Từ trong di sản văn hóa truyền thống của dân tộc
Cho đến nay vẫn chưa xác định được chính xác thời điểm ra đời của chiếc áo dài truyền thống. Chính sử ghi lại rằng, áo giao lĩnh (hay còn gọi là áo đối lĩnh) ra đời năm 1744 có thể coi là tiền thân của chiếc áo dài Việt Nam. Áo giao lĩnh được may rộng rãi, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân áo dài chấm gót và khi ấy chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong đã yêu cầu mặc kèm với quần để phân biệt với trang phục phía Bắc. Sau đó để thuận tiện cho việc đi lại, lao động thì chiếc áo giao lĩnh của người phụ nữ được may rời hai tà trước và buộc vào với nhau, hai tà sau thì may liền lại thành vạt áo. Loại áo này gọi là áo tứ thân với ý nghĩa là 4 vạt áo tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu” nhằm nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành.
Đến thời vua Gia Long nhà Nguyễn thì xuất hiện áo dài ngũ thân dành cho cả nam và nữ. Gọi là ngũ thân vì loại áo này ngoài bốn vạt áo được may thành hai tà như áo dài, còn có may thêm một tà nhỏ, tượng trưng cho địa vị của người mặc trong xã hội. Do đó tầng lớp phong kiến quan lại quý tộc thường mặc áo ngũ thân. Kiểu áo ngũ thân này đặc biệt thịnh hành ở Huế cho đến những năm trước 1945.
Cùng với việc người Pháp xâm lược Việt Nam, những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây cũng có tác động đến sự thay đổi trong trang phục, chú trọng tôn vinh dáng vóc của người phụ nữ. Vào tháng 3 năm 1934, trên báo Phong Hóa số 90, họa sĩ Cát Tường giới thiệu chiếc áo dài Lemur như một nỗ lực cách tân. Áo dài Lemur mang nhiều yếu tố ảnh hưởng từ trang phục phương Tây như: không cổ hoặc có cổ bèo dún, tay ngắn, không tay, vai bồng, vai xẹp, cổ tay xòe, có khuy, vạt áo ngắn, khuy áo cài ở sườn... Tiếp theo đó, sự sáng tạo của họa sĩ Lê Phổ đã khiến cho chiếc áo dài Việt Nam trở nên gợi cảm và thanh lịch hơn với tà áo dài chấm gót, ôm khít thân hình người phụ nữ và có nhiều màu sắc tươi sáng. Cũng từ thời điểm thập niên 30, 40 của thế kỷ 20, chiếc áo dài đã trở nên quen thuộc và đi vào đời sống của người phụ nữ Việt Nam thuộc mọi lứa tuổi và tầng lớp.
Đến thập niên 60, tại miền Nam xuất hiện kiểu áo dài Raglan do nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn sáng tạo. Áo dài Raglan có đặc điểm là ôm khít phần eo, nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái hơn với hàng nút bấm bên hông. Cho đến thập niên 70, về cơ bản, kiểu áo dài đã được định hình và hoàn thiện.
Về sau cho đến thời nay, những cách tân tiếp theo của áo dài như may tà ngắn, mặc chung với váy, may theo phong cách đầm dạ hội phương Tây hay sườn xám Trung Quốc... chỉ làm tăng thêm sự đa dạng, phong phú, chứ không thay thế được áo dài truyền thống. Và chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt vẫn được xem là biểu tượng cho nét dịu dàng, sự uyển chuyển, kín đáo mà gợi cảm, không trang phục nào thay thế được. Mỗi khi ra thế giới, tà áo dài Việt Nam luôn gây ấn tượng mạnh bởi sự duyên dáng và được xem là quốc phục.
Tính đến thời điểm hiện tại, tiếng Việt có 3 từ ngữ được công nhận trong Từ điển Oxford là: Ao dai, Pho và Banh mi (Áo dài, Phở và Bánh mì). Cũng đã có một số công trình nghiên cứu về áo dài không chỉ của phụ nữ mà cả nam giới như: “Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay” của tác giả Phạm Thảo Nguyên (NXB Hồng Đức, 2018); “Áo dài nam ngũ thân truyền thống: đôi dòng khảo luận” của tác giả Đinh Hồng Cường (NXB Thanh niên, 2020). Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho ra mắt cuốn sách “Huế: Kinh đô áo dài Việt Nam” (NXB Thuận Hóa, 2020)...
Gần đây nhất, Quỹ Di sản Văn hóa Việt Nam đã thành lập Câu lạc bộ Di sản Áo dài ở Hà Nội và TPHCM với mục đích phổ cập nét đẹp của áo dài đến với nhiều tầng lớp phụ nữ ở các tỉnh thành và hướng ra thế giới để quảng bá cho quốc phục Việt Nam. Tại TPHCM cũng đã có Bảo tàng Áo dài chính thức mở cửa từ năm 2014. Nhiều lễ hội tôn vinh áo dài cũng được tổ chức định kỳ, thường xuyên ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và mới đây Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 đã diễn ra từ ngày 27 đến ngày 29.10.
Cho đến sự thông dụng của áo dài trong đời sống hiện đại
Qua nhiều năm tháng chiếc áo dài có sự biến đổi về mặt kiểu dáng và chất liệu, ngày càng hướng đến giá trị thẩm mỹ và sự tiện lợi trong sinh hoạt đời sống hàng ngày. Chất liệu vải mỏng, mềm, co dãn, hàng nút bấm được thay bằng khóa kéo "phéc-mơ-tuya" đã khiến cho việc mặc áo dài trở nên thoải mái, nhẹ nhàng, ngay cả khi mặc trong thời gian dài. Có thể nói, áo dài đã trở thành một trang phục đa năng và thích hợp với nhiều môi trường, hoàn cảnh. Trong trường học, áo dài trắng nữ sinh từ nhiều năm nay đã trở thành một biểu tượng, đi vào văn thơ nhạc họa. Ở môi trường công sở, nhiều cơ quan, đơn vị như giáo dục, ngân hàng, bưu điện, du lịch... đã chọn áo dài làm đồng phục ngành nghề. Đặc biệt trong môi trường ngoại giao, tà áo dài đã trở thành một lễ phục trang trọng không thể thiếu trong các dịp công du nước ngoài hay tiếp khách của những lãnh đạo nữ và các vị phu nhân. Một số vị đại sứ nam cũng đã mặc áo dài, khăn đóng như là quốc phục khi trình quốc thư hay dự lễ, tiệc.
Ở cố đô Huế, việc phát động nhân viên công sở mặc áo dài định kỳ một ngày trong tuần cũng được chính quyền khuyến khích, động viên. Do yêu cầu của cuộc sống năng động, hiện nay ngoài áo dài truyền thống, các loại áo dài cách tân với tà áo, tay áo ngắn hơn, cổ áo mở thoải mái và thậm chí là quần mặc chung cũng có những nét thay đổi cho thuận tiện. Sự đa dạng, phong phú của nhiều loại áo dài cũng mang đến cho phụ nữ Việt Nam nhiều sự lựa chọn mới và khiến cho ngày càng nhiều phụ nữ chọn mặc áo dài trong đời sống hàng ngày và cả khi đi du lịch trong và ngoài nước, chứ không chỉ trong những dịp long trọng.
Áo dài Việt Nam còn là một trang phục không thể thiếu trong các cuộc thi hoa hậu, những dịp lễ Tết, những sự kiện quan trọng, những dịp đi chơi, vãn cảnh chùa chiền hay đi lễ ở nhà thờ... Áo dài cũng được coi là một sự kiện trình diễn trong những dịp giới thiệu văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, được xem là một yếu tố thu hút trong ngành công nghiệp du lịch. Đặc biệt trong lễ cưới hỏi truyền thống của người Việt, áo dài cưới của cô dâu được chú trọng.
Cùng với sự phổ biến của áo dài và với đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao của người dân, áo dài không chỉ là bộ trang phục đại diện cho nền văn hóa truyền thống, là di sản văn hóa của nhiều thế hệ, mà còn là cảm hứng sáng tác không dứt của văn hóa nghệ thuật, thời trang Việt Nam. Áo dài đi vào các nghệ thuật như nhiếp ảnh, hội họa với nhiều nghệ sĩ thành danh nhờ chụp ảnh hay vẽ về chiếc áo dài. Áo dài được văn chương dành cho nhiều lời ca tụng. Áo dài đi vào âm nhạc với nhiều bài hát vinh danh. Áo dài xuất hiện nhiều trên phim ảnh, truyền hình. Áo dài cũng trở thành sự sáng tạo và cách tân không bao giờ dứt của nền công nghiệp thời trang Việt Nam, với những chi tiết từ đơn giản đến cầu kỳ, phức tạp, trên mọi chất liệu như lụa tổng hợp, lụa tơ tằm, nhung, gấm... từ thêu tay đến đính các loại đá, cườm, kim sa, vẽ... Có những nhà tạo mẫu đã thành danh nhờ chiếc áo dài như các nhà thiết kế Sĩ Hoàng, Minh Hạnh, Đức Hùng, La Hằng, Đỗ Trịnh Hoài Nam...
Áo dài Việt Nam kể cả của nam và nữ, sau khi trải qua một thời gian dài hình thành, phát triển và hoàn thiện, cho đến nay về cơ bản đã định hình. Áo dài thường được so sánh với những trang phục truyền thống của các dân tộc khác và được bạn bè quốc tế thừa nhận như là quốc phục của Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở tầm mức của một trang phục truyền thống tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, áo dài đã trở thành một biểu tượng văn hóa, mang trọn văn minh vật chất cũng như tinh thần của người Việt. Khi mặc áo dài, không chỉ đơn thuần là mặc một trang phục đẹp, trang trọng, mà áo dài còn là lời nhắc nhở mỗi người mặc rằng chúng ta là con dân đất Việt, mang trên người nét đẹp của văn hóa Việt.