Ba bậc nữ lưu tài danh trên thi đàn dân tộc

đỗ trung lai |

Ở cái thời mà phụ nữ chưa có nhiều “nhân quyền” và “dân quyền” thì ngay cả các bậc nữ lưu tài danh cũng chịu rất nhiều thiệt thòi. 

1. Hậu thế có thể biết rõ về người bạn thơ của Hồ Xuân Hương là Chiêu Hổ, tức Phạm Đình Hổ (Phạm Đình Hồ?!) - tác giả “Vũ trung tùy bút” - sinh năm 1768, mất năm 1839; biết rõ ở đâu có đền thờ ông cai tổng Cóc, người chồng mà ngay Xuân Hương cũng không muốn nhớ - Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé - thế mà lại không biết Hồ Xuân Hương sinh mất năm nào và sáng tác vào giai đoạn nào trong cuộc đời kéo dài từ cuối Lê, qua Tây Sơn sang đầu Nguyễn, của bà! Sách thì nói bà là con ông Hồ Phi Diễn ở làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Có sách lại đồ rằng bà là con ông Hồ Sĩ Danh, mà hai ông này, thì ngược lên 10 đời mới “cùng một ông tổ”! Lại nữa, cho đến nay, nhiều bài thơ Nôm của bà vẫn còn bị nghi vấn. Và, tác phẩm “Lưu hương ký” viết bằng chữ Hán thì chưa tìm được mối liên hệ nào với phần thơ Nôm của bà, ngoài bài tựa của “Nham giác phu Tốn Phong Thị”, mà cho đến giờ chưa rõ là ai. Thậm chí, cũng không rõ trong hai người - ông cai tổng Cóc và ông phủ Vĩnh Tường - ai là chồng trước của bà! Người ta chỉ biết qua rằng, bà sinh và lớn lên ở tại Hà Nội, nhà ở phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận, trông xuống Tây Hồ; sau ra ở thôn Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương, bây giờ là khu phố Lý Quốc Sư, gần Nhà thờ Lớn sau này.

2. Tương tự như vậy, ta có thể biết chồng Bà huyện Thanh Quan là ông Lưu Nghị, người làng Nguyệt Áng, Thanh Trì, Hà Nội, đỗ cử nhân khoa Tân Tỵ (1821) đời Minh Mạng; biết ông thân sinh của bà là ông Nho Dương, tức Nguyễn Lý (1755 - 1837), người làng Nghi Tàm, Từ Liêm, Hà Nội. Ông này đỗ thủ khoa năm 1783 dưới thời Lê Cảnh Hưng, từng làm đốc học Sơn Tây và Hải Dương; năm 1819 tham gia ban giám khảo kỳ thi Hương mở ở Thăng Long. Ông là học trò Phạm Quý Thích, một cựu thần nhà Lê buộc phải ra làm quan triều Nguyễn..., nhưng không ai biết bà Thanh Quan tên thật là gì? Sinh, mất năm nào? Ngay cái tên “Bà huyện Thanh Quan” có được, cũng chỉ vì chồng bà từng làm tri huyện huyện Thanh Quan, nay là huyện Thái Ninh (thời chưa tách Thái Thụy - Trực Ninh), Thái Bình! (Cũng có thuyết cho rằng, tên thật của bà là Nguyễn Thị Hinh, song chưa thực sự khẳng định được). Có biết qua rằng, bà làm “Cung trung giáo tập” thời Tự Đức. Có truyền thuyết bảo, vì bà phê vài câu vào một lá đơn vốn gửi cho ông huyện, giải phóng một cuộc đợi chờ chưa chín, mà chồng bà mất chức: Phó cho con Nguyễn Thị Đào - Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai - Chữ rằng xuân bát tái lai - Mau về kiếm chút kẻo mai nữa già (!). Bà để lại 6 bài thơ Nôm thể Đường luật nổi tiếng. Đọc thơ bà, có cảm giác như được chiêm ngưỡng một công trình không lớn nhưng tinh xảo, vàng son lộng lẫy. Lời thơ rất đài các, kiêu sa, cô tịch. Hồn thơ đượm vẻ u sầu, hoài cổ...

3. Về Đoàn Thị Điểm thì có khá hơn. Người ta biết bà sinh năm 1705, mất năm 1748, biệt hiệu Hồng Hà nữ sĩ, nổi tiếng đẹp người đẹp nết, quê ở làng Giai Phạm, Văn Giang, Hưng Yên. Bà là em ruột tiến sĩ Đoàn Doãn Luân. Bà nhận lời lấy lẽ tiến sĩ Nguyễn Kiều năm bà 38 tuổi (1743). Một tháng sau đó, Nguyễn Kiều đi sứ sang Trung Hoa đến năm 1745 mới về. Phải chăng bà đã đồng cảm sâu sắc với người chinh phụ của Đặng Trần Côn và đã diễn Nôm “Chinh phụ ngâm khúc” trong thời gian này? (Cũng có giả thuyết cho rằng, tác phẩm diễn âm ấy là của Phan Huy Ích (1750 - 1822), nhưng chưa đủ chứng cứ). Ta cũng còn biết, bà hay chữ từ nhỏ. Chuyện kể rằng, một tối Đoàn Doãn Luân đang dạo chơi bên bờ ao, nhìn qua cửa sổ, thấy em gái đang trang điểm, ông anh bèn đọc một câu để trêu cô em: Chiếu kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm (Soi gương vẽ lông mày, một điểm (cô Điểm) thành ra hai điểm (cô Điểm). Ai ngờ, cô em đối lại còn hay hơn: Biên trì ngoạn nguyệt, nhất luân chuyển tác song luân (Bên ao ngắm trăng, một vầng trăng tròn (anh Luân) thành ra hai vầng trăng tròn (anh Luân). Luân, chữ Hán, còn có nghĩa là cái vòng tròn, ở đây là vầng trăng tròn. Chuyện cũng kể rằng, có lần bà đón sứ Thanh, viên sứ này vừa kiêu ngạo vừa xỏ lá, đã ra một vế đối như sau: An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh (An Nam một tấc đất, không biết bao người cày). Bà lập tức đối lại và cũng đáo để không kém: Bắc quốc chi đại phu, giai do thử đồ xuất (Bắc quốc bao quan lớn, đều từ đó mà ra). Sứ Thanh đành ngậm miệng...

Thế nhưng, những cái sơ xuất vừa nói của lịch sử, lại là những bằng chứng hùng hồn, cho thấy văn tài của các bà xuất sắc như thế nào.

Theo “Đoàn thị thực lục” thì bà Đoàn Thị Điểm có ba truyện ngắn bằng Hán văn là “Vân Cát thần nữ”, “Hải Khẩu linh từ” và “An Ấp liệt nữ” (Truyền kỳ tân phả cũng xác định điều này). Bà cũng có “vài trăm bài thơ” xướng họa với anh, chồng và các danh sĩ đương thời, nhưng “Chinh phụ ngâm diễn ca” mới là đỉnh cao vinh quang của bà. Vốn Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn đã là một tác phẩm viết bằng chữ Hán rất nổi tiếng đương thời. Nó gồm 470 câu dài ngắn đan xen nhau tự do, không câu nệ niêm luật, viết theo lối “Hỗn tạp cổ phong”, có từ thời Tiền Hán. Đặng Trần Côn đã vận dụng rộng rãi và nhuần nhị tinh hoa của Nhạc phủ, Đường thi một cách rất linh hoạt trong tác phẩm của mình. Bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm, theo thể song thất lục bát, ngắn hơn nguyên tác 62 câu. Không những bà truyền đạt được trung thành nội dung và tinh thần của nguyên tác, mà còn chứng tỏ một tài nghệ vô song trong nghệ thuật gieo vần, chọn chữ, phối thanh, tiếng và chữ Nôm. Có thể nói không ngoa rằng Chinh phụ ngâm diễn ca là một áng thơ dịch tao nhã, bất hủ. Từ cổ chí kim, nó vẫn là khúc ngâm hay nhất, đầy tính nhân văn, nhân đạo trước thân phận chinh phụ, chinh phu. Hoa dãi nguyệt nguyệt in một tấm - Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông - Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng - Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau v.v... Những bức gấm thơ cỡ ấy, là những tuyệt tác!

4. Khác với hầu hết danh sĩ đương thời, cảm quan và nghệ thuật của Hồ Xuân Hương nghiêng về phía bình dân. Bên trong cái vẻ Đường luật thuần thục, thơ bà đầy ứ hồn dân gian. Chữ nghĩa của bà sống động như cuộc sống hàng ngày, chúng chưa hề bị mài mòn hoặc biến dạng, trong cái nghiên mực phòng văn kinh viện. Nó biến hóa khôn lường bởi tất cả sự éo le, kỳ lạ, hiểm hóc của trò đố chữ dân gian. Có thể nói, bà là người đầu tiên ở ta đưa vào văn học vấn đề nữ quyền, một cách róng riết, mãnh liệt, đến đầu đến đũa mà lại không bị tầm thường - “tục” mà “thanh” hoặc ngược lại - và do đó, bản lĩnh nghệ thuật của bà rất mạnh. Bà, hơn ai hết, là “Đại sứ đặc mệnh toàn quyền” tài giỏi, trung thành, ưu ái, chua cay, “đanh đá”, “ghê gớm” của phụ nữ Việt Nam, đủ sức làm cho đám mày râu giật mình, đỏ mặt, hoảng hốt trong những lần tiếp kiến, dù chỉ với thơ mình (nói thực, cho đến cả... ngày nay). Bà mắng các anh khóa dốt: “Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông / Nó bảo nhau rằng: Ấy ái uông”. Bà vẽ chân dung “quân tử” khi anh chàng “nhòm” thiếu nữ ngủ ngày một cách rất đời: “Quân tử dùng dằng đi chẳng được / Đi thì cũng dở ở không xong”. Hoặc dạy cho đời một bài học: Có phải duyên nhau thì thắm lại / Đừng xanh như lá, bạc như vôi. Cái quạt của Xuân Hương thì ai chẳng biết! Thế mà bà bảo: “Mát mặt anh hùng khi tắt gió / Che đầu quân tử lúc sa mưa”. Bà nói thẳng: Ví đây đổi phận làm trai được / Thì sự anh hùng há bấy nhiêu? Bà đã trải qua và nguyền rủa kiếp lẽ mọn: “Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng / Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”. Bà thông cảm lắm với người “khôn ba năm dại một giờ”: “Cả nể cho nên hóa dở dang / Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng?”. Bà quá hiểu cái nỗi “đèo bòng” của người phụ nữ: “Một bên con khóc một bên chồng / Tất cả là những thu với vén / Vội vàng nào những bống cùng bông... Một Xuân Hương vừa hiện thực vừa “nổi loạn”; vừa dân gian vừa hàn lâm.

So với hai người trên, thì di sản văn học của Bà huyện Thanh Quan khiêm tốn hơn nhiều. Bà chỉ để lại 6 bài thơ Nôm thể Đường luật. Như đã nói ở trên, thơ bà có một phong vị riêng không thể không biết đến. Nó như Đà Lạt đối với cả nước vậy - hẹp nhưng gấm vóc. Nếu phải kể tên mươi thi sĩ lớn nhất Việt Nam cổ kim, có lẽ không có bà. Nhưng nếu phải kể vài mươi bài thơ hay nhất, chắc phải có thơ bà. Ở đây, bà giống như Thôi Hiệu trong thơ Đường vậy. Thơ bà đài các, sang trọng, du dương, giàu thiên nhiên, tinh xảo và man mác. Ông Văn Tân, trong tập san Văn Sử Địa số 15 (tháng 3.1956), rất chí lý khi phân tích rằng, sở dĩ thơ bà như thế là vì chịu ảnh hưởng của thái độ tiếc nhớ nhà Lê của cha và Phạm Quý Thích. Có thế, mới có thể hiểu được vì sao thơ bà lung linh những Lối xưa xe ngựa, nền cũ lâu đài hay “Mấy tòa sen rớt hơi hương ngự / Dăm thức mây phong nếp áo chầu”. Và, thiên nhiên trong thơ bà có cái vẻ đẹp của sự cô đơn, cô liêu kiểu Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia” (Hút tầm mắt là vài ba ngôi nhà tiều tụy) trong thơ Sầm Tham đời Đường: “Lom khom dưới núi tiều vài chú / Lác đác bên sông chợ (rợ?) mấy nhà, hay: “Gác mái ngư ông về viễn phố / Gõ sừng mục tử lại cô thôn”...

6 bài thơ ngắn mà tên tuổi còn mãi, hiện tượng Thanh Quan kể cũng là kỳ lạ!

đỗ trung lai
TIN LIÊN QUAN

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.