34 năm vì dân làm trưởng thôn

hữu nhân |

Thôn Nho Lâm nằm cạnh chân những ngọn núi: Cấm Cây Da, Sơn Điều, Núi Bàu, Núi Một, khi bóng chiều bao phủ xóm làng tạo nên khung cảnh khá yên bình. Trong ngôi nhà nhỏ, ông Cang cẩn thận ghi chép, dự toán kinh phí bê tông hóa tuyến đường từ trong xóm ra Đồng Nà với chiều dài khoảng 300m. Ông nhẩm tính số tiền huy động mỗi hộ dân để xây dựng con đường phẳng phiu, thoát cảnh lầy lội từ bao đời.

“Ông Nghị” làm trưởng thôn

34 năm trước, ông Cang được nhân dân thôn Nho Lâm bầu chọn làm đại biểu HĐND xã Phổ Hòa. Lãnh đạo xã thấy ông được mọi người tin yêu liền vận động ông ứng cử chức trưởng thôn để làm “cầu nối” giữa chính quyền xã với nhân dân. Khi cán bộ xã gợi ý tại buổi họp dân, mọi người đồng loạt giơ tay biểu quyết thống nhất bầu chọn ông làm trưởng thôn lúc vừa tròn 29 tuổi. Thuở ấy, phụ cấp cho cả 5 người: Trưởng thôn, phó thôn, công an thôn, thôn đội và thư ký chỉ có 20 đồng, đủ bỏ phong bì dự tiệc cưới (tương đương 200 nghìn đồng thời điểm hiện tại). Ông còn được người dân bầu vào Ban quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Phổ Hòa với phụ cấp cả tháng chỉ mươi ký khoai, lúa. Thế nhưng, ông vẫn nhiệt tình với công việc thôn xóm.

Ông luôn trăn trở với cuộc sống và điều kiện sản xuất của người dân, nhất là đường giao thông thôn xóm, nội đồng gập ghềnh vào mùa nắng và lầy lội trong mùa mưa. Trưa nắng, ông thấy nhiều người dân oằn lưng vác mía từ Đồng Soi Long Mai lội bộ qua sông Lò Bó đến điểm tập kết để bán cho nhà máy đường Phổ Phong. Ông thầm nghĩ: Giá như có con đường xe tải ra đến tận ruộng chở mía thì người dân bớt vất vả. Thế là ông xin ý kiến chi bộ Đảng rồi tổ chức họp dân vận động đóng góp kinh phí xây dựng nhưng bất thành vì cuộc sống còn nhiều khó khăn. Ông Cang mua nợ thép, xi măng đúc cống lắp đặt qua sông và đến xí nghiệp đá Mỹ Trang xin đất thực bì rồi thuê xe tải chở đến san lấp. Việc đi lại và sản xuất của người dân thuận lợi hơn trước, họ tự nguyện góp tiền trả khoản nợ xây dựng tuyến đường “bao đời mơ ước” đến lúc đó mới trở thành hiện thực.

Mọi việc luôn được ông Cang dự tính trước để tránh rắc rối về sau. Khi chia lại ruộng ở Đồng Nà, ông nêu ý kiến giữ một phần diện tích, tạm thời cho dân mượn để sản xuất và sẽ thu hồi khi có kinh phí bê tông hóa kênh mương. Đề xuất của ông được chính quyền xã và Chi bộ thôn nhất trí nhưng nhiều người nghi ngại vì “biết đến bao giờ mới làm được mương bêtông”.

Nhưng rồi mọi người lại khen ngợi ông “biết nhìn xa, trông rộng” khi cấp trên hỗ trợ 900 triệu đồng cùng khoản đóng góp của nhân dân xây dựng kênh mương. Nghe tin ấy, ông khấp khởi vui mừng nhưng lòng rối bời vì lo nghĩ: Cuộc sống của người dân còn khó khăn làm sao đủ sức đóng góp hơn 90 triệu đồng?

Sau những cuộc họp thảo luận khá sôi nổi, nhân dân đồng lòng đóng góp xây dựng tuyến kênh mương vững chắc đưa nước về tắm mát cho 40ha ruộng. Hàng năm, những thửa ruộng trên Đồng Nà với 1 vụ lúa trĩu hạt cùng 1 vụ màu xum xuê cây trái đem lại no ấm, xóm làng rộn ràng tiếng cười vui vào mùa thu hoạch.

Với tư cách là đại biểu HĐND xã và trưởng thôn, ông được tham dự nhiều cuộc họp và đã nhiều lần kiến nghị cấp trên cần định hướng sản xuất nhằm đem lại hiệu quả cao cho người dân. Khi ngành khuyến nông triển khai dự án trồng cỏ chăn nuôi bò lai, ông vận động nông dân tích cực tham gia. Những con bò lai đem lại thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng, có hộ lên đến trên trăm triệu đồng. Cuộc sống nhân dân được cải thiện đáng kể với mức thu nhập đầu người gần 27 triệu đồng/năm.

Cùng dân xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như làn gió mang hy vọng đổi đời cùng nỗi âu lo đến với ông Cang và nhân dân thôn Nho Lâm, bởi khoản đóng góp quá lớn, vượt sức của người dân quê. Ông Cang liền bàn bạc với ông Nguyễn Thành - Bí thư Chi bộ phương pháp vận động dân chung sức xây dựng nông thôn mới.

Mọi dự tính được thảo luận kỹ càng trong nhiều cuộc họp trước khi đưa ra họp bàn cùng nhân dân. Nhiều ý kiến e ngại nhưng rồi họ cũng đồng tình với khoản đóng góp chia thành nhiều đợt. Nhờ sự đồng lòng nên chỉ với 232 hộ dân trong thôn đóng góp hơn 433 triệu đồng, hiến hơn 7.100m2 đất, tháo dỡ công trình xây dựng, đốn hạ cây cối và tham gia hàng nghìn ngày công xây dựng các công trình phục vụ dân sinh.

Ông cùng ông Thành còn vận động các doanh nghiệp đóng góp hơn 105 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới. Nhân dân bầu ra Ban giám sát để theo dõi việc thu - chi mọi khoản đóng góp và công khai rộng rãi trong dân chúng. Với trên 320 tấn xi măng, hơn 550m3 đá được tỉnh và huyện hỗ trợ cùng tiền của, công sức của dân bê tông hóa 13 tuyến đường giao thông ngõ xóm với chiều dài hơn 2,3km.

Ở tuổi 63, ông Cang vẫn cầm cuốc, xẻng cùng người dân trải thảm bêtông đường giao thông dưới ánh nắng chói chang. “Ông Cang rất có trách nhiệm với công việc và làm việc rất có kế hoạch nên ông vận động nhân dân rất tốt. Các tuyến đường trong thôn đều được bêtông hóa. Nho Lâm là thôn đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới của xã...” - ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Hòa, cho biết.

Nho Lâm giờ có những tuyến đường bêtông phẳng phiu với nhiều căn nhà, tường rào, cổng ngõ xây dựng khang trang làm thay đổi diện mạo làng quê. Những lúc chuyện trò, nhiều người lại nhắc đến thuở gian khó và công sức của ông Cang đối với xóm làng. “Nhờ dân tin tưởng, nhiệt tình ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi hoàn thành nhiệm vụ. Qua đó, tôi cũng đã làm được những việc đem lại lợi ích cho bà con...” - ông bộc bạch.

“Vì dân còn thương nên chưa nghỉ”

Trọn 34 năm, ông Cang luôn tận tình với công việc của thôn xóm. Nhiều lúc mỏi mệt, ông xin nghỉ nhưng cán bộ và nhân dân động viên nên tiếp tục công việc. Niềm tin yêu của người dân trong thôn đối với ông tăng dần theo năm tháng. Hơn 7 năm trước, ông bị mắc bệnh hiểm nghèo phải nằm điều trị tại bệnh viện đa khoa Đặng Thùy Trâm (Đức Phổ, Quảng Ngãi).

Nghe tin, người dân trong thôn nườm nượp đến thăm hỏi khiến người nhà bệnh nhân và y, bác sĩ ngạc nhiên: “Ông ấy làm đến chức gì mà người đến thăm đông như thế?”.

“Lúc đó, chúng tôi lo lắng vì sợ ổng không còn đủ sức làm thôn trưởng nhưng nhờ trời thương nên giờ vẫn còn khỏe mạnh. Ổng rất là tuyệt vời, sống với dân được dân thương mến. Ổng làm thôn trưởng rất cần cù và tâm huyết, chỉ mong muốn đem lại lợi ích cho dân chứ không vun vén cho bản thân và gia đình” - bà Nguyễn Thị Diệu, một người dân trong thôn cho biết.

Khó khăn rồi cũng qua, 3 người con của ông đều trưởng thành với bao vất vả của ông cùng người vợ tảo tần. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Khai rất tự hào khi nói về chồng của mình: “Phụ cấp chỉ đủ cho ảnh đổ xăng và tiêu vặt. Lúc trước, ảnh phải bưng đèn dầu hỏa ở nhà đến nơi họp dân chứ đâu có điện như bây giờ... Miễn ảnh giúp được cho dân, được bà con thương yêu là tôi vui rồi” - bà tâm sự.

“Khi đau nặng tôi mới thấy hết được tấm lòng của người dân thương yêu mình. Giờ sức khỏe yếu tôi cũng cố gắng làm trưởng thôn để đáp lại tấm chân tình của bà con...” - ông Cang bộc bạch. Quả thật, khi cán bộ, đảng viên không tư lợi và hết lòng vì dân sẽ tạo được niềm tin yêu của nhân dân chứ không cần những lời hứa suông hoa mỹ.

“Tại các phiên họp, ông Cang nêu nhiều ý kiến tâm huyết, giúp chính quyền xã tháo gỡ những khó khăn. Ông vừa được Tỉnh ủy Quảng Ngãi mời dự hội nghị biểu dương những tấm gương bình dị và cao quý và được tặng bằng khen. Ông ấy rất xứng đáng được khen tặng như thế” - ông Võ Thanh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phổ Hòa khẳng định.

hữu nhân
TIN LIÊN QUAN

Hàng trăm khách Việt có mặt ở Thái Lan cổ vũ trận chung kết AFF Cup

Ý Yên |

Từ 17h, không khí bên ngoài sân vận động Thammasat đã nóng lên với tiếng reo hò cổ vũ của hàng trăm cổ động viên trước trận chung kết AFF Cup giữa Việt Nam và Thái Lan.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vụ việc cháu bé rơi xuống hố bê tông: Đã rút được đoạn cọc đầu tiên

PHONG LINH |

Tỉnh Đồng Tháp thông tin đã rút được được đoạn cọc bê tông đầu tiên tại công trình cầu Rọc Sen, nơi cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống trước đó.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.