tình đồng chí - Bác để lại - cho ta - tất cả - Bác Hồ.

Lê Đạt từng tự nhận mình là “phu chữ” (ông có hẳn một quyển sách mang tên này). Say mê tìm tòi, “cắt gọt”, “khúc xạ” chữ, ông có độc giả riêng của mình. Nhưng, như đã nói ở phần trên, ngay cả thơ Chế Lan Viên cũng khó phổ biến rộng rãi, thơ Lê Đạt cũng phải chịu thiệt vì lẽ ấy. Chắc chắn là ông biết thế. Nhưng đã quyết chọn lối riêng, ông chấp nhận “đi trên đường vắng”. Thế cũng chẳng sao!

*

Ba tác giả, ba phong cách, ba hình thức thơ, nhưng chung một đề tài: Bác Hồ. Sự vĩ đại của trí tuệ, của lòng nhân, của sự nghiệp, trong phong thái ung dung, giản dị của Người đều được “hình tượng hóa” cao độ trong thơ họ. Nhận thức và cảm xúc của họ vừa “lấy ra” từ mọi người, vừa “cho thêm” mọi người, để cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một “Đỉnh non cao tự giấu hình”, là Bác. Trước Bác, ba nhà thơ này, gác hình thức thơ của họ sang một bên, thì thấy họ thật giống nhau! Rõ ràng, dù có rất nhiều nhà thơ Việt Nam và thế giới viết về Bác, nhưng Tố Hữu, Chế Lan Viên, Lê Đạt xứng đáng được người đọc chúng ta... rất cảm ơn!

đỗ trung lai
TIN LIÊN QUAN

Ngắm tranh về Bác Hồ

Nguyễn Thị Thùy Ân (sưu tầm) |

“Tranh, tượng về Hồ Chủ Tịch. Nhà xuất bản Văn hóa. Trình bày: Trần Văn Cẩn. Ảnh của: Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Đào Thiện Vy, Lê Vượng. In tại Nhà máy in Tiến bộ - Hà Nội. Số lượng: 10.000 tập”. Đấy là tất cả thông tin in trên mặt sau tờ Mục lục - tờ cuối cùng - tờ thứ 20 trong tập “Tranh tượng về Hồ Chủ Tịch” tôi kịp mua từ một người chuyên bán sách cũ cũng khá có danh của Hà Nội hiện thời.

Bác Hồ đặt niềm tin và đòi hỏi rất cao ở cán bộ Công đoàn

Đỗ Phương thực hiện |

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên Báo Lao Động đã có buổi trao đổi với PGS-TS Phan Thanh Khôi - Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - về Bác Hồ với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn.

Tháng 5, thăm Nhà sàn Bác Hồ trên đất Sen hồng

LỤC TÙNG |

Tháng 5, về Đồng Tháp trong không khí chuẩn bị lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, có dịp thăm “Nhà sàn Bác Hồ” trên đất Sen hồng, du khách không chỉ được ngắm nhìn kiến trúc nguyên mẫu với ngôi nhà sàn sinh thời Bác sống, sinh hoạt, mà còn được dịp thỏa mắt thưởng ngoạn thế giới sắc màu và ý nghĩa của ngàn hoa vào mùa rực rỡ, cùng những ý tưởng sáng tạo của người dân phương Nam dành cho Người.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Ngắm tranh về Bác Hồ

Nguyễn Thị Thùy Ân (sưu tầm) |

“Tranh, tượng về Hồ Chủ Tịch. Nhà xuất bản Văn hóa. Trình bày: Trần Văn Cẩn. Ảnh của: Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Đào Thiện Vy, Lê Vượng. In tại Nhà máy in Tiến bộ - Hà Nội. Số lượng: 10.000 tập”. Đấy là tất cả thông tin in trên mặt sau tờ Mục lục - tờ cuối cùng - tờ thứ 20 trong tập “Tranh tượng về Hồ Chủ Tịch” tôi kịp mua từ một người chuyên bán sách cũ cũng khá có danh của Hà Nội hiện thời.

Bác Hồ đặt niềm tin và đòi hỏi rất cao ở cán bộ Công đoàn

Đỗ Phương thực hiện |

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên Báo Lao Động đã có buổi trao đổi với PGS-TS Phan Thanh Khôi - Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - về Bác Hồ với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn.

Tháng 5, thăm Nhà sàn Bác Hồ trên đất Sen hồng

LỤC TÙNG |

Tháng 5, về Đồng Tháp trong không khí chuẩn bị lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, có dịp thăm “Nhà sàn Bác Hồ” trên đất Sen hồng, du khách không chỉ được ngắm nhìn kiến trúc nguyên mẫu với ngôi nhà sàn sinh thời Bác sống, sinh hoạt, mà còn được dịp thỏa mắt thưởng ngoạn thế giới sắc màu và ý nghĩa của ngàn hoa vào mùa rực rỡ, cùng những ý tưởng sáng tạo của người dân phương Nam dành cho Người.