Việt Nam phấn đấu giữ vững vị trí á quân thế giới về xuất khẩu gạo

Phong Nguyễn |

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đạt 6,4 triệu tấn trong năm 2021, tăng 233 nghìn tấn; Thái Lan đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 400 nghìn tấn và Ấn Độ đạt 15,5 triệu tấn, tăng 940 nghìn tấn. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới, vượt lên cả Thái Lan, chỉ đứng sau Ấn Độ.

Vượt “ông lớn” Thái Lan, giữ vị trí á quân thế giới về XK gạo

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), năm 2020, Việt Nam đã XK thành công 6,15 triệu tấn gạo, mang về tổng giá trị kim ngạch 3,07 tỉ USD. Điều đáng nói là hàm lượng gạo phẩm cấp cao để XK ngày càng tăng, chất lượng gạo của Việt Nam đang chiếm được sự ưa chuộng và tín nhiệm của người tiêu dùng nhiều nước.

Điều này cho thấy, XK gạo của Việt Nam đã đi đúng hướng: Giảm số lượng và tăng giá trị. Khối lượng gạo XK năm 2020 giảm 3,5% nhưng tăng tới 9,3% về giá trị. Bước sang năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở cả Việt Nam và trên thế giới, bên cạnh đó là áp lực thiếu container rỗng, cước phí logistics tăng ảnh hưởng đến giá thành hàng hóa XK, nhưng XK gạo của Việt Nam vẫn mang về trên 1,01 tỉ USD.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4.2021 ước đạt 700.000 tấn với giá trị đạt 362 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1,9 triệu tấn với giá trị 1,01 tỉ USD, giảm 10,8% về khối lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Gạo của Việt Nam đang là một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu mang về nguồn ngoại tệ lớn đóng góp vào kinh tế chung của đất nước.

Về chủng loại xuất khẩu, trong 3 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 39,3% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 36,0%; gạo nếp chiếm 22,0%; gạo Japonica và gạo giống Nhật chiếm 2,6%, còn các loại gạo khác chiếm 0,1%.

Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines (chiếm 63,1%), Cuba (chiếm 12,6%) và Malaysia (chiếm 5,7%). Với gạo Jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines (chiếm 21,9%), Ghana (19,8%) và Bờ Biển Ngà (chiếm 16,8%). Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (chiếm 82,5%), Malaysia (chiếm 6,7%) và Philippines (chiếm 4,3%). Với gạo Japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất và nhì của Việt Nam là Đảo quốc Solomon (chiếm 11,8%) và Campuchia (chiếm 11,8%), tiếp theo là Ảrập Xê út (chiếm 8,7%)… Căn cứ tỉ lệ XK của từng chủng loại cho thấy, Việt Nam đang đẩy mạnh XK gạo phẩm cấp cao sang các nước, theo đúng chiến lược “giảm số lượng, tăng giá trị kim ngạch” theo đúng chiến lược XK gạo từ nay đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tái cơ cấu mạnh mẽ, giữ vững vị trí thứ 2 thế giới về XK gạo

Đánh giá về chất lượng gạo của Việt Nam và khả năng chinh phục thị trường quốc tế của gạo Việt, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, gạo Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực cả về số lượng và chất lượng để cạnh tranh với gạo của các nước trên thị trường thế giới. Bởi người trồng lúa và DN chế biến gạo để XK đã có sự chủ động trong việc nâng cao giá trị hạt gạo và cũng đã có sự thay đổi kịp thời các chủng loại gạo để sản xuất, đáp ứng nhu cầu, tín hiệu thị trường.

Cũng theo ông Trần Quốc Toản, trong thời gian qua các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đã có sự chủ động trong việc tìm kiếm thị trường cũng như trong việc thay đổi chủng loại gạo xuất khẩu phù hợp với nhu cầu và đáp ứng các nhu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu, đồng thời thông tin cho người nông dân để có sự điều chỉnh trong quá trình sản xuất... Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, nâng cao chất lượng hạt gạo Việt phụ thuộc vào vấn đề cốt lõi nhất, là chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Bộ NNPTNT, trong 5 năm qua ngành Nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hoá nông sản xuất khẩu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, giống cây, giống con có năng suất, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Lĩnh vực trồng trọt chú trọng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) - cho hay, đối với cây lúa, cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững với các mục tiêu: Đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng; xuất khẩu gạo đạt chất lượng và giá trị cao…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), diện tích gieo cấy lúa năm 2015 chiếm 52,4% tổng diện tích gieo trồng các loại cây, đến năm 2020 giảm xuống còn 50,3%. Diện tích cấy lúa giảm nhưng thay vào đó là sử dụng giống lúa xác nhận kèm quy trình canh tác đa dạng, thích nghi với điều kiện thời tiết nên cho năng suất cao ổn định, đáp ứng yêu cầu thị trường. Ngành nông nghiệp đã tăng tỉ trọng các loại gạo có chất lượng cao, có giá trị xuất khẩu lớn.

Năm 2020, gạo trắng thường XK chỉ còn khoảng 40% tổng kim ngạch; các loại gạo thơm, chất lượng cao chiếm trên 40% kim ngạch xuất khẩu. Việc tái cơ cấu cũng đã thúc đẩy việc lai tạo và chọn giống, lần đầu tiên Việt Nam có giống gạo thơm đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới là gạo ST25 được thế giới ưa chuộng và thị trường Mỹ đánh giá cao loại gạo này.

Các DN Việt Nam, đặc biệt là các "ông lớn" hàng đầu về XK gạo như Intimex, Trung An, Lộc Trời, Cỏ May, Vinaseed... cho biết, các DN đang khép kín chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng gạo XK. Chính chất lượng cao và nguồn cung lúa gạo dồi dào, sự cạnh tranh về giá sẽ hỗ trợ Việt Nam giữ vững vị trí XK gạo thứ 2 thế giới, khi hiện nay một số quốc gia cạnh tranh về XK gạo như Ấn Độ, Thái Lan đang bị dịch COVID-19 ảnh hưởng.

"Để giữ vị trí này, Việt Nam cũng phải làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh COVID" - ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An nói.

Phong Nguyễn
TIN LIÊN QUAN

Dự báo Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo

Vũ Long |

Xuất khẩu gạo trong quý I/2021 mang về trên 1,01 tỉ USD. Dự báo xuất khẩu gạo quý II vẫn tiếp tục lạc quan do áp lực thiếu container giảm.

Xuất khẩu gạo có thể gặp khó khăn trong thời gian tới

Vũ Long |

Mặc dù giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn một số nước, nhưng dự báo xuất khẩu gạo có thể gặp khó khăn trong thời gian tới.

Tìm lời giải vì sao xuất khẩu gạo giảm 30,4% trong quý I/2021

Vũ Long |

Xuất khẩu gạo trong 3 tháng đầu năm giảm 30,4% về khối lượng và giảm 17,4% về giá trị. Nhiều khó khăn khiến xuất khẩu gạo giảm.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Dự báo Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo

Vũ Long |

Xuất khẩu gạo trong quý I/2021 mang về trên 1,01 tỉ USD. Dự báo xuất khẩu gạo quý II vẫn tiếp tục lạc quan do áp lực thiếu container giảm.

Xuất khẩu gạo có thể gặp khó khăn trong thời gian tới

Vũ Long |

Mặc dù giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn một số nước, nhưng dự báo xuất khẩu gạo có thể gặp khó khăn trong thời gian tới.

Tìm lời giải vì sao xuất khẩu gạo giảm 30,4% trong quý I/2021

Vũ Long |

Xuất khẩu gạo trong 3 tháng đầu năm giảm 30,4% về khối lượng và giảm 17,4% về giá trị. Nhiều khó khăn khiến xuất khẩu gạo giảm.