Số tiền mà VNG yêu cầu phía TikTok bồi thường, cụ thể là 221.514.420.000 đồng, tương đương với khoảng 9,5 triệu USD.
Đây là một khoản yêu cầu bồi thường có lẽ là lớn nhất từ trước tới nay trong các vụ kiện dân sự về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa các cá nhân với doanh nghiệp và doanh nghiệp với doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trước khi vụ VNG kiện TikTok được công bố thông tin, ứng dụng video ngắn này cũng đang đối mặt với lệnh cấm của Tổng thống Trump tại thị trường Mỹ.
TikTok là một ứng dụng video ngắn (ban đầu là không quá 15 giây) được lồng ghép nhạc, được giới thiệu ra thị trường thế giới từ những năm 2017-2018. Tuy nhiên, chỉ với khoảng hơn 2 năm, TikTok hiện đã có trên 2 tỉ lượt tải, và hơn 1 tỉ người sử dụng thường xuyên.
Tại Việt Nam, con số được TikTok công bố là đã có hơn 10 triệu người dùng, tập trung chủ yếu là giới trẻ, tuổi teen.
Gần đây, TikTok đã bắt đầu đẩy mạnh thương mại hóa bằng cách làm dịch vụ quảng cáo, truyền thông cho các cá nhân và doanh nghiệp.
Theo dự báo, năm 2020 TikTok sẽ lần đầu tiên thu về khoản doanh thu trên toàn cầu là 1 tỉ USD, con số này lên 6 tỉ USD vào năm 2021 và tăng lên vài chục tỉ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, trong quá trình tikTok bùng nổ lượng người dùng trên toàn cầu và bắt đầu có doanh thu quảng cáo, thì trên ứng dụng này cũng xuất hiện nhiều clip ngắn lồng ghép nhạc do tài khoản người dùng đưa lên.
Phía VNG cáo buộc, nền tảng video ngắn TikTok lồng ghép nhạc nhưng lại không có đầy đủ bản quyền cho các bài hát được sử dụng. Trong đó, có những bản ghi âm thuộc sở hữu của Zing – một công ty con của VNG cung cấp dịch vụ âm nhạc trực tuyến - nhưng lại không được sự đồng ý của chủ sở hữu/người nắm quyền khai thác.
Bên cạnh yêu cầu bồi thường hơn 221,5 tỉ đồng, phía VNG cũng yêu cầu TikTok phải xin lỗi công khai qua thư gửi trực tiếp và đăng trên website.
Về cáo buộc vi phạm đối với TikTok, theo đơn kiện trước đó của phía VNG, trên nền tảng TikTok có các video ngắn lồng ghép nhiều bài nhạc do Zing sở hữu bản quyền. Theo một báo cáo của Zing, có tổng cộng khoảng 150 bản ghi âm mà Zing giữ quyền sở hữu và khai thác được sử dụng trong hơn 11 triệu video trên ứng dụng và website của TikTok.
Từ đó, VNG cho rằng hành vi vi phạm trên đã gây ra thiệt hại cho công ty, với giá trị thiệt hại tương ứng khoảng hơn 221,5 tỉ đồng.
Cũng theo VNG, trước đó phía công ty này đã gửi thư khuyến cáo đến TikTok vào tháng 6.2019, song TikTok không gỡ các bài nhạc được VNG khẳng định là vi phạm.
Vụ kiện đang được Tòa án Nhân dân TPHCM thụ lí. Theo một văn bản được gửi từ Tòa án, trong vòng 15 ngày nhận được thông báo phía bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải nộp cho tòa văn bản ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ kèm theo yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập.