Anh giáo làng 3K và “Không gian ký ức biển”

Lãng Quân |

3K là cách gọi tắt của Kù Kao Khải - một “ca” lạ trong làng mỹ thuật đương đại. Lạ, ngay từ việc Khải chọn cách chơi chữ cho cái tên khai sinh Cù Cao Khải. Lạ, vì gã giành không ít giải thưởng mỹ thuật cấp quốc gia, nhưng đích thị là anh giáo làng hành nghề gõ đầu trẻ. Lạ nữa: Con đường mà gã đeo đuổi trong suốt hành trình sáng tác của mình là kể những câu chuyện ở quê, bằng những chất liệu cũng “dị” không kém. Khải khiến người đối diện phải gạt bỏ không ít “định kiến” bấy lâu nay đã in đậm trong đầu.

Hoạ sĩ thành danh, anh thợ mộc hay chàng gõ đầu trẻ?

Kù Kao Khải, sinh năm 1978. Giải chính thức (Nhất đồng hạng) Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2013. Giải Nhì (không có giải Nhất) Điêu khắc toàn quốc (10 năm mới tổ chức một lần) tại Hà Nội năm 2013. Giải Nhất (đồng hạng) Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2014. Huy chương Đồng triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015. Giải Nhất Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2017... Là giáo viên trường THCS Kim Tân (huyện Kim Sơn, Ninh Bình). Tôi đi tìm Kù Kao Khải lần đầu tiên sau khi đọc được “hồ sơ” đó của gã.

 
Không gian nghệ thuật biển mà Kù Cao Khải đang thi công.

Làng biển Kim Tân là nơi gã sinh ra, lớn lên. Hết phổ thông, lên Hà Nội tiếp tục con đường dùi mài kinh sử, gã chọn trường CĐ Nhạc hoạ Trung ương (nay là ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Năm 2008, gã tốt nghiệp hệ đại học của trường này). Học xong, gã sang làng Bát Tràng, xin vào lò gốm của nghệ nhân Trần Độ để học nghề. Bởi với gã, không gì huyền bí bằng đất qua lửa.

Chỉ là gốm thôi nhưng có những câu chuyện rất riêng: Đất nhiều đồng thì ra loại gốm nào, đất nhiều nhôm thì gốm sẽ ra sao. Rồi men tro tự nhiên lúc lên màu có gì khác với men hoá học... Hai năm say sưa ở làng gốm, gã trọng người Bát Tràng vẫn giữ vẹn nguyên được “chất” làng: Ở văn chỉ có bảng vinh danh nghệ nhân.

Vị trưởng làng rất được kính trọng. Người Bát Tràng còn luôn hướng lòng về cội - là làng gốm Bồ Bát (ở Yên Mô, Ninh Bình). Bởi ngày nhà Lý dời đô, nếu không có những người thợ gốm làng Bồ Bát đi theo, neo lại ven sông để làm vật dụng cho triều đình, thì không có làng gốm Bát Tràng nức tiếng và phồn thịnh ngày nay.

Gã về quê, sau hai năm học nghề gốm. Gã không nói, nhưng tôi biết, trong những lý do khiến gã quyết định về lại miền biển Kim Sơn, chắc chắn có phần ảnh hưởng từ cốt cách hướng cội của người làng gốm.

Không gian nghệ thuật biển mà Kù Cao Khải đang thi công.
Không gian nghệ thuật biển mà Kù Cao Khải đang thi công.

Vừa làm anh giáo làng gõ đầu trẻ, gã vừa trăn trở: “Đại đa số người học nhạc hoạ ra đều trở thành những “hình mẫu” chỉn chu như bao thầy cô giáo khác. Mình là người theo nghệ thuật, không lẽ mình cũng chỉ làm sư phạm thuần tuý ư?”. Và, anh giáo Khải đã nghĩ: “Tôi muốn vượt qua việc một người thầy chỉ giảng dạy lý thuyết. Một người thầy thực sự phải làm tốt cả lý thuyết lẫn thực hành. Đó là phương pháp tốt nhất cho việc dạy học”.

Nếu không tận mắt thấy Khải đứng trên bục giảng trường làng, thì thật khó để hình dung gã là... anh giáo. Khi tôi gặp Khải lần đầu, tôi đã nghĩ gã làm thêm nghề mộc. Bởi nhà gã có một góc xưởng, với đầy đủ cưa, bào, chàng, đục... Gã thì râu ria đen nhánh, trông rất đàn ông. Đôi mắt tinh nhanh, ánh nhìn tĩnh và như muốn xoáy sâu vào tâm can người đối diện.

Nhiều lúc, ánh mắt gã làm tôi nhớ đến những con sói trong văn chương của ông Jack London. Những tưởng khó gần, nhưng lúc nói chuyện, gã vô cùng xởi lởi, ăn sóng nói gió đúng chất người miền biển. Gã bảo gần mười năm nay mình đã thạo nhiều việc của anh thợ mộc, bởi đơn giản, gã chọn gỗ làm chất liệu sáng tác chính.

Con tàu cổ trăm năm và ngọn hải đăng cách điệu, trong thế giới nghệ thuật Kù Cao Khải.
Con tàu cổ trăm năm và ngọn hải đăng cách điệu, trong thế giới nghệ thuật Kù Cao Khải.

Mười năm dựng một lối đi

Nếu chỉ nhìn sự nghiệp sáng tác mà gã đã có, nhìn những tác phẩm mà gã đoạt giải, hẳn nhiều người nghĩ gã chọn gỗ để sáng tạo như là điều... đương nhiên. Nhưng không phải, việc gã chọn gỗ, định hình phong cách nhờ gỗ là cả một quá trình ngót mười năm tìm tòi. Là gỗ, chứ không phải sơn dầu, sơn mài hay lụa.

Khải tâm sự: “Nếu là sơn mài thì người sống ở quê như tôi phải đối mặt với việc vận chuyển về, cộng giá thành vật liệu đắt đỏ. Nếu là sơn dầu du nhập Châu Âu thì vướng chuyện bảo quản, vì sơn dầu rất dễ nấm mốc với khí hậu nhiệt đới gió mùa. Chưa kể chất lượng sơn dầu tốt và sơn dầu không tốt luôn là chuyện vàng thau lẫn lộn trên thị trường. Là lụa, mềm mại và có cái đẹp, cái hay của nó nhưng lại không đủ độ “gấu” mà tôi mong muốn, không hợp với tính cách xù xì, gai góc của con người tôi”.

Và con đường sáng tạo, lối đi riêng làm nên tên tuổi 3K chính thức hình thành. Năm 2013, “Chuyện quê 1” của Kù Kao Khải làm xôn xao giới Mỹ thuật. Đôi vợ chồng với nước da đen cháy, ngậm đầy nắng và gió biển ngồi bên nhau sau mẻ lưới nặng tay. Từ khi Khải là một cậu bé đến quãng đã là người đàn ông trung niên, không biết có bao nhiêu đôi vợ chồng mỉm cười bên mẻ cá đầy in vào tâm trí gã. Khải không chỉ kể chuyện mà như muốn trả lời cho câu hỏi muôn thuở: Hạnh phúc là gì? Và hạnh phúc với người ở quê, với ngư dân cả đời bám biển đã được gã “tạc” vào nụ cười của “Chuyện quê 1”.

Nụ cười trên “đôi tượng” của Khải không chỉ là niềm vui sướng, hồ hởi với một mẻ cá đầy, với được mùa cá tôm; nụ cười ấy còn chất chứa những gương mặt dăn deo của người già, nét tươi trong của trẻ thơ. Những đơm, đó... xung quanh càng làm đậm hơn nét điêu khắc gồ ghề của hai “nhân vật”; đủ để người xem thấy được thành quả lao động của những người con vùng biển sau những ngày lênh đênh, vật lộn với sóng gió ngoài khơi.

Những ý tưởng trong câu chuyện của Khải luôn lạ mà quen; ngôn ngữ thể hiện trong nghệ thuật sắp đặt cũ mà mới. Cộng với phong cách trần trụi, thô ráp, tác phẩm của gã hoạ sĩ 3K này luôn mang đến cho người xem những ấn tượng mạnh.

Một tác phẩm gây được ấn tượng với người xem, và không thể lẫn với bất cứ phong cách nào của Khải là “Chuông”. “Chuông” là một con cá chỉ còn trơ bộ xương quặt quẹo, cao khoảng 2,5m được treo trên giá như một quả chuông. Hai bên giá là những cột khói nhà máy, xí nghiệp, là những gương mặt người chỉ hở đôi mắt, cả không gian như câm lặng, như thiếu hẳn nhịp thở con người. “Chuông” của Khải được trao giải Nhất tại Lễ trao giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2017 và giải A Khu vực Đồng bằng sông Hồng. Khải nói, giọng tự hào xen lẫn hoang mang: “Tiếng chuông của tôi ra đời, đó là tiếng chuông của nhà thờ đá Phát Diệm, là tiếng chuông chùa cổ Bái Đính. Nhưng quê tôi lại đang mọc lên rất nhiều nhà máy xi măng, phân đạm... Những nhà máy ấy xả thải khủng khiếp. Tôi đã dành 5 tháng ròng để làm tác phẩm “Chuông”. “Chuông” là lời cảnh báo, không thể đánh đổi môi trường sống lấy sự phát triển kinh tế”.

Ngoài gỗ là vật liệu chủ đạo, gã hoạ sĩ “dị” này còn có thể biến những thứ “chổi cùn, rế rách” thành tác phẩm nghệ thuật. “Đỏ” của Khải là lớp lớp bình truyền, dây dẫn, phía dưới là đôi dép cao su, bên trên là chiếc mũ cối. Nhìn vào đã thấy “dư âm chiến tranh”. Tôi chợt nói với Khải: “Nhìn những chất liệu anh đưa vào đã thấy sự huỷ hoại, bệnh tật, tàn phế rồi”. Mắt gã sáng lên: “Chất liệu gần với câu chuyện chính là cách chuyển tải nội dung tốt nhất trong nghệ thuật sắp đặt. Dù là cái rổ rách hay cái chổi cùn đều có “cuộc sống” và “câu chuyện” riêng của nó. Chọn phế liệu làm chất liệu, tôi muốn nói câu chuyện, nghệ thuật, đến từ chính những gì gần gũi nhất với đời sống, và mình có trách nhiệm biến những thứ bỏ đi, những thứ vô tri được coi là rác thải ấy thành một cái gì đó có ý nghĩa”.

Ngay việc lựa chọn chất liệu của gã, thoạt nghe thì có vẻ lạ, nhưng một chút lắng thôi, lại thấy nó quá đỗi gần gụi.

“Không gian Ký ức biển” - di sản cổ và ánh sáng huyền ảo

Bẵng đi một thời gian, chợt một ngày tôi gặp cái dáng cặm cụi, chòm râu quai nón và giọng nói ầm ào rất... Kù Kao Khải ở bãi cát dài bờ biển Đà Nẵng. Gã tựa lưng vào một mô hình ngọn hải đăng đẹp mỹ miều ven đường Trường Sa, Đà Nẵng. Gã chỉ trỏ vào bản vẽ rồi phóng tầm mắt ra bãi cát xa xa. Hỏi anh giáo làng làm gì mà “lưu lạc” vào tận đây? Gã cười giòn tan, hàm răng trắng loá: “Tranh thủ nghỉ hè, lúc không gõ đầu trẻ, tôi nhận “công trình”. Ngọn hải đăng trên cạn ngay sau lưng Khải, bước vào trong thì đó là phòng bảo vệ, là bốt gác của khu du lịch. Nói rồi, Khải vào trong, tay chống cằm nhìn lom lom ra đường...

Rồi gã khoe có bà Cao Minh Trúc, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Empire Group - Cocobay Đà Nẵng vô tình đọc về gã trên báo. Bà “điều tra” về gã bằng việc đi hỏi không ít những cây đa cây đề trong làng mỹ thuật xem Kù Kao Khải là ai. Được các hoạ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Mạnh Đức, Phan Thiết, Phạm Kiên, Thành Chương... xác nhận, bà giám đốc nhờ hoạ sĩ Mạnh Đức cùng bay ra Hà Nội, về tận Kim Sơn, Ninh Bình tìm anh giáo Khải.

Cái tài của gã là một phần. Điều khiến người ta mời gã, bởi gã là hoạ sĩ chuyên kể chuyện quê, lại nặng lòng với ngư dân, biển đảo. “Bà Trúc nói với tôi rằng đơn vị của bà muốn có một không gian về biển, đậm chất văn hoá truyền thống. Nhưng câu chuyện văn hoá đó phải gắn với sự phát triển, để làm sao không gian đó, ký ức đó vươn tới đời sống hiện đại như sự phát triển đáng tự hào của Đà Nẵng. Và nó phải là tác phẩm nghệ thuật chứ không phải cứ bày biện theo lối vui vui, dân gian thường thấy. Tôi vừa là người làm bản vẽ, vừa là người thi công. Họ là những người yêu và trân trọng nghệ thuật, nên tôi càng muốn tự mình làm mọi công đoạn!” - Khải cười, gió biển lồng lộng làm những lá cờ trên các con thuyền cổ vừa được sưu tầm về bay phần phật.

Và gã đi mua những chiếc tàu đánh cá hơn 100 tuổi từ vùng biển Vân Đồn đến Đà Nẵng, thuê cẩu lớn nhấc lên khỏi khu vực biển mà nó đã dường như “hóa thạch” suốt nhiều thập niên. Trên thân con thuyền đánh cá cổ bám đầy vỏ sò, vỏ ngao, nước thời gian mốc thếch, óng ánh, đôi chỗ vàng rười rượi như rêu. Vừa tạc những con cá gỗ, lưng phẳng để treo lên, gã cười láu lỉnh: “Phải là lưng phẳng mới đúng cá biển, chứ nếu lưng cong cong thì thành cá nước ngọt mất rồi”. Gã cho dựng những mô hình cánh buồm, sơn một loạt màu nóng, gây ấn tượng về thị giác đúng kiểu Kù Kao Khải. Gã còn cử người đi khắp các ngôi làng ven biển từ Quảng Nam đến Đà Nẵng để tìm những cấu kiện gỗ từ các không gian cổ... Không ít các tác phẩm chạm khắc ấy, chúng đến từ các đình làng xưa cũ hay những ngôi nhà cổ kính được người ta “hạ giải” rồi thay thế lúc trùng tu.

Công việc đã hoàn thành được tới 90%. Giữa các đồi cát trắng vàng mênh mông ven mép sóng, Khải và cộng sự tạo tác hình ảnh những con ốc biển khổng lồ, sơn màu lộng lẫy, đặt chúng nằm chênh vênh. Các con thuyền cổ lớn nhỏ như muốn truồi từ đồi cát ra đại dương. Những con thuyền ấy trong không gian đầy cổ vật, đầy các cấu kiện đẹp của làng chài và không gian nghề cá, trong ánh sáng huyền ảo chuyển động từ màu đỏ ruby, rồi màu xanh dương, xanh lục... Du khách như lọt vào thế giới mê hoặc trong lòng con thuyền cổ chứa đầy bảo vật dưới đáy đại dương. Ở cụm tác phẩm ven đường, ngoài ngọn hải đăng còn có con thuyền mang hình tượng trai biển khổng lồ đang há miệng nhả ngọc như mở ra một thế giới kỳ bí, dẫn dụ người khám phá các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt.

Với cụm tác phẩm ngoài phía biển, để chống lại gió bão, ít ra là các trận gió cát tơi bời ở bờ biển xứ ở nhiệt đới ẩm, nhiều chỗ của “Không gian Ký ức Biển”, Khải phải cho gia cố các cọc chống đỡ chôn sâu 6m dưới lòng đất/cát. Khải tự tin: Chắc chắn đây sẽ là một điểm check-in ảnh và khám phá di sản văn hóa miền biển, cũng như nâng cao ý thức bảo vệ đại dương tuyệt vời nhất.

Chàng họa sỹ “3K” cứ tông tốc nói, như thể gã chẳng giấu giếm bất cứ “ngón nghề” nào: “Với gỗ, cha ông đã tạo ra những sản phẩm quá đẹp rồi. Ví dụ một ngôi nhà cổ được chạm khắc. Cùng là chạm khắc nhưng đời thường - bình dân khác, phục vụ tầng lớp thượng lưu khác. Hay những bộ chạm khắc chọi gà, trai gái vui đùa ở đình làng Việt cổ xưa đã quá đẹp rồi. Chạm khắc gỗ cũng là cái khác biệt trên thế giới, và ông cha, từ nghìn năm qua đã hình thành nên con đường rất riêng. Từ những giá trị kế thừa được của ông cha, tôi muốn đẩy nó lên để đứng được với những tác phẩm đương đại”. Say mê văn hoá dân gian, nên những tác phẩm của Khải luôn mang đậm màu sắc văn hóa dân gian. Gã hy vọng, “công trình” sẽ tái hiện được những làng chài cổ xưa với yếu tố văn hoá bản địa, và cũng sẽ là cụm tác phẩm mang hơi thở đương đại, gắn với sự phát triển của thành phố được ca ngợi là “đáng sống” nhất Việt Nam, với những bãi tắm tuyệt mỹ được bầu chọn là đẹp vào hàng quán quân trên thế giới.

Ngọn hải đăng cách điệu, trong thế giới nghệ thuật Kù Cao Khải
Ngọn hải đăng cách điệu, trong thế giới nghệ thuật Kù Cao Khải

Nhìn những bước chân rắn rỏi trên cát biển của Kù Kao Khải, tôi chợt nghĩ, nay mai “công trình” và cũng là cụm tác phẩm của gã hoàn thành; cũng có nghĩa gã thêm một lần “phá bỏ định kiến”, và nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết tác giả của không gian biển, ký ức biển ấy là một anh giáo làng đã mười sáu năm gõ đầu trẻ ở chốn quê nghèo...

Lãng Quân
TIN LIÊN QUAN

Album Xẩm Mai Tuyết Hoa: "Của lạ" giữa thị trường âm nhạc

H.N |

Album “Xẩm Mai Tuyết Hoa - Vol 1” của Mai Tuyết Hoa là món quà rất có ý nghĩa mà cô tặng cho những người đã yêu quý và ủng hộ Mai Tuyết Hoa và Nhóm Xẩm Hà Thành trong suốt thời gian qua.

Không còn phim Việt cho thiếu nhi?

Theo Người lao động |

Phim dành cho khán giả nhỏ tuổi không còn được quan tâm sản xuất bởi tình trạng khó khăn chung của phim truyền hình khi lên sóng, kể cả phim điện ảnh.

Một vấn đề của nhiếp ảnh Việt Nam cần trao đổi: “Chất nghệ” được mấy %

ĐẶNG BÁ TIẾN (PHÓ CHỦ TỊCH HỘI VH-NT ĐẮK LẮK) |

Những ai đã gắn bó với nhiếp ảnh nghệ thuật từ xưa đến nay đều hiểu rằng sau công đoạn đi thực tế tìm cảnh, tìm người, tìm vấn đề, sự kiện, bấm máy chụp ảnh, để có được một bức ảnh đẹp ưng ý thì việc xử lý hậu kỳ hết sức quan trọng. Và trong nhiều trường hợp, hậu kỳ có tính quyết định đến thành công của bức ảnh...

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Album Xẩm Mai Tuyết Hoa: "Của lạ" giữa thị trường âm nhạc

H.N |

Album “Xẩm Mai Tuyết Hoa - Vol 1” của Mai Tuyết Hoa là món quà rất có ý nghĩa mà cô tặng cho những người đã yêu quý và ủng hộ Mai Tuyết Hoa và Nhóm Xẩm Hà Thành trong suốt thời gian qua.

Không còn phim Việt cho thiếu nhi?

Theo Người lao động |

Phim dành cho khán giả nhỏ tuổi không còn được quan tâm sản xuất bởi tình trạng khó khăn chung của phim truyền hình khi lên sóng, kể cả phim điện ảnh.

Một vấn đề của nhiếp ảnh Việt Nam cần trao đổi: “Chất nghệ” được mấy %

ĐẶNG BÁ TIẾN (PHÓ CHỦ TỊCH HỘI VH-NT ĐẮK LẮK) |

Những ai đã gắn bó với nhiếp ảnh nghệ thuật từ xưa đến nay đều hiểu rằng sau công đoạn đi thực tế tìm cảnh, tìm người, tìm vấn đề, sự kiện, bấm máy chụp ảnh, để có được một bức ảnh đẹp ưng ý thì việc xử lý hậu kỳ hết sức quan trọng. Và trong nhiều trường hợp, hậu kỳ có tính quyết định đến thành công của bức ảnh...