6 góc nhìn mới quanh sự quyến rũ của ''Ánh sáng’’

LÊ QUANG VINH |

Ngày 22.11.2020, tại Mai Gallery (113 Hàng Bông, Hà Nội), triển lãm nhiếp ảnh ''Salon Ánh sáng’’ được khai mạc, bởi sự phối hợp tổ chức của Noirfoto. Triển lãm sẽ kéo dài tới ngày 12.12, giới thiệu tác phẩm của 6 nhiếp ảnh gia, với những chủ đề độc đáo, đa dạng và những kỹ thuật nhiếp ảnh chưa từng xuất hiện ở trong nước. Họ có điểm chung: Từng tu nghiệp nhiếp ảnh ở nước ngoài, hiện làm việc tại Việt Nam, từng tham gia nhiều triển lãm ở trong nước và quốc tế. Đây hẳn cũng là một dịp giao lưu nghề nghiệp thú vị.

Hoạt động nói trên dự kiến diễn ra thường niên tại Hà Nội và để tiếp nối các hoạt động nhiếp ảnh đã diễn ra tại Noirfoto Gallery ở TP.Hồ Chí Minh trong vài năm qua. Các triển lãm này là sự mở đầu một trào lưu nghệ thuật mới và tái định nghĩa khái niệm nhiếp ảnh ở Việt Nam như một công cụ và một ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt, nhưng không giới hạn. Các hoạt động đều nhằm mục đích truyền cảm hứng, cung cấp kiến thức, cổ vũ và tạo điều kiện trưng bày cho mọi nghệ sĩ sử dụng công cụ và ngôn ngữ nhiếp ảnh trong sáng tác nghệ thuật.

Mối ''giao duyên’’ của các nhà tổ chức triển lãm này cũng có nhiều nét thú vị, khi cùng chung ý niệm mang lại sự đổi mới trong sáng tác nhiếp ảnh. Noirfoto Darkroom - Studio - Gallery ra đời năm 2017, là một không gian chuyên biệt cho nghệ thuật nhiếp ảnh có trang bị phòng tối chuyên nghiệp mở duy nhất và tốt nhất tại Việt Nam. Noirfoto nỗ lực nuôi dưỡng nền nhiếp ảnh trong nước bằng cách nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật thủ công, tổ chức các chương trình triển lãm cho nhiếp ảnh gia, tiến hành các buổi tọa đàm, giảng dạy về nhiếp ảnh cho mọi trình độ, chia sẻ các thông tin và kiến thức miễn phí về nhiếp ảnh trong nước cũng như thế giới. Còn Mai Gallery ra đời năm 1993 - là gallery nghệ thuật tư nhân đầu tiên tại Hà Nội sau Đổi Mới. Bắt nguồn từ truyền thống tri thức đáng tự hào và được bao quanh bởi những dòng chảy đương thời của văn hóa, Mai Gallery đã là một bổ sung tự nhiên cho khung cảnh nghệ thuật trong nước và luôn mang tinh thần hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ.

Do vậy, cái tên của triển lãm được lựa chọn cẩn thận và mang nhiều ý nghĩa. ''Photo-graphy’’ là “ghi lại ánh sáng”, còn “ánh sáng” là yếu tố đầu tiên tạo nên một tác phẩm nhiếp ảnh. ''Salon Ánh sáng’’ lấy cảm hứng từ Tây Âu cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 - thời điểm nhiếp ảnh ra đời và phát triển cùng với nhiều công nghệ kỹ thuật khác trong các cuộc Đại cách mạng công nghiệp thứ nhất và thứ 2. Thời kỳ này cũng nở rộ những salon nghệ thuật - nơi trưng bày những tác phẩm xuất sắc nhất của những nghệ sĩ cấp tiến đã làm thay đổi nghệ thuật, mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới.

Phạm Tuấn Ngọc là người sáng lập Noirfoto Darkroom - Gallery - Studio, là một nhiếp ảnh gia - nghệ sĩ, chuyên gia in ảnh thủ công, đồng thời là cố vấn nhiếp ảnh. Anh tập trung nghiên cứu và thực hành các kỹ thuật tạo hình ảnh và bản in trong giai đoạn đầu của lịch sử nhiếp ảnh, thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, dựa trên các hoá chất và phương tiện thủ công. Thực hành này dựa trên niềm tin vào giá trị nghệ thuật, lịch sử, bảo tồn, khoa học và văn hoá của nhiếp ảnh truyền thống, giá trị của tay nghề kỹ thuật tinh xảo và kiến thức tích lũy, đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số.

Lần này, trong triển lãm nhóm thứ 6 của anh, Tuấn Ngọc mang tới bộ ảnh ''Chloris’’ với những tác phẩm chưa từng công bố. Anh sử dụng kỹ thuật in nắng trên giấy ảnh (lumen print) - hoàn toàn mới tại Việt Nam - cho bộ tác phẩm này. Chloris là nữ thần của các loài hoa trong thần thoại Hy Lạp từ 3 thiên niên kỷ trước. Các bức ảnh được thực hiện không dùng bằng máy ảnh hay máy in, mà từ hoa thật. Những bông hoa trong tác phẩm của Ngọc đã tự tạo ra hình ảnh của chính chúng dưới ánh nắng mặt trời, cùng với sức nóng, độ ẩm, nhựa sống với các tính chất riêng biệt của chúng trên giấy ảnh phủ bạc chloride. Linh hồn hoa rời bỏ những cánh hoa mong manh chóng tàn để tái sinh trong giấy ảnh và trở nên bất tử. Mỗi tác phẩm đều là độc bản.

Bạch Nam Hải là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, chuyên gia in ấn mỹ thuật quốc tế và là nhà sáng lập tổ hợp Hoa Ta với nhiều thương hiệu nhằm quảng bá nhiếp ảnh Việt Nam và các dòng thư họa truyền thống. Anh được đào tạo chuyên nghiệp ngành hình ảnh và nhiếp ảnh ở Australia, tốt nghiệp với giải thưởng đặc biệt dành cho sách ảnh tư liệu xuất sắc nhất. Khi trở lại Việt Nam làm việc từ năm 2014, anh trở thành cộng tác viên nhiều năm của tạp chí Forbes Việt nam - chuyên chụp chân dung các lãnh đạo/cá nhân kiệt xuất trong nước.

Trong ''Salon Ánh sáng’’ lần này, Nam Hải trưng bày ''Vui cảnh nước Nam’’ - là phần tiếp nối của ''Cát nhân viên mãn’ đã xuất hiện trong triển lãm Nhóm Noirfoto hồi tháng 7.2020 tại TP.Hồ Chí Minh. Trong bộ ảnh này, những hình ảnh tưởng chừng chẳng liên quan, đôi khi đầy tương phản: Từ tượng đá trăm năm nhuốm màu linh thiêng đến hội hè ngổn ngang nhiều màu sắc, từ đường nét kiến trúc vuông vắn thẳng tắp đến mấy con rối nước như biết nói, biết cười. Tất cả là những mảnh ghép thân quen kết nối thành một hình tượng Việt Nam “điển hình" - mà chính là điều tác giả quan tâm, trân quý và muốn gìn giữ.

Đối với Hải, ảnh là một hình thức lưu giữ ký ức để vượt lên “tính tạm thời” của vạn vật - bởi mọi thứ rồi sẽ đổi thay, những điều bình thường rồi sẽ trở nên xa lạ. Qua tác phẩm của mình, anh sử dụng ngôn ngữ nhiếp ảnh phong phú rất riêng để nhấn mạnh và lưu giữ vẻ đẹp chân nguyên đặc trưng của cảnh sắc, sinh hoạt cùng văn hoá con người Việt Nam hiện tại.

Gương mặt nữ duy nhất ở ''Salon Ánh sáng’’ tại Hà Nội lần này là Trần Lê Quỳnh Anh - mới trở về từ New Zealand sau khi tốt nghiệp Trường Quốc tế Sáng tạo và Nghệ thuật Wellington. Cô hướng tới việc sử dụng đa dạng các kỹ thuật và chất liệu trong sáng tác, với các tác phẩm được đánh giá là có cách ẩn dụ riêng, nhẹ nhàng và nữ tính với một số đối tượng, nhưng gây bức bối, hoang mang cho một số đối tượng khác. Quỳnh Anh đã có những tác phẩm được trưng bày tại nhà triển lãm Odlin và Inspired Art, Wellington (New Zealand) và xuất hiện trong tạp chí Sisterhoods.

Quỳnh Anh tham gia ''Salon Ánh sáng’’ với bộ ảnh ''23:59’’ độc đáo. Cô sử dụng chemigram (vẽ bằng bằng hóa chất trên giấy nhạy sáng) - kết hợp các kỹ thuật tạo hình trên chất liệu giấy ảnh nhạy sáng, sử dụng linh hoạt các nguồn ánh sáng, thử nghiệm với nhiều vật thể và hóa chất. Các tác phẩm của Quỳnh Anh hoàn toàn trừu tượng với tính gợi mở cao, lấy cảm hứng từ hoạt động của chiếc đồng hồ vừa tiến tới vừa lặp lại chính mình tạo nên chu kỳ của những bước chuyển giao.

6 nhiếp ảnh gia.
6 nhiếp ảnh gia.

Với Nguyễn Quang Bách, sau khi tốt nghiệp Khoa Nhiếp ảnh và Video tại ĐH School of Visual Arts (New York - Hoa Kỳ) năm 2018, anh trở về Việt Nam làm việc. Anh sử dụng nhiếp ảnh như công cụ để tìm hiểu về văn hóa, tập tục của người Việt và thông qua đó có thể định hình về một Việt Nam của cá nhân mình. Trong một khoảng thời gian dài, anh sinh sống và thăm thú nhiều thành phố tại cả ba miền ở Việt Nam để hiểu thêm về văn hóa. Hiện tại, anh quan tâm đến đời sống tâm linh và thái độ của mọi người đối với các hoạt động tâm linh bởi đó là một trong những yếu tố chính hình thành nên văn hóa vùng miền.

Bộ ảnh ''Kết nối’’ của Quang Bách tiếp tục hành trình tìm hiểu mối quan hệ giữa con người và tâm linh đã từng được thể hiện trong những triển lãm trước. Anh quan sát thấy sự lung linh và sống động của các nghi thức tâm linh là điểm chung của văn hóa 3 miền tại Việt Nam, đồng thời coi những tấm ảnh của mình như dấu chân trên hành trình tìm kiếm cõi hư ảo nơi mà anh và những người thân đã mất có thể “gặp” và “mang” những điều họ không thể có khi còn ở trần gian. Bằng những hình ảnh hiện thực và những kỹ xảo kỹ thuật số, anh đã tạo ra cõi hư ảo ấy.

Trong khi đó, Cietisoo Nguyên (Nguyễn Hữu Nguyên) khai thác nhiếp ảnh kỹ thuật số không chỉ như một công cụ mà còn là một chất liệu để tạo ra những hình ảnh phản ánh các biến động của thế giới nội tâm, giữ cho tinh thần được cân bằng và thoả mãn khao khát được tự do. Sau khi kết thúc 2 năm tu nghiệp nhiếp ảnh tại Australia, từ năm 2018, Cietisoo Nguyen tích cực tham gia các hoạt động nhiếp ảnh tại TP.Hồ Chí Minh, trong đó có triển lãm nhóm “Máy móc là tự nhiên" tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory và triển lãm cá nhân “Vi tế” tại Noir Gallery.

''Bức thư gửi mẹ’’ của anh tại triển lãm ''Salon Ánh sáng’’ là sự giãi bày chất chứa nội tâm, đồng thời cũng là cách để Cietisoo tự phục hồi và định hướng cho sự trưởng thành của mình. Bộ ảnh này ghi lại quá trình trải qua biến cố to lớn trong cuộc đời anh bằng ngôn ngữ hình ảnh mang tính trừu tượng của riêng anh, từ điểm “đầu” tới điểm “cuối” là hơn 2 năm trời. Kết thúc “bức thư” của anh là điều sâu thẳm nhất anh muốn gửi tới mẹ mình, rằng: “Mẹ ơi đừng lo, con sẽ ổn!”.

Với Trần Phương Vũ, hiện theo học ngành Phê bình Truyền thông và Hoạt động Thời trang tại Đại học Mỹ thuật London - UAL, mối quan tâm của Vũ hướng về những tác động của nghệ thuật đối với cá nhân và xã hội, và anh luôn nỗ lực hướng tới việc thúc đẩy mọi người phát triển quan điểm riêng.

Trong bộ tác phẩm đầu tay ''Cái phi lý’’ của mình, Phương Vũ muốn dùng ngôn ngữ nhiếp ảnh để tạo nên những hình ảnh siêu thực. Anh sử dụng chủ đề ảnh hoa cận cảnh vốn tưởng như đại trà của giới nhiếp ảnh, nhưng lại kết hợp với kỹ thuật hiệu ứng Sabattier (tạm hiểu là giả hiệu ứng phơi sáng quá mức) rất hiếm thấy tại Việt Nam. Qua đó, anh nói lên suy ngẫm của mình về ''cái phi lý’’ theo quan điểm của triết gia hiện sinh Albert Camus.

LÊ QUANG VINH
TIN LIÊN QUAN

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Ghe chở hoa xuân rực rỡ, tấp nập về chợ hoa trên sông lớn nhất TPHCM

KHÁNH LINH - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Từ chiều nay 25 tháng Chạp (ngày 16.1), ghe hoa từ các tỉnh miền Tây đã tấp nập cập bến Bình Đông (quận 8, TPHCM), chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” cũng chính thức khai mạc. Tết này, hoa về bến Bình Đông đa dạng về chủng loại, rực rỡ sắc màu, giá cả không tăng so với những Tết trước.