Ăn hết vàng, “nhả” lại một cái “hồ sinh thái”

lãng quân |

Như Lao Động đã phản ánh trong các phóng sự vừa qua, ở nhiều vùng quê vốn thanh bình như xã Bằng Thành, huyện Pác Nậm, tỉnh Bắc Kạn, vì dưới lòng đất lòng núi chứa quặng vàng, nên bà con lao đao đau khổ. Các hoạt động đào bới tan hoang gây ô nhiễm môi trường, tổn hại hoa màu vật nuôi diễn ra gây nhiều bức xúc. Vàng rơi vào túi những ai thì không biết, chỉ biết rằng người dân chả được cái gì.

Đào hết vàng rồi báo cáo “không tìm được gì” và biến?

Cũng tại xã An Thắng, huyện Pác Nặm này, có doanh nghiệp Nguyên Phát từng “khét tiếng” với thành tích: Nợ thuế đến gần 180 tỉ đồng, sau 2 năm “moi ruột” đất đai, bóc gỡ tài nguyên quý đem đi. Với công suất khai thác 45,5kg vàng/năm, chả ai biết họ hoạt động ra sao, chỉ biết là sau thời gian dài “bới đất lật cỏ” thì doanh nghiệp báo cáo “không đào được vàng”. Rất nhiều doanh nghiệp tưng bừng xuất hiện, “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”, rồi lặng lẽ giải thể, biến mất, điện thoại ông chủ không liên lạc được, thỉnh thoảng bắn tin nói rằng “chúng tôi chả đào được gì”. Hết thời cấp phép mỏ tràn lan, doanh nghiệp nhảy ra xin “đánh giá, thăm dò trữ lượng” để lấy cớ moi vàng rồi tiếp tục báo cáo “chả thăm dò được gì”, “em bán nhà bán xe trả nợ đậy đây ạ”.

Mỗi “anh” nợ thuế vài tỉ đồng, có anh nợ gần 180 tỉ đồng. Tình trạng này diễn ra ở cái huyện vào dạng nghèo nhất ở cái tỉnh cũng vào dạng nghèo đội sổ cả nước như Bắc Kạn, thử hỏi, nỗi đau sẽ thuộc về ai?

Cơ quan chức năng như chết đứng với đống nợ thuế khổng lồ đó? Hay có sự đồng lõa nào ở đây không?

Tạm gác các câu hỏi buốt lòng đó lại. Xin phân tích: Với cung cách quản lý như vậy, thì chuyện “đóng vai” đánh giá, thăm dò để đào vàng trái phép, cũng chẳng có gì là khó hiểu. Hoạt động đầy tai tiếng của doanh nghiệp Thành Hưng “đào bới” ở bản Khuổi Mạn đã bị Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản khẩn cấp yêu cầu dừng lại vào trung tuần tháng 8 năm 2019. Tuy nhiên, chúng tôi lại nhận được phản ánh của bà con xã Lạng San, huyện Na Rì về tình trạng “móc hết vàng” thì... tặng lại bà con một cái hồ sinh thái để đỡ phải tốn tiền, tốn công hoàn thổ như cam kết. Tìm hiểu, mới hóa ra: Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn từng có kế hoạch bi hài là đổi mỏ vàng lấy... du lịch. Có lẽ, cần vẽ ra một “tấn trò đời” chi tiết hơn nữa: Quý vị cứ đào quặng đi, moi móc xong, các hầm hố địa đạo để lại cho con cháu sau này đi thám hiểm nhé; chỗ nào nước ngập mênh mông thì làm hồ sinh thái phát triển du lịch, làm cho “dân giàu nước thịnh”!

Trưởng thôn Hoàng Văn Thạch và nỗi khổ vì đất quê cha mình có nhiều vàng.
Trưởng thôn Hoàng Văn Thạch và nỗi khổ vì đất quê cha mình có nhiều vàng.

Nông dân bị đẩy đi tái định cư, không có một mét vuông đất canh tác!

Bối cảnh của câu chuyện như sau: Lật lại lịch sử, đúng là có giai đoạn, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực phát triển KTXH địa phương, Bắc Kạn đã ban hành Thông báo số 726 TB/TU, ngày 30.9.2008 về việc “khuyến khích các DN hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch”. Ngay sau đó là QĐ số 2758/2008/QĐ-UBND, ngày 25.12.2008, với nội dung theo dạng chỉ định: “Doanh nghiệp đăng ký làm du lịch mới được cấp mỏ vàng”. Các “mệnh lệnh hành chính” này đã gây tai họa, khi mà giá vàng tăng, các doanh nghiệp đổ xô vào Bắc Kạn để xin cấp mỏ đào vàng, họ đào hết vàng; còn đâu thì “bán cái” các dự án du lịch chết dấm chết gí bị buộc phải “ăn” kèm kia cho doanh nghiệp khác. Vàng mất, du lịch cũng thất bại. Có lẽ, phong trào kỳ lạ (và đến nay thấy rõ sai lầm) kia đã làm cho huyện “thủ phủ vàng” Na Rì sản sinh ra cái gọi là “hồ sinh thái” trả lại cho dân sau khi đào lấy hết vàng như ở thôn Chợ Cũ, xã Lạng San.

Tất nhiên, nhiều năm trôi qua, chưa có một ai đến xã Lạng San để du lịch trên cái hố đào vàng ngập nước đó. Ông trưởng thôn Chợ Cũ tên là Hoàng Văn Thạch thở dài: “Nó là cái hố ngập nước bẩn thỉu, giờ có ông xin thầu nuôi cá, mỗi năm họ nộp vài triệu đồng cho Ủy ban xã, chứ chúng tôi cũng chả được xu nào!”. Hóa ra, câu chuyện thuộc dạng khó tin nhưng có thật này diễn ra đã nhiều năm, chứ chẳng phải tiếu lâm.

Chúng tôi đã trèo đèo lội suối vào Na Rì, khu vực nổi tiếng là miền vàng của cả nước Việt Nam ấy. Đã từng có nhiều năm, các bưởng vàng đao búa tranh giành, đổ máu bên “tam giác vàng” 3 xã ven dòng sông Bắc Giang, ven rừng già Kim Hỷ của huyện Na Rì này. Thế rồi các công ty vàng khôn ngoan nhảy vào, đào vàng và liên tục hứa hão với dân.

Để Công ty An Thịnh có đất khai thác vàng, người ta đã vận động bà con di dời khỏi quê cũ, đi tái định cư ở nơi khác. Xóm Chợ Cũ với 34 hộ dân đã phải chuyển sang nơi ở mới. Công ty khai thác vàng “lấy đất” mở công trường ầm ĩ. Vàng thoi bạc nén họ mang đi hết. Dân vẫn lay lắt, bức xúc, đi kiện cáo ở trong xó rừng.

Bây giờ chúng tôi trở lại. Vượt qua cây cầu trải kín phân trâu bò, người dẫn đường đưa nhà báo vào thôn mới Pác Tháng (xóm tái định cư của người Chợ Cũ) cũng phải thở hắt ra sầu thảm: Cầu này vừa làm, cầu sắt cũ hổng hoác gỉ hoen vẫn kia, nó đánh dấu những năm tháng u buồn của bà con. Mỗi người mất hết toàn bộ đất ở và đất canh tác, lĩnh vài chục triệu đồng, “tái định cư” vào đây cho công ty vàng đào bới. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Vài bữa là hết. Cái còn lại bây giờ là đây!

Chúng tôi phóng tầm mắt ra những “sân bóng” hoang tàn; cái nhà văn hóa vàng vọt tróc lở, mốc thếch. Vài đứa trẻ ở trần đứng ngơ ngẩn. Dãy nhà “tái định cư” đổ nát, đen xỉn, mái lợp mục nát. Nhà cửa giống nhau, nhỏ xíu, cấp bốn, rào giậu bằng cọc gỗ và vài cây nhỏ héo úa cỗi cằn. Anh Phượng bị sứt môi, cùng vợ ngồi chăm mấy con lợn gầy, nói như mếu: “Không có đất sản xuất. Phát miếng đất trồng ngô gần nhà thì vướng vào đất khu bảo tồn, không khéo đi tù như chơi”.

Trưởng thôn Hoàng Văn Thạch, tuổi ngoài 70, ngồi trong căn nhà lụp xụp, nền đất, đồ đạc lổng chổng mục nát như ngôi nhà hoang. Giọng ông còn hoang hoải hơn thế.

Khi công ty An Thịnh ở Bắc Kạn về đào lấy vàng, gia đình ông Thạch được đề nghị bỏ lại cả nền nhà lẫn ruộng vườn để đi tái định cư. Đến nơi mới, xa ủy ban, xa các cộng đồng dân cư, lại tít bên kia sông Bắc Giang, ông Thạch được cấp 200m2 theo diện “hỗ trợ 50%” giá thành. Chứ không phải cho không! Chả có đất vườn ruộng. Đất cũ được “đền bù” bằng giá bèo bọt là 40 nghìn đồng một mét vuông. Vườn phía trong thì chỉ còn là 30 nghìn đồng mét vuông. Tóm lại là: “Cầm 30 triệu đi lo nơi ở mới”. Bà con sẽ không nói gì, nếu như sang nơi ở mới có ruộng để làm. Hoặc sau khi đào lấy hết vàng, thì người hoàn thổ 36ha chỗ người ta đào bới (nay là mặt hồ “sinh thái”), rồi hoàn thổ đất bãi ven sông để bà con canh tác.

Đằng này không! Bà con bị ném ra rìa của cuộc phát triển. Ông Thạch nói như mếu: “Chán lắm. Tiếp xúc cử tri, chúng tôi liên tục đưa vấn đề lo cuộc sống cho dân sau khi lấy hết đất ở và đất canh tác, “đẩy” họ ra xó rừng này. Cứ đưa ra, mà có giải quyết được cái gì đâu. Họ cứ hẹn ngày nọ tháng kia, hứa bỏ đấy thôi mà”.

Nhà văn hóa thôn Chợ Cũ mốc thếch hoang phế ở nơi tái định cư.
Nhà văn hóa thôn Chợ Cũ mốc thếch hoang phế ở nơi tái định cư.

100% dân chúng tôi xin biểu quyết lấp “hồ sinh thái”

“Bà con bức xúc nhất là vấn đề đất sản xuất ở ngoài nơi tái định cư này. Chúng tôi kiến nghị, lên xã, huyện, tỉnh và cả trung ương, nhưng vẫn không cán bộ địa phương nào xuống gặp gỡ tiếp xúc gì cả. Còn nhớ, thời chủ tịch xã tên là Minh về đây, họ hứa đưa dân ra chia lại phần ruộng đất đã bị đào xới và dần dần hoàn thổ tạm thời kia, nhưng chỉ là hứa hão. Ông Minh chuyển lên huyện công tác, thế là thôi”.

Bà con ai cũng nhớ, trước khi đẩy dân ra khu vực khác để lấy đất cho công ty đào vàng khai thác, họ đều thưa thốt hứa dân ra nơi ở mới sẽ tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Vậy mà ném dân ra góc rừng với tí đất ở mua hỗ trợ, còn lại không có một tấc đất sản xuất, trong khi 100% dân chỉ biết làm nông nghiệp tự bao đời. Trong khi họ “hiến” bờ xôi ruộng mật của họ cho công trường đào vàng. Ông Thạch kể: Ngày trước các ông ấy họp dân ở tại nhà chúng tôi. Bấy giờ, chưa có nhà họp thôn. Dự họp có Hà Công Ch - bấy giờ là Chủ tịch UBND huyện, ông này người gốc ở Thái Bình - chủ trì. Cán bộ thi nhau hứa hẹn sau khai thác vàng thì sẽ san lấp trả lại mặt bằng cho dân sản xuất. Sau này, mấy ông cán bộ xã bảo, họ không san lấp đâu, mà sẽ để nguyên hầm hố, cho nước mưa đọng vào để làm... hồ sinh thái. Chắc cái này nằm trong phong trào đổi mỏ vàng lấy... du lịch? Chắc không muốn mất tiền hoàn thổ, nên họ nói bừa ra thế. Ông Tâm, Chủ tịch xã hứa nhiều điều lắm, đến giờ ông ấy cũng về hưu rồi.

Doanh nghiệp móc hết vàng mang đi, dân khốn đốn bị đẩy ra khu tái định cư như thế này, không có cả ruộng canh tác!
Doanh nghiệp móc hết vàng mang đi, dân khốn đốn bị đẩy ra khu tái định cư như thế này, không có cả ruộng canh tác!

“Hồ đó chả có tác dụng gì - dẫu họ gọi nó là hồ sinh thái. Toàn chứa rác rưởi, tạp chất vớ vẩn. Bà con xung quanh thải hết xuống đó. Gần đây có ông xin đấu thầu hồ thả cá, mỗi năm họ nộp 8 triệu đồng. Tiền đó cũng bị thu về ủy ban xã hết, dân cũng không được gì”, ông Thạch nhấn mạnh.

Trước khi chia tay, ông Thạch và bà con vẫn còn nói với theo: “Nhà báo đi phỏng vấn cả thôn chúng tôi mà xem, 100% các ý kiến đề nghị lấp cái “hồ sinh thái” bãi đào vàng chứa rác thải kia đi. Trả lại đất canh tác cho dân”. Ông trưởng thôn ngậm ngùi, cán bộ bao thế hệ họ về đấy họ hứa rồi họ lên cấp trên làm hoặc về hưu cả, lời hứa trôi mất. Tôi làm trưởng thôn 10 năm rồi, uất quá, chắc sắp tới tôi từ chức để phản đối.

Nghĩ, rõ khổ, ông trưởng thôn từ chức làm sao lấp được cái hố đào vàng rộng 30ha kia trở thành bờ xôi ruộng mật như cũ được. Làm sao biến mênh mông bờ bãi bị đào xới chưa hoàn thổ kia thành đất trồng ngô, trồng màu được. Nghĩ vậy, tôi chẳng nỡ nói ra. Đành vậy, nắm tay, biếu ông ít tiền rồi hạ sơn trong cơn mưa rừng tầm tã!

lãng quân
TIN LIÊN QUAN

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Là con trưởng có nhất thiết phải về quê ăn Tết?

Hải Minh |

Nhiều người quan niệm, là trai trưởng trong nhà phải có trách nhiệm về quê ăn Tết cùng gia đình vào mỗi năm.

Không còn cảnh công nhân xếp hàng rút tiền ATM để về quê ăn Tết

Bảo Hân - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Tại khu vực các cây ATM cạnh Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) sáng 15.1, không có cảnh công nhân xếp hàng dài để chờ rút tiền về quê ăn Tết.

Vì sao linh vật mèo ở Quảng Trị khiến người xem trầm trồ?

HƯNG THƠ |

Linh vật mèo vừa được đưa đến Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã được nhiều người quan tâm vì giống mèo thật.