12 năm tìm đồng đội ở cao điểm Chư Tan Kra

Hồ Đại Đồng (Trưởng ban LL CCB tìm đồng đội Trung đoàn 209 - Sư đoàn 1) |

Trận Chư Tan Kra (Sa Thầy, Kon Tum) kết thúc lúc mặt trời lên, đó là sáng 26.3.1968. Nhiều người lính của D7, D9 thuộc E209 và lính đặc công, lính súng phun lửa của Sư đoàn 1 đã hy sinh bên hầm hào quân Mỹ trong căn cứ FSB 14 (M2); số hy sinh ngoài cửa mở phía tây, tây-bắc cao điểm 995 tiếp tục bị xé tung lên bởi pháo bầy dày đặc.

Những người bị thương tự lăn lết xuống dốc hoặc được lính vận tải võng cáng về hướng tây cũng bị các trận địa pháo Mỹ bắn chặn, bắn đuổi.

Đa số lính Tiểu đoàn 7 đã không về lại những căn hầm vừa rời khỏi chiều tối hôm qua, ai về được cũng lầm lì, mệt mỏi. Ở đại đội 5 chúng tôi, lính hai trung đội đại liên và B41 hầu hết thương vong, dưới hầm bếp Hoàng Cầm, trên sạp lồ ô, những nắm cơm bày thành hàng trắng xoá, tiếng anh nuôi Trịnh đã khản đặc: "Chúng mày ơi! Đâu hết rồi?".

Tại trận đánh cảm tử lên căn cứ FSB14 này, lính Mỹ có quân số đông hơn khoảng hai lần, với hoả lực không thể so sánh. Đánh thiệt hại nặng được một đại đội bộ binh và một đại đội pháo Mỹ, Trung đoàn 209 và bộ đội đặc công, súng phun lửa đã phải trả giá bằng sư hi sinh của hơn hai trăm người lính trẻ, mà đa số là thanh niên Hà Nội.

Trận đánh kết thúc nhưng lại bắt đầu sự thương tiếc xót xa của những người bạn cùng trường, cùng phố, cùng nhập ngũ một ngày, cùng đánh Mỹ như khi diễn tập đánh trận giả nhưng chết lại là chết thật.

Sau 40 năm trận Chư Tan Kra, CCB Nguyễn Văn Vĩnh tìm ra tôi khi đang là Giám đốc công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Lai Châu. Chẳng ai phải vận động ai, chúng tôi đã có một đội hình CCB tình nguyện đi tìm đồng đội. Rồi các CCB Mỹ cũng tình nguyện đi cùng. Trong khó khăn, số các CCB có lúc giảm lúc tăng, nhưng nhóm chúng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc và ngày càng có thêm các nhà khoa học trẻ tham gia.

Trong bài viết này, tôi sẽ kể về cách đi tìm đồng đội của chúng tôi và những vướng mắc mong được chia sẻ, được tháo gỡ để có thêm nhiều liệt sĩ được trở về.

Ngày 9.1.2010, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị và Đại tá Đỗ Căn (nay là Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) đi xe công nông độ lên Chư Tan Kra thăm các CCB E209 - F1 đang tìm đồng đội trên núi. Ảnh: Trương Đức Bình
Ngày 9.1.2010, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị và Đại tá Đỗ Căn (nay là Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) đi xe công nông độ lên Chư Tan Kra thăm các CCB E209 - F1 đang tìm đồng đội trên núi. Ảnh: Trương Đức Bình

SỬ DỤNG THÔNG TIN TÌM LIỆT SĨ

Trong 12 năm (2009- 2021), Ban LL CCB tìm đồng đội E209 - F1 đã có 34 chuyến trở lại chiến trường, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tìm kiếm qui tập đồng đội. Chúng tôi nhận thấy, liệt sĩ dù hy sinh ở đâu, bao giờ cũng để lại những thông tin, dấu hiệu để ta có thể tìm đến. Các thông tin liên quan liệt sĩ được lưu trong nỗi nhớ của nhân dân, đồng đội; trong sử sách của các đơn vị; trong trích lục liệt sĩ và trong các báo cáo chiến trường của đối phương. Trên mặt đất là các vết tích hầm hào bom đạn; dưới lòng đất là các di vật, hài cốt, di hài di cốt. Ở chiến trường Tây Nguyên, do chiến tranh nối tiếp kéo dài, nhiều đơn vị và nhân chứng nay không còn nữa, theo thời gian địa hình địa vật cũng nhiều thay đổi, các thông tin, dấu hiệu liên quan đến liệt sĩ ngày càng hiếm và mong manh...Tuy vậy, những thông tin trong trích lục liệt sĩ của ta, trong báo cáo chiến trường của địch vẫn còn nguyên giá trị chỉ dẫn.

Danh sách trích lục liệt sĩ khi tập hợp theo từng đơn vị cấp trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc, theo thời gian hi sinh khi khớp được với báo cáo chiến trường của địch giúp ta xác thực nhiều điều về liệt sĩ: Thời gian, đơn vị, quê quán, tọa độ hy sinh, số người hi sinh, nơi an táng, mộ lẻ, mộ tập thể...

Báo cáo chiến trường của địch cập nhật theo thời gian, đơn vị, tọa độ, dữ liệu diễn biến trận đánh, thương vong của hai bên, nơi phát hiện thi thể hoặc mộ, tù hàng binh, tài liệu giấy tờ, ảnh, vũ khí thu được, tin tình báo. Ngoài ra còn có một số dữ liệu khác có thể sử dụng để phân tích tìm liệt sĩ như các thông tin tọa độ căn cứ của địch, không ảnh; tọa độ mục tiêu đánh bom pháo các đường mòn, cứ, trận địa pháo, kho tàng, nơi đặt điện đài, bệnh viện, nơi phát hiện phương tiện, lực lượng của ta... Hàng chục triệu trang tài liệu đã được giải mật của quân đội Mỹ thực sự là những tài liệu quý để tìm liệt sĩ và chúng tôi đã sử dụng thành công.

Sử dụng đồng thời thông tin Trích lục liệt sĩ của Cục Chính sách ta và Báo cáo chiến trường của quân đội Mỹ, chúng ta sẽ chủ động được trong việc vạch kế hoạch và tổ chức tìm kiếm cụ thể, bởi đã biết trước được địa hình, khu vực tìm kiếm có bao nhiêu liệt sĩ, ở những đâu, mộ tập thể hay mộ lẻ, danh sách liệt sĩ có những ai, nếu có thông tin qui tập trước đây tại cùng tọa độ, sẽ biết còn sót bao nhiêu liệt sĩ...

Ngày 3.4.2017, các CCB tìm đồng đội lên núi Chư Bok Đak sâu giữa rừng quốc gia Chư Mom Ray để tìm dấu tích nơi đặt trạm phẫu E209 tháng 4.1968. Đi cùng các CCB trong chuyến này có nhà báo Huy Minh và CCB Mỹ Ronald. Ảnh: Hồ Đại Đồng
Ngày 3.4.2017, các CCB tìm đồng đội lên núi Chư Bok Đak sâu giữa rừng quốc gia Chư Mom Ray để tìm dấu tích nơi đặt trạm phẫu E209 tháng 4.1968. Đi cùng các CCB trong chuyến này có nhà báo Huy Minh và CCB Mỹ Ronald. Ảnh: Hồ Đại Đồng

DÙNG GPS XÁC ĐỊNH TỌA ĐỘ QUÂN SỰ TRÊN THỰC ĐỊA

Từ năm đầu tiên đi tìm đồng đội, chúng tôi đã mò mẫm sử dụng báo cáo chiến trường của quân đội Mỹ, dùng bản đồ quân sự, bản đồ vệ tinh, địa bàn, thiết bị định vị GPS kết hợp với trí nhớ để tìm nơi đồng đội hi sinh. Tuy nhiên người Mỹ, có thể vì mục đích an ninh của họ đã không để lưới tọa độ vệ tinh trùng khớp với lưới tọa độ bản đồ quân sự; đồng thời lưới vệ tinh có thể dịch chuyển và có sai số khác nhau giữa các vùng miền. Vì vậy, tìm đúng vị trí tọa độ Mỹ là một việc khó khăn. Khi dùng thiết bị định vị GPS để tìm tọa độ bản đồ quân sự trên thực địa, chúng tôi cũng như các đơn vị qui tập chỉ có thể đến được một khu vực rộng 1 đến 2km2 có chứa tọa độ đó.

Để có thể dùng thiết bị định vị dẫn đến tọa độ có liệt sĩ, trước hết ta phải biết chính xác ta đang đứng ở đâu trên bản đồ. Nói cách khác, ta phải chập được làm một lưới tọa độ UTM của bản đồ quân sư Mỹ và lưới tọa độ UTM bản đồ vệ tinh Mỹ.

Sau 4 năm mày mò suy nghĩ, ngày 20.11.2017, trong chuyến tìm đồng đội cùng Ban LL và thiếu tướng Lộ Khắc Tâm tại Sa Thầy, Kon Tum, bằng cách phóng to, sau đó chia nhỏ bản đồ quân sự Mỹ tỉ lệ 1/50.000, tiếp theo, chọn tọa độ chuẩn trên bản đồ quân sự và tìm vị trí đó trên Google Earth (hoặc đi đến đúng tọa độ chuẩn đó trên thực địa). Hiệu số giữa hai lưới tại tọa độ chuẩn chính là sai số cần tìm ∆Y = +420m và ∆X = -320m. Ngay hôm đó, tôi đã đề nghị điều chỉnh kế hoạch tìm kiếm: Tổ của anh Linh cùng bộ đội C187 Sa Thầy không đi tìm đồng đội ở Chư Tan An nữa mà lên Chư Tan Kra đến tọa độ YA 939.919, tại đây, báo cáo của chỉ huy căn cứ Mỹ FSB14 (M2) ghi: "Ngày 24.3.1968 đại đội C và D Tiểu đoàn 3/8 giao chiến với quân Bắc Việt (NVA) đến 18h. 18 NVA chết". Khu vực này chúng tôi đã tìm trong nhiều năm chưa được, do đến không đúng vị trí. Tọa độ YA 939.919 trên bản đồ quân sự sau khi cộng, trừ tương ứng với ∆Y, ∆X chính là tọa độ YA 93480.92220 trên thiết bị định vị GPS. Sau ba ngày tìm kiếm, chúng tôi đã cùng Ban Chính sách Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và đại đội 187 Sa Thầy quy tập được tại nhiều hầm ở tọa độ này 15 liệt sĩ. Di hài là nhiều đất đen, di cốt còn một chiếc răng và rất nhiều di vật liệt sĩ.

Cách làm này của chúng tôi là thủ công nhưng chính xác và điều quan trọng là không phụ thuộc các phần mềm chuyển đổi tọa độ, và nếu người Mỹ, vì lý do nào đó, chuyển dịch lưới tọa độ vệ tinh thì chúng tôi sẽ phát hiện và chủ động điều chỉnh dung sai ngay được.

Ngày giỗ trận Chư Tan Kra thứ 48, 26.3.2016 trên đồi 995 (nơi quân Mỹ đặt căn cứ hoả lực FSB14, tức M2), các CCB Tiểu đoàn 3/8 Sư đoàn 4 Mỹ trao lại cho Ban LL CCB tìm đồng đội chiếc ví của liêt sĩ M2 - Hoàng Quang Lợi. Ảnh: Trương Đức Bình
Ngày giỗ trận Chư Tan Kra thứ 48, 26.3.2016 trên đồi 995 (nơi quân Mỹ đặt căn cứ hoả lực FSB14, tức M2), các CCB Tiểu đoàn 3/8 Sư đoàn 4 Mỹ trao lại cho Ban LL CCB tìm đồng đội chiếc ví của liêt sĩ M2 - Hoàng Quang Lợi. Ảnh: Trương Đức Bình

KIỂM TRA

Năm 2018, bạn trẻ Lâm Hồng Tiên chuyển cho tôi hàng chục nghìn dữ liệu đã được giải mật của quân đội Mỹ và các tọa độ có hơn 10 nghìn liệt sĩ ở Quảng Trị, Huế, Tây Nguyên và Đông Nam bộ cùng trích lục liệt sĩ của các trung đoàn thuộc Sư đoàn 1. Nhận thấy đây là một vấn đề quan trọng phải đảm bảo sự nghiêm túc và tin cậy, Ban LL chúng tôi đã tổ chức đi kiểm chứng một số tọa độ trong đó: Tại Quảng Trị, nhiều tọa độ đã có liệt sĩ được qui tập, có 2 tọa độ mộ tập thể ở Cồn Thiên và Khe Van trước đây đã khai quật sai vị trí; ở Tây Nguyên có 6 tọa độ chúng tôi đã quy tập được liệt sĩ; ở Đông Nam bộ, các tọa độ chúng tôi đến ở Lộc Ninh, Bình Long, Dầu Tiếng đều có dữ liệu trùng khớp với thực tế. Như vậy, các thông tin của quân đội Mỹ do Lâm Hồng Tiên dịch và chuyển cho chúng tôi là đáng tin cậy.

HỘI THẢO VÀ BÁO CÁO

Trong các năm 2018 - 2019, chúng tôi đồng thời tổ chức việc kiểm chứng tài liệu của quân Mỹ và báo cáo, tổ chức hội thảo về phương pháp tìm liệt sĩ tại Truyền hình Quốc phòng, VTV4, Ban LL CCB Sư đoàn 1, Sư đoàn 968 Quân khu 4 và Quân đoàn 3. Tất cả đều có nhận xét chung đây là một phương pháp khoa học có giá trị thực tiễn.

Ngày 25.9.2020, tôi được báo cáo phương pháp tìm liệt sĩ của Ban LL CCB tìm đồng đội E209 - F1 với cơ quan Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Thứ trưởng Lê Chiêm chủ trì. Đồng chí Lê Chiêm nhận xét phương pháp là khoa học, thực tế và đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hơp thực hiện.

KIẾN NGHỊ

Hiện nay chúng ta còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập. Các liệt sĩ hy sinh đến nay đều đã trên dưới nửa thế kỷ. Tại các vùng đất bazan nhiều axit và đất đá vôi, hài cốt liệt sĩ đã phân hủy hết và trở thành di hài di cốt. Chúng tôi nhiều lần đã đau lòng chứng kiến việc khai quật đồng đội lên rồi phải bỏ lại, không được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ vì không còn hài cốt. Trong khi những vật dụng như súng đạn, giày dép, tăng võng... có độ bền hơn hài cốt được gọi là Di vật liệt sĩ, còn bản thân hài cốt liệt sĩ chỉ còn là xương mục, đất đen, đất nâu lại không được gọi là Di hài, Di cốt liệt sĩ để được trở về. Như vậy liệu có công bằng cho các Liệt sĩ?

Chúng tôi đề nghị: Với các liệt sĩ hy sinh trong các trận đánh Mỹ có Trích lục khớp với tài liệu của quân Mỹ, khớp với hiện trường, đồng thời, có một trong các điều kiện: Có Di vật liệt sĩ hoặc có Di hài Di cốt liệt sĩ thì được công nhân đó là Liệt sĩ.

Chúng tôi cũng đề nghị phương pháp tìm liệt sĩ của mình là khoa học, chính xác, có hiệu quả, cần được chính thức công nhận, sớm ứng dụng vào thực tế để ngày càng có thêm nhiều liệt sĩ được trở về.

Hồ Đại Đồng (Trưởng ban LL CCB tìm đồng đội Trung đoàn 209 - Sư đoàn 1)
TIN LIÊN QUAN

Đắk Nông đang hoàn thiện hồ sơ, danh sách cho 3.287 liệt sĩ

Bảo Lâm |

Toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 3.820 liệt sĩ. Thế nhưng, hiện nay, tỉnh Đắk Nông mới cơ bản hoàn thành việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách đối với 3.287 liệt sĩ, còn 533 liệt sĩ chưa có thông tin.

Niềm vui sau 6 năm tìm lại danh hiệu Liệt sĩ cho người thân

Thanh Chung |

Sau 6 năm ròng rã, gia đình cách mạng ở Quảng Nam mới có niềm vui trọn vẹn khi phục hồi danh hiệu Liệt sĩ bị xóa cách đây 30 năm.

Thủ tướng quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 242 liệt sĩ

Phạm Đông |

Tại Quyết định số 1338/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 242 liệt sĩ thuộc Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và một số tỉnh, thành phố.

“Huyền thoại Vũng Rô” - lời tri ân gửi đến những anh hùng liệt sĩ

Thanh Hương |

Nhằm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho ngày hòa bình và độc lập, chương trình “Huyền thoại Vũng Rô” sẽ phát sóng lúc 20h10 ngày 27.7 trên kênh VTV8.

Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma mở cửa trong ngày Thương binh liệt sĩ

Phương Linh |

Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) hôm nay mở cửa đón thân nhân, các đơn vị đoàn thể vào dâng hương tưởng nhớ.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Đắk Nông đang hoàn thiện hồ sơ, danh sách cho 3.287 liệt sĩ

Bảo Lâm |

Toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 3.820 liệt sĩ. Thế nhưng, hiện nay, tỉnh Đắk Nông mới cơ bản hoàn thành việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách đối với 3.287 liệt sĩ, còn 533 liệt sĩ chưa có thông tin.

Niềm vui sau 6 năm tìm lại danh hiệu Liệt sĩ cho người thân

Thanh Chung |

Sau 6 năm ròng rã, gia đình cách mạng ở Quảng Nam mới có niềm vui trọn vẹn khi phục hồi danh hiệu Liệt sĩ bị xóa cách đây 30 năm.

Thủ tướng quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 242 liệt sĩ

Phạm Đông |

Tại Quyết định số 1338/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 242 liệt sĩ thuộc Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và một số tỉnh, thành phố.

“Huyền thoại Vũng Rô” - lời tri ân gửi đến những anh hùng liệt sĩ

Thanh Hương |

Nhằm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho ngày hòa bình và độc lập, chương trình “Huyền thoại Vũng Rô” sẽ phát sóng lúc 20h10 ngày 27.7 trên kênh VTV8.

Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma mở cửa trong ngày Thương binh liệt sĩ

Phương Linh |

Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) hôm nay mở cửa đón thân nhân, các đơn vị đoàn thể vào dâng hương tưởng nhớ.