Quy mô các dự án đầu tư FDI tăng mạnh
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KHĐT), trong 6 tháng đầu năm 2021 (số liệu tính đến ngày 20.6.2021 – thời điểm Bộ KHĐT chốt số liệu hàng tháng-PV), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 15,27 tỉ USD; có 804 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt gần 9,55 tỉ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020; 460 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,12 tỉ USD, tăng 10,63%...
Nhìn vào bức tranh tổng thể của đầu tư FDI 6 tháng đầu năm có thể thấy quy mô dự án mới tăng mạnh, vốn đầu tư thực hiện cũng tăng phản ánh những chuyển động tích cực, đúng hướng từ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chú trọng chất lượng hơn số lượng của Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương.
Chất lượng dự án FDI thể hiện qua tổng vốn đầu tư của dự án. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng dự án mới có quy mô từ 5 triệu USD đến dưới 50 triệu USD giảm 13,4%; số lượng dự án mới có quy mô trên 50 triệu USD tăng 73,3% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Theo ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê – Bộ KHĐT), điểm sáng trong bức tranh FDI 6 tháng qua là, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với 6,98 tỉ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
“Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sức hấp dẫn của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài; và là dấu hiệu tích cực của tăng trưởng kinh tế những năm tới” – ông Phạm Đình Thúy nhấn mạnh.
Những “sếu đầu đàn” về thu hút đầu tư
Điểm đáng lạc quan là, theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới đây, lần đầu tiên Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia thu hút vốn đầu tư FDI nhiều nhất trên thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,57 tỉ USD, chiếm 23,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. TPHCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,43 tỉ USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư. Cần Thơ đứng thứ ba với 1,32 tỉ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Hải Phòng, Hà Nội...
Vươn lên đứng thứ 3 cả nước về thu hút đầu tư FDI, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, để thu hút vốn FDI, Cần Thơ đã nỗ lực cải cách hành chính. Cần Thơ đã thành lập trung tâm hành chính công tích hợp, thông minh, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tìm hiểu thông tin, triển khai dự án đầu tư vào địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Bình Dương thu hút được 1,4 tỉ USD vốn đầu tư FDI (đạt 78,2% kế hoạch, tăng 65% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, Bình Dương có 3.982 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 36,8 tỉ USD.
Hà Nội cũng thu hút được nguồn vốn FDI trên 694 triệu USD. Trong đó, 171 dự án mới có số vốn 96,05 triệu USD; 78 dự án bổ sung vốn đầu tư 447,7 triệu USD.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, lưu ý có 5 dự án có tỉ trọng đầu tư lớn, hàm lượng công nghệ cao, mang lại giá trị lớn, gồm:
Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỉ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An (cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 19.3.2021).
Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỉ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ.
Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD.
Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD.
Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Hongkong), tổng vốn đầu tư đăng ký 498 triệu USD với mục tiêu sản xuất tấm quang năng và sản xuất thiết bị điện khác tại Quảng Ninh.